mardi 3 avril 2012

Tháng Chạp năm 1997 : Cái chết ở tuổi mười một

(Chương mở đầu tác phẩm hồi ký « Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục » - Eunsun Kim & Sébastien Falletti)

Từ gần một tuần qua, tôi đơn độc trong căn hộ lạnh lẽo tại Eundeok, ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh ra ở Bắc Triều Tiên. Cha mẹ tôi đã bán hết tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ một chiếc bàn thấp và một tủ ngăn vách, để mua thức ăn. Gạch lót sàn cũng đã bị bán đi, tôi ngủ ngay trên nền xi-măng, trong một túi ngủ tạm bợ làm bằng quần áo cũ. 

Trên các vách tường trơ trụi, chỉ còn lại mấy khung ảnh đặt cạnh nhau - chân dung « Chủ tịch vĩnh cửu » Kim Il Sung và tướng quân Kim Jong Il. Cả hai nhìn thẳng vào tôi. Nhưng đem bán các ảnh chân dung này sẽ bị xem là báng bổ, có nguy cơ bị tử hình.

Trời tối sẫm, dù vậy tôi vẫn đọc được những gì mình viết ra. Điện đóm không có, vả lại các bóng đèn đã biến mất từ lâu. Đêm nhẹ xuống sau buổi chiều tháng Chạp. Không còn lò sưởi nữa, nhưng tôi không thấy lạnh mấy, vì đã sức tàn lực kiệt. Tôi không có gì ăn từ nhiều ngày qua, tôi sẽ chết đói. Vì vậy mà tôi cố viết lại bản di chúc của mình. Tôi mười một tuổi.
***
Tôi đã quyết định như thế trên đường trở về nhà. Đó là lần thứ ba tôi đi tìm mẹ và chị Keumsun. Cả hai đã đi Rajin-Sonbong, thành phố lớn bên cạnh làng tôi từ sáu ngày trước để tìm thức ăn, vì chúng tôi chẳng còn gì để ăn ở Eundeok cả. Lấy hết can đảm, tôi băng qua chiếc cầu bắc qua sông, rồi men theo đại lộ chính đến bến xe.

Khách bộ hành rất hiếm hoi trên hè phố, nhưng tôi nhìn chăm chăm vào khuôn mặt tất cả những người đi ngang qua, sợ lỡ không trông thấy mẹ nếu bà quay về theo hướng ngược lại. Phía bên trái, tôi nhận ra cửa hàng bán mì mà tôi ưa thích biết bao, hồi trước ba tôi thỉnh thoảng có dẫn tôi đi ăn vào dịp lễ. Đằng xa là tiệm chụp hình mà chúng tôi đã từng đến chụp những tấm ảnh kỷ niệm gia đình.

bến xe, người ta để cho tôi được gia nhập vào đám đông đang chen chúc phía sau một chiếc xe tải được sử dụng làm xe đò chạy tuyến Rajin-Sonbong, cách đó một giờ xe chạy. Tôi không phải trả tiền, có lẽ vì là con nít.

Trong suốt cuộc hành trình, tôi không ngừng hồi hộp quan sát những chiếc xe hơi và xe tải đang lưu thông trên đường để tìm ra khuôn mặt mẹ. Nhưng đến trạm cuối, tôi chỉ còn trơ lại một mình, đối diện với một hàng rào lính tráng. Trước mặt tôi, là những hàng rào kẽm gai có phóng điện bảo vệ lối vào Rajin- Sonbong.

Phải có giấy phép đặc biệt mới được vào trong thành phố. Thế nên tôi đành phải rình rập ở đó cả tiếng đồng hồ, canh chừng những bóng người đi ra, với niềm hy vọng và tâm trạng khủng hoảng. Không thấy cả mẹ lẫn chị Keumsun ra khỏi khu rào chắn. Thất vọng, tôi quyết định trở về nhà vì trời đã sập tối.

Lần này thì tôi chắc chắn rằng mẹ và chị không bao giờ trở về nữa. Chắc là có chuyện gì xảy ra rồi, hoặc là cả hai đã bỏ rơi tôi. Trái tim thắt lại, đầy cay đắng, tôi thầm trách mẹ. Lúc đi mẹ bảo là mẹ sẽ mang đồ ăn về « trong hai hoặc ba ngày nữa ». Và mẹ để lại cho tôi 15 won để sống tạm qua ngày. Cả một gia tài đối với tôi !

Thoạt đầu tôi rất phấn khích vì chưa bao giờ có nhiều tiền như thế. Đôi mắt tôi sáng rỡ. Một mình, y như người lớn, tôi hãnh diện đi đến jangmadang, ngôi chợ nằm gần bên sông. Tôi mua một miếng đậu hũ, rồi quay về căn hộ bé tí chỉ có một phòng của chúng tôi ở tầng một. Tôi thưởng thức từng muỗng nhỏ cái khối trắng mềm mại ấy, chia thành nhiều suất để có thể duy trì được đến khi mẹ trở về. Ngon ơi là ngon, tôi rất thích ăn đậu hũ !

Trong suốt hai ngày tôi ở nhà, quan sát những người qua lại thông qua khung cửa sổ nhìn ra đường. Từ khi ba mất hôm 11/11, nghĩa là cách đây vài tuần, hai chị em tôi đã nghỉ học do quá bận đi đào bới rễ củ và kiếm củi trên núi để kiếm sống. Hơn nữa nếu trở lại trường thì rất xấu hổ vì chúng tôi không còn thứ quần áo nào ra hồn. Tất cả đều đã bán hết rồi, nay chị em tôi phủ lên người những miếng giẻ rách tả tơi. Ra đường tôi rất sợ gặp phải bạn học cùng lớp.

Sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ, cái đói bắt đầu giày vò tôi, và cả nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Từ khi nhấm nháp hết miếng đậu hũ, tôi chẳng còn gì để cầm hơi nữa. Mẹ thì vẫn chưa về ! Tôi nằm trên sàn nhà, nhắm mắt và nhẩm đếm trong đầu : chắc chắn là mẹ sẽ xuất hiện khi tôi đếm đến mười. Nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Tôi bèn đếm từ 10 ngược trở lại 1. Cũng không hơn gì.

Rồi tôi tập nhịn đói cho qua bữa. Trên nền balcon, tôi tìm được mấy chiếc lá củ cải đầy bụi hồi đó chúng tôi mang phơi còn sót lại. Tôi nhặt vài chiếc ít bị héo nhất đem nấu lên thành món canh. Trong hai ngày, tôi sống sót với loại canh vô vị này…

Thêm hai ngày nữa trôi qua, tôi không còn có gì để cho vào miệng nữa, thậm chí tôi chẳng còn đủ sức lực để đi ra ngoài ăn xin hay ăn cắp…Cơ thể tôi quen dần với cái đói đang hành hạ, nhưng tôi bị kiệt lực. Chỉ còn lại trong tôi một sự mệt mỏi ngày càng thêm nặng nề. Tôi cố ngủ, người yếu như sên, có cảm giác như sàn nhà sẽ nuốt chửng tôi. Thật kỳ lạ, tôi cảm thấy như đang bị hút vào tâm trái đất vậy !

Bỗng chốc tôi hiểu rằng mình sẽ chết. Lúc mẹ và chị tôi trở về, có khi là đã quá trễ. Thế là hết. Từ khi nạn đói bắt đầu, tôi đã quen với cái ý nghĩ là chắc tôi không qua khỏi, cho đến nỗi tôi không còn sợ chết nữa. Tuy vậy tôi tự nhủ, tôi không thể ra đi như thế mà không để lại dấu vết gì…Tôi bỗng nảy ra quyết định soạn thảo di chúc. Tôi muốn mẹ biết được những gì tôi đã trải qua, biết rằng tôi đã đợi mẹ, đã làm mọi cách để đi tìm mẹ. Và nhất là tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Trong ngăn kéo của chiếc bàn thấp, tôi tìm được một cuốn sổ nhỏ bằng giấy tốt và một cây bút chì, trong số những món đồ hiếm hoi còn chưa bị bán đi. Ngồi xổm trong bóng tối mờ mờ, tôi bắt đầu viết. Tôi kể lại nỗi gian truân của tôi, về ba chuyến đi tìm mẹ tận thành phố lớn, về sự tuyệt vọng. Tôi nắm chặt cây bút chì, viết đầy cả trang giấy.

(…) « Mẹ ơi, con đợi mẹ. Con chờ đợi đã sáu ngày trời rồi. Con cảm thấy con sắp chết. Tại sao mẹ không về với con ? »

Tôi khóc nức nở, nằm vật xuống trong cái bóng tối đang dần dần phủ dày lên người. Bỗng dưng tôi nghe có những tiếng động trên cầu thang, trái tim tôi đập loạn cả lên. Nhưng không, đó chỉ là những người hàng xóm trở về nhà họ…

Tôi đặt bản thảo lên một vị trí dễ thấy trên bàn. Rồi với gương mặt đẫm lệ, tôi nằm dài ra và nhắm mắt lại, tin chắc rằng mình sẽ chẳng bao giờ thức dậy nữa.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.