vendredi 19 juin 2020

Châu Âu không còn ngây thơ để cho Trung Quốc lợi dụng

Cao ủy châu Âu phụ trách đối ngoại, ông Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp báo về Đối thoại Chiến lược EU-Trung Quốc, tại Bruxelles (Bỉ) ngày 09/06/2020. © Kenzo Tribouillard/Pool via REUTERS
Đăng ngày:


Ngày 18/06/2020 tại Bruxelles, bà Margrethe Vestager, ủy viên châu Âu về cạnh tranh và ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội khối đã trình bày các dự án đối phó với các công ty ngoại quốc được nhà nước trợ cấp.

Giờ đây, Ủy ban Châu Âu không còn muốn bị coi là « ngây thơ » trước một Trung Quốc đang bành trướng khắp nơi trên thế giới, cũng như trước các đại tập đoàn kỹ thuật số Mỹ. Le Monde ghi nhận những từ ngữ « tự chủ chiến lược », « chủ quyền », một châu Âu « hùng mạnh » không còn để ngỏ trống trải tứ bề, ngọn gió nào cũng tung hoành được.

Châu Âu mở thị trường cho bên ngoài, Bắc Kinh đóng cửa Hoa lục

Cho đến nay, Liên hiệp Châu Âu (EU) không thể làm gì để đối phó với những công ty mà nhờ được hưởng trợ cấp hào phóng của chính phủ nước họ, đã cạnh tranh bất bình đẳng tại thị trường chung châu Âu. Do các công ty châu Âu bị cấm nhận trợ cấp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài có thể lợi dụng để giành lấy thị phần nhờ chính sách giá rẻ, đầu tư ồ ạt bất chấp hiệu quả, thâu tóm các đơn vị cạnh tranh hoặc giành lấy các hợp đồng thầu ở thị trường công.

Ông Thierry Breton giải thích : « Thị trường đấu thầu mua sắm công tại châu Âu mỗi năm lên đến 2.000 tỉ euro, tương đương 15% GDP, nhưng EU không có một công cụ nào để bảo đảm rằng những công ty tham gia đấu thầu cạnh tranh bình đẳng với nhau. Trong thời kỳ khủng hoảng vì dịch virus corona, châu Âu sẽ chi ngân sách công rất nhiều để hỗ trợ đầu tư và các doanh nghiệp, tình trạng này không còn có thể kéo dài. Cần kết thúc sự ngây thơ lâu nay ! »

Hơn nữa, về việc tham gia thị trường mua sắm công, tuy châu Âu mở cửa cho các nước ngoài khối, nhưng chiều ngược lại thì không. Luật sư Olivier Prost, văn phòng luật Gide ở Bruxelles nhắc nhở, năm 2007, tổng thống Nicolas Sarkozy đã muốn giải quyết, nhưng từ đó đến nay13 năm đã trôi qua, vấn đề này vẫn còn được đem ra thảo luận.
Cho dù không nêu đích danh, nhưng Ủy ban Châu Âu trước hết nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc, đã lợi dụng cuộc khủng hoảng năm 2008 để đứng chân ở châu Âu với giá rẻ, đặc biệt là các nước Nam Âu. Việc tập đoàn Cosco mua rẻ hải cảng chiến lược Pirée, lúc Hy Lạp gặp khủng hoảng, là ví dụ cụ thể nhất.

Không thể để Trung Quốc thủ lợi từ gói kích cầu 750 tỉ euro của EU

« Con đường tơ lụa mới, là con đường của công ty Đông Ấn Anh lũy thừa 15 » - ông Hubert Védrine, cựu ngoại trưởng Pháp so sánh với công ty được thành lập vào năm 1600 để giao thương với Ấn Độ và châu Á, mở đường cho nước Anh trở thành đế quốc. Ông Thierry Breton nhấn mạnh : « Với cuộc khủng hoảng virus corona, các doanh nghiệp sẽ bị giảm sút giá trị, thế nên cần phải được bảo vệ ». 

Ủy ban chuẩn bị cho một chỉ thị năm 2021, giúp các chính quyền châu Âu buộc các công ty ngoại quốc phải chấp hành các quy định tương đương với các đồng nghiệp châu Âu về vấn đề trợ giá. Như vậy nhà nước có thể can thiệp, và tùy theo trường hợp, các công ty cạnh tranh bất chính có thể bị phạt vạ, bị buộc phải tách rời một phần hoạt động tại châu Âu, bị cấm mua lại doanh nghiệp châu Âu, và thậm chí bị loại không cho tham gia đấu thầu thị trường mua sắm công.
Ủy ban Châu Âu đề ra nhiều tiêu chí như doanh số, tầm vóc thị trường, nhưng còn phải thảo luận với Hội đồng Châu Âu (gồm đại diện 27 nước thành viên) và Nghị viện Châu Âu để đạt đến đồng thuận. Bên cạnh đó còn dự kiến cấm dùng ngân sách châu Âu để hỗ trợ các công ty nước ngoài được chính phủ tài trợ. Không có chuyện để cho họ được nghiễm nhiên hưởng lợi từ kế hoạch tái thúc đầy 750 tỉ euro của Liên hiệp Châu Âu.

Trong một logic tương tự - buộc các công ty nước khác phải chấp hành những quy định mà công ty châu Âu đang phải chịu - Ủy Ban cân nhắc một cơ chế điều chỉnh thuế carbone ở biên giới, chỉnh đốn lại những bất công hiện nay trong chính sách chống hiện tượng hâm nóng khí hậu.

Bruxelles đã có sẵn những công cụ chống bán phá giá và chống trợ giá, nhờ đó có thể đánh thuế những mặt hàng được cho là bán dưới giá trị thật, nhưng không thể đi xa hơn nữa. Cho dù mới đây, ngày 12/06/2020 Ủy ban đã quyết định áp thuế lên vải dệt bằng sợi thủy tinh – sản xuất tại Ai Cập nhưng được Trung Quốc trợ giá rất lớn – tuy nhiên còn phải hoàn chỉnh thêm về mặt luật pháp để có thể tự vệ.

Chống thâu tóm, bảo vệ kỹ nghệ châu Âu

Châu Âu còn đưa ra những quy định về xem xét đầu tư trực tiếp nước ngoài, sẽ có hiệu lực từ tháng 10. Mục tiêu là mỗi Nhà nước có thể từ chối những vụ thâu tóm các doanh nghiệp mang tính chiến lược đối với mình, hoặc với các đối tác.

Một chủ đề khác mà châu Âu muốn tiến xa hơn, đó là chính sách thương mại. « Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trên thế giới, trong đó có châu Âu. Bắc Kinh là một đối tác quan trọng, nhưng cũng là một đối thủ mang tính hệ thống » - ủy viên thương mại Phil Hogan hôm 16/06 nhắc nhở.
Theo ông, từ nay cần phải hết sức « bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng » châu Âu, « bảo đảm sự độc lập mang tính chiến lược », trong một thế giới mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lao vào cuộc chiến tranh thương mại, bên cạnh đó việc số hóa nền kinh tế và biến đổi khí hậu buộc người ta phải tư duy theo cách khác. Ông kết luận : « Chính sách thương mại của châu Âu phải phục vụ cho lợi ích châu Âu, điều mà trước đây chúng ta không thực hiện ».

Suốt một thời gian dài, các nước Bắc Âu đặc biệt là Đức, tránh làm mất lòng Trung Quốc và Hoa Kỳ - hai nước mà Đức xuất khẩu sang nhiều nhất – và luôn phản đối những cải tiến của Ủy Ban Châu Âu. Đại dịch đã làm đảo lộn tất cả. Ngay cả nước chủ trương tự do nhất là Hà Lan, nay cũng đòi hỏi những công cụ để bảo vệ kỹ nghệ châu Âu.

EU-Trung Quốc : Cái mốc trước và sau đại dịch

Trong bài viết mang tựa đề « Giữa Trung Quốc và châu Âu, có một cái mốc trước và sau dịch virus corona », tác giả Sylvie Kauffmann nhắc nhở, chúng ta đang ở giai đoạn đầu một cuộc chiến tranh lạnh khác, trong đó đối thủ của Hoa Kỳ không còn là Liên Xô của thế kỷ 20 mà nay là Trung Quốc.  

Cho dù quan hệ với Washington không còn êm đẹp, nhưng đối với châu Âu, không có chuyện đứng về phía Bắc Kinh. Đại dịch Covid-19 đã mở mắt cho những nước trong số 27 thành viên Liên hiệp Châu Âu vẫn còn tin vào sự « tử tế » của Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh quyết liệt từ chối cho điều tra về nguồn gốc con virus, các thủ đoạn giựt dây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để làm chậm trễ việc báo động đại dịch, rồi đến sự hung hăng trong « ngoại giao khẩu trang » cộng với các « chiến binh sói » trên toàn châu Âu tỏ ra hiếu chiến hơn bao giờ hết, tất cả đã gây tổn hại nghiêm trọng cho hình ảnh của Trung Quốc.
Sự cứng rắn của EU được tỏ rõ trong ba tiếng đồng hồ đối thoại hôm 09/06 giữa phó chủ tịch châu Âu Josep Borrell với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, được ông Borrell mô tả là « căng thẳng, trực diện và hữu ích », tóm lại, không hề « hữu nghị ». Một cuộc gặp khác dự kiến vào ngày 22/06 giữa ba nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu (ông Borrell, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel) với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ là một dịp nữa để chứng tỏ, châu Âu nay đã thay đổi thái độ.

Châu Âu cần có sự tham gia của Trung Quốc trong việc chống biến đổi khí hậu và giảm nợ cho châu Phi, và đòi hỏi phải « có đi có lại » với thị trường mua sắm công ở Hoa lục. EU ngỡ rằng Bắc Kinh là đồng minh, nhưng nay đã hiểu ra rằng chủ nghĩa đa phương « theo kiểu Trung Hoa » chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích Trung Quốc. Còn về các giá trị châu Âu, Bruxelles đòi hỏi chế độ Tập Cận Bình phải ngưng ngay chiến dịch bóp méo thông tin về châu Âu, trả tự do cho những người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo, tôn trọng nhân quyền và các cam kết về quy chế tự trị của Hồng Kông.

Đại dịch virus corona đã khiến châu Âu nhận ra sự bất đối xứng trong quan hệ với Trung Quốc, sự lệ thuộc quá đáng về dược phẩm, nạn thâu tóm các doanh nghiệp chiến lược. Sau nhiều thập niên chịu thiệt thòi, nay châu Âu muốn tỏ rõ thời kỳ ngây thơ trước Bắc Kinh sắp sửa trở thành quá khứ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.