1. CHIỀU CAO CẦU MỚI ?
“Bình luận về phương án cây cầu Trần Hưng Đạo với phong cách Đông Dương, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cũng cho rằng, có khá nhiều "hạt sạn", thậm chí lỗi rất sơ đẳng cần được xem xét lại.
Thứ nhất về chiều cao của cây cầu, ông Ánh đặt vấn đề: ‘’Vì sao lại thấp thế, trong khi các cây cầu bắc qua sông Hồng xây mới đều khoảng cách 11 mét so với mặt nước thì cầu Trần Hưng Đạo chỉ 4,75 mét”.
Cầu bắc qua sông lớn phải cao rộng. Phải có những nhịp cao rộng cho tàu thuyền qua lại. Không phải chỉ đủ để chui qua, mà khi đi qua nhìn lên còn thấy một khoảng không cao lồng lộng.
Chiều cao tới mặt nước chuẩn của các cầu mới xây là 11 m. Sao cầu mới Trần Hưng Đạo lại chỉ 4,75 m? Trên thế giới, có chiếc cầu nào mới xây qua các con sông lớn như sông Hồng ở Hà Nội mà có chiều cao cách mặt nước chuẩn 4,75 m không? Khi nước đạt mức chuẩn cao nhất như dự kiến (chẳng hạn ngang mặt đê), dù là ít khi xẩy ra, thì tàu thuyền đi lại như thế nào?
Trong trường hợp chiều cao cầu là 9,5 m - ở mức tĩnh không thông thuyền cấp II, thì đó cũng là chiều cao “tiết kiệm “. Chính “tầm nhìn cao 4,75m - 9,5 m” sẽ góp phần kết liễu vận tải đường thủy của sông Hồng. Vào mùa lũ đi qua cầu Trần Hưng Đạo, sẽ thấy nước cuộn ngay dưới chân, với cảm giác sợ hãi lũ sắp tràn qua cầu, giống như cầu sông quê vào mùa mưa lũ lớn.
Cầu xây sau không thể vin vào chiều cao của các cầu xây thế kỷ trước như Long Biên, Chương Dương làm căn cứ. Kiến trúc và kết cấu cầu cầu phản ánh trình độ của nhà thiết kế và mức độ đầu tư của chủ đầu tư. Chiều cao cầu làm tăng mức đầu tư. Không hiểu tại sao 13/15 thành viên của Hội đồng tuyển chọn lại đồng ý? Họ là ai? Và vì sao đồng ý?
2. KIẾN TRÚC CHẮP VÁ HỔ LỐN
Cầu mới Trần Hưng Đạo không phải là kết cấu của lớp cầu văng, nhưng lại được quàng dây văng. Đó là sự lai căng vô nghĩa, tốn kém, chỉ mang lại sự nhếch mép ngạc nhiên của các chuyên gia thiết kế cầu quốc tế.
Kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo là kiến trúc chắp vá, chứa đựng cả “văn hóa cổng chào”. Không có “kiến trúc phong cách xứ Đông Dương” nào ở đây cả. Đó chỉ là điều tự phong huyễn hoặc, làm tổn thương đến các kiến trúc sư Pháp đã mang lại vẻ đẹp cho Hà Nội. Nếu muốn có nét Pháp đích thực thì hãy thuê người Pháp thiết kế.
Xây sau thì phải đẹp hơn, an toàn hơn, bền hơn. Nhưng chỉ nhìn qua ảnh thì biết ngay là cầu Trần Hưng Đạo không thể sánh được với cầu Nhật Tân. Kỳ vọng vào một công trình kiến trúc tầm cỡ là ảo tưởng.
3. BOT ĐÃ TẤN CÔNG VÀO TIM HÀ NỘI
Hà Nội đang bị cát cứ bởi những nhà đầu tư bất động sản. Mỗi khu đất cấp cho các nhà đầu tư bất động sản là một vương quốc riêng. Thiết kế đẹp xấu là tùy thuộc vào nhà đầu tư. Vì thế mà trong thực tế, Thủ đô Hà Nội đang được “thiết kế” bởi cả ngàn nhà đầu tư bất động sản.
Vấn đề không chỉ ở kiến trúc và kết cấu. Đến bây giờ thì cả cầu bắc qua sông Hồng cũng thuộc về các nhà đầu tư bất động sản nốt. BOT tiếp tục công phá các cứ điểm trọng yếu của Thủ đô.
Cầu Trần Hưng Đạo được quy hoạch vào vị trí đắc địa. Người dân Hà Nội rồi sẽ phải trả tiền khi qua cầu Trần Hưng Đạo trong suốt 20 năm. Cầu Trần Hưng Đạo rộng 31m dài khoảng 5,5 km với dự toán kinh phí 8.938 tỉ đồng. Để so sánh, cầu Thanh Trì, được thông xe 02/02/2007, có chiều rộng 33,1m, dài hơn 12 km, nhưng đấu thầu chỉ mất có 1.395,46 tỉ đồng. Đừng phản biện bằng thời giá. Sự khác biệt về thời giá rất dễ dàng tính được.
4. BAO GIỜ THÌ SẼ BOT CẢ ĐƯỜNG PHỐ?
Hà Nội không phải của riêng của những người quản lý. Không phải ai nắm quyền quản lý cũng biến một phần Hà Nội thành của riêng mình. Không phải công trình nào cũng BOT. Cầu của Thủ đô mà xây dựng theo hình thức BOT thì sẽ đến lượt đường phố Thủ đô cũng xây dựng theo hình thức BOT. Cầu Trần Hưng Đạo nếu sẽ xây dựng được theo BOT thì nâng cấp đường Trần Hưng Đạo cũng có thể bằng BOT.
Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cần được thi tuyển quốc tế. Xây dựng cầu Trần Hưng Đạo cần được đấu thầu. Cầu Thanh Trì là minh chứng không chối cãi. Sẽ tiết kiệm được cả ngàn tỉ đồng cho nhân dân. Ngân sách cũng là tiền của nhân dân. Trả tiền BOT cũng là nhân dân.
5. TỰ NGẪM
Vẫn chưa nguôi sốc từ “tai biến” của Bí thư Kiên Giang và Chủ tịch Tiền Giang thì lại đối mặt với nguy cơ có thêm một kiến trúc hổ lốn vắt ngang Thủ đô ngàn năm văn hiến. Con bạch tuộc nhóm lợi ích đang gặm nhấm từng mảng lớn. Chảy nước mắt mà tự ngẫm. Khi nhà đã dột từ nóc, cột cái cột con bị mọt rỗng thì rất khó tìm được một góc lành lặn an toàn trong mưa bão.
BOT là không tránh khỏi. Nhưng BOT đến mức tự chia cắt Thủ đô thì có làm cho Thủ đô phồn vinh hoa lệ? Và còn địa hạt nào dành cho định hướng xã hội chủ nghĩa?
NGUYỄNNGỌC CHU 17.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.