lundi 2 août 2021

Gió Bấc -Thư ngỏ gởi ông Vũ Thành Tự Anh: Cơ hội lập chí, xin đừng lập thân


 

Tin UBND TP.HCM thành lập một Tổ Tư vấn để chống dịch và giúp hồi phục kinh tế - xã hội với tám chuyên gia, đứng đầu là Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, cùng với thực trạng dịch bệnh hiện nay là lý do tôi viết thư ngỏ này như tâm tình của một đồng bào với ông Vũ Thành Tự Anh nói riêng và các chuyên gia khác nói chung…

Kính thưa ông!

Trước hết, phải xin lỗi ông vì không có cách nào khác chia sẻ tâm tình tốt hơn hình thức thư ngỏ. Trước nay, qua báo chí, bạn bè – những người từng tiếp xúc, từng trò chuyện hoặc đọc các phân tích, dự báo, đề nghị của ông, tôi là một trong những người dành cho ông nhiều thiện cảm và kỳ vọng vào ông lẫn Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam.

Đó cũng là lý do tháng trước, tôi và không ít người băn khoăn khi truyền thông Nhà nước rầm rộ loan báo, có hai nhóm nghiên cứu, một trong hai là nhóm của Đại học Fulbright do ông hướng dẫn, tiên đoán, nhờ thực hiện Chỉ thị 10, TP.HCM sẽ hết dịch vào cuối tháng 8/2021 (1). 

Lúc ấy, những người có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về hệ thống công quyền đều có chung băn khoăn, tại sao những cá nhân như ông và các nơi vốn rất nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học như Đại học Fulbright Việt Nam lại dùng số liệu của Sở Thông tin  Truyền thông (TTTT) - vốn chỉ rành “vo tròn, bóp méo” để đạt mục tiêu tiêu tuyên truyền  trong phân tích và cho dự báo của mình?

Vào thời điểm đó, bạn tôi viết một bài gửi báo, đề nghị cộng đồng giúp đỡ một cơ sở từ thiện đang kiệt sức do số trường hợp gia cảnh khó khăn đã tăng vọt. Thư ký Tòa soạn của tờ báo ấy tuy thấy vấn đề anh nêu là cần nhưng vẫn từ chối vì… Lúc này, định hướng của “trên” là phải tập trung vào các… “điểm sáng”!

Nghiên cứu – dự báo của Đại học Fulbright hồi tháng 6 đã trở thành một trong những… “điểm sáng” mà “trên” mong muốn. Thưa ông Vũ Thành Tự Anh, thực trạng dịch bệnh ở TP.HCM sau đó khác xa dự báo lạc quan đã được công bố. Khi dùng số liệu của Sở TTTT, liệu ông và Đại học Fulbright có vô tình bị “trên” dùng làm… “điểm sáng”?

Thưa ông Vũ Thành Tự Anh,

Đã, đang cũng như chắc chắn sẽ còn nhiều người Việt đau lòng, sốt ruột, thậm chí phẫn nộ vì “chiến lược phòng, chống dịch” của “trên”. Lúc này, thảm trạng ở TP.HCM chính là bằng chứng rõ nhất cho những tuyên bố: Chống dịch như chống giặc! ngăn chặn dịch bệnh, phát triển kinh tế! Chủ động tấn công, xét nghiệm tích cực hơn nữa (2)!

Khi Chủ tịch nước, Thủ tướng lớn giọng như vậy, tất nhiên lãnh đạo các tỉnh, thành phải… hót theo. Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc HCDC (cơ quan phòng chống dịch của TP.HCM), chỉ rụt rè cảnh báo: “Phải tính đến phương án sống chung với dịch” lập tức bị điều chuyển sang làm… Phó Giám Đốc Trung tâm xét nghiệm… Xứ mình xưa giờ vẫn thế cho nên mới thảm thế này!

May là chỉ có báo chí Nhà nước truyền tải sự lạc quan và xây dựng niềm tin vào phương thức “truy vết, cách ly”. Trên mạng xã hội, những người hiểu chuyện dứt khoát không nín. Các chuyên gia dịch tễ, các bác sĩ cả trong lẫn ngoài nước bắt đầu phân tích, chứng minh, cả chiến lược lẫn cách thức phòng chống dịch mà chính quyền Việt Nam từ trên xuống dưới đang áp dụng là phản khoa học, bất khả thi…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng, khôn khéo phản biện bằng một câu hỏi: Bệnh nhân là gì? Bác Sĩ Võ Xuân Sơn khẳng định: Không thể gọi người dương tính với COVID-19 không triệu chứng là bệnh nhân và đưa vào bệnh viện. Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng viết thư ngỏ gởi Thủ tướng, đề nghị ông Chính hãy bắt các giáo sư, tiến sĩ y khoa đang ăn lương Chính phủ trả lời dân: Gần 14.000 người dân nhiễm COVID-19 cơ cấu bệnh tật thế nào? Bao nhiêu người thực sự đã tử vong do vi-rút Corona? Bao nhiều người cần chăm sóc bệnh viện để được chăm sóc hồi sức tích cực? Bao nhiều người nhập viện chỉ để ăn, chơi, ngủ và dùng thuốc cảm sốt thông thường trước khi xuất viện? Bao nhiêu người đến viện chỉ để cách ly (3)?

Buồn là những góp ý ấy không có ai thèm nghe. Truy vết, cách ly vẫn là phương thức chủ đạo. Cuối tháng 6, TP.HCM bị phong tỏa theo Chỉ thị 16, xét nghiệm tầm soát năm triệu người nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 để cách ly, đáp ứng yêu cầu không để dịch lan rộng (4). Để làm điều đó, Hải Dương gửi tới 500 sinh viên, Bộ Y tế điều động 10.000 cán bộ y tế hổ trợ TP.HCM... Tiền chảy như thác. Kết quả là đội ngũ y tế kiệt sức, số mẫu quá nhiều nên kết quả rất lâu mới có và nhiều người nhận kết quả xét nghiệm âm tính từ mẫu lấy trước đó  vài ngày đã dương tính với COVID-19!…. Chiến dịch xét nghiệm năm triệu người truy tìm, tiêu diệt F0 ở TP.HCM thất bại nhưng xét nghiệm tràn lan vẫn diễn ra khắp các tỉnh thành. 

Chẳng có gì cản được vụ lên đồng chống dịch tập thể này. Chừng như công cuộc chống dịch bị biến thành cơ hội thể hiện vai trò cá nhân của lãnh đạo trong nhiệm kỳ, bất chấp hậu quả tai hại với người dân. Những tuyên bố ngớ ngẩn như… TP.HCM tổ chức thi đua kéo giảm số ca F0 trong cộng đồng, thi đua thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng (5)… vẫn được phát ra hàng ngày. Dường như không thể chịu nổi sự lố bịch vấy máu và nước mắt ấy, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đưa ý kiến trên blog cá nhân: Nên ngưng đếm số ca nhiễm và chiến lược thoát COVID-19 kèm bốn lý do tại sao, ông cho rằng cần như thế! Nhìn chung, quan điểm của Giáo sư Tuấn chẳng khác quan điểm của những chuyên gia bác sĩ có kiến thức, kinh nghiệm và am hiểu thực tế nhưng lại không… thế giá là bao! 

Thưa ông Vũ Thành Tự Anh, 

Ông là người đã viết hẳn một bài phê phán kịch liệt quan điểm của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (6). Theo ông, Giáo sư Tuấn: Dẫn chứng sai sự thật. Đánh đồng xác suất trong các điều kiện khác nhau. Bắt chước nước khác một cách thiếu cân nhắc… Nhìn một cách tổng quát, lập luận của ông bảo vệ phương thức phòng, chống dịch của… “trên”. 

Giáo sư Tuấn không trực tiếp tranh luận lại với ông nhưng đã trình bày tiếp, khá chi tiết rằng nên như thế nào để mục tiêu, giải pháp chống dịch đạt hiệu quả tốt, trong đó cần chú ý: Bảo toàn hệ thống y tế. Tối thiểu hóa số ca nhập viện và ICU và giảm nguy cơ tử vong. Giúp người dân tự quản lý nguy cơ (7). 

Chẳng riêng Giáo sư Tuấn, các chuyên gia, bác sĩ tiếp tục lập đi, lập lại đề nghị của họ về việc nên thay đổi phương thức phòng, chống dịch để đạt hiệu quả mong đợi và cũng là để giảm khổ nạn cho dân. Thậm chí, bác sĩ Võ Xuân Sơn gay gắt tới mức: Ngày Việt Nam cán mốc 100.000 ca sẽ không còn xa. Sau đó, mọi chuyện sẽ tăng tốc phi mã. Nếu cứ duy trì cách chống dịch như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt. Tôi muốn nhấn mạnh, cách làm cũ, truy vết, cách ly, dập dịch đã không còn hiệu quả. Chính quyền Việt Nam cần phải nhìn nhận thực tế, rằng chúng ta đã không giảm được số ca nhiễm, đồng thời, vì cách chống dịch đang áp dụng, chúng ta đã làm cho xã hội trở nên bất ổn, dân sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho TPHCM đã bị phá vỡ 

Thưa ông Vũ Thành Tự Anh,

Có ai không đau lòng, sốt ruột trước những gì đã xảy ra trên đất nước chúng ta nói chung và TP.HCM nói riêng trong tháng vừa qua? Tôi tin ông cũng vậy! Đồng bào chúng ta đã chết, đang đói, dân tộc chúng ta đang suy kiệt chưa có điểm dừng. Những người cộng sản vốn dư đa nghi và thừa tự mãn vừa làm một chuyện hiếm có: UBND TP.HCM thành lập một Tổ Tư vấn nhằm giúp chống dịch và giúp kinh tế - xã hội hồi phục với người đứng đầu là ông! 

Đọc thông tin này tôi nửa mừng nửa lo, nửa tin nửa ngờ! Liệu TP.HCM có thêm một ông Sáu Dân vói một “Nhóm Thứ Sáu”? Liệu áo có thể mặc qua khỏi đầu nếu đề xuất của nhà tư vấn trái với ý “trên”? 

Sinh ra, lớn lên tại Việt Nam, chọn Việt Nam làm nơi để sống, tôi tin ông đủ thông tin, hiểu biết về cách những người cộng sản dùng trí thức. Lịch sử đảng có vô số dẫn chứng!  Tôi tin ông cũng tha thiết với xứ sở và dân tộc này như nhiều người Việt khác và ông cũng như các đồng nghiệp của ông ở Đại học Fulbright có đủ kiến thức, khả năng để làm được những điều tốt lành cho dân tộc, xứ sở của mình. 

Mục tiêu cuối cùng của Thư ngỏ này chỉ nhằm đến một đề nghị: Xin ông hãy nhớ những gì mà ông đã thấy, đã nghe và đã biết trong tháng vừa qua. Tổ trưởng Tổ tư vấn chống dịch và giúp hồi phục kinh tế - xã hội ở TP.HCM có thể là một cơ hội. Dẫu ông Nguyễn Thành Phong có thể có thành ý nhưng với thiết chế cộng sản ở xứ mình, đó có thể là cạm bẫy, là mồ chôn lý tưởng của chính ông cũng như Đại học Fulbright Việt Nam, biến ông và Fulbright Việt Nam thành người, thành nơi gánh giúp hậu quả chỉ vì hiện diện trong tiến trình hoạch định những chính sách chỉ nhắm tới giúp những người cộng sản “muôn năm trường trị”! Xin luôn luôn nhớ: Lập chí khác rất xa với lập thân và lầm lẫn có thể biến những cá nhân giàu thiện chí thành tội đồ! 

GIÓ BẤC (Bài đã đăng trên RFA ngày 01.08.2021)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.