Cảnh sát để yên cho người biểu tình trong nhiều tiếng đồng hồ dùng các dụng cụ thô sơ để cố đập vỡ kính tòa nhà Nghị Viện Hồng Kông, ngày 01/07/2019. Liệu đây có phải là một cái bẫy? |
Libération hôm nay 05/07/2019dành hai trang lớn cho bài phóng sự mang tựa đề « Hồng Kông : Bắc Kinh nhe nanh múa vuốt, người biểu tình siết chặt hàng ngũ ».
Ba
ngày sau cuộc biểu tình tập hợp 550.000 người và cuộc xâm nhập vào
LegCo tức Nghị viện của hàng trăm thanh niên, Hồng Kông vẫn còn bị sốc.
Tối thứ Tư, bắt đầu có một số vụ bắt giữ. Tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi
và trả lời.
Liệu việc chiếm lĩnh Nghị viện có phải là một vụ dàn dựng để làm phong trào đấu tranh mất uy tín hay không ? Đó là giả thiết được nhiều nhà đấu tranh dân chủ nêu ra.
Hôm
thứ Hai đầu tuần, khi tầng lớp ăn trên ngồi trước thân Trung Quốc mở
sâm banh ăn mừng 22 năm ngày Hồng Kông được Anh trao trả, lực lượng an
ninh trong suốt bảy tiếng đồng hồ chỉ đứng nhìn những người trẻ đang tìm
cách đập vỡ cửa sổ, cửa lớn của tòa nhà ; và để yên cho 30.000 người
tập hợp bên ngoài Nghị viện. Trong khi 3.000 cảnh sát cơ động trang bị
đầy đủ đứng canh cách đó không xa, hàng trăm người biểu tình vẫn có thể
tung hoành bên trong LegCo nhiều giờ, và chỉ bị giải tán dễ dàng bằng
hơi cay sau đó.
Một video do cảnh sát đăng lên vào 21 giờ 30 tối
thứ Hai, cho thấy một sĩ quan cảnh sát lên án vụ xâm nhập. Nhưng chiếc
đồng hồ đeo tay của người này lại chỉ 17 giờ, làm tăng mối nghi ngờ việc
tuyên bố này đã được ghi hình từ chiều, tức bốn tiếng đồng hồ trước khi
người biểu tình vào được Nghị viện. Nhà đấu tranh Martin Lee còn nghi
rằng những người đập phá đầu tiên là theo đơn đặt hàng.
Hàng hàng lớp lớp cảnh sát cơ động trang bị tận răng bên ngoài tòa nhà nhưng không can thiệp. |
Nhà báo Pháp cũng gặp trong métro năm thanh niên trang bị bộ đàm, đeo
túi ba lô giống nhau, sau đó biến mất vào đám đông sinh viên. Rất có
thể là cảnh sát chìm, nhưng chưa hẳn là người gây rối. Ngoài ra, tất cả
những người được phỏng vấn đều tỏ ra hăng hái chống lại chính quyền, và
họ rất xúc động trước hai vụ thiếu nữ tự tử vào cuối tuần.
Làm thế nào giải thích việc một lá cờ Anh được treo lên trong Nghị viện ? Tấm ảnh này được lan truyền rộng rãi, nhưng thực ra khi đặc phái viên Libération vào đến bên trong thì đã được hạ xuống. Theo Eric Sautedé, chuyên gia về Trung Quốc tại Hồng Kông, thông điệp ở đây là « Những ông chủ mới của Hồng Kông cũng chẳng hơn gì thực dân ». Từ « Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa » trên biểu tượng Hồng Kông bị bôi đen với dòng chữ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc », cũng là một thông điệp tương tự.
Chính quyền Hồng Kông phản ứng ra sao ? Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tố cáo những hành động « cực kỳ bạo lực »,
bi kịch hóa những thiệt hại nhìn thì ấn tượng nhưng thực ra không đáng
kể : cửa kính, màn hình bị đập vỡ, đồ đạc bị lật nhào, ảnh các chính
khách bị gỡ xuống…Cảnh sát xử lý như « hiện trường tội phạm »,
và loan báo loạt bắt bớ đầu tiên, trong đó có một người đàn ông chở một
xe gồm nón bảo hộ, khẩu trang, thuốc nhỏ mắt…cho người biểu tình.
Liệu phong trào phản kháng sẽ tiếp tục ?
Mặt trận Công dân Nhân quyền kêu gọi đoàn kết, nhiều thanh niên cho
biết không sợ tù đày, nhưng các hành động bất tuân dân sự vừa rồi đã gây
sốc cho một số người dân.
Cờ Anh quốc bên trong Nghị viện Hồng Kông hôm 01/07/2019. |
Còn phản ứng của Bắc Kinh ? Chính quyền Hoa lục đòi hỏi « những tên tội phạm »
phải bị trừng trị, và quân đội Trung Quốc cách đây vài ngày đã tập trận
ngoài khơi Hồng Kông, điều một « lực lượng đặc biệt » đến bên kia biên
giới. Nhưng ít có nguy cơ Bắc Kinh cho quân đội can thiệp, vì một Hồng
Kông tự do, ổn định rất cần thiết cho lợi ích tài chính.
Cũng theo Eric Sautedé, Bắc Kinh hiểu biết rất ít về những bất ổn của xã hội Hồng Kông, về nỗi tuyệt vọng của một số người dân. «
Việc chiếm Nghị viện như lời cảnh báo cuối cùng trước khi chuyển sang
một giai đoạn khác. Bắc Kinh hẳn là rất lo sợ, trừng phạt những người
phá hoại có lẽ là một lối thoát. Tôi cho rằng một thỏa thuận có thể đạt
được ».
Những giải pháp khả thi nhất ?
Có thể hủy bỏ dự luật dẫn độ, nhưng sẽ bị coi như một thất bại của đảng
Cộng Sản Trung Quốc, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho chế độ. Bà Lâm
Trịnh Nguyệt Nga, mà tỉ lệ tín nhiệm đang ở mức thấp nhất, có thể từ
chức. Việc này sẽ xoa dịu những người biểu tình, mà đa số không đòi Hồng
Kông độc lập, chỉ muốn duy trì tự do ngôn luận và độc lập tư pháp.
Đối với ông Trần Gia Lạc (Kenneth Chan Ka Lok), cựu dân biểu dân chủ, chỉ có một điều chắc chắn : «
Bắc Kinh sẽ trả thù một khi quốc tế không còn chú ý tới. Một cách lặng
lẽ, các nhà tranh đấu, giới trí thức, đối lập sẽ bị đàn áp, đó là ‘chiến
thuật cắt lớp’ – tỉa dần từng cụm. Nhưng xã hội công dân Hồng Kông rất
năng động và có tổ chức. Chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh, chấp nhận
hiểm nguy ».
"Hồng Kông không phải là Trung Quốc"! |
Hồng Kông : Cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của Tập Cận Bình
Còn theo phân tích của ông Trương Luân (Lun Zhang), giáo sư trường đại học Cergy-Pontoise trên Le Monde, thì Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông ta.
Biểu
tình Hồng Kông đã bước qua một giai đoạn mới hôm 1 tháng Bảy, với logic
đối đầu. Ngõ cụt này trước hết là do thái độ không khoan nhượng của
chính quyền Hồng Kông, trong khi có đến 1 rồi 2 triệu người dân đặc khu
xuống đường phản đối dự luật dẫn độ.
Tình hình đáng buồn hiện nay
là kết quả của chính sách Bắc Kinh trong suốt hai thập niên sau khi
Hồng Kông được trao trả : người dân không có quyền chọn lựa người đại
diện cho mình. Đó còn do mô hình « Một đất nước, hai chế độ »
được lập ra một cách thực dụng để thu hồi thành phố tư bản này, nhập vào
một chế độ cộng sản. Nhưng với tư tưởng độc tài, chế độ Trung Quốc về
lâu về dài không thể dung thứ cho một vùng đất nhỏ tự do. Bây giờ là lúc
để thu hẹp không gian tự do của người Hồng Kông, tránh việc thành phố
này trở nên thành trì đòi tự do cho toàn bộ Trung Quốc.
Kể từ vụ
đàn áp đẫm máu Thiên An Môn cách đây 30 năm, người Hồng Kông luôn ủng hộ
các phong trào dân chủ ở Hoa lục. Đối với họ, nếu không dân chủ hóa, họ
có nguy cơ bị mất tất cả các quyền có được trong thời chính quyền Anh
trước đây, và hai thập niên vừa rồi đã chứng tỏ điều đó. Công an Trung
Quốc đã bắt bớ và bắt cóc nhiều người tại đặc khu mà không cần qua thủ
tục xét xử nào.
Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga bị "tế sống", 02/07/2019. |
Dân chủ Hồng Kông không thể tách rời dân chủ hóa Trung Quốc
Vụ
chiếm lĩnh Nghị viện đã gây chia rẽ giữa những người biểu tình muốn duy
trì trật tự và số khác muốn gia tăng áp lực bằng những hành động gây
chú ý. Nhưng quan trọng nhất là khoảng cách bị đào sâu giữa xã hội Hồng
Kông và quyền lực Bắc Kinh. Sự kiện vừa rồi cộng với nhiều vụ tự tử
trong những ngày gần đây cho thấy cảm giác tuyệt vọng đang lan tỏa trong
một số người Hồng Kông. La Croix cho biết thêm, đã có ba thanh
niên gồm hai nữ và một nam tự sát để ủng hộ phong trào, còn người thứ
tư là một chàng trai đã được cứu sống vào phút chót khi định nhảy cầu
hôm thứ Tư 3/7 vừa rồi, nhờ cư dân mạng Hồng Kông dốc toàn lực truy tìm.
Giáo
sư Trương Luân kết luận, nay thì trong hai phe, không phe nào còn có
thể thối lui. Bắc Kinh không muốn mất mặt khi nhượng bộ người dân đặc
khu, lo sợ họ sẽ đòi hỏi một nền dân chủ thực thụ. Người Hồng Kông thì ý
thức được rằng đây là thời điểm cốt yếu để bảo vệ sự tự do của mình.
Tập Cận Bình nay phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ
khi lên cầm quyền. Hai nền văn minh đang đối đầu với nhau trước mắt
chúng ta : tự do hay độc tài, vấn đề sinh tử của Hồng Kông.
Mercosur làm tiếng nói châu Âu thêm sức nặng
Về thời sự nước Pháp, Le Figaro hôm nay nói về sự giận dữ đối với những giáo viên dùng kỳ thi tú tài để bắt bí, Libération nhấn mạnh bộ trưởng giáo dục Jean-Michel Blanquer vẫn tỏ ra cứng rắn đối với các giáo viên đình công. Riêng La Croix
nhìn sang Hy Lạp, nhận định người dân nước này đang muốn lật sang một
trang mới. Ở trang trong, vụ án con gà Maurice - bị ra tòa vì cáo buộc
gáy quá sớm - cũng chiếm không ít giấy mực của báo Pháp.
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos mổ xẻ « Gởi tiết kiệm, sở thích của người Pháp ». Le Monde giải thích « Vì sao hiệp định tự do mậu dịch lại bị tranh cãi như thế ». Bài xã luận của Le Monde nhận định « Mercosur : Làm cho tiếng nói của châu Âu được lắng nghe ».
Hiếm
khi có một hiệp định tự do mậu dịch bị phản đối như vậy tại Pháp, từ
phe vì môi trường cho đến cực hữu, từ nông gia cho đến các hiệp hội, và
cả trong đảng cầm quyền cũng có những ý kiến trái ngược.
Hiệp định
giữa Liên hiệp Châu Âu (EU) và khối Mercosur (gồm 4 nước Nam Mỹ là
Achentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) nhằm bãi bỏ thuế quan trong một
thị trường 780 triệu người, kèm theo cam kết về các tiêu chuẩn vệ sinh
của EU và hiệp định khí hậu Paris. Tờ báo cho rằng việc phản đối hiệp
định này là bất hợp lý.
Lâu nay EU vẫn bị chỉ trích là không có
trọng lượng trên trường quốc tế, cả về ngoại giao lẫn quân sự. Trong khi
với thị trường 500 triệu dân, châu Âu có khả năng áp đặt một mô hình
dựa trên luật pháp, tự do, bảo vệ môi trường, và hiệp ước Mercosur là cơ
hội tốt. Trong bối cảnh ông Donald Trump quay lại với luật của kẻ mạnh,
và mưu đồ bành trướng của Tập Cận Bình, việc tự cô lập sẽ là chọn lựa
tồi tệ nhất đối với châu Âu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.