vendredi 10 septembre 2021

GS Nguyễn Văn Tuấn - Tản mạn: Phong tỏa kiểu Việt Nam và kiểu Úc

 

Không nói ra thì có lẽ đa số các bạn đều biết có nhiều khác biệt về quy định phong tỏa giữa hai nơi. Tôi thấy cách phong tỏa và chống dịch ở Việt Nam là công an hóa, còn Sydney là dân sự hóa.

Nơi tôi ở, Sydney, là một thành phố chừng 5,3 triệu dân, rất đa dạng về sắc tộc và văn hóa. Có hơn 20 sắc tộc khắp nơi trên thế giới đang sinh sống ở Sydney. Tôi không rõ có bao nhiêu người Việt ở Sydney, nhưng điều tra dân số nhiều năm trước cho thấy người gốc Việt chiếm khoảng 1,8% dân số, suy ra có khoảng 95.000 người Việt ở Sydney. Sở dĩ tôi nói về sắc tộc là vì một thành phố đa văn hóa như vậy rất khó quản lý trong mùa dịch.

Sydney bị phong tỏa từ đầu tháng 7/2021. Thoạt đầu họ nói chỉ phong tỏa 2 tuần, nhưng sau đó số ca tiếp tục tăng, họ 'gia hạn' thêm 2 tuần, rồi lại gia hạn thêm 4 tuần, rồi ... không còn hứa hẹn nữa. Nhưng hôm qua thì Nội các chánh phủ tiểu bang New South Wales đã đồng ý bắt đầu dỡ phong tỏa từ ngày 13/9 (tức thứ Hai tuần tới) dù số ca vẫn còn tăng mà không giảm. Họ dỡ từ từ, chớ chưa quay lại bình thường như trước được.

1. Phong tỏa kiểu Úc

Theo tôi thấy, 'phong tỏa' ở đây có lẽ được xếp vào nhóm 'phong tỏa mềm' (soft lockdown). Quy định chung là người dân không được ra khỏi nhà, nhưng vẫn có khá nhiều ngoại lệ. Những ngoại lệ này nhiều đến nỗi phức tạp, ví dụ như:

• một số doanh nghiệp thiết yếu được mở cửa; nhà hàng và quán ăn vẫn mở cửa nhưng chỉ bán đồ mang về chớ không được ngồi tại chỗ;

• người ta vẫn được ra khỏi nhà đi chợ (chỉ 1 người) trong vòng 5 km, đi bệnh viện, đi khám bệnh, v.v;

• vẫn có người được đi làm nếu việc làm của họ được xem là 'thiết yếu' (như y tế, siêu thị, cảnh sát chẳng hạn);

• người làm nghề không thuộc nhóm thiết yếu (như đại học, viện nghiên cứu) vẫn có thể đi làm nhưng công việc người đó được xem là cần thiết và phải được phép nơi làm việc; người đi làm phải xét nghiệm mỗi 3 ngày, và chi phí xét nghiệm hoàn toàn miễn phí;

• người ta vẫn có thể ra khỏi nhà tập thể dục, nhưng phải đeo khẩu trang.

Thành ra, khi đi chợ địa phương, tôi thấy hàng quán vẫn khá đông khách, dù không còn khách ngồi bàn cà phê tán gẫu nữa (vì chỉ bán đồ mang đi). Các hàng quán Việt Nam vẫn mở cửa và có thể nói là khá tấp nập.

Cảnh sát cũng có đi tuần tra, nhưng họ chỉ can thiệp khi thấy nghi ngờ hay có vi phạm rõ ràng. Cảnh sát vẫn phải tuân thủ các quy định trong thời phong tỏa như giãn cách và đeo khẩu trang.

Có hôm tôi đi chợ và thấy một trao đổi mà ... mắc cười. Anh chàng cảnh sát đang đứng xếp hàng chờ mua bánh mì thịt từ một quán Việt Nam (bánh mì thịt bên này rất nổi tiếng). Anh ta nhắc nhở mấy người đứng trước anh ta là nhớ đứng cách nhau 1,5 mét. Một cô gái trẻ (chắc là người Việt) đứng trước anh ta bèn quay lại nhắc khéo rằng "Ê! anh không đeo khẩu trang!" Anh chàng cảnh sát cười hề hề, giơ ngón tay lên hàm ý khen, và nói: "Tôi xin lỗi, tôi quên. Good one!" 

Ở Sydney, mấy người lãnh đạo dành ra khoảng 1 giờ mỗi ngày để họp báo và báo cáo với công chúng về số ca nhiễm, số ca nhập viện và số ca tử vong. Họ còn báo cáo những gì chánh phủ đang làm và sẽ làm. Họ không chỉ báo cáo, họ còn phải trả lời những câu hỏi của giới truyền thông. Mà, giới truyền thông phương Tây có những người rất ... khó tánh.

Tôi nhớ trong một buổi họp báo, ông Thủ hiến Victoria tỏ ra bực bội và nói rằng ông không hiểu tại sao người dân Victoria xuống đường biểu tình và phản đối. Rồi ông hỏi "Họ phản đối ai, họ chống ai?"

Một nhà báo trong buổi họp báo nói gọn lỏn: "YOU".

Ý nói rằng họ chống ông, chớ chống ai. Ông Thủ hiến tỏ ra lúng túng, và không biết trả lời sao.

2. Phong tỏa kiểu Việt Nam

Tôi không rõ quy định phong tỏa ở TPHCM như thế nào, nhưng nghe các bạn trong nước nói, đọc báo và xem qua các video clip thì thấy quá ư khắc nghiệt. Những con hẽm bị rào dây kẽm gai, những con đường quen thuộc trong thành phố bị rào chắn bằng sắt. Chẳng những vậy, người ta còn lập ra các chốt canh gác (hình như là 24/24), với những người mặc đồ bán quân sự đeo băng đỏ (gợi nhớ những ngày tháng sau 1975).

Trên lý thuyết, người dân được phép ra khỏi nhà nếu có nhu cầu cấp cứu hay khám bệnh. Nhưng trong thực tế thì hình như không phải vậy. Bởi vậy mới có câu chuyện ái nữ của ông Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chết tại nhà vì không đi cấp cứu được. Bởi vậy mới có chuyện một người ở Hà Nội (?) bị chết vì đau ruột thừa, do không đi bệnh viện được.

Đó chỉ là một vài trường hợp được tường thuật qua mạng 'truyền thông lề dân', chớ tôi nghi rằng trong thực tế có nhiều nhiều trường hợp như trên. Chưa ai biết bao nhiêu người đã bị chết oan trong thời gian phong tỏa vì những quy định cứng nhắc, hay vì những con người có quyền nhưng thiếu trái tim thấu cảm nỗi khổ của người dân.

Qui định chung được đặt ra bởi chánh phủ, nhưng khi về tới địa phương thì có nơi hiểu mỗi khác và làm khổ thường dân. Câu chuyện về bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu ở Nha Trang chỉ thể hiện bề nổi của một hiện tượng lộng quyền của những người có chức quyền ở địa phương trên khắp nước.

Ở Việt Nam, công an và dân phòng vốn đã có nhiều quyền, nhưng trong mùa dịch và phong tỏa, họ càng có nhiều quyền hơn. Họ có thể chận xe của bác sĩ đang trên đường đi cấp cứu và nhẩn nha làm khó nạn nhân. Thái độ của họ dường như cho thấy họ không mấy quan tâm đến hậu quả: hành động của họ có thể dẫn đến cái chết cho người khác.

Có những video clip về việc vây bắt những người bị nghi ngờ nhiễm rất ư là phản cảm. Một người có lẽ vì không chịu nổi cuộc sống trong khu cách ly tập trung nên đi ra ngoài, và thế là một nhóm gồm cả chục người công vụ ùn ùn đuổi theo vây bắt cho được. Rồi cảnh tượng một nhóm người công vụ hùng hổ đập phá nhà dân chỉ để bắt cho được một người phụ nữ trong đó vì tình nghi là 'F0'. Trông rất bi hài và chẳng khác gì bên Vũ Hán.

Theo tôi biết thì ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) người dân không được ra khỏi nhà để đi chợ, mà có người đi chợ thế. Thành ra, mới phát sanh ra nghề 'shipper' và biết bao câu chuyện bi hài về đi chợ của các shipper dân sự cũng như quân sự.

3. Phương thức chống dịch khác thường

Nghĩ lại, tôi thấy cách thức chống dịch ở Việt Nam có những đặc điểm chánh là: quân sự hóa và công an hóa, hình thức hóa, và thành tích hóa. 

Quân sự hóa

Điều này thể hiện khá rõ qua cách ví von và ngôn ngữ. Người ta nói đến trường học như là những 'pháo đài chống dịch' nhưng ý nghĩa thì chẳng ai biết là gì. Làng xã, thị trấn cũng là pháo đài luôn!

Người Việt Nam hay nói "Chống dịch như chống giặc", nhưng có lẽ ít ai chịu khó suy nghĩ câu này nó hợp lý hay không. Rõ ràng là không. Con virus không phải là giặc hiểu theo nghĩa 'kẻ thù' cố ý tấn công và tiêu diệt chúng ta. Virus là một loại vi sinh vật tiến hóa khôn lường, và chúng tấn công chúng ta qua ... chúng ta. Tức là qua con người. Chúng phải lây lan, nhân bản, và lây lan thêm nữa. Chúng cạnh tranh với chúng ta để tồn tại, và cách chúng cạnh tranh là tiến hóa.

Công an hóa

Hình ảnh dịch bệnh ở Việt Nam trong mùa phong tỏa là ... công an. Có vẻ như họ có mặt mọi nơi và mọi lúc. Dĩ nhiên, công an và cảnh sát có vai trò quan trọng trong việc duy trì các qui định phong tỏa của chánh phủ. Ở các nước dân chủ, những cảnh sát là những nhân viên dịch vụ. Nhưng ở Việt Nam, công an và cảnh sát không phải là dịch vụ, mà là bán quân sự.

Và, với tâm lý quan quyền, họ có thể gây khó khăn cho nhiều người. Rồi nay thêm chuyện 'giấy thông hành' càng cho công an cái quyền gây phiền toái cho nhiều người hơn nữa. Thay vì tập trung chống virus và kiểm soát dịch, người ta sử dụng công an để kiểm soát dân.

Người ta bị nhiễm và cần được điều trị, nhưng đối với công an thì họ chỉ có 'bóc' và 'tách'. Tức là họ phi nhân cách hóa bệnh nhân. Dùng công an để kiểm soát y tế công cộng không bao giờ là một chủ trương tốt, vì y tế công cộng là thuộc về y tế, chớ không phải công an.

Hình thức hóa

Có thể kể ra nhiều câu chuyện về hình thức hóa trong trận dịch lần này. Tiêu biểu là việc đưa mấy em sinh viên từ miền ngoài vào Sài Gòn để chống dịch, trong khi ở ngay Sài Gòn có nhiều sinh viên và y tế tư nhân kinh nghiệm cao chưa được trưng dụng. Rồi, người ta làm những trò như giơ nắm tay lên trong máy bay, giống như một nhóm quyết chiến vào 'giải phóng miền Nam'.

Cùng với hình thức hóa là tuyên truyền hóa. Tuyên truyền thì phải nói là 'nghề' của mấy vị tuyên giáo, nhưng tuyên truyền trong mùa dịch xem ra có nhiều điều hài hước. Hình ảnh lính đi mua thực phẩm và đẩy xe thồ đi phát thực phẩm chẳng thuyết phục ai mà còn gây ấn tượng hình thức hóa và tuyên truyền.

Vui nhứt là giới nhạc sĩ cũng nghĩ cho được chương trình 'Tiếng hát át Covid' (chắc là bắt chước 'Tiếng hát át tiếng bom' thời xưa?) và họ chế ra những bài hát với lời ca rất ư ngô nghê và dung tục. Nhưng có lẽ đó chỉ là một biểu hiện của thành tích hóa mà thôi.

Thành tích hóa

Cách đây không lâu người ta lan truyền một video clip mà trong đó một lãnh đạo cấp tỉnh doạ cấp dưới rằng nếu để vùng danh thành vàng (hay đỏ?) thì ông sẽ kỷ luật hết. Rồi có nơi người ta giao cho địa phương mỗi ngày phải xét nghiệm bao nhiêu người. Tức là thay vì theo đuổi mục tiêu kiểm soát dịch, người ta theo đuổi con số để ghi thành tích. Mà, ai cũng biết rằng khi mục tiêu được biến thành một con số thì mục tiêu đó sẽ không còn ý nghĩa thực tế nữa.

Có thể nhiều bạn sẽ nói không thể so sánh Sydney với TPHCM được vì có quá nhiều khác biệt về mật độ dân số, kinh tế và văn hóa. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Chưa đủ là vì câu hỏi là 'có nên phong tỏa hay không?' Có người hay lấy lý do là người Việt rất 'cứng đầu' nên phải áp dụng biện pháp mạnh, chớ làm như Sydney thì chắc sẽ loạn. Lý giải kiểu này chắc chắn được nhà cầm quyền rất ưu ái, nhưng đó chỉ là một giả định. 

Người ta hay nói 'dân nào thì chánh phủ đó', nhưng tôi thì nghĩ 'chánh phủ thế nào thì dân thế đó'.

Hơn 100 năm trước Toàn quyền Pháp Paul Giran nhận xét rằng dân tộc An Nam rất nhẫn nhục và chịu đựng. Ông giải thích rằng vì tính chịu đựng tốt nên người An Nam không có ý chí phản kháng. Họ (người An Nam) rất sợ quyền lực, rất quỵ lụy trước người có quyền thế, cho dù là người có quyền thấp nhứt. Giran còn nhận xét rằng người An Nam vô cảm và lãnh đạm. Ông lấy trường hợp những bệnh nhân phong cùi 'bị đuổi ra khỏi nhà như súc vật' để minh họa cho sự vô cảm. Nhìn cảnh người nhiễm virus bị đối xử hiện nay ở Việt Nam cũng có khác gì đâu.

Tóm lại, như các bạn thấy có nhiều khác biệt về phong tỏa giữa Sydney và TPHCM. Cách phong tỏa của Sydney theo tôi thấy thì khá nhẹ nhàng, nhưng ở TPHCM thì quá khắc nghiệt. Cách chống dịch ở Sydney được y tế hóa, còn ở HCM thì công an hóa. Sydney chỉ quan tâm đến thực chất, còn Việt Nam thì đặt nặng tuyên truyền và hình thức. Phong tỏa ở Sydney là hạn chế đi lại, nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh là giam cầm. Do đó, không ngạc nhiên khi ký giả Pháp ví von Hà Nội như là một nhà tù lộ thiên!

Dĩ nhiên, Sydney và TPHCM có thể chế chánh trị rất khác nhau, nhưng việc chống dịch là vấn đề của y tế công cộng hơn là chánh trị. Cảnh sát hóa và tuyên tuyền hóa một vấn đề y tế công cộng là thể hiện sự lạc hậu. Đừng để giới quan sát quốc tế nhìn Việt Nam như là một nước lạc hậu.

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 10.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.