Thủ Đức đã thành một "thành phố trong thành phố" khi mà tổng dân số Sài Gòn đã vượt qua 10 triệu. Nằm nghĩ về những thăng trầm thế cuộc, chợt nhớ truyện dài Đò Dọc của nhà văn Nam kỳ nguyên bản Bình Nguyên Lộc.
Tác phẩm này được giải thưởng văn chương toàn quốc của Việt Nam Cộng Hòa năm 1960. Chỉ nghe cái tên Đò dọc, ai không chịu đọc sẽ nghĩ là một chuyện gì đó trên vùng sông nước phương nam. Nhưng thực ra không hề có chiếc đò nào, mà đó là những chuyến đò đời trôi nổi từ những biến động của quê hương.
Bức tranh xã hội ngày đó giờ đã vĩnh viễn không còn nhưng đọc lại nó, chúng ta sẽ ngậm ngùi thấy những giá trị tinh thần mất đi còn đáng tiếc ngàn lần hơn nữa.
Sống không nổi ở Sài Gòn, ông bà Nam Thành (gốc Bạc Liêu) đã mang bốn cô con gái về cái xứ "quê mùa" mà đọc sách ta có thể ước chừng ở đâu đó khu Linh Xuân giáp Dĩ An nằm trên đường Thiên Lý cũ, tức quốc lộ 1K bây giờ, và sinh sống bằng cách nuôi heo, nuôi gà, lập trang trại.
Ngặt nỗi bốn cô Hương, Hồng, Hoa, Quá tuổi từ 22 đến 28 mà vẫn chưa chồng, thời thập niên 50 của thế kỷ trước là ế lắm rồi. Mang danh gái Sài Gòn nên hẳn nhiên sẽ có những chàng trai làng ngắm nghía ước ao, làm phát sinh những bi hài quê-tỉnh.
Trích một đoạn đọc cho vui: “Quờn là một công tử nhà quê, hạng người mẫu. Vì ở gần thành phố quá, mặc dầu thành phố ấy chỉ là một quận lỵ, công tử Quờn lại mang thêm một cố tật dĩ nhiên là muốn thành người thành thị. Thành không được, Quờn lai căng một cách dị hợm với những bộ bi-da-ma màu hường, màu xanh lá cây mà cậu mặc mãi từ sáng đến tối, từ trong buồng ra đến quận lỵ. (...)
Từ ngày xóm tiếp nhận nữ khách mới thì cậu xức nước hoa chế tạo ở Chợ Lớn và nhét mù xoa nhỏ có thêu chéo xanh xanh đỏ đỏ trên miệng túi bi-da-ma. Cậu diện thêm một cây đàn băng cầm, cứ chiều chiều xách nó ra đường, không khảy vì chưa biết chơi, nhưng cắt nghĩa lu bù về nhạc cụ ấy, với đám trẻ con bu quanh cậu. (...) Trong cái lần đầu ấy, thấy Quờn liếc lén mấy chị em, Hoa tấn công ngay:
- Chào cậu hai. Đi dạo mát với chị em tôi chơi, cậu.
Quờn đứng chết sững và ngậm câm, còn hai cô Hoa và Quá thì rũ ra cười; cô Quá cười no rồi nói:
- Hay là cậu mặc áo hường rồi chê áo đen của chị em tôi mà không muốn đi chăng?
Hoặc: “Quờn mặc bi-da-ma bằng vải ú màu xanh lá cây, đầu chải brillantine Chợ lớn sực nức mùi chanh, cổ đeo dây chuyền vàng khè, tay nặng trĩu nào lắc vàng, cà rá vàng và đồng hồ cũng bằng vàng.
- Độ rày cậu làm gì, cậu hai? Hoa lại hỏi.
- Cũng hổng cần làm gì, à tôi có tự túc một bầy gà Huê-kỳ, coi bộ tương lai quá khứ?
Cả bốn chị em đều ngạc nhiên, không hiểu cậu ta nói cái gì mà lại tự túc và có tương lai quá khứ?
- Tự túc là gì cậu? Hương hỏi thật tình.
- Tự túc là nuôi, chớ là gì.
- Vậy hà, còn tương lai quá khứ?
- Tương lai là tương lai, còn quá khứ là quá xá. Tiếng mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá, nên tôi bắt chước dùng theo. Đời bây giờ họ bày ra nhiều tiếng mới hay lắm. Thí dụ phạm tội, họ nói phạm vi. Thù vặt họ nói cá nhân, nghe hay quá khứ.
Hoa và Quả núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt."
Chủ đề của Ðò Dọc là xem giá trị gia đình như một nền tảng để con người có thể tựa vào trước bao đổi thay của xã hội. Từ một tình cờ của định mệnh, trong bốn chị em gái thì có đến ba cô yêu một chàng. Họ cũng có những toan tính, tị hiềm...nhưng rồi sức mạnh của tình máu mủ, của cha mẹ chị em đã giúp họ vượt qua một cách ổn thỏa, có hậu.
Còn ngày nay giá trị đó đã đổ vỡ vì sức mạnh vật chất. Ngay tại không gian xưa giờ lên thành phố, tấc đất tấc vàng đã khiến cha con, anh em trở thành kẻ thù, "văn minh" thì họ đưa nhau ra tòa còn không thì chém nhau mà giành đất !
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là một trường hợp vô cùng độc đáo, người ta thường phổ nhạc một bài thơ còn ông phổ nguyên một... truyện dài. Và từ bài hát này Đò Dọc càng được biết đến nhiều hơn, dù tôi tin có người biết bài hát của nhạc sĩ mà chưa từng đọc truyện của nhà văn.
"Hò lơ, ho lờ ! Đời là dòng sông
Ta trôi như con đò
Chống chèo dọc ngang nương kiếp trôi
Qua bao khúc nhôi
Đò dẫu nặng nề trôi mấy trôi cũng về một nơi."
Ai cũng có thể hát, nhưng mấy ai thấm hết ý nghĩa của lời ca?
NGUYỄNĐÌNH BỔN 15.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.