Tối 15.9, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Chương, giám đốc Sở Y tế Bình Dương xác nhận có nhiều trường hợp F0 không chịu xuất viện. Cụ thể ở một số bệnh viện dã chiến ở Bình Dương, hàng chục F0 đã đủ điều kiện nhưng không chịu xuất viện khi bệnh viện yêu cầu.
Giải thích về vấn đề này, ông Chương cho rằng thực tế một số trường hợp F0 xuất viện khi về địa phương hoặc khu nhà trọ bị kỳ thị nên… không muốn về. Trong khi đó, F0 ở trong bệnh viện được cung cấp đầy đủ các chế độ ăn uống, điều kiện sinh hoạt được đảm bảo hơn ở các khu nhà trọ hay ở nhà.
Nhìn từ toàn cảnh, đó là một ví dụ con Covid không quá đáng sợ, là án… tử hình như suy nghĩ mặc định của không it người. Những người không chịu về sợ kỳ thị, sợ đói hơn sợ Covid – sau khi họ đã là người trong cuộc, sống chung với Covid.
Thông tin dồn dập, có những thông tin cá biệt mang tính đe dọa (như chó mèo cũng lây Covid, ở nhà cũng bị Covid…) khiến nhiều người nghĩ bị Covid như nhận án tử hình.
Có thông tin là thật, tôi thừa nhận, hoàn toàn không phản đối, bác bỏ. Nhưng chắc chắn đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Đời này, có gì hoàn hảo tuyệt đối đâu. Thực tế Covid-19 vừa qua càng cho thấy khá nhiều cái không hoàn hảo ấy. Cả Sài Gòn, cả nước đeo khẩu trang mấy tháng nay rồi thì hiện nay mỗi ngày vẫn cả vạn người nhiễm mới. Chích hai, ba mũi rồi vẫn có khả năng nhiễm (tất nhiên người chích có an toàn hơn nhiều) và tạo lây nhiễm…
Khoa học tự nhiên phải luôn tuyệt đối đúng – trong bối cảnh chung của thuyết tương đối. Một công thức toán học, vật lý, hóa học… đúng một tỉ lần, chỉ sai một lần là sai. Nhưng khoa học xã hội và ngành y luôn có cá biệt, có ngoại lệ. Như chích ngừa Covid, vẫn có một vài trường hợp dị ứng/cả triệu người chích. Với y học, tỉ lệ đó chấp nhận được. Chích gì cũng vậy, có bao giờ không có ngoại lệ, không an toàn.
Có lẽ không nên mang cái cá biệt để mặc định phổ biến. Vậy nhưng, trong bối cảnh hoảng sợ chung, một số ý kiến ngược lại đã bị chìm đi trong nỗi hoảng sợ ấy, thậm chí bị... kỳ thị luôn.
Kỳ thị như gọi những vùng có nhiều người nhiễm Covid là “ổ dịch”. Tất nhiên, về từ ngữ, có khi ổ là từ bình thường, như “no cơm tấm, ấm ổ rơm”, “nằm ổ”… Nhưng trong ngữ cảnh Covid, tôi không nghĩ cụm từ “ổ dịch” này bình thường, nó xấu như băng ổ, ổ nhóm… Nó mang tính kỳ thị.
Kỳ thị như trên văn bản chính quyền, ngành y lẫn truyền thông, người ta dùng “bóc tách F0”, “loại F0 khỏi cộng đồng”… Trong tòa án, khi tòa kết luận: “Cần loại khỏi cộng đồng” là nhận án tử hình đó. Còn “bóc tách” là loại bỏ những gì thừa, như bóc vỏ cam… chẳng hạn. Giờ TP.HCM có hơn 100.000 F0 điều trị ở nhà. F1 thì ôi thôi, ai mà thống kê nổi. Gia đình họ có bóc tách họ đâu; sống chung, chăm sóc mỗi ngày trong yêu thương. Trở nặng thì kêu 115.
Tôi nghĩ nhiều người cũng tin điều này tốt hơn cho họ, cho cả bệnh viện lẫn gánh nặng xã hội. Nhiều lắm, kể không hết đâu. Vậy nhưng ngay hiện nay, nhiều nơi vẫn cách ly cả F1. Ví dụ như Quảng Nam hiện nay, ai từ những vùng đỏ Covid về, ngoài chích đủ hai mũi vaccin còn phải tự chịu chi phí xét nghiệm, tự chiụ tiền mua vé máy bay với giá 1.250.000 đồng/vé và phải đi cách ly trong khách sạn với giá thấp nhất từ 700.000 đồng/hai người/ngày - bao gồm tiền ăn uống. Đa số bà con xa xứ mưu sinh nghèo, mức vậy ai chịu nổi. Nên Hội đồng hương Đại Lộc (Quảng Nam) thông tin ngay cho bà con hội mình, cơ bản là… khoan đã.
Đến giờ, dù quá tải điều trị, thậm chí có lúc vỡ trận ở một vài tỉnh thành, cả nước hiện hơn 15.000 người chết vì Covid. Trong khi đó, năm 2020, hơn 122.000 người Việt chết vì ung thư, gấp tám lần.
Hôm nay 15-9, cả nước có 10.585 ca nhiễm. Riêng TP.HCM có 5.301 ca, giảm 1.011 ca so với hôm qua. Trong khi đó, số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày là 14.189, cao gần gấp rưỡi ca nhiễm mới. Tổng số ca được điều trị khỏi: 412.650/635.000 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.008 ca/223.000 ca = khoảng 2,8%.
Vô số F0 đang “lén” tự điều trị ở nhà đã khỏi. Mẹ một học trò tôi là cô M. bán vịt chiên nổi tiếng ở chợ Kho 11, quận 4, bị hôm 1-8, giờ khỏe từ lâu, đẩy xe đi phụ trao quà từ thiện. Ai “cà chớn”, cô M. sẵn sàng ĐM, “chơi tay đôi” liền, như chưa hề từng là F0… (!). Ví dụ như vậy vô số, ai chẳng biết, chẳng thấy sờ sờ quanh mình.
Xin nói rõ, tôi cũng như bao người khác không hề coi thường Covid. Cả thế giới nhức đầu với sự phức tạp, nguy hiểm của nó nên đầy cảnh giác.
Nhưng cảnh giác không có nghĩa là hoảng loạn để có những cách làm không có giá trị phòng chống Covid, thậm chí ngược lại.
Tôi luôn tôn trọng tâm lý, thái độ chọn lựa trước đại dịch Covid của mỗi người nên xin miễn tranh luận chuyện này. Vô duyên nhất là tranh luận khi khác góc nhìn vì không đi đến đâu. Cứ thân ai nấy giữ. Ai không muốn sống chung với nó thì đó là nhân quyền của mình, không ai cấm. Dư giả thì cứ việc ở nhà, từ chối sống chung với giặc Covid tiếp, nếu muốn. Cho đến ít nhất qua năm 2022, theo chiến lược ba giai đoạn của Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành: tới tháng 1-2022.
… Sài Gòn tối nay 15-9 lại mưa, mưa hầu như liên tục từ hôm “thiết quân luật” 23-8 tới giờ. Bữa nay là ngày cuối của đợt giãn cách không nhớ thứ mấy ở TP.HCM, suốt từ 31-5 tới nay. Mai 16-9 sang đợt 15 ngày giãn cách tiếp. Anh em mình dân lao động, không đại gia như người ta, làm ngày nào ăn ngày nấy, chắc xin sống chung chứ ở nhà gọi ship tô bún bò 40.000 đồng, tiền ship 50.000 đồng thì chịu gì nổi.
Cơ sở, cốt nền của sống chung? Giờ tôi “thách” ai ở Việt Nam, ở Sài Gòn không sợ Covid. Gặp nhau, ai cũng khẩu trang, đứng xa xa – xa hơn khi trình giấy, áp điện thoại vô điện thoại của các anh đứng chốt để quét mã QR… Dân tự phòng chống đúng tiêu chí 5K như vậy, chúng ta còn muốn gì nữa. Những nước đã mở cửa, bên cạnh vaccin, cũng chỉ cần cái này. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ vài ngày nữa là phủ kín 100% mũi 1 rồi.
Còn lỡ một tỉ lệ nhất định rủi ro nhiễm? Đành chịu, đời có bao giờ hoàn hảo. Covid càng không.
CÙ MAI CÔNG 15.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.