mardi 6 février 2018

Nguyễn Thị Oanh - Mọi lý thuyết đều màu xám




Ảnh trái: Cha bé Nhật Linh đang xin chữ ký ở một nhà ga Nhật Bản.
Trong tất cả những ý kiến phản đối việc ký tên ủng hộ lời kêu gọi của cha mẹ bé Nhật Linh, bài viết của LS Trần Duy Hậu có thể nói là bài viết có lập luận khá vững chắc, chặt chẽ và thuyết phục nhất (hiển nhiên, vì người viết là một luật sư!). 

Tôi đồng tình với một số phân tích hợp lý và hoàn toàn xác đáng xét về góc độ khoa học pháp lý của bài viết. Nhưng nếu giờ hỏi tôi có ký không, tôi vẫn nói tôi sẽ ký và cũng vẫn muốn tìm kiếm thêm nhiều người có thể đồng cảm với tôi về quyết định này! 

Với sự thận trọng vốn có của mình và một chút kiến thức về pháp luật, tôi cũng đã cân nhắc khá lâu trước khi quyết định chia sẻ status của người mẹ đau khổ. Tôi biết Shibuye mới chỉ đang được xem là nghi phạm. Tôi hiểu là phiên tòa vẫn chưa diễn ra và vì thế, chưa ai có thể kết tội. Nhưng, nếu nói như vị luật sư nọ rằng ông không thể ký vì không có đầy đủ thông tin thì tôi lại có thể lập luận ngược lại là tôi đồng ý ký vì tôi cũng không có đủ thông tin! 

(Tham khảo xem thêm bài tại https://www.luatkhoa.org/2018/02/ky-hay-khong-ky-do-la-van-de/). 

Giả định tôi là một người đang có trách nhiệm đang xem xét vụ án. Lý trí có thể nhắc tôi về những nguyên tắc cơ bản như “nghi ngờ hợp lý” “suy đoán vô tội”. Nhưng trái tim tôi vẫn mách bảo rằng những thông tin về dấu vết ADN của nghi phạm trùng khớp với ADN tìm thấy trên các đồ vật của bé Linh (cơ sở ban đầu để tiến hành truy tố) CÓ THỂ là những chứng cứ đáng tin cậy. Và việc nghi phạm sử dụng quyền im lặng để gây khó khăn cho công tác điều tra cũng là MỘT LÝ DO để tôi tin rằng nghi phạm có thể là thủ phạm... 

Chúng ta sợ nghi phạm này bị oan, nhưng giả sử anh ta không oan thì làm sao? Trong mọi vụ án, luôn có thể phát sinh “cuộc đấu” giữa lý trí và tình cảm đối với những người tham gia quá trình tố tụng như vậy... Và trong cái u u minh minh đó của ranh giới “có tội hay không có tội”, đặc biệt lại là trong tình huống nghi phạm có quyền im lặng để bất hợp tác với cơ quan điều tra, liệu chúng ta có thể làm gì được hơn để chia sẻ với người mẹ bất hạnh này? 

Tất nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn là làm sao để tránh oan sai? Đó là câu hỏi muôn đời của mọi nền tư pháp ở bất kỳ quốc gia nào. Tôi không tin rằng nền tư pháp của một đất nước văn minh và tiến bộ như Nhật Bản lại ấu trĩ đến độ xét xử theo dư luận. Có mâu thuẫn không khi vừa thông tin rằng 50.000 chữ ký chẳng thể có chút ảnh hưởng nào đến quy trình xét xử ở một quốc gia như Nhật Bản, lại cũng vừa cho rằng những chữ ký của chúng ta có thể gây ra thêm một cái sai nữa cho vụ án này? 

Tôi đã từng ký tên vào đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải. Ký tên yêu cầu điều tra vụ công dân Nguyễn Hữu Tấn tử vong bất thường tại đồn công an Vĩnh Long. Ký tên phản đối việc bỏ tù mẹ Nấm... Như mọi người dân khác, tất cả những gì tôi có thể biết là qua thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. 

Không phải ai cũng được tiếp cận với hồ sơ hay tiếp xúc với bị can/bị cáo hoặc nghi phạm trong một vụ án, ngoại trừ những người có chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Thế thì với những gì tôi BIẾT dẫn dắt đến việc tôi HIỂU và NHẬN THỨC để đi đến quyết định ký tên trong các trường hợp trên, thật khó có thể nói rằng phải chờ đầy đủ chứng cứ hợp lý mới được lên tiếng và mới chính xác. Sự thận trọng và nghi ngờ luôn là đặc tính của quy trình tố tụng tiến bộ, nhưng đó lại cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm khác... 

Cho nên, trong trường hợp này, dù biết có thể là còn cảm tính, nhưng tôi cho phép mình được cảm tính, còn hơn là ngồi yên chấp nhận! Cảm tính của tôi có thể sai, nhưng tôi chọn lựa làm điều này không có nghĩa là vì muốn quyết tâm thực thi một kiểu “công lý đám đông”, mà chỉ đơn giản là bởi tôi không thể lý trí trước nỗi đau của một người mẹ! 

Do vậy, tôi chẳng hề có ý định lên án, nguyền rủa hay miệt thị những người không ký tên trong vụ này. Như đã nói, họ có quyền xem xét, thận trọng và cân nhắc trong việc đặt để chữ ký của mình. Chỉ có điều, xin đừng đả phá, chê bai hay thậm chí giễu cợt gia đình nạn nhân. Họ không xin tiền bạc mà chỉ xin chữ ký với niềm tin đang đấu tranh vì công lý cho con mình. Họ cũng đã cạn kiệt cả về tinh thần và vật chất, trong nỗi đau cùng cực vì mất con nơi xứ người.

Và chúng tôi - những người đang ký tên ủng hộ họ - có thể sai lầm, có thể cảm tính, có thể biết rằng những chữ ký của mình chỉ “có tính biểu trưng” chứ không can thiệp được gì vào vụ án này. Nhưng có lẽ tất cả chúng tôi đều làm vì sự thôi thúc tự nhiên của chính bản thân mình và vì lòng tin rằng mình đang ủng hộ sự công bằng theo cách lý giải riêng. Quan trọng hơn, chúng tôi cảm thấy vẫn tốt hơn là làm được một điều gì đó để chia sẻ với những đồng bào của mình, thay vì chỉ ngồi yên quan sát.

“Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Tôi vẫn luôn yêu thích câu nói này của Goethe, bởi nó thể hiện rất hình tượng bản chất của tính người trong cuộc sống con người - Đó là con người có lý trí nhưng cũng đầy tình cảm. Con người biết tư duy nhưng cũng có lúc sai lầm. Con người mà không bao giờ người máy thay thế được vì chẳng thể biết lập trình cảm xúc...

Và chị Nguyên ạ, tôi vẫn cầu chúc cho chị đủ sức để đi hết con đường kêu đòi công lý cho con gái, bằng trái tim và linh cảm của người mẹ. Dù rằng tôi cũng chẳng biết chữ ký nhỏ nhoi của mình lúc này có giúp được gì cho chị hay không?

FB NGUYỄN THỊ OANH 02.02.2018 (Tựa do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.