mardi 2 février 2021

GS Nguyễn Văn Tuấn - Thiên kiến thông tin


'Tam sao thất bổn' (ba lần chép lại làm mất cái gốc) là thành ngữ của người mình để chỉ tình trạng thông tin bị làm sai lệch vì qua nhiều lời kể chuyện hay chép chuyện.

Thành ngữ còn đề cập đến việc truyền miệng (có ý thức hay vô ý thức) dẫn đến hiểu lầm và hậu quả nghiêm trọng. Trong khoa học tâm lý cũng có nghiên cứu về hiện tượng 'tam sao thất bổn'. Qua câu chuyện về Trump, tôi đi đến kết luận: không tin vào giới elite Việt Nam.

Một nhóm người Việt có thể xem là (hay họ tự gọi với nhau) 'trí thức' mỗi ngày truyền nhau qua email những bài viết mang tính vĩ mô về Việt Nam. Đa số là những bài có xu hướng đấu tranh cho dân chủ. Mấy tuần gần đây họ truyền nhau những bài viết về ông Trump và 'triều đại Trump', nhưng gần như tất cả đều là tin xấu.

Có vài người ở hải ngoại và có vẻ có học nhưng viết những chữ rất hung hăng, đúng chất đấu tố ngoài Bắc. Ngôn ngữ của họ rất khẳng định, gây ấn tượng cho người đọc là họ biết hết và biết đúng. Họ nhạo báng bất cứ ai nói ngược lại là 'cuồng Trump'.

Thế là 'diễn đàn' trở nên một nhóm người cao tuổi độc thoại với nhau, và tự tung hứng với nhau. Không ai có ý kiến khác. Quan sát họ trao đổi với nhau rất thú vị, vì nó nói lên một phần về suy nghĩ của những người tự xem là 'elite' của Việt Nam. 

Nhưng điều đáng chú ý là tất cả những bài viết đều là thông tin thứ phát, chủ yếu dựa vào các bản tin của các trạm truyền thông như New York Times, CNN, WP, v.v. Sự lệ thuộc vào thông tin thứ phát là một hiện tượng xã hội mà hình như giới nghiên cứu khoa học xã hội thứ thiệt đã quan tâm từ lâu. Họ gọi là 'information bias' hay 'secondary information bias'. Đó cũng là một bias hay thấy trong dịch tễ học.

Nói theo tiếng Việt một cách dân dã là 'tam sao thất bổn', tức là từ một dữ liệu hay một câu chuyện gốc, nhưng khi lan truyền đi bởi người khác, và qua nhiều lần lan truyền như thế, thì câu chuyện có khi bị sai lệch về ý nghĩa. Ngay cả nhìn thấy tận mắt cũng có thể kết luận sai như câu chuyện Khổng Tử - Nhan Hồi dưới đây. 


Câu chuyện về Khổng Tử và Nhan Hồi

Có một câu chuyện liên quan đến Khổng Tử và học trò của ông là Nhan Hồi minh chứng cho câu 'thấy vậy mà không phải vậy.' Chuyện kể rằng khi Khổng Tử và môn đồ trên đường đi nước Tề, trong lúc đói khát thì có một phú ông cho đoàn một ít gạo. Khổng Tử lúc nào cũng xem đệ tử Nhan Hồi là người chánh trực nên giao cho nhiệm vụ nấu cơm. Trong lúc Khổng Tử đọc sách ông bí mật theo dõi Nhan Hồi nấu cơm và thấy Nhan Hồi bới một nắm cơm và cho vào miệng.

Khổng Tử thất vọng về người đệ tử mình tin cậy vì nghĩ rằng Nhan Hồi ăn vụng. Thế rồi như là một cách thử lòng, Khổng Tử đề nghị với đám học trò là trước khi ăn thì nên bới một chén cơm để cúng cha mẹ. Đám học trò đều đồng ý, chỉ riêng Nhan Hồi im lặng. Khi được hỏi về thái độ im lặng, Nhan Hồi giải thích rằng lúc nãy khi nấu cơm, ông mở nắp nồi, và một đám bụi bay vào nồi cơm, nên ông phải hớt lấy phần cơm bị bụi bám định vứt xuống đất, nhưng nghĩ thấy tiếc nên ông đã ăn phần cơm dơ đó. Nhan Hồi giải thích thêm rằng như vậy là ông ấy đã ăn cơm rồi, nên không bới cơm cúng cha mẹ nữa. Nghe đến đó Khổng Tử với vỡ lẽ ra, và học một bài học rằng có những sự việc mình chứng kiến tận mắt nhưng nếu không hiểu bối cảnh của sự việc thì rất có thể hiểu lầm.

Câu chuyện về thí nghiệm 'Albert Nhỏ'

Một trong những thí nghiệm tâm lý nổi tiếng nhứt có lẽ là Thí Nghiệm Albert Nhỏ (Little Albert Experiment). Đó là thí nghiệm nhằm kiểm định giả thuyết rằng phản ứng sợ hãi khi nghe tiếng động là một phản xạ bẩm sinh và vô điều kiện. Thí nghiệm do nhà tâm lý học John Watson và học trò là Rosalie Rayner thực hiện tại Đại học Johns Hopkins vào năm 1920. Theo đó, một em bé 9 tháng tuổi (con của một người y tá trong bệnh viện), tạm gọi là 'Albert', được chọn làm tình nguyện viên [1].

Trước khi tham gia thí nghiệm, Albert được cho tiếp xúc với một con chuột bạch, một con chó, một con khỉ, và khẩu trang không có lông, vải sợi, vải len, v.v. Albert không cảm thấy sợ hãi trước những tác nhân này.

Sau đó, khi Albert được 11 tháng tuổi, em được cho ngồi trên một tấm nệm ở giữa phòng và một con chuột bạch được đặt gần chỗ Albert. Albert được cho phép chơi với con chuột. Nhưng cứ mỗi lần Albert sờ vào con chuột, Watson và Rayner lấy búa gõ vào thanh sắt để gây ra âm thanh đáng sợ đằng sau lưng Albert. Phản ứng của Albert lúc đó là khóc và tỏ ra sợ hãi. Sau khi lặp lại qui trình đó (sờ chuột và gây tiếng động) vài lần, Albert được cho tiếp xúc với con chuột nhưng không có tiếng động đáng sợ kia. Ngạc nhiên thay, cho dù không có tiếng động, Albert vẫn thấy sợ con chuột và bò đi chỗ khác.

Một số thí nghiệm kế tiếp cho thấy Albert cũng sợ những con vật như thỏ, chó xù, và áo khoác lông cừu. Ngay cả khi thấy Santa Claus với râu trắng Albert cũng cảm thấy sợ hãi. Đến ngày thứ 31, Albert vẫn sợ con chuột, con thỏ, chó xù, v.v. dù chính em ấy muốn sờ chúng. Sau khi thí nghiệm hoàn tất thì mẹ Albert rút khỏi cuộc thí nghiệm, nên chúng ta không biết chuyện gì xảy ra sau đó [2]. Kết quả của thí nghiệm này được công bố trên một tập san tâm lý học của Mỹ, và tác giả diễn giải là con người sẽ bị ám ảnh và sợ hãi những đối tượng vô hại, và nỗi sợ hãi có thể khái quát hoá cho các thực thể khác.

Mặc dù quy trình và kết quả thí nghiệm đã được công bố trên tập san tâm lý học, nhưng những thông tin đó sau này bị lệch lạc trên nhiều phương tiện. Chẳng hạn như nhà tâm lý học lừng danh Eysenck cho rằng kết quả của thí nghiệm cho thấy Albert sợ hãi tất cả các con vật có lông. Một số sách giáo khoa thì viết rằng Albert sợ mèo, vớ tay, vòng đeo cổ có lông của mẹ, và sợ cả con teddy bear! Có người còn đi xa hơn cho rằng nỗi sợ hãi của Albert được hóa giải khi được 'deconditioning' (tức vô điệu kiện hoá). Thật ra, thí nghiệm dừng ngay lúc mẹ của Albert rút khỏi công trình nghiên cứu, chớ chẳng có can thiệp nào sau đó cả. Như có thể thấy, từ một kết quả nghiên cứu đơn giản như thế nhưng qua 'miệng thế gian' thì nó không còn đúng với kết quả gốc được báo cáo.

Câu chuyện về nghiên cứu béo phì

Mười năm trước, tôi và vài bạn có theo đuổi một dự án về nghiên cứu béo phì ở người Á châu, cụ thể là người Việt. Câu hỏi tôi đặt ra là tỉ trọng mỡ trong người mình bao nhiêu thì được xem là béo phì, và cái ngưỡng đó có hợp lý hay không. Khi điểm qua y văn chúng tôi biết một nhóm nghiên cứu Singapore rất active trong lãnh vực này. Một một bài báo công bố năm 1998, nhóm tác giả cho biết một Technical Report của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) năm 1995 đề nghị lấy ngưỡng 25% ở nam giới và 35% ở nữ giới làm chuẩn chẩn đoán béo phì. Họ có tài liệu tham khảo đàng hoàng.

Tôi hơi ngạc nhiên, bởi vì lúc đó thì làm sao có nghiên cứu dùng công nghệ DXA để ước tính tỉ trọng mỡ được. Thế là tôi đề nghị đồng nghiệp trong nước đọc và tôi cũng đọc tài liệu của WHO. Nhưng rà đi rà lại, chúng tôi không thấy bất cứ một đề nghị nào của WHO về ngưỡng tỉ trọng mỡ. Thậm chí, suốt tài liệu cũng không có con số 25% hay 35%! Chúng tôi vẫn nghĩ có thể mình thiếu sót, hay sai, hay hiểu lầm, nên tôi hỏi một đồng nghiệp bên Úc có kinh nghiệm lâu năm trong lãnh vực béo phì tiếp tay. Chị ấy (là giáo sư nội tiết học) với một cá tánh mạnh khẳng định như đinh đóng cột rằng không có cái ngưỡng nào là 25% hay 35% hay bất cứ con số nào cả, vì chưa có nghiên cứu.

Ấy vậy mà cái ngưỡng 25% / 35% được trích dẫn trong hơn 10 bài báo khoa học sau đó! Ngay cả trong thời gian gần đây, vẫn có bài báo trích dẫn cái ngưỡng đó. Tất cả đều hoặc là đề nguồn tham khảo từ tác giả Singapore hoặc từ báo cáo của WHO năm 1995. Tôi đoán rằng các tác giả sau này không đọc báo cáo của WHO; họ chỉ trích dẫn từ nhóm Sinagpore. Bởi vì nếu họ đọc báo cáo của WHO thì chắc chắn không thể trích dẫn như thế. Nói cách khác, từ một trích dẫn sai (hay phịa ra) của nhóm Singapore, mà chuyên ngành béo phì tiếp tục trích dẫn sau đó cả 20 năm.

Sau này, chúng tôi có viết một bình luận ngắn nêu một cách lịch sự rằng các tác giả đã sai hơn 20 năm chỉ vì trích dẫn từ nguồn thứ phát (secondary citation) [3]. Một bình luận ngắn như vậy mà đã có hơn 75 trích dẫn!

Câu chuyện y chang như thành ngữ 'tam sao thất bổn'.

Tại sao có hiện tượng 'tam sao thất bổn'?

Giới tâm lý học đã có nhiều nghiên cứu để lý giải về câu hỏi trên. Ở đây, tôi chỉ đọc một phần cho bạn theo cách hiểu của tôi (có thể lại 'tam sao thất bổn' 🙂 nhưng các bạn có thể kiểm chứng cho mình). Tựu trung lại có 4 lý do (hay động cơ) chánh để người ta nói lệch câu chuyện gốc:

· Muốn có một câu chuyện hay;

· Sai lệch vì lý do giải trí;

· Sai lệch vì tư lợi;

· Sai lệch vì tính khả dĩ.

Động cơ 1: Để có một câu chuyện hay

Câu chuyện Thí nghiệm Albert là một ví dụ tiêu biểu về sai lệch để có một câu chuyện hay. Để hiểu cái gì làm nêm một câu chuyện hay chúng ta phải xem xét đến nhu cầu của người nói và người nghe và mục tiêu mà họ muốn đạt được. Đối với người nói, cái thông điệp của họ phải đáng để chuyển tải và gây chú ý ở người nghe. Đối với người nghe, câu chuyện phải xứng đáng để mất thì giờ nghe.

Để đạt yêu cầu này, điều kiện quan trọng nhứt cần phải đáp ứng là thông tin phải đơn giản và dễ hiểu, sao cho người nghe không cần kiến thức chuyên môn mà vẫn hiểu được. Yêu cầu này cũng có nghĩa là các chi tiết phức tạp phải ... bỏ qua. Các chi tiết về kĩ thuật thí nghiệm, phương pháp phân tích, hay các kết quả 'lạ' cũng phải bỏ qua. Các chi tiết Trump cụ thể nói gì hay làm gì cũng bị bỏ qua. Đó chính là lý do tại sao các câu chuyện thứ phát (do người khác kể) thường đơn giản, có vẻ rất hợp lý, và dường như là quá hợp lý, quá đẹp, vì không có chi tiết nào cho thấy thiếu tính nhứt quán.

Động cơ 2: Để giải trí

Một cách để làm cho câu chuyện thứ phát truyền đi là sự hấp dẫn và tính giải trí. Người truyền đạt câu chuyện thường cố gắng làm cho nó gần gũi, kiểu như sự việc xảy ra hay ảnh hưởng đến một người mà mình quen biết. Do đó, người kể chuyện thích đặt họ vào vị trí trung tâm hay gần với nhân vật mà họ cho rằng đã từng quen biết. Sau khi đã làm cho sự việc gần gũi, người kể chuyện bèn chỉnh sửa thông điệp, trao chuốt chi tiết sao cho người nghe cảm thấy có thể tin tưởng được như là câu chuyện nguyên phát, nhưng kì thực là chuyện thứ phát thứ hai, thứ ba, hay thậm chí thứ mười. Và, cứ mỗi lần lặp lại câu chuyện, người kể chuyện càng làm cho câu chuyện thêm phần giải trí để rồi sau cùng thì mất hết thông tin ban đầu.

Động cơ 3: Để hưởng tư lợi

Để kể một câu chuyện giải trí, người kể chuyện phải là một 'diễn viên' giải trí. Kể chuyện như thế có thể nâng cao hình ảnh công chúng của người kể chuyện. Nhưng cái nhu cầu làm người giải trí chỉ là một kiểu tư lợi. Người ta theo đuổi nhiều động cơ tư lợi trong quá trình chuyển tải thông tin, và chính nhu cầu này làm sai lệch thông tin một cách có hệ thống.

Một trong những động cơ đó xuất phát từ sự thật là con người thường bị thiên lệch bởi ý thức hệ hay lý tưởng nào đó. Họ thường có một 'chương trình nghị sự' và họ dùng câu chuyện thứ phát để nhằm yểm trợ cho chương trình đó. Phe cánh tả thì tìm những câu chuyện hợp với quan điểm của họ để nói xấu Trump. Phe cánh hữu thì xoáy vào những câu chuyện không hay của phe Dân Chủ để chỉ trích Biden. Họ có thể ghét nhân vật trong câu chuyện (dù chưa bao giờ gặp nhân vật) nhưng muốn dùng câu chuyện để thêm thắt chi tiết cho nó thêm hấp dẫn, và khi người nghe đã bị 'sa lưới' họ bèn tung ra cái thông điệp tư lợi.

Động cơ 4: Tính khả dĩ

Giới tuyên truyền ai cũng biết câu 'một lời nói dối lặp lại nhiều lần sẽ thành sự thật.' Nhiều khi những chi tiết không đúng trong câu chuyện thứ phát được kể lại nhiều lần và người ta tưởng đó là sự thật. Nếu người ta cứ tụng niệm 'Trump là vô luân' nhiều lần thì sẽ có người tin như thế. Ngược lại, nếu tụng niệm 'Trump là thiên sứ' thì cũng có người tin như vậy. Và, khi người ta nghe qua và thấy có vẻ khả dĩ thì sẽ mất đi tánh cảnh giác để sàng lọc câu chuyện, và vô tình tiếp tay lan truyền câu chuyện.

Đó là những lý do hay động cơ làm cho câu chuyện thứ phát được chấp cánh bay xa. Dĩ nhiên, tình trạng đó chỉ làm sai lệch thông tin và dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Chúng ta cần phải cảnh giác khi nghe qua những câu chuyện thứ phát. Cách cảnh giác tốt nhứt là:

* xem xét nguồn gốc thông tin;

* kiểm tra dữ liệu;

* coi chừng những câu chuyện quá hay; và

* cảnh giác với những người elite.

Kiểm tra nguồn gốc câu chuyện

Trong thế giới ngày nay, ai cũng có thể tạo cho mình một kênh radio, kênh truyền hình, bên cạnh những kênh 'chánh thống' và lâu đời. Chỉ cần dạo qua một vòng YouTube hay Facebook, chúng ta thấy rất nhiều kênh 'tư nhân' như thế, và hình thức thì không thua kém gì một kênh chánh thống, thậm chí cách làm còn gần gũi hơn và ... hay hơn các kênh chánh thống. Nhưng chúng ta cần phải có những hoài nghi lành mạnh trước những kênh như thế, vì là kênh cá nhân mà cá nhân thì có chương trình nghị sự và động cơ riêng, nên có thể họ không đưa tin khách quan.

Nhưng nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta tin tuyệt đối vào những kênh 'chánh thống' và lâu đời. Thật vậy, những New York Times, WP, CNN, NBC, v.v. theo tôi đã không còn khả năng đưa tin khách quan nữa, nhứt là những gì liên quan đến phe bảo thủ. Do đó, không bao giờ đặt nặng trọng số cho những kênh truyền thông như thế.

Ngay cả một số tập san y khoa lớn trên thế giới tôi cũng dè dặt, đặc biệt là các nghiên cứu liên quan đến Covid-19, vì tôi có cảm gíac họ đã bị chánh trị hóa. Những kết luận được viết ra thiếu nhứt quán với dữ liệu trình bày. Những kết quá đi ngược lại niềm tin của họ (ai đó?) đều bị chận lại, không cho công bố. Cuối cùng thì chúng ta chỉ có thông tin một chiều, y chang như CNN và NYT!

Kiểm tra dữ liệu thật, lờ đi ý kiến cá nhân

Bất cứ nguồn gốc câu chuyện hay thông tin từ đâu, chúng ta cần phải kiểm tra dữ liệu, chớ đừng bao giờ nghe ý kiến hay bình luận cá nhân của các chuyên gia và bình luận gia. Trong khoa học người ta có câu 'In God we trust, all others must bring data'(Chỉ tin vào Thượng đế, tất cả cái khác phải cần đến dữ liệu). Một dữ liệu (số liệu, hình ảnh) nhưng có thể diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, tuỳ vào quan điểm và trình độ văn hoá của người diễn giải.

Cảnh giác với những câu chuyện hay

Trên đời này không bao giờ có những câu chuyện quá trơn tru và tuyệt vời. Cá nhân và cuộc đời có thể ví von như người lái xe trên đường lộ, nhìn chung thì trơn tru, nhưng thỉnh thoảng cũng gập ghềnh (do ổ gà?), thậm chí gặp tai nạn, chớ không bao giờ lúc nào cũng trơn tru. Không có ai quá hoàn hảo mà không vấp phải sai lầm, nhưng cũng không có ai là quá xấu xa đến nổi không có một điểm gì hay từ cá nhân đó. Đa số chúng ta đều nằm giữa hai thái cực tốt và xấu. Bất cứ cái gì quá hay, quá đẹp (hay quá xấu) rất có thể là không thật (tiếng Anh có câu 'Too good to be true'). Khi nghe những câu chuyện như thế chúng ta phải nghi ngờ ngay.

Cảnh giác với 'ngụy biện dựa hơi.'

Những người kể chuyện thứ phát thường dùng địa vị xã hội, danh xưng, bằng cấp, v.v. của chứng nhân để tăng giá trị của câu chuyện. Nhưng đó là một nguỵ biện, bởi vì giá trị của câu chuyện nằm ở chi tiết và nội dung câu chuyện, chớ không phải ở người kể chuyện hay nhân vật gọi là 'chứng nhân'. Chẳng hạn như câu chuyện về Thí nghiệm Albert Nhỏ, dù nó được kể bởi một chuyên gia tâm lý học lừng danh, nhưng nội dung vẫn có phần sai. Do đó, khi đối diện với người dùng nguỵ biện đó chúng ta đành phải đặt dấu hỏi về tính xác thực của câu chuyện.

***

Quay lại câu chuyện về nhóm 'trí thức' chia sẻ những bài viết tiêu cực về Trump và 'triều đại Trump', tôi nghĩ một số thông tin có thể là đúng. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng chắc chắn một số thông tin đã được bịa đặt hay vặn vẹo hay diễn giải theo quan điểm của tác giả. Chỉ lưu truyền thông tin mà không có bối cảnh (context) thì rất khó nói gì dứt khoát. Thấy vậy mà không phải vậy. Thật ra, những người cứ dựa vào những thông tin như thế để cãi nhau sẽ mất thì giờ một cách vô ích.

Tất cả sự việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Không có sự việc nào xảy ra trong hư vô, vì tất cả đều có nguyên cớ. Rất khó dựa vào một câu chuyện, một câu nói, một hành động để kết luận vì nếu không có bối cảnh thì kết luận sai (cũng giống như câu chuyện của Khổng Tử và Nhan Hồi). Cách hay nhứt để sống trong thế giới thông tin giả ngày nay là (a) kiểm ta nguồn gốc của thông tin; (b) kiểm tra dữ liệu thay vì nghe theo ý kiến cá nhân; (c) hoài nghi những câu chuyện quá cực đoan; và (d) đừng bị thuyết phục bởi danh xưng và cũng đừng tin vào giới elite Việt Nam.

GSNGUYỄN VĂN TUẤN 02.02.2021

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Little_Albert_experiment

[2] Theo một nguồn tin của người trong ngành thì bé 'Albert' là Douglas Merritte, con trai của y tá Arvilla Merritte. Arvilla được trả 1 USD cho thí nghiệm. Douglas qua đời lúc 6 tuổi vì một căn bệnh hiếm hydrocephalus. Còn thầy trò Watson và Rayner thì sau này ĐH Johns Hopkins cho nghỉ việc vì họ có quan hệ tình cảm với nhau. Nguồn: https://www.apa.org/monitor/2010/01/little-albert

[3] "More on Body Fat Cutoff Points"

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.