Đăng ngày:
Đại dịch toàn cầu do con virus từ Vũ Hán gây ra là đề tài bao trùm
trang nhất đồng thời là hồ sơ của tất cả các tuần báo Pháp kỳ này. Trang
bìa của L’Express là hình vẽ một bác sĩ đang ôm đầu, bao quanh là những bệnh nhân đang hôn mê được cho thở máy, với hàng tít « Trên tuyến đầu ». L’Obs giới thiệu những « Suy nghĩ về tình trạng phong tỏa » với bức ảnh một cặp vợ chồng sau khung cửa sổ sáng đèn, trong bóng đêm đen.
Le Point nhìn về « Một thế giới sau này », đăng ảnh một chàng trai và một thiếu nữ châu Á đeo khẩu trang, nắm tay nhau đi dưới bóng một rừng hoa đào. Courrier International chạy tựa « Suy nghĩ lại về thế giới »,
đặt vấn đề phải chăng cuộc khủng hoảng virus corona là cơ hội cho một
sự khởi đầu mới, qua ý kiến của một số triết gia, nhà thơ, nhà báo các
nước.
Trong địa ngục Mulhouse
Bài phóng sự «Trong địa ngục Mulhouse » của tuần báo L’Obs
đưa người đọc đến với vùng tâm dịch, giờ đây là phòng thí nghiệm cho
cuộc chiến đấu tại Pháp chống con virus corona chủng mới. Bệnh viện bị
quá tải, những ca bệnh đưa đến ngày càng nặng hơn, phải điều quân đội
đến hỗ trợ thành phố đang thoi thóp trong tình trạng giới nghiêm…
Bác
sĩ Yves Passadori là một người kiệm lời, ông do dự trước khi kể ra thực
trạng với các nhà báo từ Paris. Những đợt bệnh nhân nhập viện có thể
trạng ngày càng trầm trọng, nhân viên y tế ngã gục, thiếu thốn khẩu
trang, thiết bị, giường bệnh, những ray rứt khi phải chọn bệnh nhân để
cứu…Ông thận trọng nói : « Tôi không muốn làm ai hoảng sợ, nhưng
những gì đang diễn ra ở chỗ chúng tôi, một tuần nữa sẽ đến phiên các
bạn. Hãy chuẩn bị đi ».
Vị trưởng khoa của bệnh viện Emile
Muller ở Mulhouse đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, như đợt nóng thế
kỷ năm 2003 và nhiều trận dịch do virus, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng
được tình cảnh như hiện giờ. Toàn bộ bệnh viện phải tổ chức lại để dành
200 giường cho các bệnh nhân mới. Ở khoa Lão, tất cả các phòng bệnh đều
trở thành « Covid » với các biện pháp vệ sinh đặc thù và đội ngũ riêng,
tuy vậy một phần ba nhân viên y tế đã bị lây bệnh.
Thành phố chết
Trong
sự im lặng nặng nề, các hộ lý chuyển đi những người bệnh đang thở oxy.
Họ suy sụp rất nhanh, hiếm có ai lành bệnh trở về. Số lượng tử vong hàng
ngày bằng cả một tháng trong thời gian bình thường, mỗi ngày tờ báo địa
phương L’Alsace đăng khoảng 50 cáo phó. Đáng thương nhất là
các nạn nhân phải giã từ cõi đời một cách cô độc vì thân nhân chỉ được
nhân nhượng cho nhìn thoáng qua lần cuối. Khi đưa người thân đến nhập
viện, nhiều khi cũng là lúc chia tay vĩnh viễn.
Tại Mulhouse,
« Bergame của nước Pháp », người ta đều quen một ai đó bị dương tính,
con virus đã tràn vào một phần ba các viện dưỡng lão. Người báo động về
loại virus siêu lây nhiễm và có thời gian ủ bệnh rất ngắn là bác sĩ
Patrick Vogt : ngày 3/3, khi trực cấp cứu y tế từ 18 giờ cho đến 1 giờ
sáng, ông nhận được đến 1.500 cuộc gọi.
Mulhouse im lìm như thành
phố chết, chẳng có ai trên đường phố kể cả người vô gia cư. Những hàng
cây anh đào đang nở hoa, chưa bao giờ tiếng chim hót lại nghe rõ đến
thế. Nhưng bây giờ đang là thời chiến. Một tấm băng-rôn treo trên một
tòa nhà ghi hàng chữ « Mulhouse kháng chiến ». Trên tuyến đầu
này, không thiếu những hành động tương trợ : nhiều công ty dệt may lao
vào may khẩu trang, các nhà sản xuất rượu vang tặng cồn để chế ra gel
kháng khuẩn.
Pháp thiếu khẩu trang trầm trọng
Pháp,
cường quốc kinh tế thứ 6 thế giới đã phải gởi những chiến sĩ áo trắng
ra mặt trận mà không có trang bị bảo hộ. Mỹ, nơi chế tạo các xe tự hành
Google Car cũng không khá hơn, CDC (Center of Disease Control) phải
khuyến cáo dùng tạm loại khăn bandana mà phụ nữ thường diện.
Trong bài « Xì-căng-đan thiếu hụt khẩu trang », L’Obs
kể lại câu chuyện một doanh nghiệp sản xuất quần jean bằng coton bio đã
tận dụng vải may túi và vải chần được tặng để may khẩu trang cho bệnh
viện Grenoble, nhiều người tình nguyện trong vùng cũng góp sức. Tương tự
đối với các bệnh viện ở Lille, Bretagne…Dù khẩu trang vải bảo vệ được
ít hơn so với loại FFP2, nhưng có còn hơn không.
Hồi dịch cúm A
(H1N1) năm 2009, Pháp đã trữ đến 1 tỉ khẩu trang y tế và 700 triệu khẩu
trang FFP2, nhưng sau đó ngân sách giảm dần, từ 285 triệu euro chỉ còn
25 triệu vì cho rằng không cần dự trữ nhiều. Hàn Quốc sau dịch MERS và
Đài Loan, Singapore sau dịch SARS đã gia tăng năng lực xét nghiệm, theo
dõi chặt những người dương tính, kiểm tra thân nhiệt tại sân bay. Hơn
nữa tại châu Á việc đeo khẩu trang đã trở thành phổ biến, trong khi Pháp
cho là vô ích. Làm thế nào tránh được nạn dịch tái sinh sau thời kỳ
phong tỏa ? L’Obs nhận định luôn cần đến khẩu trang.
Trung Quốc, « ân nhân của nhân loại » ?
Nhưng
trong vấn đề này, Pháp đang trở thành tù nhân của Trung Quốc. Bị lên án
về trách nhiệm gây ra đại dịch, Bắc Kinh lợi dụng khó khăn của các nước
khác để đóng vai « ân nhân của nhân loại », chủ yếu qua việc cung cấp khẩu trang.
Chỉ
mới cách đây sáu tuần, Bắc Kinh phải thu mình lại hứng chịu trận sóng
thần phẫn nộ của người dân trong nước, và làn sóng chỉ trích của quốc
tế. Giờ đây gió đã đổi chiều, nay đến lượt lãnh đạo các nước mà đại dịch
corona tràn sang đang bị đả kích. Đối với Bắc Kinh, đây là cơ hội tuyệt
vời để khỏa lấp trách nhiệm, và còn hơn thế nữa, thủ vai « ân nhân »,
hào hiệp chia sẻ kinh nghiệm – và nhất là khẩu trang.
Trung Quốc
vốn chiếm đến 80% năng lực sản xuất thế giới, chỉ cung cấp nhỏ giọt :
250 ngàn chiếc cho Iran, 200 ngàn cho Philippines, 2 triệu chiếc cho Ý, 1
triệu cho Pháp…Báo chí Hoa lục rầm rộ tuyên truyền, nhưng cố tình lờ đi
đó là việc mua bán tiền trao cháo múc (đối với Ý), và « bánh ít đi bánh
quy lại » sau khi đã nhận lượng viện trợ y tế không nhỏ của Pháp cách
đây một tháng.
Sở dĩ Bắc Kinh có thể đánh bóng chân dung tự họa
của mình, đó là nhờ một mình một chợ. Sau dịch, Trung Quốc đã huy động
nhiều ngành để tăng sản lượng lên gấp 12 lần, sản xuất được 200 triệu
khẩu trang một ngày, so với Pháp cao lắm là 300 triệu một…năm.
« Ngoại giao khẩu trang » để chuyển bại thành thắng
Đây
là công cụ để gây áp lực : các nhà lãnh đạo nước ngoài khi nhận được
những mẩu bánh vụn này đã phải cảm ơn Trung Quốc. Theo các tin tức ở
Bruxelles, Trung Quốc đã ra điều kiện khi cũng cấp trang thiết bị y tế
cho bốn nước châu Âu, là phải thay đổi chủ trương về Hoa Vi (Huawei).
New York Times
cho biết thêm, Trung Quốc cấm triệt để việc xuất khẩu trang, kể cả đối
với các công ty ngoại quốc có nhà máy tại Hoa lục, đồng thời càn quét
hầu hết lượng khẩu trang trên thị trường thế giới. Ngay từ tháng Giêng,
Bắc Kinh tung người đi lùng sục những pharmacie của tất cả các nước để
mua gom khẩu trang gởi về Trung Quốc, tạo ra nạn khan hiếm hiện nay.
Điều
này tuy có thể hiểu được khi Vũ Hán bị dịch bệnh hoành hành, nhưng vấn
đề là nay Trung Quốc lại dùng làm công cụ để bắt chẹt. Một nhà quan sát
nhận xét : « Chế độ Bắc Kinh vừa không ngần ngại đàn áp công dân,
vừa đòi hỏi người dân phải cám ơn mình, và nay đến lượt thế giới. Sau
khi làm cho cả hành tinh bị nhiễm con virus giết người, Trung Quốc lại
muốn được ca ngợi như một đại ca, cả về đạo đức lẫn công nghệ ».
Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Ý Giuseppe Conte, ông Tập Cận Bình nêu ra dự án « Con đường tơ lụa y tế » : Trung Quốc đã chiến thắng con virus, sẽ hướng dẫn các đối tác. Cả một nghệ thuật chuyển bại thành thắng !
Minh bạch và tự do thông tin để chống dịch
Trên Le Point, tác giả Luc de Barochez trong bài « Con dê, chó sói và virus corona »
nhắc lại câu chuyện con dê của ông Seguin – đã chọn lựa tự do rồi bị
chó sói ăn thịt – trong truyện ngụ ngôn của Alphonse Daudet viết năm
1866.
Bài viết bày tỏ sự kinh ngạc khi một số người ca tụng việc
chống dịch hiệu quả của Trung Quốc, trong khi chế độ độc tài này đã bưng
bít nạn dịch ở Vũ Hán suốt nhiều tuần lễ, bắt nhốt các bác sĩ muốn cảnh
báo, trục xuất các nhà báo ngoại quốc chỉ vì tội đã đưa tin trung thực.
Theo
tác giả, minh bạch và tự do thông tin là cần thiết để đấu tranh chống
dịch bệnh. Không Nhà nước nào được cưỡng bức công dân phải chọn lựa giữa
sức khỏe và tự do, lại càng không nên núp sau cái cớ y tế để tước đoạt
tự do của người dân. Duy nhất Nhà nước pháp quyền mới có thể bảo đảm
được cả hai, và chỉ có những công dân tự do mới có thể chấp nhận những
rủi ro.
Virus corona và Nhà nước pháp quyền
Cũng trên Le Point,
tác giả Nicolas Baverez nhận định, trận đại dịch này buộc các Nhà nước
phải củng cố lại quyền lực, toàn cầu hóa một cách hợp lý hơn và tăng
cường sự hợp tác.
Cuộc khủng hoảng virus corona đánh dấu hồi kết
của ảo tưởng cho rằng sau sự sụp đổ của Liên Xô sẽ là thời đại vàng son
cho an ninh. Trước đó, các vụ khủng bố ngày 11/9, cuộc khủng hoảng tài
chính năm 2008 hay làn sóng khủng bố những năm 2010 đã gieo rắc nỗi sợ,
làm các chính phủ lúng túng. Về mặt địa chính trị, con virus từ Vũ Hán
làm gay gắt thêm cuộc xung đột Mỹ-Trung và đại dịch này không cho phép
người ta quay lại với thế giới cũ.
Công dân và chính quyền các
nước phải chọn lựa giữa hai mô hình. Hoặc Trung Quốc chứng tỏ được chỉ
có độc tài mới đáp ứng thách thức của thế kỷ 21, hoặc các nền dân chủ
khẳng định được một sự thăng bằng mới giữa Nhà nước và thị trường, tự do
và an ninh, khả năng phục hồi của các quốc gia và việc xây dựng trật tự
quốc tế. Như Đài Loan, Nhật, Hàn đã chứng tỏ phối hợp hiệu quả giữa xử
lý khủng hoảng và tôn trọng Nhà nước pháp quyền.
Độc tài & Dân chủ : 0-0
Về chủ đề này, cây bút bình luận Pierre Haski trên L’Obs cũng
lưu ý đến việc không ít người ở phương Tây ca ngợi thành công của Trung
Quốc độc tài, trong khi các nền dân chủ lúng túng khi con virus từ Vũ
Hán tràn sang. Độc tài đã thắng Dân chủ 1-0 chăng ?
Tác
giả cho rằng như vậy là quá vội vã gỡ bỏ trách nhiệm gây ra đại dịch
toàn cầu của chế độ Bắc Kinh. Cuối tháng 12/2019, Trung Quốc đã biết
chắc rằng con virus hung dữ lây từ người sang người, nhưng hai tuần sau
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tuyên bố ngược lại, dựa theo thông tin
dối trá của Bắc Kinh. Sau đó chế độ toàn trị này tỏ ra hiệu quả với biện
pháp từ thời Trung Cổ : buộc cách ly, cộng thêm công nghệ giám sát. Dù
thành công, nhưng vế sau không khỏa lấp được vế trước.
Tự do thông
tin chính là sự bảo đảm để tránh những thảm họa mới mà như chúng ta đã
thấy, không dừng lại bên trong biên giới của một quốc gia. Tất nhiên
cũng phải xem lại việc giao phó an ninh y tế cho chuỗi cung ứng toàn
cầu, làm ngơ trước lời cảnh báo của các nhà khoa học. Tác giả từng sống ở
Bắc Kinh trong thời kỳ dịch SARS năm 2003, đã nghe các nhà dịch tễ học
dự báo sẽ có ngày con virus xâm lăng khắp thế giới.
Tóm lại, tỉ số
thực tế nhất giữa Độc tài và Dân chủ là 0-0. Đại dịch corona sẽ để lại
những dấu ấn trong từng xã hội và trong tương quan quốc tế, điều quan
trọng là chú ý không để cho lịch sử bị Bắc Kinh viết lại.
Tập Cận Bình múa gậy vườn hoang
L’ Express cũng có cùng ý kiến, qua bài « Nhờ khủng hoảng, Trung Quốc muốn khoác vào chiếc áo lãnh đạo thế giới », với bức vẽ minh họa Tập Cận Bình mặc áo siêu nhân màu đỏ có những ngôi sao vàng.
Bộ
máy tuyên truyền Bắc Kinh hoạt động tối đa, đề cao sự « ưu việt » của
chế độ chính trị Trung Quốc trước đại dịch so với phương Tây. Nhiệm vụ
quan trọng là thoái thác mọi trách nhiệm của Bắc Kinh, thông qua việc
gieo rắc nghi ngờ : dù con virus xuất phát từ Vũ Hán nhưng bộ Ngoại Giao
Trung Quốc lại nêu ra khả năng các quân nhân Mỹ là nguyên nhân gây dịch
bệnh ! Người khổng lồ châu Á còn gây sức ép lên các tổ chức quốc tế.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Ghebreyesus được bầu lên nhờ sự vận động của
Trung Quốc, không bỏ lỡ một cơ hội nào để ca ngợi Bắc Kinh.
Theo L’Express,
dù ghi điểm nhưng « quyền lực mềm » Trung Quốc vẫn chưa thắng được cuộc
chiến truyền thông. Bắc Kinh vẫn lo sợ dịch bùng lên trở lại, khi dân
chúng vẫn chưa quên việc xử lý khủng hoảng một cách tệ hại của chính
quyền trong thời gian đầu. Việc bóp méo thông tin cũng làm xấu đi hẳn
hình ảnh Trung Quốc trước dư luận quốc tế, tuy nhiên tờ báo cho rằng đối
với Mỹ, nếu để mặc cho Tập Cận Bình múa gậy vườn hoang thì cũng nguy
hiểm không kém con virus Covid-19.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.