Cuộc cách mạng Reagan-Thatcher bùng nổ từ đầu thập niên 1980 đã mở màn cho một xu hướng không thể đảo ngược : “tư nhân hóa” nền kinh tế và hồi sinh kinh tế thị trường, lan tỏa trên toàn thế giới.
Trước đó, nhất là từ sau 1945, xu hướng chung là “quốc hữu hóa”, lấy cảm hứng từ kinh tế kế hoạch của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ngay đến cái nôi của kinh tế thị trường là Anh quốc, khi phái tả lên cầm quyền thì “các đỉnh cao chỉ huy” xương sống của nền kinh tế như Điện lực, Viễn thông, Khai khoáng, Dầu khí… cũng nhất loạt bị quốc hữu hóa.
Riêng tại Mỹ, dù phái tả lên nắm quyền từ rất sớm, vào đầu những năm 1930 với chính quyền F. D. Roosevelt, chính phủ can thiệp sâu rộng vào nền kinh tế và xâm phạm nghiêm trọng tự do cá nhân, nhưng không có chuyện quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó không có nghĩa là tài sản tư nhân không bị quốc hữu hóa.
Đó là việc quốc hữu hóa tài sản bằng vàng. Vào những năm 1933-1934, chính quyền đã áp đặt luật cấm vàng, theo đó thì tất cả những chủ thể tư nhân giữ vàng đều bắt buộc phải mang nộp cho chính phủ liên bang với giá “thu mua” thấp xa so với giá thị trường. Trừ tư trang và vàng nghệ thuật, việc sở hữu vàng tư nhân đều bất hợp pháp. Milton Friedman, nhà kinh tế lừng danh của Mỹ và thế giới, cho rằng việc này “phản ánh một xu hướng rời xa khỏi các nguyên tắc tự do và thiết lập những tiền lệ uy hiếp thế giới tự do”.
Trong cuốn sách “Capitalism and Freedom”, M. Friedman viết : “Khó có thể tưởng tượng còn biện pháp nào tiêu cực hơn thế trong việc phá hủy các nguyên lý về quyền sở hữu tư nhân, dựa vào đó một xã hội tự do kinh doanh có thể vận hành.
Về nguyên tắc, không có sự khác biệt giữa chính sách quốc hữu hóa vàng với mức giá qui định thấp và chính sách quốc hữu hóa đất đai, nhà xưởng của chính quyền Fidel Castro cũng bằng một mức định giá thấp. Vậy dựa trên nền tảng nguyên lý nào Hoa Kỳ phản đối chính sách đó của Cu Ba trong khi bản thân Hoa Kỳ lại áp dụng chính sách kia? Ấy thế mà, một số người ủng hộ hệ thống tự do kinh doanh vẫn mù quáng khủng khiếp khi nói đến vấn đề liên quan đến vàng”.
Việc cấm vàng vì mục đích tiền tệ trong nước, trong khi neo đồng đô la vào vàng với giá cố định trong quan hệ quốc tế (theo hiệp ước Bretton Woods, chính phủ nước ngoài có thể mang đô la đến kho bạc Mỹ đổi thành vàng với giá cố định 35 USD 1 ounce), Friedman cho là chế độ bản vị vàng giả tạo, vô cùng bất lợi cho nền kinh tế Mỹ.
Mỹ phải dùng đô la mua ngoại tệ để mua hàng hóa của các nước, trong khi hoàn toàn không kiểm soát được tỉ giá do các nước kia ấn định, khiến cho vàng của Mỹ từ từ chảy ra nước ngoài với giá rẻ mạt. Chính phủ phải liên tục dùng tiền thuế của dân để giữ giá vàng cố định 35 USD/ounce. Và kho vàng của Mỹ, vốn chiếm hơn một nửa vàng của thế giới, ngày càng cạn kiệt. Hậu quả là Mỹ phải dùng hàng loạt các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ, xâm phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tự do kinh doanh. (Chuyện này diễn biến rất phức tạp, trong một cái tút ngắn chỉ có thể nói đại khái).
Vào năm 1962, giữa thời hoàng kim của phái tả (thời tổng thống Kennedy), Friedman đã cảnh báo những hậu quả khôn lường của việc cấm vàng và tình trạng bản vị vàng giả tạo này. Ông đã đề nghị nhiều giải pháp, trong đó : Mỹ nên tuyên bố không cam kết mua hay bán vàng với bất kỳ mức giá cố định nào, và bãi bỏ điều luật cấm tư nhân sở hữu vàng.
Friedman quả là một nhà tiên tri, nhưng mãi 10 năm sau, khi nước Mỹ không còn đủ sức chịu đựng, vào năm 1971, Tổng thống cộng hòa Richard Nixon mới rút khỏi hệ thống Bretton Woods, chấm dứt việc neo đồng đô la cố định vào vàng. Và 3 năm sau, tổng thống cộng hòa Gerald Ford chính thức bãi bỏ việc cấm tư nhân sở hữu vàng.
Nhưng phái tả không chỉ tước đoạt tài sản của người dân thông qua việc quốc hữu hóa vàng trong lịch sử. Hành vi tước đoạt của họ biến hóa khôn lường, rõ nhất là tước đoạt thông qua mức thuế cao ngất ngưởng. Theo nguyên tắc và đạo lý thông thường, người dân nộp thuế là để tạo ra một nguồn ngân sách cho nhà nước hoạt động và làm những việc mà người dân không làm được. Cái gì người dân làm được mà nhà nước giành làm thì đều có hại hơn là có lợi. Do vậy, phần thuế cao vượt quá mức độ chi tiêu cần thiết hợp lý của chính phủ chính là phần tài sản bị “quốc hữu hóa”.
Trên mạng xã hội vừa lan truyền một câu chuyện vui. Thấy báo chí tuyên bố ông Biden đắc cử, một công ty bắt đầu tính chuyện giảm số lượng nhân viên, vì công ty sắp phải chịu mức thuế cao hơn 10%. Chủ công ty tính mãi mà không biết sa thải những người nào. Có người hiến kế : Hãy cho người ra quan sát ngoài bãi xe, hễ thấy xe của ai có dán khẩu hiệu ủng hộ ông Biden thì “giảm biên chế” luôn người đó, vì người đó ủng hộ tăng thuế. Chủ công ty nói, diệu kế, diệu kế !
HOÀNGHẢI VÂN 01.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.