Một chiếc F-18 Super Hornett chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm Mỹ USS Nimitz tại Biển Đỏ ngày 03/09/2013 |
Nhà bình luận Nouriel Roubini trên nhật báo Les Echos
ngày 04/01/2017 ghi nhận, lịch sử thập niên 20-30 cho thấy vì sao chủ
nghĩa cô lập và bảo hộ đã dẫn đến chiến tranh. Nếu cứ ngả theo xu hướng
này, ông Donald Trump sẽ phá hỏng 70 năm thịnh vượng và hòa bình thế
giới.
Sự kiện ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ dường như báo trước cho hồi kết của Pax Americana (từ la-tinh của « Hòa bình Mỹ »).
Đây là trật tự thế giới với đặc trưng là tự do mậu dịch và an ninh
chung, mà nước Mỹ và các đồng minh đã xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến.
Một
trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tạo ra 70 năm thịnh vượng. Trật
tự này dựa trên hệ thống tự do hóa thương mại, tập trung vào các thị
trường, cũng như việc tăng tính luân chuyển của vốn và thực hiện các
chính sách xã hội khôn ngoan. Tất cả được trợ lực bằng các bảo đảm về an
ninh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á, thông qua NATO và các
liên minh khác.
Ông Trump nay có vẻ đã quyết định sử dụng các biện
pháp nhằm cản trở trao đổi thương mại, hạn chế việc lưu thông tư bản và
lao động. Tổng thống tân cử cũng gieo rắc hoài nghi về những bảo đảm an
ninh hiện tại từ phía Hoa Kỳ, hàm ý ông sẽ buộc các đồng minh của Mỹ
phải chi thêm tiền để được bảo vệ. Nếu Donald Trump thực sự muốn áp dụng
triết lý « Nước Mỹ trên hết », thì điều đó có nghĩa là chính
quyền của ông sẽ thiên về một chiến lược địa chính trị hướng Hoa Kỳ về
phía chủ nghĩa cô lập và đơn phương, chỉ hành động vì lợi ích quốc gia
mà thôi.
Khi Hoa Kỳ áp dụng các chính sách loại này trong thập
niên 20 và 30, nước Mỹ đã tham gia vào việc gieo rắc những mầm mống cho
Đệ nhị Thế chiến. Chủ nghĩa bảo hộ - bắt đầu bằng đạo luật Smoot-Hawley
về thuế quan, liên quan đến hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu – đã gây ra
nhiều cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ để trả đũa, làm trầm trọng
thêm thời kỳ Đại khủng hoảng.
Bi kịch hơn, chủ nghĩa cô lập của Mỹ - dựa trên quan niệm sai lạc là
Hoa Kỳ được hai đại dương bảo vệ - đã giúp cho Đức quốc xã và quân phiệt
Nhật hung hăng tiến hành các cuộc chiến, đe dọa toàn thế giới. Chỉ sau
vụ tấn công Trân Châu Cảng tháng 12/1941, Hoa Kỳ mới không còn chọn lựa
nào khác là chấm dứt chính sách con đà điểu.
Tương tự, hiện nay
chiều hướng quay sang chủ nghĩa cô lập nước Mỹ và chỉ quan tâm đơn thuần
đến quyền lợi quốc gia có nguy cơ rốt cuộc sẽ dẫn đến một cuộc xung đột
toàn cầu. Chưa nói đến viễn cảnh một sự hủy bỏ những cam kết của Mỹ
ngoài châu Âu, Liên hiệp Châu Âu (EU) và khu vực đồng euro vốn đang rời
rạc lại càng yếu kém hơn sau Brexit – bỏ phiếu cho Anh ra khỏi EU hồi
tháng Sáu, cũng như thất bại của cuộc trưng cầu dân ý tháng 12 vừa qua
tại Ý về cải cách Hiến pháp.
Với sự thiếu vắng một cam kết tích
cực của Hoa Kỳ tại châu Âu, đành phải ngồi chờ một nước Nga hung hăng
nóng lòng báo thù dấn những bước phiêu lưu trên châu lục. Nga đang thách
thức Mỹ và EU trên lãnh thổ Ukraina, tại Syria, các nước vùng Bantic và
bán đảo Balkan, và rất có thể sẽ lợi dụng sự sụp đổ của EU để tái khẳng
định ảnh hưởng của Matxcơva tại các nước thuộc khối Liên Xô cũ, hỗ trợ
tích cực các phong trào thân Nga ở châu Âu. Nếu chiếc dù an ninh Mỹ ở
châu Âu dần dà biến mất, không ai có thể vui mừng bằng tổng thống Nga
Vladimir Putin.
Các đề xuất của Trump còn có nguy cơ làm trầm
trọng thêm tình hình Trung Đông. Tổng thống tân cử tuyên bố muốn làm Hoa
Kỳ độc lập về năng lượng, như thế sẽ phải từ bỏ các lợi ích Mỹ trong
khu vực này, và huy động ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch sản xuất
trong nước, làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ông Trump cũng duy
trì quan điểm là chính đạo Hồi – chứ không phải Hồi giáo cực đoan và
thánh chiến – là một tôn giáo nguy hiểm. Quan niệm này được tướng
Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia tương lai chia sẻ, trực tiếp củng
cố cho luận điệu của thánh chiến Hồi giáo xung quanh cú sốc giữa các
nền văn minh.
Tại châu Á, sức mạnh tối thượng về kinh tế và quân
sự của Mỹ đã giữ được ổn định qua nhiều thập kỷ. Nhưng giờ đây một Trung
Quốc cất cánh lại đang thách thức nguyên trạng. « Chiến lược xoay trục »
sang châu Á do tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo chủ yếu dựa trên
việc thực hiện Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)
tập hợp 12 quốc gia, nhưng ông Trump lại hứa hẹn sẽ từ bỏ ngay sau khi
lên nhậm chức. Trong khi đó, Trung Quốc nhanh chóng triển khai các quan
hệ kinh tế riêng giữa Bắc Kinh với châu Á, tại Thái Bình Dương và châu
Mỹ la-tinh.
Cũng như trong thập niên 30, thời kỳ mà chính sách bảo
hộ và cô lập của Mỹ ngăn trở tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại
trên cấp độ toàn cầu, các xu hướng tương tự nhận thấy hiện nay có nguy
cơ đặt cơ sở cho tình hình mà trong đó các thế lực mới có thể thách thức
và phá hoại trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Thế nhưng nước Mỹ
vẫn là một đại cường kinh tế và tài chính toàn cầu, tăng tiến trong một
thế giới nối kết lẫn nhau một cách sâu sắc. Nếu không bị giám sát, các
nước vừa được đề cập ở trên không sớm thì muộn sẽ có khả năng đe dọa các
lợi ích kinh tế và an ninh chủ yếu của Hoa Kỳ - ngay trong nước Mỹ cũng
như ở các nước khác – nhất là nếu các chế độ trên tăng cường năng lực
vũ khí nguyên tử và chiến tranh mạng.
Nhà bình luận Nouriel Roubini kết luận, kinh nghiệm từ lịch sử rất rõ ràng : chính sách bảo hộ, cô lập và « Nước Mỹ trên hết » hợp thành một thứ cocktail lý tưởng cho một thảm họa kinh tế và quân sự.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.