(Sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
đã từ trần vào ngày 6 tháng 5 năm 2020 ở tuổi 73 tại Sài gòn. Tờ báo đưa tin
sớm nhất là Báo Pháp Luật TP.HCM, nơi anh về công tác cùng với Tổng biên tập
Nam Đồng, một người đồng hương Quảng Nam).
Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh ngày 12 tháng 2 năm 1947
tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 18 tuổi, sau khi đậu tú tài 2, anh vào Sài Gòn học
ban Việt - Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn và học ban Triết học Đông phương ở Đại
học Văn khoa Sài Gòn.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, anh chọn thành phố Bạc Liêu làm
nhiệm sở, và có nhiều kỷ niệm với thành phố phương Nam vốn là một trong hai quê
hương của đờn ca tài tử Nam bộ như lời kể của anh:
“Ngày 23 tháng 10 năm 1970, tôi đến thị xã Bạc Liêu nhỏ bé khi
những chiếc xe đang ngủ sầu trên bến, những con đò bỗng nhớ một dòng sông và
cơn mưa chưa khô nước trên mặt đường. Bữa cơm đầu tiên diễn ra trong tiệm ăn Sùng
Ký ngoài chợ. Không người thân thích, không một ai quen biết, tôi vẫn lãng mạn
đi tìm một chỗ trọ.
Lúc này thì “gia tài” của tôi có khá hơn: một chiếc vali, hai
chứng chỉ tốt nghiệp đại học, hai cây đàn. Tôi xách hành trang đi qua cây cầu
gỗ hẹp và cũ. Trời lại mưa. Tôi đứng nép vào mái hiên của một ngôi nhà cổ khá
lớn với hy vọng mong manh chờ cơn mưa tạnh, có thể kiếm ra một chỗ nào đó treo
bảng cho ở trọ. Bỗng nhiên, cánh cửa lớn của căn nhà mở ra. Một bà cụ mặc bộ đồ
bà ba, dáng cao cao, khuôn mặt phúc hậu, hiện ra: “Con vào trong nhà núp mưa đi”.
Tôi dạ một tiếng và bước qua ngạch cửa. “Mầy đi đâu mà mưa vầy còn đi” - bà hỏi. “Thưa bác, con kiếm chỗ trọ để
ngày mai vào trường nhận nhiệm sở”. “Trường nào đó con?”. “Thưa bác, Trường
Trung học công lập Bạc Liêu”. “Chèng ơi, tội nghiệp dữ hông? Mầy mới bây lớn
đây mà đã được đưa về trường đó. Quê mầy ở đâu?”. “Thưa bác, quê con ở Quảng
Nam”. “Vậy nữa. Thôi con vào trong này, coi nhà bác ở được không thì bác cho
mầy một phòng, hổng tiền bạc gì hết”.
Bác giải thích: “Nhà này
hổng có con trai, chỉ có bác với bà vú ở. Buổi chiều, đứa con trai của bà vú
mới về, nhưng nó ở đàng sau. Thu xếp đồ đạc rồi đi tắm đi con”. Tôi đi xa
mẹ 4 năm, nghe tiếng nói dịu dàng từ một bà mẹ phương Nam đôn hậu, rộng lòng,
mới hỏi mấy câu đã xem tôi là con, lòng cảm động muốn ứa nước mắt…” (Mẹ phương Nam).
Anh đã gặp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả của bài vọng cổ “Dạ cổ hoài lang” (sáng tác năm 1918)
nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc nửa đêm, và mối duyên văn nghệ với người
nhạc sĩ đất Bạc Liêu đã là cơ duyên để sau này anh ký âm lại bản nhạc nổi tiếng
này của ông. Sau năm 1975, anh về Sài Gòn, đi làm báo, nghiên cứu truyện Kim
Dung và viết một số nhạc phẩm về vùng đất phương Nam và tỉnh Quảng Nam, quê
hương anh.
Anh đã nổi tiếng từ trước năm 1975 với ca khúc "Thu, hát cho người”. Và những
nhạc phẩm ra mắt sau năm 1975 như “Điệu
buồn phương Nam”, “Đau xót lý chim quyên”, “Trở lại Bạc Liêu”, “Tiếng cuốc đêm
trăng”, “Nhớ Quảng Nam”, “Tình ca sông Hàn”, “Sông Thu ngày ấy”, "Phố
Hoài”… đã khẳng định thêm tài năng sáng tác âm nhạc của anh.
Giai điệu của bài vọng cổ "Dạ
cổ hoài lang" hay giai điệu của những bài lý đã được anh đưa vào một
số nhạc phẩm như “Đêm Gành Hào nghe điệu
Hoài Lang”, “Điệu buồn phương Nam”, “Đau xót lý chim quyên”... “Đêm Gành Hào
nghe điệu Hoài Lang” thể hiện nỗi u hoài khi trở lại Gành Hào lúc tóc đã
điểm bạc, thấy dòng sông vẫn trôi ra cửa biển như ngày cũ, và gió thoảng đưa
tiếng ai hát bài vọng cổ Hoài Lang,
nhưng vầng trăng của thuở thanh xuân đã vĩnh viễn không còn nữa.
ĐÊM GÀNH HÀO NGHE ĐIỆU HOÀI LANG
Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu
dàng.
Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông.
Gành Hào ơi nửa đêm ai hát lên câu Hoài
Lang.
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng
tràm.
Xề u xế u liu phạn.
Dây tơ đàm kìm buông thiết tha.
Xề u xề u liu phạn. Đưa cung đàn về
trên bến xưa.
Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ
nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin nhạn, ngày mỏi mòn
như đá vọng phu.
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng.
Lời ai ca, dưới ánh trăng này.
Rừng đước mênh mông đêm Gành Hào chợt
thương nhớ ai.
Ngày ấy ra đi, con sông buồn tím một
dòng trôi
Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng người.
Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn
như chiếc gương
Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc
một vầng trăng.
HUỲNH DUY LỘC 07.05.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.