mercredi 6 mai 2020

Từ virus đến nguyên tử, mối liên hệ nguy hiểm giữa Pháp và Trung Quốc

Phòng thí nghiệm công nghệ cao P4 của Viện Vi trùng học Vũ Hán do Pháp giúp xây dựng. Ảnh chụp từ trên không ngày 17/04/2020. LOUISA GOULIAMAKI / AFP
Đăng ngày:


Con virus corona lọt ra từ phòng thí nghiệm P4 của Viện Vi trùng học Vũ Hán, nơi chứa những con virus nguy hiểm nhất thế giới như tổng thống Donald Trump đã nói ? Hoặc là từ phòng thí nghiệm P3 gần đó, cũng chuyên nghiên cứu về virus corona ? Hay là nó thoát ra từ phòng thí nghiệm P2 của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nơi tiến hành các cuộc nghiên cứu về virus corona trên loài dơi trong những điều kiện nhiều khi kém an toàn, nằm cách ngôi chợ thịt rừng Hoa Nam chỉ 300 mét ?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm Chủ nhật 03/05/2020 khẳng định « có đầy những bằng chứng » là con virus xuất xứ từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng không nói rõ phòng thí nghiệm nào. Ông cũng không trả lời câu hỏi liệu con virus có do Bắc Kinh cố tình phát tán hay không.

Từ phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán đến nhà máy xử lý nhiên liệu nguyên tử

Vẫn còn quá sớm để nói rằng giả thiết nào khả tín nhất. Nhưng việc con virus sản sinh ra tại Vũ Hán, thành phố mà Trung Quốc đã xây dựng phòng thí nghiệm sinh học an ninh cao độ do Pháp cung cấp, cùng với cố gắng che giấu thông tin của chính quyền Bắc Kinh, đã đủ để làm sống dậy một vấn đề siêu nhạy cảm tại Pháp. Đó là việc bán các công nghệ lưỡng dụng, có nghĩa là có thể sử dụng được cho cả mục đích dân sự và quân sự cho Trung Quốc – quốc gia do đảng Cộng sản cầm quyền từ năm 1949.

Khi trao cho Trung Quốc một công nghệ cao như P4, nếu thực sự Paris đã vô tình và gián tiếp đóng một vai trò trong việc làm virus lan ra, thì vụ này khá phiền hà cho Pháp, nhất là khi Bắc Kinh không ngần ngại bóp méo thông tin. Có thể đó là lý do khiến giới quốc phòng và ngoại giao không muốn đề cập đến đề tài này. Bởi vì P4 không chỉ là chủ đề nhạy cảm duy nhất, mà còn một dự án chiến lược khác : xây dựng một nhà máy xử lý nhiên liệu nguyên tử đã qua sử dụng, do tập đoàn Orano (tên cũ là Areva) thực hiện.

Hồ sơ này đã kéo dài khoảng hai chục năm qua, một hợp đồng khổng lồ cho Pháp. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến các rủi ro, vì đây là công nghệ lưỡng dụng.

Vào năm 2004, lúc tổng thống Jacques Chirac và thủ tướng Jean-Pierre Raffarin đưa ra dự án P4, tranh cãi đã nổ ra dữ dội. Các chính khách và nhà khoa học ủng hộ, khẳng định cần phải giúp Trung Quốc – khi đó vừa thoát khỏi dịch SARS – chống dịch bệnh. Nhưng bên quốc phòng và tình báo cũng như ngành ngoại giao quyết liệt chống lại, lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng làm vũ khí sinh học cho chương trình quân sự. Họ nghi ngờ rằng Trung Quốc muốn trang bị từ 5 đến 7 phòng thí nghiệm P4, trong đó có hai cơ sở dùng cho mục đích quân sự.

Một nhà ngoại giao theo dõi sát vụ này kể lại : « Chúng tôi ý thức được những nguy cơ, Trung Quốc sẽ kiểm soát tất cả và nhanh chóng đẩy chúng ta ra khỏi dự án. Cung ứng công nghệ mũi nhọn này cho một nước có tham vọng quân sự bất tận có thể khiến cho Pháp bị liên lụy ». 

Vũ khí sinh học ?

Theo một nguồn tin cấp cao, dự án cũng đã gây khủng hoảng tại Viện Pasteur. Hội đồng 100 người, một kiểu Quốc hội của Viện, đã phản đối việc hợp đồng cho phép phía Trung Quốc được tham khảo một số cơ sở dữ liệu, nhưng rốt cuộc ban giám đốc vẫn áp đặt. « Họ lý luận rằng Trung Quốc thực sự có vấn đề về dịch bệnh, còn Pháp sở hữu công nghệ tối tân. Nhưng người Trung Quốc biết sao chép ! P4 có thể trở thành công cụ nếu một ngày nào đó Bắc Kinh tung ra chương trình vũ khí sinh học ».
Các nhà khoa học Pháp đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dự án. Bà Valérie Niquet, chuyên gia về châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược (FRS) giải thích : « Có một sự mù quáng trong cộng đồng khoa học, không muốn nhìn thấy thực tại của chế độ Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng việc mở cửa cho chủ nghĩa tư bản sẽ chuyển đổi Trung Quốc thành một quốc gia bình thường. Họ quên rằng trước hết đó vẫn là một Nhà nước kiểu Lênin, trong đó khoa học không được độc lập mà do đảng Cộng sản lãnh đạo ».

Từ khi khởi đầu nạn dịch, đảng và Nhà nước can thiệp vào việc nghiên cứu, sửa đổi ngày tháng và viết lại lịch sử về virus corona. « Mọi nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc phải đều phải chấp hành mệnh lệnh của đảng » - Josh Rogin, nhà báo Washington Post nhắc nhở.

Vào thời đó, Trung Quốc vừa được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tất cả các nước phương Tây đều thiết lập quan hệ đối tác với Bắc Kinh. Chính phủ Pháp hoan nghênh « quyền lực mềm » Trung Quốc, với hình ảnh một cường quốc ôn hòa luôn mà Bắc Kinh luôn nhấn mạnh trong các bài diễn văn. Một nguồn tin ngoại giao giải thích : « Người ta nghĩ rằng chế độ sẽ tiến bộ hơn, mở cửa cho các ý tưởng dân chủ ».

Nhưng người Pháp nhanh chóng thất vọng. Sau khi khai trương phòng thí nghiệm năm 2017, Pháp bị sút ra ngoài. Việc hợp tác giữa hai nước, qua đó Pháp đào tạo các nhà nghiên cứu Trung Quốc và kiểm soát các hoạt động, thực tế chưa bao giờ được khởi động.

Mục tiêu chiếm hữu công nghệ của phương Tây

Một nhà ngoại giao phân tích : « Người Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ có thể tự xoay sở được, rằng Trung Quốc vĩ đại không cần đến các nhà bảo trợ phương Tây. Nhưng vụ virus chỉ là một chi tiết, chủ đề thực sự là quan hệ Pháp-Trung từ 30 năm qua. Chúng ta đã tạo ra con rồng. Trong nhiều thập niên, không ai muốn biết bộ mặt thực sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, không biết ý định trả thù phương Tây của họ ».

Trong khi đó Bắc Kinh chưa bao giờ che giấu mục tiêu chiếm hữu công nghệ phương Tây bằng mọi phương tiện. Một chuyên gia về Trung Quốc giải thích : « Trung Quốc không còn là công xưởng thế giới. Việc mở cửa đã giúp họ có được kiến thức và công nghệ, nhưng họ chưa hoàn toàn làm chủ được. Một số công nghệ đã bị đánh cắp, nhưng đa số đạt được trong khuôn khổ hợp tác ».

Ở cổng vào nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn (Taishan), nơi Pháp cung cấp hai lò phản ứng EPR, bốn tấm bảng cảnh báo khách đến thăm : 1) Chúng tôi mua công nghệ nước ngoài 2) Chúng tôi quản lý 3) Chúng tôi sản xuất lại trong nước 4) Chúng tôi xuất khẩu.

Việc hợp tác với tập đoàn hàng không châu Âu Airbus là một ví dụ về cách thức Bắc Kinh rút ngắn khoảng cách công nghệ. Một người Pháp làm việc tại Bắc Kinh tỏ ra hối tiếc : « Chúng ta biết rõ là Trung Quốc sẽ dựng lên một nhà máy chỉ để làm bình phong, thế nhưng vẫn để cho họ đánh cắp thông tin và đạt được trình độ mà trước đây chưa bao giờ vươn tới nổi, chỉ vì vấn đề tiền bạc trước mắt ».

Hoặc là chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, hoặc có nguy cơ bị mất hợp đồng, đó là thế lưỡng nan muôn thuở của các nhà lãnh đạo kỹ nghệ và chính trị tại Pháp. Nhất là khi đụng đến công nghệ lưỡng dụng. Và đặc biệt từ khi Trung Quốc chính thức xóa nhòa ranh giới giữa dân dụng và quân sự, với việc thành lập vào năm 2015 một ủy ban chỉ đạo hội nhập dân sự với quân sự, do Tập Cận Bình đứng đầu.

Kể từ 2018, một đạo luật buộc các phòng thí nghiệm dân sự và quân sự phải hợp tác với nhau. Ông Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) tóm tắt : « Điều căn bản là ý thức được nguy cơ của việc Trung Quốc biến hợp tác khoa học và trao đổi học thuật thành công cụ để chiếm lĩnh công nghệ, đôi khi cả trong các lãnh vực nhạy cảm kể cả quân sự ». 

Liệu vụ P4 một lần nữa lại đưa ra ánh sáng dự án xử lý chất thải nguyên tử mà Pháp muốn bán cho Trung Quốc ? Cũng như phòng thí nghiệm Vũ Hán, việc hoàn tất dự án này đã bị trì hoãn vì phía Pháp do dự, nhất là bộ Ngoại Giao. Một người thông thạo hồ sơ giải thích : « Mục đích của họ rất có thể là mua một nhà máy điện nguyên tử với giá rẻ để bắt chước sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất khẩu, nhất là cho những nước mà « Con đường tơ lụa mới » chạy qua ». 

Quá lệ thuộc vào Trung Quốc 

Nhiều nhà ngoại giao đặt câu hỏi, vì sao lại chuyển giao công nghệ để giúp Trung Quốc đuổi kịp Pháp trong một lãnh vực mà Pháp đang dẫn đầu.

Antoine Bondaz phân tích : « Một nhà máy xử lý nhiên liệu thực ra không nhằm mục đích phục vụ quân sự. Tuy nhiên, do một số cơ sở hạ tầng giúp cô lập vật liệu phân hạch, tức plutonium, về lý thuyết có thể giúp một nước gia tăng kho vũ khí nguyên tử. Thế nên Pháp cần phải hết sức thận trọng khi chuyển giao công nghệ, và xúc tiến một hiệp ước quốc tế cấm sản xuất vật liệu hạch tâm dùng cho vũ khí hạt nhân ». 

Mỗi lần có chuyến thăm viếng song phương, chủ đề này lại được nêu ra. Nhưng bản hợp đồng nhiều tỉ euro sẽ tạo tiếng vang cho giới lãnh đạo chính trị cho đến nay vẫn chưa được ký kết.

Hoa Kỳ, vốn phản đối việc Pháp bán P4 cho Trung Quốc, bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bộ Năng Lượng cấm các nhà nghiên cứu Trung Quốc tham gia « Chương trình 1.000 tài năng » thu hút tinh hoa từ các nước với các học bổng hào phóng, kể cả các chuyên gia công nghệ lưỡng dụng.

Mỹ cũng chấm dứt tài trợ cho một số hoạt động của phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán, được cung cấp sau khi Pháp ra đi. Các nhà ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh đã cảnh báo chính quyền năm 2018 về tình trạng kém an toàn của P4. Theo nguồn tin của Le Figaro, phòng thí nghiệm này gần đây không bảo đảm độ kín : hồi tháng 12/2019 Trung Quốc đã mua vào một lượng lớn chất chống đông máu trên thị trường quốc tế.

Một nhà ngoại giao đặt câu hỏi : Tại sao lại tiếp tục để cho nền kinh tế chúng ta bị phơi bụng trước một đất nước hiếm khi tôn trọng các giá trị của chúng ta ? Tại sao lại chuyển giao cho họ các công nghệ nhạy cảm ? « Bởi vì chúng ta sợ. Bởi vì sự lệ thuộc vào Trung Quốc đã đạt đến một mức độ mà họ tác động lên mọi quyết định của chúng ta ». Mối liên hệ nguy hiểm về con virus và các phòng thí nghiệm Vũ Hán liệu có thể thay đổi thế cờ tại Pháp, và vấn đề 5G Trung Quốc sắp tới có thể làm tăng thêm sự lệ thuộc của Pháp hay không ?

Le Figaro kết luận bằng nhận xét của một nhà ngoại giao khác : sau đại dịch Vũ Hán, chính sách đối ngoại của Pháp cần phải thức tỉnh. Pháp cần ưu tiên quan hệ thương mại với các nước cùng chia sẻ những giá trị, tìm ra phương cách bảo vệ lợi ích quốc gia.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.