1. Tới sáng 3-6-2021, bốn ngày sau khi cả TP.HCM giãn cách xã hội – từ 31-5-2021, không dân Sài Gòn nào có thể nhớ nổi các khu vực, địa điểm ở TP.HCM đã bị phong tỏa, khoanh vùng.
Có nơi như chợ Phú Nhuận mới phong tỏa xong, xả rào ít ngày, rồi mới đây lại phong tỏa tiếp. Ngày càng nhiều, nhớ không xuể. Báo chí cũng không thể cập nhật thông tin kịp thời hết...
Tôi cũng không nhớ nổi, chỉ còn cách cố gắng biết các điểm quanh nhà mình, khu vực mình: xóm Đại Lợi và phường 3, Tân Bình.
Xóm tôi, 26-5, có một vị khách nào đó bị Covid-19, vô tiệm thuốc tây 128H Phạm Văn Hai cách nhà tôi vài căn mua thuốc. Chỉ vô bốn phút, thế là tiệm đóng cửa tới giờ. Vài ngày sau, hình như một ai đó Covid-19 vô Trung tâm hội nghị - tiệc cưới Queen Plaza (rạp Đại Lợi cũ), cách nhà tôi 50m. Thế là nơi này mọc lên một chốt Công an - dân phòng phường 3, Tân Bình.
Chợ Phạm Văn Hai đối diện, hàng quán xung quanh vẫn hoạt động bình thường, dù có vắng nhiều. Thì mùa Covid-19 này, nơi nào chả vậy, đâu chỉ nơi đây. Ai từng ghé hai nơi này cứ tự khai báo và đi xét nghiệm.
Đến sáng 1-6, lại một con hẻm ở Khu 6, thuộc khu phố 1 phường 3 của tôi, cách nhà tôi 200m bị phong tỏa. Không phải một bệnh nhân Covid-19 ghé qua mà là một cư dân trong hẻm, vốn là tài xế bệnh viện một quận. Anh này có đi bỏ phiếu ở điểm bỏ phiếu trường Bình Giã. Tối 1-6, đang trực, chị Lan bên chi bộ gọi điện thoại cho tôi: “Anh C đi xét nghiệm nha”. Chả là tôi hôm đó đi bầu điểm này. Chị Lan trực điểm này nên nhớ… “Đang trực, mai được không chị?” – Thôi cha nội, đi chút xíu thôi mà…
Tạm nghỉ trực ít phút, chạy đi xét nghiệm, 20g50 tối 1-6. Anh em trong phường và nhân viên y tế rất niềm nở, thoải mái, dù lúc đó có mấy anh em làm công việc này đã than “làm liên tục, mệt quá. Hết que thử rồi, nghỉ, mai tiếp”.
TôI tính về thì “anh ơi, còn que chót nè!” – một nhân viên y tế nhã nhặn gọi. Tôi vô, ngồi xuống ghế, chưa kịp chuẩn bị thì que thử đã vào mũi, ngoáy một cái lấy mẫu là xong. 3 giây. Chả đau gì như đồn đại.
Tôi hỏi chị Lan: “Bao giờ có kết quả?”. Chị Lan cười: “Khi nào có người liên hệ thì biết bị bế đi rồi, không thì thôi, giờ ai mà thông báo từng người cho xuể”.
“Quá tam ba bận”. Sáng hôm sau 2-6, phường 3, Tân Bình của tôi ra thông báo: “Tầm soát diện rộng toàn phường”. Khoảng đâu 20.000 dân.
Ai cũng lo, mà hình như lo bị bế đi 21 ngày còn hơn cả Covid-19.
2. Coi như hên xui, ai mà biết cái đó khi nào dính mình. Ai cũng là nạn nhân chứ có phải thủ phạm đâu. Thủ phạm thì cả thế giới đang truy tìm với nghi can số một con virus ấy là virus -Vũ Hán, con đẻ của virus-China…
Người Sài Gòn cũng vậy, họ có đẻ ra cái con virus đó đâu. Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng vậy. Quán bánh canh cá lóc trên đường Nguyển Đình Chiểu cũng vậy… Con gái của nhà ấy mới chết vì Covid-19 mà. Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của TP.HCM chết vì căn bệnh này. Anh chồng của cô thỉnh thoảng ghé quán nước ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai uống vài lon bia. Tôi cũng hay cà phê ở quán vỉa hè này.
Tất cả đều là nạn nhân. Vậy xin đừng nhìn họ, cư xử với họ như tội phạm; coi chỗ ở, khu vực họ ở là cái “ổ dịch”. Dù tiếng Việt cũng bình thường có nói “nằm ổ”, “no cơm tấm, ấm ổ rơm”…, nhưng trong bối cảnh này, cái “ổ” ấy rõ ràng hàm nghĩa coi thường, nó ngang với “băng ổ”, “hang ổ”… Tôi tin không ai ở khu vực bị khoanh vùng muốn khu vực mình bị gọi là “ổ” hết. Nước ngoài người ta gọi là “zone Covid-19”: vùng/khu vực Covid-19. Thì ngay thông tin chúng ta cũng gọi là “khoanh vùng” chứ có “khoanh ổ” đâu”.
3. Đường sá Sài Gòn lúc này vắng vẻ, rộng rinh như hồi nó 2-3 triệu dân. Dù muốn hay không, giãn cách cũng là dịp chúng ta tĩnh lại với đường phố ấy, tịnh lại lòng mình. Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, Đức cha Giuse Nguyễn Năng bảo: “Hãy xem Covid là một cái gờ giảm tốc cho một cuộc sống luôn lao đầu không phanh về phía trước...”.
Trong thư chung gửi các linh mục, tu sĩ Công giáo trong giáo phận ngày 31-5-2021, Ngài cũng nói về cách ứng xử với “bình thường mới” này cùng các vị mục tử - các đấng bậc chăn chiên - vốn cũng mang bản tính con người như mọi người: “Bỗng dưng việc giãn cách xã hội làm cho chúng ta rơi vào khoảng không hụt hẫng. Chúng ta đừng quên rằng buồn chán, thất vọng, trầm cảm, buông xuôi, chính là loại virus độc hại có khả năng giết chết tâm hồn con người”.
Không chỉ lý thuyết, Ngài đề nghị cụ thể công việc với các linh mục, tu sĩ trong giáo phận Sài Gòn của mình: nguyện gẫm lâu hơn, xét mình về lối sống, đọc một quyển sách, coi một cuốn phim hay…
“Trong những ngày này, chúng ta không thể nói là không có giờ” – Ngài bảo.
Ngài chia sẻ với cộng đồng hàng giáo phẩm của mình. Nhưng có lẽ ai cũng có thể tìm thấy ở đó cách ứng xử cho mình, gia đình mình những ngày “thổ tả, dịch vật” chưa biết bao giờ mới qua này.
CÙMAI CÔNG 03.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.