Nguyễn Hồng Lam : Sau nhiều đắn đo, lần lữa, cuối cùng cũng có một tờ báo chịu
đăng cái nhìn của tôi về vụ án Hồ Duy Hải, dưới góc độ một ca xử lý khủng hoảng
truyền thông. Bài viết chỉ bị cắt ví dụ dẫn đề, phần còn lại biên tập vài ba
chữ, nghĩa là tuy bị "kiểm duyệt" bỏ đi 1/3 nhưng...không làm thay đbi
bản chất của bài báo (!).
Bài viết này tôi
gửi cho Vũ Mạnh Hà, Phó tổng biên tập Báo Bảo vệ Pháp Luật. Cách đây chỉ hơn
một năm, Hà vẫn còn đeo quân hàm Thượng tá, đồng cấp, đồng chức với tôi trong cùng một cơ quan - báo Công an Nhân dân. Tôi biết,
để bài viết này có thể xuất hiện trên tờ báo của mình, Hà và Ban biên tập Báo
Bảo vệ Pháp luật đã phải mất không ít thời gian để nhờ đọc, thẩm định, kiểm
duyệt. Đó là thái độ nghiêm túc, cầu thị, quyết liệt và tích cực. Thiếu một
chút can đảm thì người ta sẽ không chịu làm, hoặc không làm được. Tôi cảm ơn
Ban biên tập Báo, Vũ Mạnh Hà và ông em Hương Trà Đồng (người đề nghị tôi viết)
vì sự tử tế đó, với nghề.
Hai anh em trong
cùng một cơ quan báo cũ, cùng trong ngành công an, cố gắng một chút để có thể
nói lên tiếng nói trung thực, không ngại sự va chạm khó tránh. Không nhiều,
nhưng tôi tin điều đó có ý nghĩa nhất định và không thể vô ích.
Trong đời, tôi đã viết hàng ngàn bài báo. Vậy mà bây giờ, đọc được bài của chính mình, tôi vẫn cảm thấy vui như thể lần đầu tiên thấy tên mình xuất hiện trên mặt báo.
Nếu nghiêm túc,
nghề và niềm vui của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ cũ.
(BVPL 28/05/2020) - Bây giờ nhiều người mong có tinh thần dũng cảm
"tự phê bình" của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao,
chờ quyết đáp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền. Không chỉ chờ
vì kết quả phiên tòa, chờ chung cuộc cho một số phận bị cáo, mà chờ tác động
lớn hơn, đó là niềm tin của xã hội vào hệ thống tư pháp.
Kết
thúc phiên tòa xét xử vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm không như kỳ
vọng, sự ổn định mong ước đã bị “bung phá”. Thay vào đó là một cuộc khủng hoảng
truyền thông dai dẳng, gây nên một cuộc "siêu tranh cãi", thu hút sự
quan tâm lớn của xã hội.
Trên
lý thuyết, khủng hoảng truyền thông không nhất thiết phải sinh ra từ khủng
hoảng thực tế. Nó có thể là hệ lụy nảy sinh từ việc quản trị, giải quyết khủng
hoảng thực tế tồi, sai.
Khủng
hoảng thực tế ở đây là vụ án Hồ Duy Hải kéo dài đã bước sang năm thứ 12, qua
mọi cấp xử, hai lần Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm vẫn chưa thể kết thúc,
chưa thể thi hành án.
Nguyên
nhân khủng hoảng có nhiều, nhưng trong đó phải kể đến là do hàng loạt sai sót
nghiêm trọng trong quá trình tố tụng dài bằng một phần đời người. Nó cũng đã
khiến dư luận xã hội rơi vào không chỉ một đợt tranh cãi gay gắt. Phiên Giám
đốc thẩm chính là một cơ hội để chấm dứt chuỗi khủng hoảng đó, cả về thực tế
lẫn mặt truyền thông.
Nhiều
người quan tâm đến vụ án cho rằng, với kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã tạo ra một cơ hội tốt, một tiền đề
cần thiết để đi đến phiên xử, giúp chấm dứt chuỗi khủng hoảng, qua đó sẽ góp
phần ổn định xã hội.
Mục
đích đó hoàn toàn có thể đạt được, chắc chắn sẽ được dư luận ủng hộ tán đồng,
nếu kết quả phiên tòa tuyên hủy án, điều tra lại từ đầu.
Trường
hợp thứ nhất, đừng viện “niềm tin nội tâm” xa xỉ, nếu quả thực, Hồ Duy Hải
không phải là thủ phạm, anh ta bị oan, việc tuyên hủy án điều tra lại là đương
nhiên, là đúng đắn. Nó sẽ giúp cứu được một mạng người vô tội, chấm dứt chuỗi
oan sai tàn khốc bằng một phiên tòa mới, một bản án mới thuyết phục. Nó cũng sẽ
giúp sau đó vạch rõ những sai trái của quá trình tố tụng, xử lý đầy đủ những ai
đã gây ra oan, sai, điều tra và trừng trị thủ phạm đích thực. Nó thể hiện sự
nghiêm minh của luật pháp, đầy đủ và trong sáng của công lý.
Đó
là những tiền đề quan trọng để “góp phần ổn định xã hội”. Tạo ra được điều đó,
Hội đồng thẩm phán chắc chắn sẽ được xem là công minh, sáng suốt. Ông chủ tọa,
Chánh án TAND tối cao sẽ được nhắc tên như một biểu tượng đẹp về con người của
công lý. Cũng không có gì gọi là tự mâu thuẫn, chỉ vì trước đó, khi còn giữ vị
trí Viện trưởng VKSND tối cao ông đã từ chối kháng nghị. Nhận thức vấn đề, nhận
thức bản chất luật pháp đối với vụ việc hoàn toàn có thể thay đổi theo thời
gian, thay đổi khi được bổ sung tình tiết, chứng cứ, diễn biến mới, chính xác
và khoa học.
Ở
cương vị nào, quyết định theo đúng bản chất, đúng sự thật cũng là tối quan
trọng. Làm được điều đó, cá nhân ông Chánh án TAND tối cao và cả Hội đồng thẩm
phán sẽ tạo ra niềm tin thật sự về quyết tâm đổi mới, cải cách tư pháp ở mức độ
cao nhất. Công lý là khi luật pháp nếu sai phải biết, phải dám nhận sai và sửa
sai. Ngành tư pháp sẽ được nhìn nhận, đánh giá cao về sự cầu thị, tinh thần
khách quan vì công lý, chấm dứt hoàn toàn những đồn đoán, bình luận sai trái,
vô căn cứ trong đời sống xã hội, kể cả của “các thế lực thù địch”.
Cả
chủ tọa phiên tòa và Hội đồng thẩm phán, làm được điều đó sẽ được xem là công
minh, khách quan, công lý bất vị thân. Vả lại, án Giám đốc thẩm không tuyên bị
cáo vô tội hay có tội, kèm mức án. Nó chỉ xem xét tính hợp pháp, hợp lý, chính
xác và mức độ đúng sai trong bản án được tuyên từ phiên sơ thẩm, phúc thẩm.
Điều này không gây khó khăn hay áp lực gì cho Hội đồng xét xử và cá nhân ông
Chánh án TAND tối cao giữ quyền Chủ tọa phiên tòa.
Trường
hợp thứ hai, nếu quả thật “bản chất vụ án không thay đổi”, Hồ Duy Hải là thủ
phạm đích thực, bản án cao nhất cho bị cáo là đúng người đúng tội, tuyên hủy án
điều tra lại từ đầu vẫn là điều cần thiết. Vì quá trình tố tụng dẫn đến án đã
tuyên có nhiều sai sót, vi phạm tố tụng, nhất là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô
tội.
Nếu
là thủ phạm đích thực, Hồ Duy Hải cũng chẳng chạy đi đâu được. Quy trình tố
tụng quay lại từ đầu sẽ thiết lập phiên tòa mới, lập luận và chứng cứ thuyết
phục, dẫn đến tuyên tử hình đối với bị cáo cũng hoàn toàn không muộn. Công lý
vẫn được thực thi đầy đủ, nhưng đó sẽ là công lý trong sạch và thanh thản. Chắc
chắn, sau lời tuyên án, khủng hoảng truyền thông sẽ không có cơ hội, không có
lý do để nổ ra.
Nhìn
phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa qua dưới góc độ một “case study”, tôi
cho rằng đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Chính nó là nguyên nhân cơ bản xảy ra khủng
hoảng truyền thông. Bây giờ nhiều người mong có tinh thần dũng cảm "tự phê
bình" của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, chờ quyết đáp của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền.
Không
chỉ chờ vì kết quả phiên tòa, chờ chung cuộc cho một số phận bị cáo, mà chờ tác
động lớn hơn đối với xã hội. Kỳ vọng có thể là quyết định tái thẩm. Nó không
khác gì kỳ vọng sẽ tuyên hủy án, điều tra lại từ đầu đã đặt ra trước phiên giám
đốc thẩm.
Băn
khoăn còn lại, nếu có phiên tái thẩm vụ án Hồ Duy Hải, những thẩm phán nào sẽ
có thể tham gia Hội đồng xét xử, hay vẫn là 17 thẩm phán đã tham gia phiên giám
đốc thẩm? Cho dù là ai, tôi cho rằng việc xử bản án, thay đổi quan điểm và
quyết định cũng không phải là thách thức quá lớn, đến mức không làm được. Bởi
lẽ, tôi tin rằng, ngay cả các quan tòa cũng mong một cơ hội để tỏ ra cầu thị,
tự đổi mới bản thân để góp phần đổi mới ngành xét xử theo chiều hướng tích cực,
đúng đắn, chính xác, tiệm cận công lý hơn. Điều đó giúp tăng uy tín của Hội
đồng thẩm phán TAND tối cao, đồng thời cũng tăng niềm tin của xã hội vào hệ
thống tư pháp. Phải chăng, đó là việc nên làm?
NGUYỄN
HỒNG LAM
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.