mercredi 11 juillet 2012

Đại sứ Mỹ đầu tiên từ 22 năm qua đến Miến Điện

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Đại sứ Mỹ đầu tiên được bổ nhiệm tại Miến Điện kể từ 22 năm qua, hôm nay 11/07/2012 trình ủy nhiệm thư tại thủ đô Naypyidaw. Đây là phần thưởng của Hoa Kỳ dành cho những cải cách sâu sắc của tân chính phủ Miến Điện, và nay thì vấn đề bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã được công khai nêu ra.

Ông Derek Mitchell, chuyên gia nối tiếng về châu Á, đã được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Miến Điện sau khi chính quyền được gọi là « dân sự » của Tổng thống Thein Sein, lên nắm quyền từ tháng 3/2011, đã đưa ra nhiều chính sách cải cách, cho phép lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trở thành đại biểu Quốc hội.

Tân đại sứ Mỹ sẽ trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống Miến Điện chiều nay. Một viên chức Miến Điện cho AFP biết như trên, và tin này được thông cáo của đại sứ quán Mỹ ở Rangun xác nhận. Về phần bà Aung San Suu Kyi đã nhận xét : « Ông Mitchell không chỉ quan tâm mà còn hiểu biết về Miến Điện rất nhiều, đây là một tin vui ». 

Hoa Kỳ đã triệu hồi đại sứ vào năm 1990, sau khi đối lập Miến Điện thắng cử nhưng tập đoàn quân sự cầm quyền từ chối công nhận kết quả, cũng như do việc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình của sinh viên làm cho hàng ngàn người chết, hai năm trước đó. Nay Washington muốn hỗ trợ Miến Điện trong tiến trình cải cách, một tiến trình mà ông Derek Mitchell, vốn là đặc sứ Mỹ tại Miến Điện, cho rằng « không thể đảo ngược được ». 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng Giêng đã hứa hẹn sẽ tôn trọng các cam kết vào cuối năm 2011, trong chuyến viếng thăm lịch sử của bà tại Miến Điện, là đáp ứng « mỗi hành động (của chính quyền Miến Điện) bằng một hành động » có cấp độ tương đương, nói nôm na là « bánh ít đi bánh quy lại ».

Naypyidaw vừa trả tự do cho các tù nhân chính trị hàng đầu, việc ân xá này được xem là bằng chứng cho sự chân thành của tiến trình cải cách chính trị. Hồ sơ nóng bỏng hiện nay là các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Cho đến nay, các biện pháp này chỉ mới được giảm nhẹ ; và việc dỡ bỏ hẳn rất phức tạp về mặt luật pháp cũng như thủ tục lập pháp, nhưng ít nhất là cũng đã được công khai nêu lên.

Tại Siem Reap, Cam Bốt vào thứ Bảy 14/7 tới, bà Hillary Clinton sẽ gặp các doanh nhân Mỹ để trình bày các đường hướng chính trong việc giảm nhẹ trừng phạt Miến Điện. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì vào giữa tháng Bảy hai bộ trưởng Mỹ cũng sẽ đến làm việc về hợp tác kinh tế và thương mại.

Hiện thời Hoa Kỳ cấm các doanh nghiệp Mỹ đầu tư và xuất khẩu dịch vụ tài chính vào Miến Điện. Nhưng nay đất nước này đang được xem là một vùng đất mới đầy tiềm năng du lịch và tài nguyên thiên nhiên, kể cả dầu khí. Một viên chức cao cấp Mỹ nhận định : « Cách đây mới một năm, Hoa Kỳ hầu như không có liên hệ nào với Miến Điện, nhưng bây giờ thì hai bên đang làm việc trong rất nhiều lãnh vực ».

Từ nay đến cuối tuần, bà Hillary Clinton sẽ lưu lại Cam Bốt ba ngày, trong khuôn khổ một hội nghị khu vực về an ninh châu Á. Theo nguồn tin chính thức Miến Điện, Tổng thống Thein Sein cũng có mặt tại đây, nhưng một cuộc gặp gỡ song phương Hoa Kỳ - Miến Điện chưa được xác nhận.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Miến Điện - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120711-dai-su-my-dau-tien-tu-22-nam-qua-den-mien-dien
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.