mercredi 8 septembre 2021

Khủng bố Paris 2015 : Nỗi ám ảnh vẫn không nguôi


Đăng ngày:

 

Ngày hôm ấy diễn ra trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Pháp và đội Đức, đương kim vô địch thế giới. Tổng thống Pháp François Hollande ngồi cạnh ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, sân vận động Stade de France chật kín người. Trận đấu vừa bắt đầu khoảng 15 phút thì có một tiếng nổ, khán giả reo hò trước tiếng pháo có hơi to hơn thường lệ. Trước cổng D, một quân thánh chiến vừa kích hoạt đai chất nổ lúc 21 giờ 16.

"Khoan, có một quả bom vừa nổ, có lẽ là ở sân vận động Stade de France. Quả bom thứ hai nổ, chạy đi, có khủng bố…"

Manuel Colaço Dias, tài xế xe buýt vừa đưa một đoàn cổ động viên đến rồi vào quán uống cà phê, là nạn nhân đầu tiên trong số 130 người thiệt mạng ngày hôm ấy. Bốn phút sau, một tiếng nổ lớn thứ hai vang lên. Trước cổng H, một quân thánh chiến thứ hai kích hoạt chiếc áo chứa chất nổ, sức công phá mạnh đến nỗi những mảnh thi thể của hắn văng xa nhiều mét.

21 giờ 24, tại trung tâm Paris. Một chiếc xe hơi Seat màu đen mang bảng số Bỉ dừng lại trước bar Le Carillon và nhà hàng Le Petit Cambodge. Ba tên khủng bố mang súng trường nả đạn vào những người khách, chỉ trong hai phút cướp đi sinh mạng của 13 người gồm sinh viên, bác sĩ, kiến trúc sư… Cách đó 400 mét, chúng nổ 110 phát đạn, giết thêm 5 người và làm mấy chục người bị thương. 21 giờ 36, một nhóm bạn mừng sinh nhật ở nhà hàng La Belle Equipe lãnh 164 phát súng: 21 người chết.

Một phút sau, một chiếc xe hơi Polo đen đậu không xa nhà hát Bataclan, nơi đang có buổi diễn của nhóm nhạc rock Eagles of Death đầy chật khán giả. Cảnh tượng đẫm máu nhất diễn ra tại đây. Một máy ghi âm tìm thấy ở balcon nhà hát ghi lại 2 giờ 32 phút kinh hoàng: những tiếng kêu la cầu cứu, mệnh lệnh của những kẻ sát nhân, những tiếng nói cuối cùng của các nạn nhân, xen kẽ những tràng đạn. Có đến 90 người vô tội, hầu hết trẻ tuổi, đã bị sát hại tại đây.

Một người sống sót kể lại: « Tôi đang ở trong rạp hát khi nhiều kẻ vũ trang bước vào trong lúc ban nhạc đang trình diễn; đó là nhạc hard rock. Ba, hoặc bốn người đi vào mang theo súng máy loại Kalachnikov và bắt đầu xả súng vào đám đông, tôi thấy rất nhiều người bị thương. »


Tổng cộng có 130 người thiệt mạng và trên 350 người bị thương trong các vụ thảm sát hôm đó. Trong phiên tòa ngoại hạng hôm nay, có 1.800 nguyên đơn dân sự, 330 luật sư và 300 nhà báo đến từ nhiều nước. Chỉ riêng danh sách gồm tên, địa chỉ những người sống sót, bị thương, nhân chứng…đã dài đến 60 trang.

Amélie, một nạn nhân may mắn thoát chết thổ lộ: « Tôi không mấy chờ đợi sẽ có những tiết lộ. Tôi theo dõi cuộc điều tra vì các thẩm phán thông tin từ từ cho chúng tôi. Tôi không nghĩ là bị cáo chính Salah Abdeslam sẽ khai báo, anh ta được hy vọng sẽ hợp tác nhưng tôi không cho rằng sẽ có những tiết lộ đáng kể. Điều quan trọng là những gì mà tư pháp đã điều tra được xung quanh các đồng phạm. Thật kỳ lạ, tôi căm ghét bọn đồng lõa hơn, tôi luôn nghĩ rằng kiểu khủng bố này không thể diễn ra, nếu không có đủ loại hoạt động hỗ trợ, từ tài chính cho đến nơi trú ẩn trước và sau vụ khủng bố. Những kẻ đó biết họ tham gia làm chuyện gì. Thật ra đây không phải là ý muốn trả thù, tôi chỉ muốn công lý được thực thi mà thôi. »

 

Trong số nguyên đơn ra tòa lần này có bà Véronique. Claire, 23 tuổi, con gái duy nhất của bà, bị sát hại tại Bataclan, chỉ được nhận diện bốn ngày sau đó. Anh bạn của cô đến nhà lúc 5 giờ sáng, cho biết Claire bị trúng đạn ở đùi,nhưng anh không thể đưa ra được vì có quá nhiều xác chết xung quanh, anh cố kéo cô lại gần cửa để bộ phận cấp cứu dễ tìm thấy.

Gia đình đi tìm khắp nơi, đã gọi 10.000 cuộc và người ta nói sẽ gọi lại 50.000 lần. Tin rằng con gái bị thương đang nằm ở bệnh viện nào đó, bà và em gái đi khắp các bệnh viện kể cả ở tỉnh. Sau ba ngày tìm kiếm, đến nơi tiếp thân nhân ở trường Quân Sự, bà hỏi « Còn ai đang hôn mê mà chưa nhận diện được không ? », và ngất xỉu khi nghe viên chức tiếp dân trả lời « Không ! »

Đến tối thứ Ba 17/11/2015, mới có tin chính thức Claire đã qua đời. Ở nhà vĩnh biệt, cô được gọi là X, rắc rối nhận dạng có lẽ do thẻ đi tàu của một phụ nữ khác tìm thấy nơi cô. Bà chỉ có 7 phút để nhận diện.

Véronique xin nghỉ không lương đến cuối năm để tham dự phiên tòa, để có dịp nói về cô con gái có hai bằng thương mại và triết, vừa mới được tuyển dụng chưa kịp nhận việc. Về những giây phút chờ đợi khắc khoải, sự tìm kiếm để biết được người con thân yêu đã chết như thế nào.

 

Maryline và Jacky Le Guen cũng sẽ lên tiếng tại phiên tòa, họ đã quyết định như vậy cùng với luật sư. Cặp vợ chồng có ba người con trai đều có mặt ở Bataclan trong vụ thảm sát hôm ấy. Ý tưởng đi nghe nhạc là từ Renaud, người con trai lớn vốn hâm mộ nhạc rock. Anh rủ bạn gái, hai em trai và cô bạn của em trai út cùng đi.

Khi bọn khủng bố bắt đầu ra tay, cả nhóm bị lạc nhau. Cô bạn của Renaud trốn trong trần nhà giả, cô bạn của em trai thì chạy thoát được, báo tin cho Maryline và Jacky Le Guen. Họ gọi điện liên tục nhưng không ai trả lời. Trong suốt hai tiếng đồng hồ, cặp vợ chồng nghĩ rằng cả ba con trai đã chết. Nhưng chỉ có Renaud thiệt mạng. Hai người em trai sống sót nhờ giả chết ở ngay dưới chân bục sân khấu trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, nghe tiếng đạn bay chiu chíu xung quanh. Cậu út lúc thoát ra được khỏi nhà hát, người dính đầy máu của tên khủng bố đã tự kích nổ trên sân khấu.

Hai vợ chồng vẫn sống trong căn nhà ở ngoại ô Paris, nơi những đứa trẻ đã lớn lên. Ngôi vườn dường như còn lưu giữ tiếng cười của mấy anh em thuở nhỏ trong những bữa điểm tâm sáng Chủ nhật. Trong phòng khách là những bức chân dung của Renaud, mãi mãi ở tuổi 29. Hai người em lúc đó 15 và 25 tuổi chỉ nói về thảm kịch với cha mẹ đúng một lần, và từ đó đến nay gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.

Maryline và Jacky không bao giờ biết được Renaud ở đâu trong nhà hát. Anh qua đời tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière vài giờ sau vụ tấn công, được một người thân trong gia đình tìm được sau khi đã đi khắp các bệnh viện Paris cùng với tấm ảnh. Nếu hai ông bà muốn lên tiếng trong phiên tòa, đó là vì Renaud.

 

Bà Paula Vieira, một cư dân sống gần các quán cà phê bị tấn công, trốn vào một khu nhà gần đó và thức trắng đêm cùng với những người khác, tâm sự :

« Từ hôm đó tôi cảm thấy như mình không còn là mình nữa, nhưng tôi phải thuận theo, phải cố sống, nhưng chẳng bao giờ như xưa. Giờ đây tôi sợ tất cả mọi thứ, bất kỳ tiếng động nào cũng làm tôi sợ. Nhưng tôi phải sống với tình trạng đó thôi. Những hình ảnh lại quay về. Tôi thấy người chết nằm trên mặt đất, trên lề đường… những ác mộng quay trở lại. Tôi nhớ hồi xảy ra vụ khủng bố Charlie Hebdo, có nhiều nhà báo từ khắp nơi đến phỏng vấn. Chồng tôi nói ở Paris chuyện này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, và không ngờ giờ đây lại xảy đến với tôi. ».

Không phải ai cũng có can đảm sống lại những giây phút kinh hoàng ấy.Trong số 1.800 nguyên đơn, « chỉ » có khoảng 280 người tham dự phiên tòa. Ra làm chứng hay không ? Đó là chọn lựa khó khăn của các nạn nhân. Những hình ảnh, tiếng động rùng rợn quay về như một cuộn phim, những đêm mất ngủ… tổn thương nơi họ kéo dài và đa dạng. Gần sáu năm đã trôi qua, nếu thời gian đã làm nhẹ bớt cú sốc nơi một số nạn nhân, số khác vẫn ở trong trạng thái hậu chấn thương. Giáo sư Francis Eustache chuyên về tâm lý-thần kinh, đồng chủ trì chương trình nghiên cứu « 13 tháng 11 » trong 10 năm ghi nhận gần đây đã có sự cải thiện nhưng rất ít. « Năm năm, đối với một chấn thương khủng khiếp như vậy và theo kiểu như thế, thì vẫn còn quá gần ».

Ra tòa để làm gì khi hầu hết các thủ phạm chính đều đã chết ? Để nói thay cho người thân không bao giờ còn có dịp cất lên tiếng nói, để từ vai trò nạn nhân của bọn khủng bố, lại trở về với tư cách công dân của một quốc gia - mà tư pháp độc lập là tiếng nói tối hậu của công lý.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.