mercredi 16 décembre 2020

Hoàng Hải Vân - Lời thề bảo vệ Hiến pháp nặng như núi của tổng thống Mỹ


Đại nương Hỷ Linh Tốn là một trong tứ đại ác nhân của cánh tả Mỹ hiện tại (ba người kia là Ô Bã Mía, Béo Lộ Xì và Bí Đần), chị Tốn cũng là “bà ngoại” của các nhà dân chủ cánh tả Việt Nam.

Chị Tốn đến giờ này vẫn rất cay cú về thất bại của mình trước anh Đỗ Nam Trung năm 2016. Sau khi đi bầu tổng thống với tư cách là đại cử tri năm nay (tất nhiên bầu cho anh Bí Đần), chị tuyên bố nên bỏ chế độ đại cử tri để cho cử tri bầu trực tiếp tổng thống. Đại nương tham vọng làm tổng thống nhưng lại không học lịch sử nước Mỹ.

Đọc lịch sử nước Mỹ, ta thấy rằng các anh cha già lập quốc vô cùng cẩn trọng trong cơ chế lựa chọn tổng thống Hiệp chủng quốc.

Lúc đó, trên thế giới (chủ yếu là kinh nghiệm châu Âu), có hai phương cách chọn người đứng đầu nhánh hành pháp, hoặc là dân bầu trực tiếp, hoặc là cơ quan lập pháp bầu. Cả hai cách đều không thích hợp với thực tế của nước Mỹ, vì Mỹ không phải là một quốc gia đồng nhất mà là liên hiệp các quốc gia không đồng nhất.

Đã có nhiều cuộc tranh luận nẩy lửa giữa mấy anh cha già. Đối với một quốc gia đồng nhất thì dân bầu tổng thống trực tiếp là tốt nhất. Nhưng nếu áp dụng cách này tại Mỹ sẽ rất nguy hiểm, vì người muốn làm tổng thống và phe nhóm của ông ta chỉ cần tranh thủ được các bang có dân đông là thắng, bỏ mặc cho các bang dân ít.

Còn cơ quan lập pháp bầu thì có nguy cơ vị tổng thống sẽ trở thành một nhân vật bung xung bị đa số các nghị sĩ sai khiến, trong khi sự câu kết giữa các nhóm lợi ích để tạo thành đa số trong Quốc hội rất nhiều khi dẫn tới việc ban hành các đạo luật bậy bạ phục vụ cho các nhóm lợi ích này chớ chẳng thiện lành gì cho dân.

Cũng có ý kiến cho rằng việc bầu này do thống đốc bang, do Quốc hội bang hoặc giải pháp trung dung vừa tôn trọng quyền của bang vừa tôn trọng đa số cử tri, tức là giải pháp đại cử tri. Tuy nhiên bản dự thảo của Hiến pháp đã thống nhất sửa chữa : tổng thống do cơ quan lập pháp bầu, nhiệm kỳ 7 năm, không được tái cử.

Nhưng bản dự thảo đó khi đưa ra đã tiếp tục có những cuộc tranh luận gay gắt. Cuối cùng mới thống nhất tổng thống sẽ do các đại cử tri bầu với nhiệm kỳ 4 năm, không giới hạn tái cử (đến năm 1951 mới có Tu chính án thứ 22 giới hạn một người chỉ làm tổng thống tối đa 2 nhiệm kỳ).

Quan điểm chung của các vị cha già là, Tổng thống bị giới hạn quyền lực, nhưng đủ sức bác bỏ các đạo luật xấu xa do sự câu kết thiếu thiện lành trong cơ quan lập pháp. Ông ta không phụ thuộc vào các nhóm lợi ích, biết tôn trọng quyền lợi của dân chúng cũng như các nhóm thiểu số (các bang nhỏ).

Chế độ đại cử tri không phải là giải pháp hoàn hảo, nhưng là giải pháp tối ưu để lựa chọn một vị tổng thống tốt trong một quốc gia liên bang. Nó là cơ chế dung hòa, vừa bảo đảm ý nguyện của cử tri (thông qua việc lựa chọn đại cử tri do cơ quan lập pháp quyết định thể thức), vừa bảo đảm bang to hay bang nhỏ đều có quyền lực thích hợp (số đại cử tri bằng tổng số thượng và hạ nghị sĩ liên bang của mỗi bang, tương tự như cuộc đại thỏa hiệp đối với việc lựa chọn hai viện của Quốc hội liên bang).

Và vào năm 1804, dự lường trước những diễn biến có thể dẫn đến khủng hoảng Hiến pháp, Tu chính án 12 sửa đổi một số thể thức bầu tổng thống đã được bổ sung vào Hiến pháp (tu chính án này tôi đã đề cập ở những tút trước). Và hôm nay, thực tế trên chính trường Mỹ đã ứng nghiệm với sự dự lường của các anh cha già lập quốc.

Như đã đề cập, với 7 bang, gồm các bang Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Arizona, Nevada và New Mexico, mỗi bang cùng gửi lên Quốc hội liên bang hai danh sách đại cử tri, một danh sách bầu cho ông Biden dựa trên kết quả bầu cử do Thống đốc bang xác nhận và một danh sách đại cử tri bầu cho ông Trump dựa trên quyết định của cơ quan lập pháp bang. Tôi nói cả hai danh sách này đều hợp hiến, vì Hiến pháp quy định cơ quan lập pháp bang chọn đại cử tri chứ không quy định cử tri bầu trực tiếp tổng thống.

Do cơ quan lập pháp các bang đều ra luật bầu cử chọn đại cử tri “giống như” là bầu cử tổng thống như ta thấy, nên danh sách do các thống đốc gửi lên là hợp hiến. Đối với các bang tranh chấp, xuất phát từ những bằng chứng mà cơ quan lập pháp các bang này cho là gian lận, nên cơ quan lập pháp không chấp nhận kết quả bầu cử mà thay đổi bằng việc tự mình chọn trực tiếp đại cử tri, cũng hợp hiến. Danh sách này được coi là “danh sách đại cử tri thay thế”, sẽ do Quốc hội liên bang xem xét.

Với những nỗ lực của chính quyền Trump và chiến dịch tranh cử của ông, dù các bằng chứng gian lận không được Tối cao Pháp viện xem xét, nhưng nó chắc chắn sẽ được đưa ra Quốc hội liên bang để điều trần trước khi Quốc hội xem xét các 2 danh sách cử tri đoàn bầu cho hai ứng viên tổng thống khác nhau của cùng một bang được đưa lên (Update : Ủy ban an ninh nội địa và các vấn đề của chính phủ Thượng viện Hoa Kỳ (U.S. Senate Committee on Homeland Security and Governmental Affairs) sẽ tiến hành điều trần về cáo buộc gian lận bầu cử vào ngày 16.12, lúc 10:00 giờ Mỹ).

Như đã nói, với đa số cách biệt xa tại Hạ viện do Đảng Dân chủ chi phối và đa số cách biệt gần tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa chi phối, có thể Quốc hội sẽ chọn danh sách thứ nhất bầu cho ông Biden. Nhưng nếu như những bằng chứng gian lận nghiêm trọng không thể chối cãi tại các bang này được đưa ra thì sẽ dẫn đến hai tình huống : hoặc là Quốc hội sẽ tán thành loại bỏ những phiếu bầu phạm luật và quyết định chọn danh sách do cơ quan lập pháp của các bang này đưa lên bầu cho ông Trump, hoặc sẽ hủy bỏ cuộc bầu cử tại các bang trên.

Trong trường hợp hủy bỏ cuộc bầu cử tại các bang thì với số phiếu đại cử tri bầu cho ông Biden sẽ giảm 79 phiếu, như vậy sẽ không có ứng viên nào đủ 270 phiếu để đắc cử. Khi ấy, Hạ viện sẽ bầu tổng thống với mỗi bang 1 phiếu do cơ quan lập pháp của bang quyết định, mà cơ quan lập pháp của các bang hiện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số. Với lập luận như vậy thì ông Trump thắng chắc.

Những người ủng hộ ông Trump ở Hoa Kỳ tin chắc vào điều đó. Tôi thì thấy ông Biden không chắc sẽ thắng, còn ông Trump thì thắng hay không còn phụ thuộc vào việc thực hiện lời tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp của tổng thống. Tại khoản 1, Điều 2 Hiến pháp Mỹ ghi rõ : “Trước khi nhậm chức, Tổng thống phải tuyên thệ như sau : “Tôi trân trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ giữ chức vụ Tổng thống Hiệp chủng quốc với lòng trung thành và bằng tất cả khả năng của mình, duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Hiệp chủng quốc””.

Những lời thề thường vô thưởng vô phạt, nhưng một lời thề được ghi trong Hiến pháp thì chẳng vô thưởng vô phạt chút nào. Nó có nghĩa rằng, Hiến pháp cho phép ông “bằng tất cả khả năng của mình” phải bảo vệ Hiến pháp, tức là có quyền trừng phạt những tổ chức và cá nhân mà chính quyền xác định có những bằng chứng vi hiến mà không cần Tối cao Pháp viện có xem xét hay không.

Theo luật thì Tối cao Pháp viện dù có thấy tổ chức, cá nhân nào vi hiến họ cũng mặc kệ nếu không có ai đó đủ thẩm quyền kiện lên họ. Nhưng nước Mỹ có đủ luật và phương tiện để Tổng thống và chính quyền của ông trừng phạt những kẻ chà đạp Hiến pháp, xâm phạm an ninh quốc gia tước đoạt tự do của người Mỹ mà không cần phải kiện cáo.

Với việc thay Bộ trưởng Quốc phòng ngay sau bầu cử bằng một trùm chống khủng bố và với việc chuẩn bị thay Tổng chưởng lý bằng một nhân vật được ông đánh giá là “xuất chúng”, chứng tỏ ông Trump không phải là “tổng thống vịt què” hay một người cố đấm ăn xôi còn nước còn tát. Người ta hy vọng từ nay đến ngày 6-1, thậm chí có thể đến cuối nhiệm kỳ thứ nhất của ông vào ngày 20-1, chính quyền của ông sẽ lôi ra ánh sáng và trừng phạt tất cả những kẻ câu kết với nước ngoài chà đạp lên Hiến pháp và lũng đoạn nền chính trị Mỹ. Lúc đó người dân sẽ thấy Quốc hội liên bang đứng ra bảo vệ Hiến pháp hay là đứng về phía tội phạm để bảo vệ lợi ích của phe phái mình.

Trong mấy trăm năm tồn tại của mình, nước Mỹ chưa có tiền lệ này, nhưng mấy anh cha già vẫn lường trước là nó có thể xảy ra. Và nhìn vào nước Mỹ hiện tại, cả thế giới sẽ biết nền tự do đang trải qua thăng trầm như thế nào và như thế nào là bảo vệ tự do.

Cái tút này chỉ “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, không nói theo thuyết âm mưu.

HOÀNGHẢI VÂN 16.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.