mercredi 30 décembre 2020

Trần Trung Đạo - Việt Nam có thể có một Gorbachev không ?


Nếu đưa câu hỏi này ra công chúng ngày hôm nay để làm một thống kê, có lẽ 99.99% hay thậm chí 100% số người được hỏi dù là đảng viên cộng sản (CS) đi nữa cũng sẽ trả lời không.

Tại sao không? Việt Nam đang bị cai trị bởi những anh hề chứ không phải những nhà chính trị hay tư tưởng. Chế độ CS tồn tại giống như chiếc Toyota Corolla chạy cà rịch cà tang từ 1975 tới nay vẫn còn chạy dù dọc đường bao nhiêu nước từng bị thực dân đô hộ qua mặt ào ào.

Tuy nhiên, phần lớn người được hỏi cũng không thể giải thích được lý do tại sao Việt Nam lại không thể có một Gorbachev hay khác hơn những yếu tố nào đã tạo nên một Gorbachev tại Liên Xô trong giai đoạn 1989-1991.

Nếu Gorbachev được bầu vào bộ chính trị dưới thời Leonid Brezhnev và đề nghị hai chính sách Glasnost (Cởi mở) và Perestroika (Công khai hóa), bản thân ông ta không những bị hạ bệ tức khắc mà không chừng còn bị đày chết rục trong tù. Trường hợp Trần Xuân Bách, Ủy Viên Bộ Chính Trị, là một ví dụ. Ông Bách may mắn không chết trong tù nhưng chết trong quên lãng.

Thời điểm 1989 đã khác. Nồi nước công phẫn được đun mấy chục năm đã tới độ Xôi và sớm muộn sẽ trào. Ngọn đèn dầu chuyên chính đã cạn dần và sẽ tắt. Gorbachev thổi ngọn đèn. Cám ơn ông. Gorbachev làm được nhờ một thành phần tiến bộ, có đầu óc cải cách trong trung ương đảng và thành phần trí thức ủng hộ.

Việt Nam thì không. Việt Nam có một thành phần bảo vệ đảng về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, kỹ thuật, tư tưởng lý luận mà người viết gọi chung đó là “thành phần phên giậu”.

THÀNH PHẦN PHÊN GIẬU

Thời đại Google giúp người dân thấy cái ngu của giới cầm quyền CS trong phát biểu và trong cư xử, từ một Nguyễn Minh Triết ở Cuba cho tới một Nguyễn Thị Kim Ngân ở Việt Nam. Họ dốt nát thật chứ không ai vu cáo. Nhưng họ đã, đang và sẽ tiếp tục cai trị Việt Nam nếu không bị lật đổ. Bởi vì chung quanh họ có một lớp người làm phên giậu để bao che, cung phụng, cúi đầu làm nô lệ cho đảng trong các lãnh vực chuyên môn.

Năm 1958 tại Trung Cộng, Mao Trạch Đông đưa ra chính sách “Bước tiến nhảy vọt” bằng cách nấu chảy nồi niêu xoong chảo ra làm kim khí để chế đường rầy xe lửa, cầu cống, tàu bè, nhà máy cơ khí hạng nặng.

Theo anh chàng gốc nông dân Mao Trạch Đông, tại sao phải tốn kém nhiều tiền của, công sức để khai thác thép và xây những nhà máy hiện đại trong khi có thể sản xuất dụng cụ bằng những phương pháp ít tốn kém. Một quan điểm vật lý vô cùng ấu trĩ mà một học sinh cấp tiểu học cũng biết là sai nhưng rất đông “nhà khoa học” cam phận làm bồi bút ca ngợi như là “chiếc cầu thang bước lên chủ nghĩa Cộng Sản”.

Theo sử gia Frank Dikötter, chỉ trong vòng 4 năm từ 1958 đến 1962, đã có tới 45 triệu người Trung Hoa bị giết và chết đói trong các “công xã nhân dân”. Ai là thủ phạm? Mao. Đúng nhưng chưa đủ; ngoài Mao, còn phải kể tới "thành phần phên giậu" tại Trung Quốc.

Gorbachev nhìn lại những thay đổi trong xã hội Liên Xô thời ông làm Tổng Bí Thư đảng CS: “Cái khuôn mẫu Soviet thất bại không chỉ ở mức độ kinh tế xã hội mà thất bại ở mức độ văn hóa. Trong xã hội Liên Xô, các tầng lớp người dân, các thành phần có học, thành phần trí thức đã từ chối một chế độ không tôn trọng quyền làm người, trấn áp người dân cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Ngoài một ít tiếng nói cất lên trong cô đơn lạc lõng, giới có học tại Việt Nam giống hệt như Trung Cộng và khác hẳn với Liên Xô. Thành phần cung phụng đảng CS tại Việt Nam rất đông nhưng “thành phần trí thức đã từ chối một chế độ không tôn trọng quyền làm người” thì lại rất hiếm.

Không ít thuộc "thành phần phên giậu" Việt Nam tốt nghiệp chuyên môn ở các trường đại học Mỹ, Anh, Đức v.v…nhưng mang những kiến thức khoa học đó phục vụ cho đường lối cai trị đất nước bằng nhà tù, sân bắn của đảng CS. Họ biện minh rằng mình cũng giúp nước nhưng thật ra chỉ làm kéo dài sự chịu đựng triền miên của dân tộc.

Ai là thủ phạm gây ra tình trạng sa đọa trong đạo đức, suy đồi trong văn hóa, lạc hậu trong kinh tế, ô nhiễm trong môi trường và đất biển rơi vào tay Trung Cộng? Đảng CSVN. Đúng nhưng chưa đủ, ngoài ra còn phải kể "thành phần phên giậu" đang cung phụng và bao che tội ác CS.

Đừng vội kết án những cô gái phơi bày thân thể trần truồng trên đường phố để bày tỏ vui mừng sau một trận đá banh. Không cha mẹ Việt Nam nào dạy con làm những việc xúc phạm thuần phong mỹ tục, và cũng không phải do các cháu tự nghĩ ra những trò lố lăng như thế. Hành vi đó là kết quả của chính sách “trồng người” theo đúng quan điểm “đạo đức xã hội chủ nghĩa”.

Thật vậy, cơ chế độc tài đảng trị CS đã biến con người Việt Nam vốn hiền hòa, chơn chất, yêu thương trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng” thành những kẻ tham lam, hẹp hòi, kiếm tiền bằng cách đầu độc đồng bào cùng máu mủ với mình.

"Thành phần phên giậu" lý giải cho hành vi phản bội tổ quốc khi cho rằng dân trí Việt Nam chưa đủ cao để tiếp cận với nền dân chủ.

Thế nào là cao và thế nào là đủ?

Dân chủ là giá trị phổ quát của nhân loại chứ không phải tài sản riêng của một quốc gia nào. Dân chủ là một tiến trình chứ không phải là thành phẩm do nước nào chế tạo. Tiến trình xây dựng và phát huy dân chủ có thể khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia nhưng vẫn là dân chủ.

Trước năm 1989, Mông Cổ có thể nói là quốc gia chưa bao giờ thật sự biết gì về dân chủ nhưng giờ đây đã trở thành một nước dân chủ.

Tháng Tư năm 1770, Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Mỹ, phát biểu: “Theo định luật tự nhiên, tất cả con người sinh ra đều tự do, mọi người có mặt trên trái đất này có quyền riêng tư của chính họ.”

Hơn hai trăm năm sau, Tsakhiagiin Elbegdorj, một thanh niên Mông Cổ trở thành Thủ tướng Cộng Hòa Mông Cổ xác định câu nói của Thomas Jefferson là đúng trong buổi phỏng vấn dành cho báo New York Times năm 2004: “Chúng tôi muốn cho thế giới thấy rằng các giá trị thường được gọi là giá trị Tây phương không phải thuộc về Mỹ, châu Âu, Nam Hàn và Nhật Bản thôi nhưng còn thuộc về Mông Cổ”.

Điều đó cho thấy, dân chủ Mỹ hẳn nhiên khác với dân chủ Mông Cổ nhưng vẫn là dân chủ. Vâng, và các giá trị của dân chủ đó cũng thuộc về từng người Việt Nam.

Nhưng "thành phần phên giậu" đừng quên, dù kéo dài sự cai trị lâu dài, khi sụp đổ, các chế độ CS đều sụp rất nhanh.

Ngày 21 tháng 12, 1989, Nicolae Ceaușescu đọc diễn văn trước trên một trăm ngàn người dân Romania nhưng chỉ bốn ngày sau vợ chồng ông ta bị xử bắn. Người bắn, Đại úy nhảy dù Ionel Boyeru, thuộc đơn vị ưu tú được tuyển chọn để bảo vệ các lãnh đạo trung ương đảng CS và cũng là người trước đó không lâu ký tên vào lá thư thề nguyền trung thành với Nicolae Ceaușescu.

Giống như hầu hết những kẻ độc tài sống trong hoang tưởng quyền lực, giới lãnh đạo CSVN không đo lường được sức mạnh của lòng công phẫn. Giọt nước căm hờn bao nhiêu năm âm thầm chảy trong lòng người sẽ một ngày thành cơn lũ cuốn đi chế độ độc tài.

"Thành phần phên giậu" làm giàu trên máu xương của đồng bào mình, tiếp tay với giới cai trị để đày ải đồng bào mình sẽ không có đủ thời gian tẩu tán tài sản, che đậy danh tính hay thậm chí trốn đi đâu.

Thức dậy đi nếu còn một chút lương tâm Việt Nam.

TRẦNTRUNG ĐẠO 30.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.