Người bán dạo lao đao khi có lệnh ngưng bán vé số trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh báo Lao Động. |
Chúng ta đang
sống trong những giờ phút kỳ lạ của lịch sử nhân loại.
Con virus nhỏ đến
vô hình xuất phát từ Vũ Hán đã làm tê liệt và đóng băng toàn thế giới. Tổn
thương nhất lại là các quốc gia văn minh giàu mạnh nhất. Ban đầu là hai nước
giàu mạnh hàng đầu Châu Á: Hàn và Nhật. Tiếp theo đó là Châu Âu, rồi hiện nay
đang bùng phát mãnh liệt tại siêu cường số một thế giới, điều mà cách đây vài
chục ngày không ai có thể tưởng tượng ra nổi.
Con virus Tàu
quái ác đó đã cưỡng bức loài người bước vào thời gian đại cách ly chưa biết đến
khi nào mới chấm dứt. Người cách ly với người, gia đình này cách ly với gia
đình khác, địa phương này cách ly với địa phương khác, quốc gia này đóng chặt
cửa với quốc gia khác.
Nói về cách ly,
tui quá quen. Nhiều khi buồn buồn, tui tự cách ly trong nhà đến gần cả tháng,
không đi ra ngoài và cũng chẳng muốn gặp ai. Vài lúc đang tự cách ly như vậy,
bỗng dưng nghe tiếng chim kêu bên ngoài, chợt tỉnh lại, bùng lên, mang máy
thoát ra khỏi nhà, phóng xe vào rừng. Rồi rất nhiều lúc
bị an ninh cưỡng bức cách ly, nhốt luôn trong nhà lúc 3 ngày, lúc 5 ngày, lúc
10 ngày... và dài nhất là hôm cụ Kình bị sát hại, chúng giam tui trong nhà đến
12 ngày.
Hiện
chưa có lệnh phong tỏa, nhưng với nhiều biện pháp hạn chế đưa ra, các thành phố
lớn ở Việt Nam xem như đang cách ly.
Không biết mọi người dùng thời gian cách ly để làm gì, chứ tui thì khối việc, vui nhất là lấy chim ra chơi. Tui có một ổ đĩa chứa có đến chục ngàn ảnh chim chụp khắp mọi nơi, chưa có thời gian làm hậu kỳ và sắp xếp lại, nay mỗi ngày mang ra làm vài file là vui rồi.
Bên cạnh đó, có một số lão bạn già hưu trí ghiền nhậu lập ra nhóm nhậu online, chiều chiều lên mạng hú nhau mang rượu ảo ra khoe rồi cụng ly qua nét cũng vui lắm.
Tóm lại giới hưu trí, giới trung lưu trở lên phải cách ly vài tháng trở lại thì cũng tạm ổn về vật chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên giới lao động nghèo thì sao? Không bán hàng rong, không bán vé số dạo, không chạy được xe ôm, không có việc làm vì hàng quán dịch vụ đều đóng cửa... thì họ sống ra sao? Nhìn ra đường vắng hoe, vẫn thấy những người lao động nghèo tất bật đi lại, hoặc lang thang đây đó kiếm cơm mà nát cả lòng. Một tuần thì họ còn gắng gượng được chứ kéo dài vài tuần hay vài tháng thì làm sao?
Lẽ ra nhà nước phải ưu tiên cho phúc lợi xã hội, có quỹ dồi dào để nuôi người tàn tật, người mất sức lao động, người nghèo khó, và đặc biệt phải có quỹ ứng ra cấp tốc cho những người lao động nghèo trong trường hợp khẩn cấp như thế này.
Nghe nói Thành Hồ tuyên bố cứu trợ cho các lao động nghèo vài trăm ngàn mỗi người trong thời gian dịch bệnh cách ly, nhưng không hiểu họ chi như thế nào cho đúng người đúng địa chỉ và kịp thời.
Nhiều người viện cớ đất nước còn nghèo, dân phải tự lo, không nên so bì với các nước giàu có khác. Nhưng tại sao đất nước cứ mãi nghèo dù đã qua 45 năm phát triển trong hòa bình?
Mà
làm sao cứ nghèo mãi được nhỉ khi hàng năm nhận trên 15 tỉ đô la kiều hối. Nhận
hàng tỉ đô la viện trợ ODA (23 tỉ trong 10 năm từ 2003 đến 2012 của Ngân hàng Thế
giới và gần chục tỉ khác từ Nhật, Hàn và EU), hàng chục tỉ đô la đầu tư trực
tiếp từ nước ngoài (FDI). Chưa nói hàng chục tỉ đô la có được do bán than, bán
dầu, bán tài nguyên và bán sức lao động của hàng chục triệu dân, với kim ngạch
xuất khẩu mỗi năm trên 200 tỉ đô la.
Với tổng số tiền đó đổ vào Việt Nam mỗi năm thì đất nước phải giàu lên nhanh chóng chứ. Tại sao cứ mãi nghèo để dân vẫn còn quá khổ, tại sao cứ mãi nghèo để bây giờ cần tiền trợ cấp cho dân lúc hiểm nghèo thì chẳng có gì.
Câu trả lời vì sao mãi nghèo nàn lạc hậu thì ai cũng biết, kể cả bộ phận đang cai trị đất nước, nhóm thiểu số cai trị này còn biết rõ hơn người dân.
Giữa tang thương đất nước như vậy lại nghe một ông ứng viên chức TBT đảng tuyên bố, "phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu" mà rợn hết cả người. Thấy phía trước là những quả đấm thép mới nhưng mục ruỗng, những dự án hàng chục ngàn tỉ đắp chiếu thành sắt vụn, những nhà máy xi măng lò đứng, những nhà máy đường công nghệ cũ, những đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông chưa biết bao giờ vận hành. Rồi thấy phía sau đó là những biệt phủ to lớn, những chiếc xe đắt tiền xa hoa, những cậu ấm cô chiêu du học ở trong các ngôi nhà triệu đô tận bên Anh, Mỹ, Úc...
Nguồn lực của đất nước và năng lượng của dân tộc bị tiêu hao quá mức tàn bạo.
Con đường đau khổ của dân tộc còn kéo dài, dù chúng ta có thoát qua khỏi đại cách ly.
HUỲNHNGỌC CHÊNH 31.03.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.