vendredi 17 septembre 2021

Đặng Sơn Duân - Úc, « điển hình tiên tiến thoát Trung »

 

Trong một cuộc họp báo sáng nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo khai sinh Đối tác an ninh ba bên (AUKUS) với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đây là một sự kiện mang tính lịch sử sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện ở khu vực này trong thời gian tới.

Một sáng kiến lớn của thỏa thuận này là Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Nó mang tính lịch sử, bởi trước đây Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân tối mật với đồng minh đặc biệt là Anh, và chuyện này đã diễn ra cách đây hơn 60 năm.

Ngoài ra, những lĩnh vực hợp tác trong tương lai sẽ còn bao gồm những công nghệ mới nổi như mạng ảo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử...

Diễn biến trên đồng nghĩa với việc Úc sẽ hủy bỏ hợp đồng đóng 12 tàu ngầm thông thường trị giá 90 tỉ USD với Pháp.

Những người buồn bã nhất trước thỏa thuận này hẳn là người Pháp, nhưng những kẻ tức tối nhất lại là Trung Quốc vì rõ ràng thỏa thuận này nhắm vào họ.

So với tàu ngầm thông thường vốn phải nổi lên thường xuyên và có tầm hoạt động hạn chế, tàu ngầm hạt nhân ít bị phát hiện, có tốc độ cao, cơ động, tầm hoạt động xa và thời gian hoạt động dài ngày ngoài biển. Điều này cho phép tàu ngầm Úc hoạt động liên tục tại những vùng biển gần Trung Quốc, chẳng hạn Biển Đông.

Về phía Anh, thỏa thuận này một lần nữa thể hiện quyết tâm Nghiêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ, sau chuyến triển khai của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Cùng với hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Quad sẽ diễn ra vào ngày 24.9, những thiết kế để khống chế Trung Quốc đang dần thành hình.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có thể tự trách mình trước diễn biến này. Bởi chính họ đã tiếp tay cho thỏa thuận an ninh ba bên.

Chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân chỉ có thể diễn ra giữa những đồng minh tin cậy đặc biệt. Nó sẽ khó diễn ra nếu Úc không có thái độ rõ ràng bằng quyết tâm cắt đứt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Chính sự hung hăng và ngạo mạn của Bắc Kinh khi tung ra những đòn trừng phạt kinh tế với Úc - chỉ vì nước này kêu gọi điều tra minh bạch nguồn gốc vi rút - là giọt nước tràn ly, khiến Canberra nhận thấy họ không thể tiếp tục duy trì sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ đó, Úc đã dồn quyết tâm thúc đẩy Quad và mới nhất là AUKUS.

Úc sẽ là một điển hình tiên tiến trong việc người ta có thể "Thoát Trung" được hay không. Chúng ta luôn nghe những lời kêu ca rằng không thoát được Trung Quốc về kinh tế đâu, hay hở một chút là dọa dẫm, nó đóng biên một cái là ăn cám cả lũ...

Đó chỉ là những lý lẽ của kẻ theo đuổi kiểu làm ăn dễ dãi. Thử nghĩ xem, đại dịch khiến toàn bộ nền kinh tế tê liệt mà chúng ta vẫn tồn tại được, thì Thoát Trung có gì mà không làm được?

Nếu vượt qua được đại dịch lần này, chẳng có điều gì có thể ngăn cản chúng ta nữa!

ĐẶNGSƠN DUÂN 16.09.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.