Hôm nay như thường lệ, vẫn viết nhật ký những ngày Sài Gòn bị phong tỏa, nhưng sẽ không đăng được trên Facebook như mọi lần. Không hiểu vì lý do gì Facebook ra thông báo chặn không cho phép tôi đăng status, messenger, comment trong 3 ngày mà không giải thích lý do.
Chỉ thông báo là: "Tài khoản của bạn bị hạn chế trong 3 ngày. Các bài viết trước đây của bạn không tuân thủ Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi. Do đó, bạn không thể thực hiện các thao tác như đăng hoặc bình luận".
Thế là thế nào, tôi không hiểu tôi đã vi phạm điều gì về cái gọi là Tiêu chuẩn cộng đồng. Tôi không chửi rủa ai, không chia sẻ bạo lực, kích động và phản cảm, không lừa đảo, không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, không đăng hình khỏa thân, không vi phạm thuần phong mỹ tục trong các bài viết của mình. Thế tại sao ngăn chặn tôi, tôi không trả lời được.
Bạn bè tôi cho rằng có ai đó không ưa các bài viết của tôi nên report tôi với Facebook. Tôi nghĩ không lẽ chỉ vì có một cá nhân nào đó, vì một lý do cũng rất cá nhân mà báo cáo, thì ít nhất Facebook cũng phải tìm hiểu, xem xét trước khi ra quyết định chứ. Nếu sử dụng thuật toán để theo dõi và kết luận thì cũng phải có lý do cụ thể, chính xác. Không thể có quyết định võ đoán và phi lý như thế được.
Cấm đăng nhưng không thể không viết, khi nào giải tỏa thì đăng, cũng chẳng sao. Chỉ không vui là những tin không còn nóng hổi, mà tin không được phổ biến tức thì cũng chẳng còn là tin tức nữa mà là tin thiu. Chỉ tiếc thế thôi.
Trên báo chí mấy ngày nay viết nhiều về chuyện đã chích vaccin nhưng không được Sổ sức khỏe điện tử thông báo. Theo kế hoạch, khi thành phố giảm giãn cách thì có chứng nhận chích đủ 2 mũi mới có thể đi làm việc hay sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng nếu sử dụng tấm giấy xác nhận mỏng manh do địa điểm tiêm chủng cung cấp chắc chắn không thể dùng lâu dài được. Tuy nhiên ngoài mảnh giấy đấy thì chẳng có gì để chứng minh đã chích ngừa.
Không hiểu người ta làm gì mà chỉ có một cái App đơn giản thế mà cũng làm không xong, khi lúc nào cũng nói tới chuyện 4.0 với 5.0. Báo Tuổi Trẻ ngày 13.9 đăng tin hiện vẫn còn khoảng 2 triệu mũi chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu. Trong 4 ngày, Cổng thông tin tiêm chủng có 800.000 người dùng phản ảnh gặp rắc rối khi sử dụng cổng này truy vấn thông tin. Theo hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế và CDC TP.HCM, rất nhiều người đã gởi cập nhật thông tin nhưng liên tục bị trở ngại vì bị lỗi phần mềm.
Trong phiếu thông tin để bổ sung lại yêu cầu cung cấp lô vaccin đã chích. Ôi trời, ai mà biết được cái lô thuốc này, chưa chắc mấy người cầm kim chích đã biết hay còn nhớ, giờ bảo điền vào thì điền làm sao. Lại thêm yêu cầu điền địa điểm tiêm chích, nhưng chỉ cho phép cuộn lên từ danh sách có sẵn, mà tìm đến lòa con mắt cũng chẳng thấy địa điểm nào của thành phố. Chỉ thấy toàn địa điểm lạ hoắc ở tận xứ nào. Do vậy không gởi đi được.
Tiêm lần 1 hồi đầu tháng Tám, thì Sổ sức khỏe hiện lên màu vàng chứng nhận đã tiêm mũi 1, kèm số lô và địa điểm nghiêm chỉnh và tức thì. Nhưng mấy ngày sau lại mất rồi lại hiện. Đến khi chích mũi 2 thì chẳng thấy gì. Rồi lại mất luôn dữ liệu, lại cung cấp thông tin, gọi đến đường dây nóng y tế 19009095 để phản ánh nhưng không ai bắt máy. Gọi luôn cho 1022 theo hướng dẫn cũng chẳng ai trả lời. Điền thông tin theo trang web thì không gởi được vì thiếu thông tin lô vaccin và địa điểm. Rối tung lên. Là người sử dụng vi tính lâu năm lắm rồi mà tôi cũng đành chịu, chẳng biết làm sao để cập nhật cho bản thân mình.
Theo thông tin trên báo toàn quốc hiện có 11.400 điểm tiêm chủng tại xã phường và 1.500 bệnh viện các tuyến, phần lớn số này đã triển khai tiêm chủng vaccin. Nhưng qua rà soát trên Cổng thông tin tiêm chủng với 808 trang tra cứu điểm tiêm, chỉ thấy hệ thống cập nhật được 8.078 điểm tiêm. Thiếu khoảng 5.000 điểm tiêm chưa cập nhật lên cổng. Và vẫn còn khoảng 2 triệu mũi chưa nhập liệu. Nghe đồn là phần mềm này chưa hoàn chỉnh, vừa làm vừa sửa và hình như là chưa được nghiệm thu. Thế mà đã tung ra xài và sắp tới hàng chục triệu người dân phải lệ thuộc vào nó để làm việc, di chuyển trong và ngoài nước. Đơn vị cung cấp phần mềm cho biết sẽ phối hợp với các cơ sở tiêm chủng cập nhật thông tin tiêm chủng từ bản giấy lên cổng, và cho rằng lý do chậm trễ và nhầm lẫn là do các đơn vị báo lên trễ hoặc sai sót.
Thật ra để thực hiện việc thống kê và cập nhật thông tin đâu có gì khó khăn. Trước hết, điểm tiêm chủng nào cũng đã có danh sách người tiêm chủng, quy định là phải có tên thì mới được tiêm. Nếu làm theo cách thủ công thì người nào đã chích xong, bộ phận phụ trách tại điểm chích đánh dấu vào, và gởi đi cho đơn vị thực hiện tiếp công đoạn cập nhật hàng ngày.
Hiện đại hơn chút nữa, mỗi điểm tiêm chích có một laptop hay iPad, hoặc cái điện thoại cũng được. Những thiết bị này kết nối với tổng đài của phần mềm. Khi một người chích xong sẽ được gởi tên tuổi, loại thuốc, lô thuốc và ngày giờ chích đến tổng đài. Trước đó, phần mềm đã ghi sẵn từng điểm chích kết nối. Chích đến đâu được ghi nhận liền đến đấy, cập nhật liên tục, và cuối ngày khi các điểm tiêm chủng xong việc cũng là lúc phần mềm đã có đủ dữ liệu để hoàn chỉnh.
Tình trạng bát nháo, rối lung tung hiện nay là do khâu tổ chức quá kém, phần mềm lại quá dở, người phụ trách lại thiếu tính khoa học trong quá trình vận hành. Một chuyện nhỏ như thế mà làm mãi không xong, thì làm sao mà thực hiện cho nổi yêu cầu của ông Vũ Đức Đam là tập trung tất cả vào một app hay một mã code, mang lại thuận tiện cho người dân cũng như lực lượng kiểm tra và theo dõi. Chán như con gián.
Cho đến hôm nay, mong sau 15.9 được giảm giãn cách ở Sài Gòn xem như không thực hiện được rồi.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thành phố xin thêm thêm 2 tuần để kéo giảm số F0 đang cần điều trị và những người vừa tiêm vaccin kịp tạo kháng thể. Theo ông Nên, để tiến đến trạng thái "bình thường mới" trong bối cảnh dịch vẫn tồn tại, thành phố phải chuẩn bị các chiến lược từng bước trước khi mở lại các hoạt động.
Trong chương trình Tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh trên VTV1 tối 12.9, khi đề cập về kế hoạch giãn cách xã hội của thành phố sau ngày 15.9, Phó chủ tịch Dương Anh Đức thông báo rằng từ ngày 15.9 đến cuối tháng 9, thành phố dự kiến vẫn giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16. Một số địa bàn tiếp tục duy trì Chỉ thị 16+ và một số quận, huyện có tình hình tương đối ổn định như Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+. Tóm lại là vẫn chưa có gì mới cả. Vẫn đang rụt rè, vẫn đang băn khoăn, vẫn đang do dự.
Ai cũng hiểu phong tỏa không thể thực hiện lâu dài vì khiến cho cuộc sống của người dân thêm nhiều khó khăn, và tổn thất kinh tế rất lớn. Xét cho cùng, phong tỏa là biện pháp cuối cùng trong đại dịch. Nhưng ở ta thì trái lại là biện pháp đầu tiên. Kết quả là càng phong tỏa, cách ly, số người nhiễm càng nhiều, số người chết càng cao. Và cuối cùng phải chấp nhận sống chung với virus.
Cho đến nay chưa có thuốc nào diệt được nó, vaccin chỉ khiến người ta có thể tránh được nó hoặc bị nhiễm thì cũng có thể nhẹ hơn đôi chút nhưng cũng đưa đến tử vong. Bởi thế, có người bảo như thế thì chích vaccin làm gì, vừa tốn kém vừa có hại cho sức khoẻ? Thế nhưng không có vaccin thì cũng chưa có gì để ngăn chặn nó được. Nó vẫn còn đó, ít nhất là một thời gian dài nữa và nhân loại cũng còn khổ vì nó. Bởi nó liên tục biến thể, nó liên tục tiến hoá để đe dọa loài người.
Chỉ mong nó sẽ trở thành một căn bệnh truyền nhiễm bình thường khi vaccin đã được chích cho nhiều người trên trái đất, kháng thể sẽ khiến cho virus bớt nguy hiểm đi. Thế giới đã chích mũi thứ ba và có nước như Do Thái còn tính đến chuyện chích mũi thứ tư. Ta đang còn loay hoay với mũi 2 với cái giấy xanh, không biết giờ nào mới đến được ngày yên ổn đây?
Theo kế hoạch, từ 15.9 hoặc có thể đến đầu tháng 10, cái thẻ xanh sẽ đồng hành cùng lộ trình mở cửa kinh tế tại thành phố. Nhưng với những bất cập và nhiều sai sót trong việc thực hiện thống nhất một cái thẻ xanh cho dân sử dụng, không biết rồi sẽ có cách nào tốt hơn để tiến trình mở cửa được thuận lợi, cho đời sống được dễ thở hơn, dân nghèo được có điều kiện để kiếm ăn và kinh tế sớm hồi phục.
Người dân thành phố này và ngay cả lãnh đạo cũng công nhận rằng trong thời gian dài giãn cách vừa qua, nếu không có những người làm từ thiện, những bếp ăn từ thiện hay những người tình nguyện, các mạnh thường quân giúp đỡ, thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính lực lượng đó đã giúp cho hàng triệu người ở thành phố này qua cơn túng quẫn, ngặt nghèo.
Nhưng rồi, sức người có hạn, lại bị nhiều thị phi không đáng có, họ bắt đầu rút lui, họ đã nản chí. Và tầng lớp bị thiệt thòi trực tiếp chính là những người lao động nghèo trong các xóm nhỏ, trong các nhà trọ, trong những vùng xa mà chính sách hỗ trợ của thành phố khó với tay đến được. Còn hơn nửa tháng nữa, rồi sẽ còn bao nhiêu ngày nữa, không biết cuộc sống của họ rồi sẽ ra sao? Túi gạo, thùng mì, bó rau, chai dầu ăn đã từng đến với họ từ những người làm thiện nguyện. Giờ họ rút lui, chắc hẳn cuộc sống của người nghèo vốn đã khó sẽ túng quẫn hơn.
Những người xa quê không về được đã đến cuối cùng của sự chịu đựng và họ bế tắc trong tương lai. Thành phố cũng đang có dự định liên hệ một số tỉnh thành để đưa họ trở về một cách chính thức, nhưng chưa làm được. Và rồi nhiều người cũng tìm cách trốn về.
Vụ xe tải đông lạnh nhét 15 người trong thùng để thông chốt ở Hàm Tân là một điển hình. Và chắc chắn sẽ còn nhiều chuyến xe như thế nữa. 15 người trên xe và tài xế đều xuất trình được giấy xét nghiệm có kết quả âm tính còn hiệu lực, chứng tỏ họ không phải là F0 trốn bệnh viện mà chỉ là muốn về quê. Họ sợ dịch cũng như sợ đói nên quyết chí đi về. 15 người có cả trẻ em được giấu trong thùng lạnh để qua mặt cơ quan chức năng và còn bao nhiêu người nữa đang ở trên đường. Không nên xem họ là tội phạm, không nên kết án họ, họ chỉ là những nạn nhân quyết tìm một con đường thoát. Họ hoàn toàn không có tội.
Trở lại chuyện vaccin, rất nhiều người thắc mắc là tại sao vaccin Nanocovax và Covivax của Việt Nam, đặc biệt là Nanocovax đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm, đã tiêm cho cả vạn người an toàn, đã có báo cáo lâm sàng đầy đủ, cũng đã tiêm cho ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Năm lần bảy lượt đưa ra Hội động Đạo đức xét duyệt của Bộ Y tế vẫn xét rồi để đấy, chưa kết luận, chưa cho phép sử dụng.
Trong khi đó vào ngày 10.9, Bộ Y tế đã vội vã ký quyết định phê duyệt khẩn cấp đối với vaccin Hayat-Vax, do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất bán thành phẩm, sau đó các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đóng gói và xuất xưởng. Bụt nhà không thiêng chăng, hay có lý do gì khác.
Một điều cần lưu tâm nữa là vaccin Hayat-Vax này chưa được WHO công nhận và cho phép lưu hành. Sinopharm đã được WHO cấp phép mà dân ta còn ngại ngùng, giờ lại mua về thứ chưa cho phép, rồi chích cho ai?
Cùng một lúc loại vaccin lạ mặt này xuất hiện, trên báo Công an Nhân dân có một bài viết quảng cáo hết lời loại vaccin này với những ngôn ngữ mang phong cách Sơn đông mãi võ, đao to búa lớn, nghe rổn rảng đọc tưởng như là thuốc thần, thuốc tiên: "Có thể nói rằng, Hayat-Vax vaccin của sự sống, đã xuất hiện với vai trò của một sứ mệnh lịch sử, đặt trọng trách gánh vác nhiệm vụ bảo vệ toàn nhân loại, tại UAE nơi mà cuộc sống được thể hiện trọn vẹn ý nghĩa là món quà của tạo hóa.
Sự có mặt của vaccin Hayat-Vax chính là sự phản hồi tiếng gọi từ vũ trụ, trong nỗ lực và khát vọng tìm kiếm tấm khiên chiến binh anh hùng của loài người, trong cuộc chiến với đại dịch. Một sản phẩm nhỏ bé nhưng kết tinh đầy giá trị của trí tuệ và sức mạnh, là dấu trưởng thành của Con Người, ghi khắc đầy tự hào vào bước tiến hóa của lịch sử thời gian".
Nghe ghê chưa, viết quảng cáo như pháo nổ vậy, xin lỗi, chịu không nổi. Người viết ra những dòng này chắc làm lính đánh thuê nên cũng mắc cỡ không dám ghi tên.
Không thể không đặt một câu hỏi to tướng là sao vaccin của Việt Nam đã được chứng minh có hiệu quả, giá thành thấp, đáp ứng được nhu cầu ngăn dịch lại không được phép dùng ; mà lại nhanh nhẩu chọn một loại vaccin chưa ai biết mặt biết tên, chưa biết hiệu quả và an toàn như thế nào để mang ra dùng cho dân. Nghĩ mãi mà không ra. Loạn não mất.
Một tin vaccin nữa cũng gây bất ngờ cho dân thành phố hôm nay, là Sở Y tế thành phố vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và báo cáo UBND TPHCM về việc xin rút ngắn thời gian giữa 2 mũi vaccin AstraZeneca. Theo quy định của nhà sản xuất cũng như của Bộ Y tế Việt Nam, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccin Astra Zeneca từ 8-12 tuần. Mũi 1 tối thiểu phải có 8 đến 12 tuần mới đủ kháng thể tốt ngăn ngừa virus xâm nhập. Sau thời gian đó mới đủ điều kiện chích mũi 2.
Bây giờ, vì nhu cầu muốn tiến hành chích nhanh để tăng độ phủ cho mũi thứ 2, thành phố muốn chích sớm hơn quy định 2 tuần, tức chỉ còn có 6 tuần. Không biết các nhà chuyên môn có ý kiến chi không? Vội vàng thế gây hậu quả thế nào cũng chưa tính được. Nhưng thiết nghĩ, nhà sản xuất đã tính như thế là cũng phải có lý do của nó, giờ ta làm khác quy định có thể vaccin sẽ giảm hiệu quả. Nhưng cần gấp lắm khi cũng phải chịu thôi. Có gì thì lại tính tiếp.
Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi bảy
ĐỖDUY NGỌC 13.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.