Múa lân tại Bắc Kinh mừng Tết Giáp Ngọ, ngày 30/01/2014 |
Bài đăng : Thứ năm 30 Tháng Giêng 2014 -
Sửa đổi lần cuối Thứ năm 30 Tháng Giêng 2014
Ngày đầu năm âm lịch đã cận kề, nhân dịp này nhật báo Le Figaro đăng bài viết của thông tín viên tại Bắc Kinh mang tựa đề : « Một cái Tết đạm bạc ».
Tác giả nhận xét, trong năm Giáp Ngọ sẽ bắt đầu vào ngày mai, Đảng Cộng
sản Trung Quốc đã cấm các cán bộ của mình vung tay quá trán.
Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh các cán bộ đang dỡ xuống
các két bạch tửu (baijiu) - loại rượu quý được giai cấp thượng lưu ưa
chuộng, và những cây thuốc lá từ hai chiếc BMW đen sang trọng. Sau bốn
tiếng đồng hồ rong ruổi từ Bắc Kinh, đích đến của các vị công bộc là một
tiệm ăn nhỏ bé của một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Hà Bắc, với quyết
tâm « ăn chơi nhảy múa ». Các « đầy tớ của dân » tưng bừng mừng tất niên
tại đây, tránh xa những cặp mắt dòm ngó tại thủ đô, trước các quy định
mới của Đảng nhằm chống tham nhũng.
Dù chiến dịch « diệt cả ruồi lẫn cọp » của Tập Cận Bình có phần nào
làm hỏng không khí hội hè, đối với các vị « đầy tớ » này thì không có
việc hủy bỏ tiệc tất niên năm Giáp Ngọ. Ban đầu có hơi ngần ngại khi
thấy nhóm người phương Tây, nhưng rồi họ ồn ào ngồi vào bàn và kêu vô số
món ăn. Một người nói : « Không có vấn đề gì về chứng từ phí xăng dầu, chúng ta đã đi đường mấy tiếng đồng hồ để tiếp xúc với dân địa phương ».
"Ăn chơi nhảy múa" mừng Xuân. |
Theo Le Figaro, óc sáng tạo là cơ sở cho sự sống còn của các công
bộc, để né tránh một rừng quy định mới. Danh sách cấm đoán do Đảng Cộng
sản Trung Quốc đưa ra nhằm chống tham nhũng, lãng phí và xa hoa không
ngừng nối dài. Bắc Kinh đã loại bỏ súp vi cá, súp tổ yến ra khỏi thực
đơn các cuộc chiêu đãi. Việc biếu bánh trung thu, lịch, rượu và quà cáp
các loại, mời đi nhà hàng sang trọng hay tiệc tùng đều bị cấm. Sử dụng
máy bay riêng để di chuyển, đám cưới, đám tang… một cách xa hoa, theo
Đảng là làm sống dậy « thái độ phong kiến và mê tín dị đoan ».
« Chống tham nhũng » và những nghịch lý
Tập Cận Bình kêu gọi có cách sống « đạm bạc, không phô trương », và cảnh cáo : « Mỗi viên chức đều phải nhớ rằng tất cả những bàn tay bẩn sẽ đều bị tóm lấy ».
Bản thân ông Tập đã làm gương khi đi ăn bánh bao tại một cửa hàng bình
dân ở Bắc Kinh. Chính quyền đóng cửa khoảng ba chục câu lạc bộ dành
riêng cho giới thượng lưu bên hồ Tây ở Hàng Châu, lên án là nơi che giấu
« những ngọn gió từ địa ngục ».
Đảng tự hào đã trừng phạt trên 182.000 cán bộ trong « chiến dịch bàn
tay sạch », cao hơn năm ngoái 13%. Tuy vậy, cũng rất dễ nhận ra các tác
động tiêu cực của chiến dịch. Lượng khách đến các khách sạn sang trọng
sụt hẳn, các nhà hàng chịu mất bớt sao, bỏ bớt nhiều món cao lương mỹ vị
ra khỏi thực đơn để cố giữ khách. Doanh số bán rượu cô-nhắc Pháp, lịch,
đũa bằng vàng… giảm mạnh gây ra những vụ phá sản và sáp nhập.
Người lao động nhập cư về quê ăn Tết. |
Một chủ nhà hàng phàn nàn : « Không phải tất cả mọi người đều thích bánh bao. Chủ tịch Tập đã làm mất đi nghệ thuật ẩm thực tuyệt vời của chúng tôi ». Một người bán hàng điện tử bực tức : « Cứ làm như đang khủng hoảng đến nơi rồi ấy ! ».
Hậu quả là các doanh nghiệp đành phải thắt lưng buộc bụng : chấm dứt
việc thưởng Tết hậu hĩnh, không còn xổ số tombola cuối năm để nhân viên
mang về nào iPad hay smartphone. Các địa điểm tổ chức tiệc tất niên bị
giảm đến 50% lượng khách, và theo một thăm dò mới nhất thì những người
ăn lương bị thiệt mất 15% tiền thưởng Tết.
Thế nhưng các quan chức không hề muốn
từ bỏ quyền lợi : họ chui vào những biệt thự sang trọng với các nữ tiếp
viên nhiệt tình hay các nhà hàng kín đáo. Họ nhận món quà rất văn hóa là
sách, nhưng thực ra đó là các catalogue sản phẩm hàng hiệu.
Trong bài « Các nghịch lý của Bắc Kinh trong chống tham nhũng »,
Le Figaro nêu ra vụ xử án luật sư kiêm giảng viên đại học Hứa Chí Vĩnh,
người sáng lập Phong trào Tân Công dân và các thành viên khác của phong
trào này. Bản án bốn năm tù dành cho nhà đấu tranh đòi công khai tài
sản quan chức, đã làm lung lay tính khả tín của chiến dịch chống tham
nhũng mà ông Tập Cận Bình hô hào. Ông Hứa Chí Vĩnh nêu câu hỏi : « Một khi trên 90% quan chức tham nhũng thì ai là người sẽ chống lại ? »
Theo ông Brad Adams, giám đốc châu Á của Human Rights Watch, các
phiên tòa trên đi ngược lại với khẳng định chống tham nhũng của ông Tập,
thật ra chế độ Bắc Kinh trước hết chỉ quan tâm củng cố quyền lực. Ông
tuyên bố : « Việc dàn dựng các màn kịch-phiên xử này hoàn toàn nghịch lý với cái gọi là chương trình cải cách của Tập Cận Bình ».
Trung Quốc, cường quốc rượu vang tương lai
Cũng liên quan đến Trung Quốc, phụ trang của Le Figaro nhận định « Trung Quốc, siêu cường tương lai về rượu vang ». Theo một nghiên cứu của Vinexpo, Trung Quốc đã vượt qua mặt Pháp trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều rượu vang đỏ nhất thế giới.
Theo tờ báo, chỉ mới đây thôi không ai dám tiên đoán như thế, khi mà
ngườiTrung Quốc còn không phân biệt được rượu vang với soda. Nhưng chỉ
trong vòng vài năm, Trung Quốc đã trở thành miền đất hứa, thành siêu
cường rượu vang. Cơn khát rượu vang đỏ tại đây dường như không có điểm
dừng, trong khi việc tiêu thụ rượu vang trắng và các loại rượu khác như
sâm-banh cũng tăng lên.
Từ năm 2007 đến 2013, tiêu thụ rượu vang đỏ tại Trung Quốc đã tăng
lên 175,4%, trong khi tại Ý lại giảm 5,8% và tại Pháp thì giảm đến 18%.
Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc có đến 400 triệu người, ngày càng bị
thu hút bởi các loại hàng tiêu dùng phương Tây, khi lương bổng và mức
sống họ được nâng lên. Theo cựu đại sứ nước này tại Paris, đây là một cơ
hội cho Pháp : « Khi người Trung Quốc mới làm quen với rượu vang
Pháp, thì họ coi đây là một sản phẩm sang trọng. Nhưng bây giờ rượu vang
là vừa túi tiền đối với giai cấp trung lưu ».
Vang Pháp luôn chiếm khoảng phân nửa thị trường Trung Quốc, bỏ xa Úc
và Tây Ban Nha. Nhà nghiên cứu Boris Petric nhận định : « Tại Trung
Quốc, rượu vang vì đắt tiền nên chủ yếu được người thành thị tiêu thụ.
Nhưng với truyền thống quà cáp, đôi khi rượu vang lại được chưng trong
tủ kính, thế nên không nên lẫn lộn giữa tiêu thụ và số bán ra. Có điều
vẫn có một thiểu số người thích thưởng thức rượu vang, và những quán bar
chuyên bán loại rượu này đang phát triển ».
Cũng chỉ trong vòng vài năm, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất
rượu vang đứng thứ năm thế giới sau Ý, Pháp, Mỹ và Tây Ban Nha. Trên 80%
rượu vang tiêu thụ tại Trung Quốc được vô chai tại chỗ. Chính quyền Bắc
Kinh có chính sách ưu đãi đầu tư vào những vùng đất nghèo nàn và thưa
dân trở thành vùng trồng nho như khu tự trị Ninh Hạ (Ningxia) hay Tân
Cương (Xinjiang), quyết tâm trở thành nước sản xuất rượu vang hàng đầu
trong năm năm tới.
Tham vọng này đã gây ra một số va chạm với các đối tác châu Âu. Vào
tháng Bảy, Bắc Kinh cũng đã mở điều tra xem Liên hiệp châu Âu có trợ giá
cho rượu vang xuất khẩu sang Trung Quốc không. Điều này được coi là
biện pháp trả đũa cho việc Bruxelles áp thuế hải quan lên pin mặt trời
của Trung Quốc, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy những tham vọng mới
của Bắc Kinh.
Hai phe Syria và cuộc chiến truyền thông ở Genève
Nhìn sang Genève, nơi hòa đàm Syria đang diễn ra, đặc phái viên của Le Monde mô tả « Cuộc chiến truyền thông bên bờ hồ Leman ». Cả hai phe, chính quyền Damas và đối lập đều cố gắng giành thắng lợi về tuyên truyền.
Le Monde mô tả hoạt cảnh diễn ra hàng ngày vào cuối buổi chiều, tại
phòng họp báo của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi. Nhà trung gian
hòa giải này vừa dứt lời là một rừng cánh tay giơ lên để đặt câu hỏi, mà
hầu hết là các nhà báo phe ông Assad, nhằm phổ biến tiếng nói của chế
độ Damas trước các camera của toàn thế giới. Các câu hỏi của họ luôn
xoay quanh vấn đề « khủng bố » - từ ngữ mà chính quyền Damas gán cho phe
đối lập. Đến nỗi hôm 24/1 ông Brahimi đã phải vờ ngây thơ hỏi : « Chỉ có các nhà báo Syria tại phòng họp này thôi sao ? »
Damas đã gởi đến bên hồ Leman thơ mộng của Thụy Sĩ cả một đạo quân
bốn chục nhà báo đủ loại. Họ phân phối các đĩa DVD mang tựa đề Terror
Against Syria (Khủng bố chống lại Syria) do đài phát thanh truyền hình
nhà nước sản xuất. Thậm chí có lần những « nhà báo » này suýt đánh nhau
với các phóng viên đài Al Jazira, đài truyền hình Ả Rập chống lại Assad.
Còn phe đối lập cũng cầu viện đến các nhà chuyên môn về truyền thông,
được Bộ Ngoại giao Anh tài trợ, mà để tránh tiếng, được cho biết chỉ là
những cố vấn.
Toàn cầu hóa : Bong bóng đầu cơ và chu kỳ khủng hoảng
Trên lãnh vực kinh tế, bài xã luận của Le Monde nói về « Những cú giật nẩy bất tận của nền kinh tế toàn cầu hóa ».
Bài báo nhắc lại lời cảnh báo của ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài
chính Mỹ, giáo sư đại học Havard : từ vài thập kỷ qua, tăng trưởng của
Hoa Kỳ và châu Âu chỉ tiến triển thông qua bong bóng đầu cơ. Giữa hai
quả bóng, kinh tế phương Tây phải vượt qua một chu kỳ dài của tăng
trưởng thấp.
« Định luật Summers » đang được áp dụng cho tình hình hiện nay : sau
nhiều năm huy hoàng, nay nhiều nước mới nổi đang gặp phải khó khăn trầm
trọng. Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Achentina chẳng hạn, đang phải đối mặt với
tình trạng đồng tiền quốc gia mất giá, thị trường chứng khoán sụp đổ.
Các nhà đầu tư thi nhau rút vốn để quay lại với Hoa Kỳ và châu Âu – lãi
ít hơn nhưng chắc chắn hơn.
Nguyên nhân được nêu ra là Quỹ dự trữ liên bang Mỹ đã tràn ngập hệ
thống ngân hàng với tín dụng giá rẻ. Ngân hàng trung ương Anh quốc và
Nhật Bản cũng hành động tương tự. Chính sách này đã giúp tái thúc đẩy
nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng tạo điều kiện cho các bong bóng đầu tư sang
những nước có tỉ lệ tăng trưởng cao. Khi bong bóng bùng vỡ, vốn lại chảy
về các nước phát triển, làm suy sụp các nền kinh tế mới nổi. Và như thế
nền kinh tế toàn cầu hóa chỉ đi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng
hoảng khác.
Chân dung « Đệ nhị tình nhân » Pháp Julie Gayet
Quay lại với nước Pháp, bài điều tra của Le Monde cho biết thêm nhiều
chi tiết về nữ diễn viên Julie Gayet, người tình bí mật của Tổng thống
François Hollande đã bị tờ báo lá cải Closer đưa ra ánh sáng, dẫn đến
xì-căng-đan « Gayetgate », kết quả là « Đệ nhất tình nhân » phải ra đi
còn ông Hollande bị chỉ trích rất nhiều vì đã khiến nước Pháp trở thành
trung tâm bị đàm tiếu.
Nhân vật gây sóng gió Julie Gayet đã lặn mất tăm, khiến các tờ báo lá
cải khó thể khai thác. Gayet cũng vắng mặt ngay cả hôm chiếu ra mắt bộ
phim mà công ty Rouge International của cô đồng sản xuất là Des étoiles (Những ngôi sao) - được ra rạp từ hôm qua.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống theo cánh tả, Julie Gayet
bắt đầu vào nghề với bộ phim truyền hình nhiều tập Premiers baisers
(Những nụ hôn đầu) năm 1992, rồi đến với điện ảnh qua phim La Petite Apocalypse năm
sau đó, đến nay cô đã đóng trên 70 bộ phim đủ thể loại, tuy nhiên không
có vai diễn nào ấn tượng. Gayet còn là nhà sản xuất nhiệt tình, từng hỗ
trợ nhiều phim của các tác giả ít tên tuổi.
Theo Le Monde, sau xì-căng-đan đình đám vừa qua, nữ diễn viên này
đang đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai. Trên internet, dễ dàng
tìm thấy một clip mà cô gần như hoàn toàn khỏa thân, và các công cụ tìm
kiếm hiển thị nhiều tấm hình gợi cảm của Julia Gayet. Các paparazzi luôn
rình rập, một sự kiện nhỏ cũng gây ồn ào, và trong điều kiện đó khó thể
hành nghề, không dễ quảng cáo cho một bộ phim mới sản xuất. Tuy nhiên
trong giai đoạn nhạy cảm này, cái tên Julia Gayet vẫn được giới điện ảnh
tôn trọng vì sự nghiêm túc, tính cách dễ gần của cô.
Để kết thúc, bài báo dẫn lời Nadia Turincev, đối tác hùn vốn của
Julie Gayet cho rằng cô là một người « ngoại hạng ». Tác giả bài viết
nhận định, sự mỉa mai của số phận đã dun rủi cô gặp gỡ một « Tổng thống
bình thường » - như ông François Hollande thường tự xưng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.