samedi 14 août 2021

Nguyễn Minh - Nhà báo Nguyễn Đức Hiển và “Đừng hát trên những xác người”

 

Tựa đề bài viết “Ép giá xử lý tử thi: Đừng hát trên những xác người” đăng trên báo Pháp Luật TP HCM ngày 6/8/2021 là một cú đá dưới thắt lưng vào nghề mai táng ở TP HCM.

Bài viết này nói rằng những cơ sở mai táng ở TP HCM đang làm tiền trên thi thể những người chết vì COVID. Bài viết dẫn ra một bác sĩ nhắn về “nạn nhà đòn ép giá”, ra giá 45 triệu/tử thi. Không có tiền họ không làm. Xác để đây nửa ngày.

Một trường hợp khác được cho là bạn đọc nhắn kể nhà có hai người chết, cơ sở mai táng báo giá 30 triệu đồng/người, sau khi người nhà năn nỉ hạ giá thì xuống còn 40 triệu đồng/2 người.

Tác giả bài báo cho hay do có mối quan hệ với đủ loại người sau 30 năm làm báo nên đã dùng đến ba ngày để xác minh bằng cách nói chuyện với người quen là chủ nhà đòn, “trao đổi với Chủ tịch Hội nhà báo và nhiều đồng chí có trách nhiệm”, đồng thời yêu cầu nhiều phóng viên vào cuộc.

Người này kết luận: Giá hỏa táng một thi thể ở Bình Hưng Hòa không thay đổi, chỉ là 4,2 triệu/thi thể. Các công đoạn khác do cơ sở mai táng tư nhân ép giá người nhà khi trả tro cốt khiến cả bệnh viện và Bình Hưng Hòa mang tiếng. Tác giả cũng so sánh các cơ sở mai táng với “Quạ đen ở nhà xác” và khuyên mọi người hãy tự vấn để nhìn lại khuôn mặt mình trong những ngày gian khó của đất nước và đồng bào.

Bài viết được đăng trong mục Bạn đọc viết.

Như cái tên chuyên mục, mục này dành cho những góp ý của người đọc báo. Nó không phải là diễn đàn của nhà báo chuyên nghiệp.

Vậy, người viết là ai mà có quá trình làm báo 30 năm, lại dễ dàng trao đổi với các chức sắc như Chủ tịch Hội nhà báo “và nhiều đồng chí có trách nhiệm” (lấp ló, nửa giấu nửa khoe thế này mới dễ gây choáng) và lại có quyền “yêu cầu các phóng viên vào cuộc?”

Hóa ra là Nguyễn Đức Hiển.

Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP. HCM Nguyễn Đức Hiển, người vừa bị cấp trên trực tiếp xử phạt năm triệu đồng vì hành vi tán phát tin giả.

Nhà báo luôn tự hào có thâm niên hàng chục năm điều tra, ra hẳn sách để dạy điều tra trong nghề báo, luôn khoe là giảng viên trực tiếp dạy môn Điều tra ở trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn, hóa ra lại đi tung tin giả, chưa hề qua bước xác minh nguồn. Mặc dù đã viết xin lỗi trên trang cá nhân và bị xử phạt, nhưng hình như ông Hiển có thói quen và sở thích đưa tin sai sự thật thì phải.

Bài báo có cái tựa rùng rợn “Hát trên những xác người” là một cú tung tin giả cực đậm.

Trong bài báo nói trên, ông Hiển đưa ra giá hỏa táng 4,2 triệu đồng/tử thi ở Bình Hưng Hòa để so sánh với giá 30 triệu, 45 triệu/tử thi mà cơ sở mai táng đưa ra, sau đó vu họ làm tiền. 

Dịch vụ mai táng người chết vì COVID-19 ở TP HCM những ngày qua thực hiện như thế nào?

Với người chết ở bệnh viện (BV), BV sẽ báo cho cơ sở mai táng có hợp đồng để bên này xử lý.

Nhân viên của cơ sở mai táng ăn ngủ tại bệnh viện và lo trọn gói, gồm các việc sau đây:

-Khử khuẩn, tẩm liệm thi thể, quấn nilon tử thi để chống lây nhiễm, sau đó cho thi thể vào một bao kéo kín. Đưa vào quan tài.

-Quấn nilon bao kín quan tài, khử khuẩn quan tài.

-Đưa quan tài đến địa chỉ hỏa táng (TP HCM chỉ định Bình Hưng Hòa đảm nhiệm toàn bộ, các cơ sở hỏa táng tư nhân không làm).

-Thay mặt người thân lấy thông tin người qua đời, đi rửa hình, ép hình, làm lắc (tấm mica dán trên hũ tro cốt ghi tên tuổi, tôn giáo, ngày sinh ngày mất…), chọn hũ đựng tro cốt theo yêu cầu của gia đình (người theo Công giáo chọn hũ có thánh giá, người theo Phật chọn hũ hoa sen, hũ sành sứ hay đá, màu gì..v.v).

-Nhận tro cốt từ Bình Hưng Hòa, vào hũ từng người, đem trả lại gia đình. Lưu ý: Bình Hưng Hòa chỉ hỏa táng chứ không vào hũ và cũng không cung cấp hũ.

Xe chở quan tài chờ 40 tiếng mới đến được cổng Bình Hưng Hòa

Những ngày gần đây, mỗi ngày TP HCM có hơn 300 người qua đời vì COVID, cộng với tất cả những trường hợp qua đời vì bệnh khác trong ngày thường có thể chôn cất thì giờ cũng đều hỏa táng cả. Khả năng của Bình Hưng Hòa vốn chỉ đáp ứng cho nhu cầu ngày thường, bây giờ quá tải trầm trọng.

Lò thiêu quá tải thì tử thi phải xếp hàng chờ đến lượt.Trong khoảng một tuần nay, xe chở quan tài phải chờ 40 tiếng bên ngoài Bình Hưng Hòa mới đến lượt đưa vào trong.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở mai táng đóng cửa không nhận các ca COVID vì áp lực tâm lý và sợ lây bệnh. Có những nhân viên (đạo tỳ và lái xe) bỏ việc vì không chịu nổi môi trường chịu áp lực tinh thần quá nặng nề, sợ lây bệnh và quá tải trầm trọng.

Trong bệnh viện, bất cứ giờ  nào cũng có thể có người qua đời vì COVID. Nhân viên cơ sở mai táng phải làm việc bất chấp giờ giấc để tẩm liệm bà con, vì cảnh tượng thi thể trong phòng bệnh nhiều giờ không được tẩm liệm sẽ gây sợ hãi kinh hoàng cho những bệnh nhân khác.

Tuy nhiên, do quá thiếu người nên vẫn xảy ra tình trạng có tử thi không được tẩm liệm kịp thời. Thực tế vô cùng khác với chỉ thị của lãnh đạo thành phố là phải xử lý trong 24 giờ.

Chi phí phát sinh và tăng cao trong mùa dịch

Đầu tiên, cơ sở mai táng phải tốn thêm tiền cho trang bị bảo hộ, khử khuẩn, test âm tính cho toàn bộ nhân viên mỗi ba ngày. Bao gói, quấn tử thi, khử khuẩn tử thi quan tài trong ngoài. Những ngày gần đây do người chết nhiều hơn hẳn nên nơi đóng quan tài không đóng kịp, cộng với giao thông khó khăn (tài xế cũng phải bảo hộ, test âm tính mỗi 3 ngày), tiền nằm đường chờ do kẹt xe vì phải kiểm tra qua chốt, kéo giá quan tài tăng hơn.

Ngày trước người nhà tự làm ảnh mang tới cho cơ sở mai táng, bây giờ các dịch vụ này đều đóng cửa (dịch vụ in rửa ảnh không phải là thiết yếu). Nhân viên cơ sở mai táng tự đi làm ảnh, in lắc, tuy nhỏ nhưng đều phải tính công cho họ.

Khi đã tẩm liệm xong, phải đưa bà con đến trung tâm hỏa táng.

Số xe ngày thường của các cơ sở mai táng không đủ để đảm đương số lượng tăng đột biến. Hầu hết cơ sở nhỏ phải thuê thêm xe và tài xế. Công việc nguy hiểm và áp lực này, phải trả bao nhiêu để có người chịu làm?

Một ít cơ sở có tiềm lực tài chính thì đi mua thêm xe để có thể hoàn thành được hợp đồng. Một cơ sở mai táng lớn chỉ trong hai tháng nay đã mua liền tù tì thêm bốn chiếc xe, cộng với hai chiếc có sẵn nhưng vẫn không kịp đưa được hết số bà con qua đời ở bệnh viện mà họ đang nhận xử lý. Họ cũng đã đặt mua container lạnh nhưng chưa được duyệt. Trong khi đó, tất nhiên thi thể vẫn tồn ở bệnh viện. Con số này ở vài bệnh viện lớn mà chúng tôi được biết là vài chục người/bệnh viện/ngày.

Trung tâm Bình Hưng Hòa đã phải đưa thi thể vào phòng lạnh bảo quản để chờ hỏa táng. Trên mạng xã hội Việt Nam mấy hôm trước có đoạn clip quay cảnh container lạnh được đưa vào Bình Hưng Hòa. Không rõ chuyện này có đúng thực tế hay không nhưng hôm nay, một chủ trại hòm cho hay bệnh viện 175 đã được báo giá bảo quản thi thể trong container lạnh là 2,2 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác thực.

Cộng tất cả các chi phí phát sinh như trên, quý vị đã rõ vì sao giá của một dịch vụ tang lễ trong ngày dịch COVID tăng hơn hẳn so với ngày thường.

Số tiền 4,2 triệu đồng cho một ca hỏa táng ở Bình Hưng Hòa không bao gồm hũ cốt. Cơ sở mai táng hiện tại phải bỏ tiền ra cho chi phí này, tổng cộng là 200.000 đ/hũ. Vậy nếu tính đủ, thì chi phí hỏa táng thuần túy là 4,4 triệu chứ không phải 4,2 triệu như có vị lãnh đạo TP HCM đã nói. Hoặc như trong những bài viết tắc trách, yếu kém về nghiệp vụ ông Nguyễn Đức Hiển đã viết.

Tiền lương cho công việc áp lực và nguy hiểm

Một số chủ cơ sở mai táng cho biết lương tài xế (chỉ ôm tài đến Bình Hưng Hòa rồi quay đầu) hiện tại là 300.000 đ/quan tài. Hiện do số xe xếp hàng quá dài ngoài cổng Bình Hưng Hòa nên lãnh đạo nơi này đã quy định một xe không chở quá năm quan tài.

Các xe của cơ sở mai táng hợp đồng với bệnh viện thường chở bốn quan tài/lần, tiền tài xế là 1,2 triệu đồng/tua (chỉ ngồi trong cabin lái xe). Còn nếu vào đội, lo toàn bộ tẩm liệm xử lý thi thể và đưa bà con vào Bình Hưng Hòa, tiền công xê xích theo tay nghề. Người mới học việc 1-2 triệu đồng/ngày. Người quen việc, lương 4-6 triệu đồng/ngày.

Chi phí bảo hộ, thuốc khử khuẩn, bao tử thi, trà đóng trong quan tài… khoảng 1 triệu/ca. Còn nếu cơ sở mai táng phải đi thuê xe, riêng chi phí vận chuyển đi hỏa táng là 5 triệu đồng/quan tài.

Chi phí hiện tại TP HCM chi trả cho mỗi ca qua đời vì COVID là 16,8 triệu đồng. Theo các cơ sở mai táng, chi phí này gói ghém cũng tạm đủ, nhưng phải là cơ sở lớn, có đủ người, kho, xe sẵn… Vì họ còn phải ứng tiền trước trả cho Bình Hưng Hòa xong mới đem hóa đơn về nộp cho bệnh viện và chờ quyết toán. Chủ một cơ sở mai táng lớn nói trên trang cá nhân của mình rằng đã ứng ra vài tỷ đồng nhưng hai tháng nay chưa được quyết toán đến ¼ số tiền đã bỏ ra.

Vì vậy, số cơ sở mai táng đồng ý nhận ký hợp đồng với bệnh viện để xử lý thi hài càng bị hạn chế hơn. Và do cơ sở mai táng là 100% tư nhân nên Nhà nước không thể bắt buộc họ.

Hiểu rõ khó khăn của cơ sở mai táng, một số bệnh viện đã tìm thêm nguồn tài trợ để chi thêm cho cơ sở mai táng 1-2 triệu đồng/ca, để chia lửa với họ.

Quan tài từ thiện?

Một chi phí khác rất ít người nói là chi phí quan tài.

Khi những người nghèo viết lên mạng xã hội về chi phí mai táng đến vài chục triệu khiến họ không đủ tiền lo cho người thân, có một số người đã muốn tài trợ quan tài từ thiện cho họ. Một số khác đề nghị quan tài giấy carton như một số nước đã làm. Nhưng, với thực tế chờ xếp hàng hỏa táng đến 40 tiếng ở Bình Hưng Hòa, dưới cái nóng của TP HCM, đã có những quan tài gỗ tạp hoặc xử lý không tốt nên bị bung, rò rỉ, thoát khí tử thi ra ngoài… Vì vậy các cơ sở mai táng lớn không dám nhận loại quan tài từ thiện này hoặc các loại quan tài chất lượng kém.

Giá quan tài trung bình hiện tại khoảng 3-4 triệu đồng.

Điểm nghẽn

Điểm nghẽn lớn nhất chính là năng lực xử lý của Trung tâm Bình Hưng Hòa và một số điểm trong chính sách của TP HCM.

16 lò hỏa táng của Bình Hưng Hòa (có thông tin cho biết thực tế là 20-21 lò, thông tin này chưa được xác thực) đang hoạt động hết công suất ngày đêm. Với tình hình này, không thể loại trừ khả năng bị trục trặc trong khi vận hành. Giả sử tình huống không may này xảy ra thì sao?

Việc tăng năng lực hỏa táng đang là một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện tại vì tình trạng chờ hàng chục tiếng đồng hồ chiếm nhiều phương tiện và nhân lực (như xe cứu thương, tài xế) nên dành để cấp cứu người bệnh, đồng thời gây áp lực tinh thần tiêu cực trầm trọng cho bệnh nhân và thân nhân người đã mất.

Ngoài phạm vi TP HCM có những cơ sở hỏa táng nào khác? Những nơi này đã được chuẩn bị để liên kết với TP HCM hay chưa?

TP HCM đã nghĩ đến việc lắp đặt hoặc mua thêm các lò năng lượng sạch, kích thước nhỏ, lắp đặt nhanh và dễ, phù hợp với địa hình và vị trí của nhiều địa phương hay chưa?

Khó khăn của các cơ sở mai táng như đã nêu trên, nên được tháo gỡ như thế nào để có thêm nhiều cơ sở mai táng tham gia xử lý hậu sự với các bệnh viện?

Mong rằng lãnh đạo TP HCM nhìn nhận sớm thực tế này. Cần gấp rút tổ chức cuộc họp với các chủ cơ sở mai táng, Trung tâm Bình Hưng Hòa, các trung tâm hỏa táng khác lân cận TP HCM, các nhà khoa học năng lượng, môi trường, các công ty môi trường đã và đang rao bán lò hỏa táng năng lượng sạch, cùng với công an, quân đội nếu cần để lắng nghe các chuyên gia trong ngành nói lên những khó khăn hiện tại của họ và đề ra giải pháp hữu hiệu.

Và lời cuối với ông Nguyễn Đức Hiển

Ông Hiển nên dành thời gian để học tập lại từ đầu nguyên tắc xác thực thông tin và thực hành cái tâm thiện trong hoạt động nghề nghiệp.

Bài viết hết sức yếu kém về nghiệp vụ của ông, sự xa lông không tìm hiểu thực tế trước khi viết, năng lực quá thấp nên không nhìn ra những mâu thuẫn sờ sờ trong bài viết của mình cùng những lời lẽ kết án nặng nề của ông với một ngành nghề dịch vụ quan trọng đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của họ.

Cạnh đó, nó loan đi những thông tin sai sự thật, dẫn đến sự phẫn nộ của xã hội với họ.

Những thông tin sai sự thật khi được loan tải chính thức trên báo, bởi một Phó tổng biên tập một tờ báo chuyên ngành pháp luật, lại được dùng để “trao đổi với nhiều đồng chí có trách nhiệm” sẽ có thể gây ảnh hưởng sai lệch đến những quyết định chống dịch của TP HCM.

Khi đó, tai hại đó là không thể đo lường.

NGUYỄN MINH (Bài đăng trên RFA ngày 13.08.2021)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.