Trong vài video clip gần đây ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nói nhiều câu tôi nghe rất được. Ổng có vài suy nghĩ giống tôi, nhưng cái khác là ổng nói thẳng ra.
Trong một video clip, khi một quan chức địa phương đang cầm giấy đọc báo cáo, ông Thủ tướng tỏ ý không hài lòng, và nói đại khái rằng cầm giấy đọc có nghĩa là không nắm vững sự việc. Điều này thì ông Thủ tướng đã quá đúng.
Nhưng ông còn đụng chạm đến rất nhiều quan chức cao cấp. Có thể nói 100% các quan chức cao cấp (từ bí thư tỉnh, bộ trưởng trở lên) ai cũng cầm giấy đọc. Từ buổi họp nhỏ đến lớn, ai ai cũng có trên tay hay trong túi tờ giấy, và họ chỉ nhìn vào đó mà đọc. Tôi tự hỏi nếu vậy thì cần gì phải đọc, họ chỉ cần gởi cái báo cáo là xong.
Các đại biểu Quốc hội cũng vậy: ai cũng cầm giấy đọc. Thật vậy, cái hình ảnh phổ biến trong nghị trường là ai cũng chăm chăm vào tờ giấy và đọc. Nhưng theo tôi thấy, đó đâu phải là phát biểu nữa; đó giống như "trả bài". Đại biểu Quốc hội ứng khẩu trực tiếp mới là hay chớ.
Các quan chức cao cấp đi dự hội nghị ở nước ngoài cũng chỉ cầm giấy đọc. Họ thậm chí không nhìn chủ tọa hay khán giả. Họ chỉ nói với tờ giấy.
Đó là một hình ảnh không hay.
Câu chuyện làm tôi nhớ thầy mình ngày xưa. Ông là người rất khó tánh và đầy wisdom. Một trong những điều ông dặn đi dặn lại là không được cầm giấy đọc trong các hội nghị khoa học. Ổng thường dọa "Ngươi mà cầm giấy đọc thì ta sẽ 'giết' ngươi". Ổng còn nói "Ngươi mà làm thế, ta xấu hổ lắm". Là người nói tiếng Anh không thạo mà nghe ổng nói như vậy thì ... sợ gần chết.
Tôi "sáng chế" ra một cách làm trong lần báo cáo đầu tiên ở Minnesota. Tôi viết ra bài nói chuyện, từng đoạn văn cho mỗi slide một. Viết ra cả lời nói mở đầu và lời nói kết thúc. Tôi nghĩ ra những câu hỏi có thể được hỏi. Viết xuống xong, tôi học thuộc lòng. Học thuộc lòng xong, tôi đứng trước kiếng ở khách sạn và thực hành. Thực hành vài lần tôi nghĩ cho dù có cúp điện tôi vẫn có thể báo cáo hết!
Phải nói là cách làm này thành công mỹ mãn, vì bài báo cáo trôi chảy gần như 100%. Cũng có vài chỗ tôi quên, nhưng nhìn slide thì tôi nói lại ngay. Còn câu hỏi thì trả lời chỉ được thôi, vì có câu tôi nghe không rõ và trả lời … trớt quớt. Nhưng thầy hài lòng lắm.
Sau này, tôi hướng dẫn nghiên cứu sinh y chang như vậy. Tôi nói với mấy em đó là đừng bao giờ cầm giấy đọc, kỳ cục lắm. Cầm giấy đọc nó cho người ta cái ấn tượng rằng mình hoặc là không có ý tưởng gì, hoặc là ai đó viết cho đọc và mình chỉ là con puppet, hoặc là mình không biết mình nói cái gì. Dù gì thì việc cầm giấy đọc là thể hiện tính phi chuyên nghiệp.
Sau này tôi có dịp tổ chức những workshop về cách soạn báo cáo ở Việt Nam rất thành công. Mỗi workshop thường kéo dài 3 ngày. Học viên học về các nguyên lý soạn powerpoint, nguyên lý soạn biểu đồ và hình ảnh, nguyên lý n x n, cách nói, cách trang phục, v.v...Học viên cũng thực tập trình bày báo cáo và được góp ý. Mỗi workshop như thế nâng cao năng lực báo cáo cho hàng trăm bạn.
Quay lại sự nhắc nhở của ông Thủ tướng, tôi thấy đây là lần đầu tiên một Thủ tướng quan tâm đến phong cách báo cáo của quan chức dưới quyền. Nhưng ông cũng nên quan tâm đến mấy vị bộ trưởng nữa vì họ cũng vậy. Không hiểu sao họ chỉ đọc mà không nói. Có lẽ cần phải có những workshop hướng dẫn các quan chức thấp đến cao về cách trình bày báo và học cách nói.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN 18.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.