mercredi 9 mai 2018

Cameron Shingleton - Lý lẽ chửi thề



(Vnexpress08/05/2018) Tôi muốn khoe với mọi người thành tích mới. Sau hơn năm năm ở Việt Nam, tôi đã biết chửi bằng tiếng Việt.

Tuần trước tôi ghé Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM để gặp thầy giáo cũ. Xong việc, tôi quay lại bãi xe nhưng tìm hoài không ra xe của mình. Gãi đầu gần năm phút dưới cái nắng Sài Gòn cuối tháng Tư, tôi rút thẻ xe ra nhờ sự giúp đỡ từ nhân viên bảo vệ đang đứng dưới ô nghịch điện thoại. Anh ta lắc đầu. Tôi mất gần mười phút nữa để tìm ra chiếc xe của mình đã bị dời đi khá xa chỗ đậu trước đó trong khi máu tôi nóng dần lên.

Tôi nổi giận, hỏi bảo vệ tại sao lại chuyển xe tôi ra chỗ khác. Anh ta bảo do tôi đậu xe không đúng quy định. Tôi làm sao biết nên đậu xe ở đâu khi anh ta chỉ mải chơi điện thoại không hướng dẫn một lời. Tôi nóng nảy hỏi tiếp tại sao anh không giúp tôi tìm xe? Anh ta không trả lời được. Tôi nóng máy: “Người quản lý bãi xe đâu, cho tôi gặp nói chuyện?”. Gã bảo vệ liếc ngang, thấy sếp của mình đang ngủ vùi một góc, lại im lặng. Tôi chỉ hạ nhiệt một chút khi thấy một nhóm sinh viên Việt Nam đang nhìn mình với vẻ mặt ngạc nhiên, có lẽ họ thấy một ông Tây “nổ" bằng tiếng Việt.

Tôi lên xe, chạy ngang qua cái ô nơi anh ta đứng và vẫn mân mê điện thoại, chốt hạ câu cuối: “Công việc của anh ở trường này là gì? Đứng ở đây làm trai bao hả?”.

Chắc bạn cũng thấy tôi đã đi quá xa, nhưng tôi chỉ muốn khẳng định vài điều qua tấn trò này. Thứ nhất phải thú nhận rằng, việc chửi người khác rõ ràng đã làm tôi bớt căng thẳng và ở đây còn có một chút hãnh diện vì thành tích ngôn ngữ của mình. Tôi đã tranh cãi với người Việt vài lần trước đó nhưng khi bị chửi bằng tiếng Việt tôi đều loay hoay tìm cách phản ứng và đều thất bại thảm hại.

Tôi không khuyến khích các bạn ủng hộ việc chửi bới người khác, chỉ mong mọi người sẽ thông cảm cho tôi vì tình huống đó thực sự gây khó chịu. Và điều thứ hai cần khẳng định, là dù tôi nổi đóa, mỉa mai anh ta đi chăng nữa, tôi đã kiềm chế để không nói tục hay chửi thề.

Tôi vừa xem một video, cô giáo mắng học viên không đóng tiền phạt là "đồ con lợn", “óc lợn”. Việc xưng mày, tao với học trò là ghê gớm nhất; còn ai nghe cô giáo tung ra những lời chửi mượn tên của động vật để chỉ học sinh mà không thấy có gì gớm, thì chắc có tiêu chuẩn thẩm mỹ khác biệt với số đông.

Có vài ba ưu điểm khi nói về chửi thề. Thứ nhất, nó giúp xả stress, giống thuốc giải độc với điều kiện không ảnh hưởng đến người khác. Thứ hai, theo cá nhân tôi, việc chửi cũng có cái hay của nó. Có cách chửi thô thiển, nhưng cũng có cách chửi khá tinh tế, sáng tạo, gần như nghệ thuật. Người Việt chẳng có thành ngữ “chửi như hát hay” đấy thôi (?) Cách chửi thề còn liên quan đến tính hài hước của từng dân tộc, sự đa dạng sắc thái của từng ngôn ngữ. Chúng ta không chỉ có tình cảm sâu sắc với tiếng mẹ đẻ của mình vì nó giúp ta bày tỏ những điều tốt đẹp hay cao cả mà còn vì cả những lời không hay giúp giải tỏa bức bối nữa.

Nhưng ở Việt Nam càng lâu, hiểu tiếng Việt càng nhiều, tôi có thể khẳng định rằng, ngày nay người Việt chửi thề quá nhiều. Chửi thề khi cãi nhau. Chửi thề khi đang bực bội một mình. Chửi thề còn để bày tỏ sự thân mật, tình bạn bè bằng hữu.

Cách chửi gây phản cảm nhất với cá nhân tôi là “chơi nổi" bằng lời chửi thề. Cả thanh thiếu niên lẫn người lớn, đặc biệt là thanh thiếu niên đang học làm người lớn, nhiều khi họ chửi thề là để làm sang, để chỉ cho người ta biết mình là người từng trải, dày dặn mùi đời. Và ở không ít người, chửi trở thành sở thích, tức thói hư, theo kiểu muốn nói điều gì thật sinh động cũng phải kèm thêm vài lời thô thiển làm gia vị.

Nếu phải lựa chọn một nét đặc trưng trong cách chửi thề của người Việt, điểm khác với các văn hóa tôi đã biết thì đó là sự pha lẫn giữa cái tục tĩu và cái gì đó gần như hồn nhiên, tự phát, có nét “ngây thơ” chứ không thâm như một số nước dùng tiếng Anh.

Là một người Úc, tôi thấy cách chửi tục của người Việt không luôn luôn tồi tệ. Trong số các nước nói tiếng Anh, Úc nổi tiếng vì cách chửi khá nặng nề. Nghe người Việt buông lời chửi nhau có chữ “cha", “mẹ" thì dĩ nhiên khó chịu. Nhưng cách người Úc chửi nhau còn là sự kết hợp phong phú giữa thân, phụ mẫu với một số thứ chỉ hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục và việc bài tiết. Và nó được nhắc lại vài lần trong mỗi câu.

Nhưng rõ ràng chửi thề có thể gây hại cho cả người chửi và người bị chửi lẫn người phải nghe. Lời chửi còn làm cho tình huống trở thành thêm dầu vào lửa. Nó gần như là yếu tố khiến những tranh chấp hàng ngày tràn ngập ác ý hay ít nhất khiến một bên phòng bị và đối trả quyết liệt. Chửi thề còn là cách thể hiện quyết tâm triệt hạ đối thủ, khiến người khác khinh thường kẻ đó, khiến đối tượng bị bẽ mặt bằng một tràng những điều tục tĩu có liên quan đến cha mẹ họ trước những khán giả đang nghe trong hoảng hồn kinh ngạc hay tò mò.

Không biết có ai dị ứng lời chửi thề đến độ muốn dẹp bỏ chúng hoàn toàn. Nhưng tôi nghĩ khó mà làm được. Một phần vì chửi thề có nguồn gốc sâu xa từ ngôn ngữ và văn hóa, nếu không muốn nói xuất phát từ cả tâm lý loài người. Một chiến lược hay hơn, theo tôi là sử dùng lời không đẹp có cân nhắc và chọn lọc, dù lúc máu nóng thì làm việc này khá gian nan.

Suy cho cùng, có nhiều cách giải tỏa giận dữ hay hơn việc ném vào mặt nhau những lời tục tĩu. Đấm thật mạnh cho vỡ bao cát ở phòng gym, hét lên chỗ không người để thoả mãn bản năng hung hăng của mình là một phương pháp khá hay được đề nghị bởi các bác sĩ răng hàm mặt. Còn ai sợ khẩu nghiệp thì tốt nhất gắng nuốt giận, á khẩu và ngồi xuống, khoanh chân mở nhạc thiền.

Tôi đang hồi hộp vì không dám chắc đề nghị của tôi được hưởng ứng và có thể giúp một người đang sôi máu hạ hỏa, hay họ còn chửi tôi nặng hơn nữa.


CAMERON SHINGLETON (Giảng viên đại học)

 Nguyên tác tiếng Việt

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.