dimanche 4 août 2013

Giải mã "Giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình

Tập Cận Bình
(L’Express 31/07- 06/08/2013) Tung ra chiến dịch chống tham nhũng, loan báo những cải cách kinh tế… Tập Cận Bình tích cực hoạt động và khẳng định vai trò của mình. Ông ta sẽ đi đến đâu ? Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) giải mã những dự định của ông chủ mới của Bắc Kinh.

Từ khi lên làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/2012, và trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 3/2013, Tập Cận Bình cam đoan là ông sẽ « không chừa cả ruồi lẫn cọp » trong chiến dịch quy mô chống tham nhũng. Với « giấc mơ Trung Hoa » của mình, ông ta hứa hẹn một nước Trung Quốc của giai cấp trung lưu nhỏ bé, và một quân đội hùng mạnh, đối đầu với các nước láng giềng cũng như nước Mỹ.

Đây chỉ là một « giấc mơ » đơn thuần, hay là một dự án làm nền cho những thập niên sắp tới ? Trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, và những cải cách mới về kinh tế đã được loan báo cho mùa thu này, L’Express đã đề nghị ông Lâm Hòa Lập làm rõ. Ông là nhà chính trị học đã quan sát những diễn tiến tại Trung Quốc từ ba thập kỷ qua. Cựu trưởng ban Trung Quốc của tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, giáo sư trường đại học Akita, Nhật Bản, ông Lâm Hòa Lập đang viết một cuốn sách về Tập Cận Bình.

« Giấc mơ Trung Hoa » của Chủ tịch Tập Cận Bình là gì ?

Trước hết, đó là một lời kêu gọi tinh thần dân tộc chủ nghĩa – hiện vẫn là một giá trị đáng ngờ. Nhiều sinh viên từ Hoa lục đến, theo học thạc sĩ với tôi tại Hồng Kông, có đến hơn phân nửa trong số họ hết sức dân tộc chủ nghĩa. Trong thập niên 80, những người trẻ tốt nghiệp đại học không bao giờ tình nguyện gia nhập Quân đội Nhân dân Giải phóng, nhưng ngày nay, lớp người ưu tú nhất lại muốn nhập ngũ. Công cuộc giáo dục ái quốc được đẩy mạnh sau vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989 tỏ ra hết sức hiệu quả. Theo quan điểm của phương Tây, đó là một dạng tẩy não. Nhưng thực tế là như thế : chiến dịch này đã thành công.


Hậu quả đối với thế giới bên ngoài ra sao ?

Điều hiển nhiên nhất liên quan đến các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Đối với họ, giấc mơ này là một Trung Quốc hùng mạnh, đối đầu với Mỹ quốc, đồng nghĩa với mối đe dọa. Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và ngay cả Úc cũng cảm thấy một cách cụ thể : các chiến hạm Trung Quốc thường xuyên lượn gần lãnh hải của họ. Việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc cũng được tiến hành nhanh chóng hơn nhiều so với mong muốn của Washington.

Ngoài tinh thần dân tộc chủ nghĩa, chế độ còn đề nghị một giấc mơ cho giai cấp trung lưu…

Tập Cận Bình nói rõ rằng đến năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản, cần phải đạt được một xã hội của những người thành đạt nho nhỏ. Trước đó, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Một thời điểm quan trọng thứ nhì là năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào lúc đó, hố ngăn cách với Hoa Kỳ có thể được lấp đầy trên lãnh vực quân sự. Giấc mơ Trung Hoa, đó là một nền kinh tế thịnh vượng và một quân đội hùng mạnh.

Trong cái tương lai được giới thiệu một cách lý tưởng này, người dân Trung Quốc sẽ được hưởng nhiều quyền tự do cá nhân hơn ?

Sẽ không có trong phiên bản chính thức của Tập Cận Bình và trong tuyên truyền của Nhà nước. Ông chủ tịch đã nhấn mạnh rằng giấc mơ cá nhân của người Trung Quốc cần phải tương hợp với giấc mơ của quốc gia, và dù sao đi nữa, ông ta nói về thịnh vượng kinh tế. Người Trung Quốc có thể mua một căn hộ, một chiếc xe hơi, có thể đi du lịch châu Âu, thậm chí gởi con cái sang Mỹ học.

Một số trí thức Trung Quốc có khuynh hướng tự do đòi hỏi phải có tự do về chính trị. Họ mơ một lá phiếu bầu cho mỗi người dân. Điều này sẽ không xảy ra.

Từ cuối năm 2008, Hồ Cẩm Đào đã từng đọc một bài diễn văn quan trọng nhân kỷ niệm 30 năm cải cách kinh tế, trong đó ông ta nhấn mạnh là không có chuyện đi theo con đường của phương Tây.

Một họa sĩ đường phố và chân dung Tập Cận Bình
Như vậy phạm vi hành động là rất hạn chế…

Vâng, hết sức hạn chế. Chỉ còn lại những cải cách về xã hội. Xã hội theo nghĩa công bằng xã hội, bình đẳng, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo. Tôi nghĩ rằng chế độ sẽ cố gắng xoa dịu các giai cấp chịu nhiều thua thiệt nhất, như những người lao động nhập cư chẳng hạn. Cần phải theo dõi hai chỉ số : việc cải cách chế độ hộ khẩu và chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Điều này sẽ diễn ra từ từ, nhưng dù sao cũng có chuyển động. 

Các công ty quốc doanh lớn sẽ bị buộc phải đóng góp một phần lợi nhuận quan trọng hơn vào ngân sách quốc gia. Đây là bước đầu tiên, vì họ là một trong những nhân tố đáng ngờ nhất của nền kinh tế : các doanh nghiệp này được độc quyền trong nhiều lãnh vực và hiện vẫn hết sức kém hiệu quả. Một số tập đoàn là những đế quốc riêng biệt. Chẳng hạn tập đoàn dầu khí quốc doanh Sinopec mạnh cho đến nỗi các nhà lãnh đạo của tập đoàn này chẳng bao giờ thèm lắng nghe ông Ôn Gia Bảo.

Từ lâu các nhà kinh tế cổ vũ cho một làn sóng cải cách mới. Do tăng trưởng đang chậm lại, liệu đây có thể là cơ hội tốt nhất cho cải cách ?

Chính quyền Trung Quốc chuẩn bị một văn kiện quan trọng về kinh tế, sẽ được giới thiệu vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Họ đang làm việc cật lực cho hồ sơ này. Vấn đề chính ở Trung Quốc, là « những lợi ích đặc thù » của người này và người khác.

Cụm từ này thường được các lãnh đạo Đảng sử dụng, nhưng « lợi ích đặc thù » chủ yếu phải chăng là chính bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc ?

Một sự biểu hiện những « lợi ích » này là sự hiện diện tại những cấp cao nhất của Đảng, khoảng một trăm phe phái. Bắt đầu bằng phe của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân : hai người con trai của ông Giang, đặc biệt là người con lớn, đã thu vén được nhiều tỉ đô la, tuy điều này chưa chứng minh được. 

Cũng có những cuộc điều tra được hãng tin Bloomberg công bố về phe của Tập Cận Bình, hai người chị em gái và hai anh rể của ông ta, rất tích cực làm áp-phe. Các phe nhóm này cộng thêm hàng trăm công ty quốc doanh lớn chiếm lĩnh vị trí hết sức ưu đãi. Chẳng hạn phe của cựu Thủ tướng Lý Bằng ngự trị trên một phần lãnh vực năng lượng.

Các xung đột giữa những phe nhóm là về những vấn đề gì ?

Theo một số trí thức, những khác biệt chủ yếu thuộc về ý thức hệ vào năm 1949 (năm thành lập chế độ) và đầu thập niên 90. Nổi tiếng nhất là cuộc chiến giữa hai phe : Mao Trạch Đông đấu với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, sau Bước đại nhảy vọt. Rồi dưới kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình, là giữa Đặng và Trần Vân. Đó là quan điểm đối với thế giới đối đầu nhau và các triết lý, lý thuyết kinh tế khác nhau.

Chẳng hạn Trần Vân muốn « cải cách bên trong chiếc lồng chim », trong khi Đặng muốn hướng đến thị trường. Sau ngày 4 tháng 6 năm 1989, và một cách hiển nhiên sau giữa thập niên 90, nếu nhìn về các phe nhóm khác nhau – phe Đoàn Thanh niên Cộng sản, phe Thượng Hải, « băng các Thái tử đỏ »…những khác biệt về tư tưởng rất ít. Mỗi người đều bám vào tính vĩnh cửu của của uy quyền độc đảng, vốn phải duy trì ổn định bằng vũ lực, và với những cải cách kinh tế dành cho thị trường nhiều chỗ hơn, khi nào mà các phe nhóm chính không bị ảnh hưởng. 

Ngày nay, cản trở lớn nhất cho cải cách không phải là hệ tư tưởng, mà là tiền. Từ chối tài sản của mình, hay sự độc quyền đối với những thương vụ béo bở, là hết sức khó khăn, hầu như không thể có được.

Làm thế nào Đảng có thể duy trì tính chính danh của mình trong bối cảnh đó ?

Tập Cận Bình rất ma mãnh khi tấn công vào các vụ quan chức mua sắm  đồng hồ đắt tiền, chỉ trích việc tổ chức tiệc tùng ở các khách sạn năm sao. Ông ta đánh vào tâm lý căm ghét người giàu. Tất nhiên có thể xem là màn kịch chính trị, nhưng điều này có tác động về mặt quan hệ công chúng đối với đông đảo người dân. Đó là lý do khiến tôi nghĩ rằng chiến dịch này sẽ kéo dài hai hoặc ba năm.

Chiến dịch chống tham nhũng quy mô hiện nay như vậy chỉ là một vở kịch không hơn không kém ?

Có rất nhiều sấm sét, nhưng rất ít mưa rơi ! Một vài vụ truy tố diễn ra trước khi ê-kíp lãnh đạo mới lên cầm quyền, nhưng luôn là Đảng tự điều tra về chính mình…Chúng ta hãy chờ đợi xem nếu Tập Cận Bình sắp tới sẽ nhắm đến các quan chức cấp Bộ trưởng hay không.Khả năng công khai tài sản của các viên chức chủ chốt sẽ là một thử nghiệm ý nghĩa khác. Nguyên tắc này đã được bàn cãi từ ít nhất bốn, năm năm qua. Một việc quan trọng nữa là công khai tài sản của vợ con họ, cũng như việc sở hữu hay không giấy phép thường trú ở ngoại quốc.

Tập Cận Bình liệu có thể áp đặt được quyền lực ?

Ông ta có vẻ thoải mái với quyền lực hơn là người tiền nhiệm – ông Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ át giọng được cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Đây có thể là điều tốt, mà cũng có thể là điều xấu. Nếu thực sự là một nhà cải cách, Tập Cận Bình còn phải chờ đợi vài năm nữa – khi đó ông ta sẽ mạnh mẽ hơn Hồ Cẩm Đào để thúc đẩy những đổi mới. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra.

Tại sao ?

Vì nhiều lý do, trong đó có lý do này: ông ta chia sẻ với một số “thái tử đỏ” sự hoài nhớ Mao Trạch Đông, rất hữu dụng cho ông về phương diện tính chính danh. Những người này là con cái thế hệ đầu của những lãnh đạo chính trị đầu tiên. Việc thần thánh hóa Mao là có lợi cho họ.

Tuy vậy Tập Cận Bình không làm chính trị theo kiểu những người tiền nhiệm…

Ông ta có được dấu ấn cá nhân, một phần vì Tập đã bị đưa về nông thôn trong vòng sáu năm (trong thời kỳ cách mạng văn hóa dưới chế độ Mao), trước khi vào đại học. Ông có tiếp xúc với nhân dân. Tất nhiên, khi không có những thay đổi rõ rệt, quan hệ công chúng và tuyên truyền chỉ có tác động đến một điểm nào đó thôi. Chỉ có những cải cách thực sự, và việc chấm dứt các đặc quyền đặc lợi dành cho các phe nhóm mới cho phép có những bước tiến ý nghĩa.

Có thể nào tiến hành cải cách mà không làm lung lay hệ thống ?

Rất khó. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố công khai là Trung Quốc phải chấp nhận những giá trị (nhân bản) toàn cầu, và điều này về thực chất không có gì xấu. Ông là ủy viên Bộ Chính trị duy nhất có được sự can đảm đó. Thế nhưng những giá trị này đến nay vẫn còn nằm trong số bảy điều cấm kỵ mà các giáo sư đại học bị cấm nêu lên trước sinh viên. Tương tự, những người thầy cũng không được nói đến xã hội dân sự, hay những sai lầm lịch sử của Đảng.

Liệu Đảng có thể bị mất đi quyền lực ?

Với thế hệ hiện đang cầm quyền hiện nay, tôi không nghĩ thế. Đảng vẫn nắm quyền kiểm soát, một khi mà về kinh tế chiếc bánh vẫn tiếp tục lớn lên, cho dù các hoạt động có chậm lại. Ngay với tỉ lệ tăng trưởng hạn chế ở mức 7 hay 8%, đa số người Trung Quốc vẫn có cảm giác thu nhập của họ tăng lên.

Ngoài ra, bộ máy giúp duy trì ổn định chính trị vẫn rất mạnh mẽ. Ngân sách dành cho nội an còn cao hơn cho quân đội. Một số người nhấn mạnh vai trò của internet khi nhìn ra thế giới bên ngoài, nhưng internet có những giới hạn của nó, vì kiểm soát của Nhà nước khá hiệu quả. Và chỉ có một số ít cư dân mạng quan tâm đến chính trị.

Điều này có thể thấy được nhân dịp giải Nobel hòa bình được trao cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba. Nhiều giảng viên đại học đã thăm dò các nhóm sinh viên về cái tên này, số sinh viên biết được tên ông Lưu Hiểu Ba rất ít. Rất nhiều người phương Tây, nhà Trung Quốc học, nhà báo…đã nói về ông từ nhiều năm qua như một nhân vật vị tha, chính danh và đáng tôn trọng. Nhưng đa số sinh viên chưa bao giờ nghe nói về ông cả.

Nhân tố này cũng như bộ máy an ninh và chủ nghĩa dân tộc vẫn hiệu quả. Đó là vì sao, nếu một số người nhiều lần dự báo sự sụp đổ của Đảng, nhưng tôi vẫn không cho rằng điều đó sẽ xảy ra trong vòng mười năm sắp tới. Tuy nhiên ngược lại về lâu về dài, thì hệ thống đã bị kết án.


1 commentaire:

  1. Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả. Giấc mơ Trung Quốc có lẽ có gốc rễ từ xa xưa và luôn chảy trong máu người Trung Quốc. Qua bao nhiêu đời Chủ Tịch nước, chứ không cứ gì Tập Cảnh Bình, giấc mơ này luôn được chú trọng. Điều khôi hai ở đây là phát biểu xanh rờn và vô cùng khôi hài của Tập: "Không có gen xâm lược trong máu người Trung Quốc". Nghĩa là sao? Giấc mơ Trung Quốc hay giấc mơ của Tập cho "giải Nobel hoà bình" hay
    "Nobel Y học"? Xem thêm để cười vỡ bụng: https://www.youtube.com/watch?v=eEb_xHmeIGY

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.