vendredi 10 septembre 2021

Việt Nam dự định giảm phong tỏa để giữ tính hấp dẫn về đầu tư


Đăng ngày:

 

Sài Gòn, lá phổi kinh tế chiếm đến 80% số tử vong vì Covid

Cho đến đầu mùa xuân 2021, Việt Nam nằm trong số những nước chống dịch giỏi nhất thế giới : trong suốt 17 tháng, chỉ có chưa đến 4.000 ca dương tính và 35 người chết vì con virus corona trên 96 triệu dân. Trong khi các nền kinh tế lớn và những đối tác chính bị suy thoái kỷ lục, Việt Nam có được tăng trưởng 2,9% trong năm 2020. Còn năm 2021 Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ tăng lên gần 7%, tuy nhiên mới đây đã giảm xuống còn 5,2%.


Từ cuối tháng Tám, chính quyền phải phong tỏa chặt chẽ tại Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn, lá phổi kinh tế đóng góp phần lớn cho tăng trưởng quốc gia. Chỉ riêng trong tháng Tám đã phát hiện 300.000 ca dương tính, Sài Gòn và khu ngoại ô chiếm đến 80% số trường hợp tử vong. Chính quyền áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, tại nhiều khu vực ở Sài Gòn, người dân bị cấm ra khỏi nhà kể cả đi mua thực phẩm kể từ 23/08.

Các gia đình đổ xô đến siêu thị mua hàng dự trữ trong những giờ trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng, số khác tìm cách đặt hàng trên mạng. Michael Kokalari trong báo cáo cho VinaCapital ở Sài Gòn viết : « Trước các siêu thị có thể nhìn thấy những hoạt động quy mô chuẩn bị các đơn đặt hàng, cứ như là trong các nhà kho khổng lồ của Amazon ». Quân đội được huy động để tuần tra trên đường phố, phân phối các gói thực phẩm cho người nghèo và giữ các điểm xét nghiệm lưu động.

Nhà phân tích Kokalari trong báo cáo cho biết « Chính quyền tiến hành xét nghiệm đại trà và muốn tiêm chủng 70% cư dân trưởng thành ở Sài Gòn với ít nhất một liều từ nay đến 15/09 ». Cho đến cuối tháng Bảy, vẫn chưa đạt nổi 20% trong khi Sài Gòn được cho là ưu tiên, còn ở tầm quốc gia, chỉ có 3,6% dân số được tiêm chủng đủ hai liều.


Giảm bớt phong tỏa để tiếp tục thu hút đầu tư

Tập trung cho thành phố lớn nhất nước ở miền Nam, chính quyền hy vọng nhanh chóng tái thúc đẩy hoạt động tại các khu công nghiệp, nơi có nhà máy của các tập đoàn lớn trên thế giới về điện tử, xe hơi, dệt may. Tại nhiều khu công nghiệp, các nhà máy không đóng cửa hẳn mà hoạt động chậm lại. Dhiraj Nim ghi nhận « sản xuất sụt giảm bốn tháng liên tiếp, và các dữ liệu vào đầu tháng Chín không tốt đẹp ». Tất nhiên là xuất khẩu cũng thụt lùi.

Để không dừng các dây chuyền sản xuất, nhiều tập đoàn chọn lựa « ba tại chỗ » : công nhân ăn ở tại nơi làm việc, tránh tiếp xúc bên ngoài. Ê-kíp VinaCapital kể rằng từ đầu tháng Bảy, họ thấy nhiều chiếc xe buýt mỗi ngày đưa đón công nhân từ khách sạn ở Sài Gòn đến nhà máy ở ngoại ô. Việc này giúp Samsung, Panasonic hay Sanyo có thể duy trì, tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, quốc gia thu hút phần lớn các dự án trước đây dành cho Trung Quốc.

Les Echos cho biết không một công ty ngoại quốc nào đặt lại vấn đề, tin rằng sẽ nhanh chóng vượt qua được khủng hoảng dịch tễ. Trên các số liệu chính thức, luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ổn. Các nhà kinh tế của ANZ Research khẳng định « Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại quốc tế vẫn không suy suyển ».


Bắc Kinh đối mặt với « con tê giác xám »

Phục hồi kinh tế nước Pháp là mối quan tâm của nhiều tờ báo Paris hôm nay. Le Figaro chạy tựa « Hồi phục kinh tế mong manh vì thiếu lao động », Libération chú ý đến « Tầng lớp lương thấp bị bỏ quên trong tái thúc đẩy kinh tế ». Nhật báo La Croix lo ngại nguy cơ lạm phát, làm ảnh hưởng đến sức mua, Le Monde nói về những khó khăn của tập đoàn đường sắt Pháp SNCF khi phải thay đổi để cạnh tranh.

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đưa lên trang nhất việc « Bắc Kinh lo lắng một trận động đất lớn về tài chính ». Trong bài xã luận « Bắc Kinh đối mặt với con tê giác xám », nhật báo kinh tế Pháp dự đoán chính quyền Trung Quốc sẽ phải cứu Evergrande, tập đoàn địa ốc đang nợ nần ngập đến tận cổ.

Tờ báo ví von, không phải một con thiên nga đen đang đe dọa Bắc Kinh mà là một con tê giác xám có tên Evergrande tức Hằng Đại (Hengda), hiện đang nợ trên 250 tỉ euro. Các cơ quan thẩm định tài chính lần lượt đánh sụt tỉ lệ tín nhiệm, và Evergrande khó thuyết phục nổi các cổ đông bỏ thêm tiền vào, khi cổ phiếu từ đầu năm đến nay đã bay mất 3/4 giá trị.


Cứu hay không cứu một tập đoàn tư nhân ?

Tập đoàn của Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) với doanh số 110 tỉ đô la trong năm 2020, có đến 1.300 dự án trên toàn quốc. Evergrande liên tục vay tiền để mua đất và bán nhanh các căn hộ dù lời ít. Nếu phá sản sẽ tác động lớn vào thị trường lao động, vì có đến 200.000 nhân viên và tuyển dụng 3,8 triệu lao động mỗi nãm. Khó khăn của Evergrande là từ các biện pháp siết chặt của Bắc Kinh nhằm giảm cơn sốt địa ốc : Nhà nước cấm bán các căn hộ nếu chưa xây xong. Chuyên gia Yan Yuejin trên Le Figaro nhận định tập đoàn này không đánh giá đúng sự cương quyết của chính quyền.

Trường hợp này cũng tương tự như New Century Financial, từng đứng thứ nhì về tín dụng địa ốc ở Hoa Kỳ trước khi phá sản năm 2007, khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính với sự sụp đổ của Lehman Brothers 18 tháng sau. Vấn đề bây giờ là chính quyền Trung Quốc sẽ làm gì. Cách đây 15 năm, Trung Quốc không ngần ngại tung ra hàng trăm tỉ euro để cứu bốn ngân hàng quốc doanh, nhưng Evergrande là biểu tượng của lãnh vực tư nhân.

Tập đoàn này « too big too fail », quá lớn để có thể cho sụp đổ, với nguy cơ tác động domino nơi các nhà cung cấp và tổ chức tín dụng. Bắc Kinh như vậy sẽ phải hình dung ra cách thức để cứu. Khi Washington cứu vãn Fannie Mae và Freddie Mac hôm 08/09/2008, hai tập đoàn này nợ đến 5.000 tỉ đô la, mỗi cuối tháng phải trả 200 tỉ đô ! Bắc Kinh vẫn có thể bơm cho Evergrande nhiều trăm tỉ đô la, và thách thức thực sự không phải là tài chính mà là chính trị.


Đối lập tuyên chiến với tập đoàn quân sự Miến Điện

Tại Đông Nam Á, Le Monde chú ý đến việc « Đối lập Miến Điện tuyên chiến với tập đoàn quân sự » : người đứng đầu chính phủ do phe chống đối lập nên, kêu gọi kháng chiến vũ trang chống lại giới quân sự cầm quyền.

Duwa Lashi La, một luật sư người Kachin hồi tháng Tư được đề cử làm « tổng thống lâm thời » của chính phủ đoàn kết quốc gia (NUG), trên Facebook người dân « từ mọi miền đất nước » nổi dậy chống lại chính quyền của tướng Min Aung Hlaing. Ông cổ vũ công chức rời nhiệm sở, quân nhân tham gia kháng chiến.

Lời kêu gọi « chiến tranh tự vệ » còn hướng đến phong trào vũ trang của đối lập, « lực lượng bảo vệ nhân dân » (PDF), một mạng lưới gồm nhiều nhóm khác nhau từ nhiều tháng qua tiến hành chiến tranh du kích, và khoảng 15 nhóm thiểu số vũ trang đang kiểm soát khu vực biên giới với Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Một số như nhóm Karen vẫn xung đột với Tatmadaw (quân đội) từ khi Miến Điện độc lập năm 1948 đến nay.

Từ nhiều tuần qua, mạng xã hội sôi sục với « D-Day ». Nhưng trước một quân đội từng không ngại thẳng tay với thường dân, thành công của kháng chiến tùy thuộc nhiều biến số, nhất là khả năng đoàn kết và một bộ chỉ huy có năng lực – hiện thời một nhà thơ, cựu tù chính trị Yee Mon đang nắm chức bộ trưởng quốc phòng của NUG. Bên cạnh đó là mức độ tham gia của các tổ chức thiểu số vũ trang. Sự xuất hiện của PDF đã làm thay đổi tình trạng xưa nay : giờ đây quân đội phải đối mặt cả với người Bamar, chủng tộc chiếm đa số ở Miến Điện. Theo nhà nghiên cứu Ye Myo Hein, NUG cần phải chiếm được lòng tin của các nhóm thiểu số, trong khi đa số các chính khách Bamar lâu nay vẫn nghĩ rằng chủ quyền đất nước thuộc về họ.


Afghanistan : Các khuôn mặt lão làng Taliban áp đặt ách thống trị

Cũng tại châu Á, các báo Pháp đều chú ý đến chính quyền lâm thời ở Afghanistan do Taliban lập nên. Le Figaro nhận xét, các « lão thành cách mạng » Taliban áp đặt ách thống trị tại Kabul. « Các cựu chiến binh Taliban lãnh đạo Kabul », tựa của Le Monde.

Giáo chủ Hassan Akhund, người đã ra lệnh phá hủy tượng Phật nổi tiếng ở Bamiyan trở thành thủ tướng, Abdul Ghani Baradar, cánh tay phải của giáo chủ Omar duy trì vị trí số hai của phong trào, Sirajuddin Haqqani, bộ trưởng Nội vụ là thủ phạm những vụ tàn sát đẫm máu nhất, con trai giáo chủ Omar mới khoảng 30 tuổi làm bộ trưởng Quốc phòng. Bộ phụ trách các vấn đề phụ nữ bị xóa sổ, thay bằng bộ Đức hạnh.

Le Monde cho rằng đây là thất bại của các thủ lãnh Taliban đã từng hứa hẹn một « chính phủ hòa hợp ». Bị hoãn công bố rất nhiều lần, chính phủ này rốt cuộc gồm toàn nam giới, là các cựu chiến binh người Pachtoune đã từng chiến đấu trong những năm 1990.

Chính phủ được cho là lâm thời này sẽ ngự trị vô thời hạn, vì không có lịch trình bầu cử nào được đưa ra. Một người có trách nhiệm của Taliban nói thẳng với Reuters là không có bất kỳ hệ thống dân chủ nào cũng không có đối thoại về vấn đề này, tất cả phải theo luật charia của Hồi giáo. Lần đầu tiên từ 20 năm qua Afghanistan không còn là một nước cộng hòa.


Bộ trưởng Giáo dục Taliban khoe lãnh đạo không cần đi học

Nhà phân tích Obaidullah Baheer khẳng định trên Le Figaro : « Không thể lãnh đạo chính phủ với các giáo chủ Hồi giáo. Nếu Taliban không có các chuyên gia, Afghanistan có thể suy sụp ». Bộ trưởng Giáo dục hôm qua còn khoe : « Lãnh đạo đất nước là những người bao giờ đến trường đại học thậm chí trung học. Giáo dục không làm nên tích sự gì cả. Nếu ngoan đạo thì sẽ được tôn trọng ».

Ngược với những năm quảng bá đánh bóng hình ảnh với phương Tây, Taliban chừng như đã quên mất những lời hứa với người dân và cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà báo đã bị hành hung, bắt giam hay tra tấn khi đi đưa tin về cuộc biểu tình hôm qua. « Các chuyên gia nhất là người nước ngoài đã tin vào Taliban 2.0 đã bị lừa : vừa nắm được quyền hành là phe này sẽ trưng ra ngay bộ mặt thật không cần che giấu ». Omar Sadr, giáo sư trường đại học Mỹ ở Kabul nói với Le Figaro như vậy, trước khi nhà trường bị đóng cửa khi phe du kích cực đoan này chiếm Kabul.

Bài phóng sự của tờ báo nói về thực trạng cuộc sống tại Afghanistan hiện nay, mặc cho những lời lẽ ngon ngọt của Taliban nhằm không bị cắt đứt nguồn viện trợ quốc tế. Rất ít bóng dáng phụ nữ trên đường phố, các tiểu chủ là nạn nhân đầu tiên : chiến binh Taliban cấm thợ hớt tóc cạo râu cho khách hàng, khách nữ đi taxi bị đuổi xuống, các cửa hàng thời trang vắng bóng khách mua vì sợ sẽ không còn được dùng đến các trang phục phương Tây…

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.