Người dân Philippines đốt cờ TQ trước ĐSQTQ tại Manila ngày 08/05/2012 đòi Bắc Kinh rút khỏi Scarborough. |
samedi 12 mai 2012
Biển Đông : Chiến lược « việc đã rồi » của Trung Quốc
(Le
Monde 12/05/2012) Một cuộc đối thoại vào năm 1988 giữa Tổng
thống Philippines là bà Corazon Aquino và Đặng Tiểu Bình vẫn làm cho cư dân
mạng Trung Quốc thú vị, mỗi khi có sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines
về vấn đề lãnh hải tại Biển Đông.
« Về
mặt địa lý, thì quần đảo này nằm gần Philippines hơn ! » -
bà Aquino đã nói với ông Đặng về quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam
Sa, như thế. Trường Sa vốn là một trong những chủ đề tranh chấp giữa Trung Quốc
và các nước láng giềng Đông Nam Á. Đặng Tiểu Bình trả đũa ngay : « Về mặt địa lý, thì Philippines cũng
chẳng ở xa Trung Quốc là bao! ».
Nếu cuộc đối thoại
này chưa bao giờ được chính thức công nhận, thì một câu nói khác mà không ai có
thể nghi ngờ, đã được phát biểu trong thời điểm diễn ra hội nghị khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)
hồi tháng 7/2010 tại Hà Nội (Việt Nam). Bực tức với những điều được xem là chỉ
trích Trung Quốc từ các nước thành viên, Ngoại trưởng Trung Quốc đã trả lời: « Trung Quốc là một nước lớn, còn những
nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế ! ».
Liệu lý lẽ của kẻ mạnh sẽ chiếm ưu thế tại
Biển Đông ? Cuộc đối đầu kỳ lạ đã kéo dài từ đầu tháng Tư giữa Philippines
và Trung Quốc - với các tàu đánh cá và tàu hải giám tại vùng đảo san hô
Scarborough, các bãi đá ngầm phần lớn bị ngập khi thủy triều lên - đã chứng
minh cho chiến lược này của Trung Quốc.
Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham
đảo) nằm cách vùng duyên hải Trung Quốc trên 1.200 km, không thuộc vùng biển
bao la (rộng lớn bằng Địa Trung Hải) được bao bọc bằng đường lưỡi bò mà Trung
Quốc cho là có « chủ quyền lịch sử ». Nhất là tầm quan trọng về quân
sự của vùng biển này : hòn đảo lớn Hải Nam của Trung Quốc trấn giữ Vịnh
Bắc bộ ở phía bắc Biển Đông là nơi có căn cứ tàu ngầm lớn của Trung Quốc. Từ
căn cứ này có thể phóng đi các hỏa tiễn, mà trong tương lai có thể đảm bảo khả
năng trấn áp bằng vũ khí nguyên tử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong số ba nhóm đảo lớn và đảo đá ngầm tại
Biển Đông, Trung Quốc chỉ kiểm soát thực tế có một phần nhỏ (như quần đảo Hoàng
Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa). Tuy nhiên Bắc Kinh lại yêu sách chủ quyền
trên toàn bộ vùng này, gây thiệt hại cho các nước láng giềng (nhất là
Philippines và Việt Nam, nhưng còn có cả Brunei, Malaysia và Indonesia), vốn
không hề muốn bị cưỡng đoạt các nguồn lợi hải sản và năng lượng tại đây. Nhà
Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan giải thích : « Hiện tại thì Trung Quốc có vẻ chưa muốn thay đổi nguyên trạng
chiếm đóng lãnh thổ, nhưng chủ yếu tìm cách chiếm lấy các vùng biển liên
quan ».
Một chuyên gia nước ngoài về hải quân tại Bắc
Kinh phân tích : « Trung Quốc
muốn sử dụng « chính sách đặt trước việc đã rồi », « trong khi
vẫn tránh can thiệp bằng phương tiện quân sự : hải quân chính thống của
Trung Quốc chẳng bao giờ dính líu vào. Ngược lại, Bắc Kinh gửi ra tuyến đầu các
lực lượng bán quân sự ».
Các lực lượng này, đôi khi được trang bị vũ
khí hạng nhẹ, gồm có năm cơ quan khác nhau. Trong đó có hai cơ quan mà đội tàu
được nhanh chóng hiện đại hóa, và can thiệp thường xuyên vào các tranh chấp tại
Biển Đông. Đó là cơ quan hải giám (CMS) trực thuộc Quốc gia Hải dương cục, tức
dưới quyền Bộ Đất đai và Tài nguyên ; và cơ quan Kiểm ngư, trực thuộc Bộ
Nông nghiệp. Ba cơ quan kia là hải quan, tuần duyên (cảnh sát) và cơ quan an
ninh hàng hải thuộc Bộ Giao thông.
Hiện nay bốn tàu hải giám đang bảo vệ hơn
chục chiếc tàu cá Trung Quốc đánh cá gần đảo san hô Scarborough, không cho
Philippines kiểm tra, trong khi đây là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chiếc
tàu tuần tra hiện đại nhất của Kiểm ngư là chiếc Yuzheng-310 (dài 110 m) cũng
đã hiện diện tại vùng biển kế cận Scarborough từ ngày 20/4. Cơ quan Kiểm ngư dự
kiến trang bị thêm bốn chiến tàu tuần tra tương tự có trọng tải trên 3.000 tấn,
từ nay đến năm 2015.
Tổ chức phi chính phủ International Crisis
Group chuyên giám sát các cuộc xung đột, trong bản báo cáo ngày 23/4 đã nhận
định, việc sử dụng các cơ quan này để chiếm dụng hải phận là nguồn gốc của các
rủi ro. Xin trích : « Việc mở rộng
sử dụng các lực lượng bán quân sự và cảnh sát trong các tranh chấp chủ quyền
làm gia tăng nguy cơ gây ra các vụ đụng độ. Nói chung, một chiến hạm của hải
quân thường biết kìm chế hơn là các lực lượng này, vốn hiểu biết một cách giới
hạn về các hệ quả ngoại giao. Trong khi đó các lực lượng bán quân sự thường
hành động mạnh dạn hơn vì ít phải chịu hậu quả sự việc ».
Một chuyên gia về hải quân ở Bắc Kinh ghi
nhận, nếu chiến lược này cho phép có được vùng đệm và giúp tiến hành tấn công
một cách gián tiếp, nhờ đó chính quyền trung ương dễ dàng chối bỏ trách nhiệm,
thì nó cũng lại là một điểm yếu. Trung Quốc thường gặp vấn đề về việc phối hợp
hành động giữa các lực lượng vốn thường ganh đua lẫn nhau, cần có sự hỗ trợ
giám định từ bên ngoài để có thể chỉ huy nhất quán.
Một thành tố khác trong sự tiến công của Bắc
Kinh, là việc triển khai ngư dân Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Các chương trình
tài trợ rộng rãi tại các tỉnh duyên hải Trung Quốc kích thích các đội tàu hiện
đại hóa, và đi đánh cá ở các vùng biển ngày càng xa hơn. Trong lãnh vực này
Trung Quốc cũng đè bẹp các láng giềng : tỉnh Hải Nam, trên lý thuyết thì
trải rộng quyền hành chính trên toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, hiện
đang điều tới Biển Đông chiếc Hải Nam Bảo
Sa 001 - một tàu công xưởng khổng lồ 32.000 tấn, trên đó có 600 công nhân
chuyên chế biến hải sản.
Các tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và
các nước láng giềng đã từng dẫn đến các cuộc chiến quan trọng. Chẳng hạn năm
1974, Trung Quốc đã đánh nhau với Việt Nam để chiếm quyền kiểm soát quần đảo
Hoàng Sa. Từ năm 2002, Bắc Kinh và các nước ASEAN đã ký kết bộ quy tắc ứng xử
nhằm thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Và tất cả các nỗ lực nhằm liên kết các
nước ASEAN trong một mặt trận thống nhất đều bị Bắc Kinh nhanh chóng vô hiệu
hóa.
Chuyên gia về hải quân trên đây nhận
xét : « Trong các hồ sơ này,
Trung Quốc làm mọi cách để các tranh chấp được duy trì ở mức song phương, bác
bỏ mọi ý định đưa ra giải quyết trước các định chế đa phương ». Ông
nói thêm : « Người ta cũng nhận
thấy Bắc Kinh sử dụng tối thiểu các từ ngữ pháp lý thích hợp, để liên tục dựa
vào cái mà họ gọi là « quyền lịch sử » của họ ». Dấu hiệu
chứng tỏ sự hai mặt của Bắc Kinh là, tuy phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật Biển (CNUDM) năm 1996, nhưng sau đó Trung Quốc lại ban hành một đạo luật
ngăn trở Công ước này « làm ảnh
hưởng đến các quyền lịch sử của Trung Quốc ».
Các quyền lịch sử này - được các quốc gia tại
Biển Đông cho là « quá quắt »
- liên quan đến một quan niệm có định nghĩa về pháp lý mù mờ. Quan niệm này lợi
dụng huyền thoại về một đế quốc Trung Hoa hùng mạnh, mà tuyên truyền cộng sản
không ngừng tán tụng « sự phục hưng huy hoàng » sau giai đoạn thuộc
địa nhục nhã – gần như là kiểu nước Ý của Mussolini với tham vọng tái khẳng
định uy quyền trên Địa Trung Hải, coi như « ao nhà » của mình.
Một blogger Trung Quốc thường bình luận về thời
sự quốc tế giải thích : « Cần
phải hiểu rằng Trung Quốc không coi là khu vực này được đặt dưới luật lệ quốc
tế. Quy luật bất thành văn là tianxia (tức Thiên Hạ - hoàng đế Trung Hoa là
Thiên tử, cai quản bất kỳ lãnh thổ nào dưới bầu trời này). Có nghĩa là một hệ
thống các nước chư hầu chầu quanh đế quốc trung tâm của châu Á ».
Các chuyên gia Mỹ vào năm 2010 cho rằng thái
độ của Trung Quốc cho thất ý định của Bắc Kinh, muốn thiết lập một loại chủ
thuyết tương tự như chủ thuyết Monroe trên thực tế tại Biển Đông (Tổng thống Mỹ
Monroe trong một bài diễn văn năm 1823 đã nhấn mạnh châu Mỹ là của người Mỹ,
các nước châu Âu không được can thiệp vào, và ngược lại).
Một sự cố nghiêm trọng có thể xảy ra tại Biển
Đông hay không ? Chiến lược của
Trung Quốc tuy cứng rắn nhưng lại bị hạn chế phần nào vì buộc phải cẩn trọng,
cũng như tính thực dụng : mở cửa và phát triển kinh tế vẫn là hai ưu tiên
của Bắc Kinh hiện nay. Và đảng Cộng sản không muốn có những xáo động trước đại
hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 10 tới, thời điểm chuyển giao quyền lực giữa
ê-kíp lãnh đạo đương nhiệm và lớp kế tục.
Nhưng với dư luận công chúng Trung Quốc vốn
gắn bó sâu sắc với các « quyền lịch sử » trên biển, tất cả những
« sai lầm trong tính toán » có thể gây ra những hậu quả bất ngờ. Nhất
là khi bối cảnh chính trị trong nước hiện đang chao đảo. Một chuyên gia về xung
đột tại Bắc Kinh phân tích : « Với
sự hỗn độn hiện nay trong quân đội và chính quyền tại Trung Quốc, nhất thiết không
nên giảm thiểu tầm quan trọng của các sự cố dù nhỏ nhất ».
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.