vendredi 26 octobre 2012

Từ Mao đến Đặng : Sự cất cánh của Trung Quốc

Du khách thăm quảng trường Thiên An Môn
Bài đăng : Thứ sáu 26 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 26 Tháng Mười 2012 
 
Trung Quốc đầu thế kỷ 21 là một nước giàu với đầy người nghèo, một quốc gia trẻ nhưng dân số sẽ già đi trước khi trở thành giàu có. Đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa, nhưng chia ra theo đầu người thì Trung Quốc lại lẹt đẹt gần thứ 100. Liệu thế hệ lãnh đạo mới có sẵn sàng theo đuổi tự do hóa và mở cửa kinh tế, đồng thời khởi đầu cải cách chính trị ?

Về châu Á, nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề « Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, làm thế nào Trung Quốc đã giành được vị trí ». Đây là bài viết giới thiệu tập hai của bộ sưu tập « Tìm hiểu một thế giới đang đổi thay » gồm 20 tập, mang tên « Trung Quốc : Từ cách mạng đến sự ra đời của một đại cường ». Trong lời bạt, tác giả Erik Izraelewics nhận định, tuy cất cánh về kinh tế rất nhanh, nhưng Trung Quốc hiện đang gặp những cản ngại chủ yếu về chính trị.

Theo tác giả bài báo, thì điều bất thường của lịch sử không phải là sự quay lại của Trung Quốc trong hàng ngũ các cường quốc, mà là sự vắng mặt lâu dài của quốc gia này, từ 1830 đến tận 1980. Trung Hoa từng là một đế quốc hùng mạnh, giàu có và sáng tạo. Sau chiến tranh nha phiến (1839-1860), bị nước ngoài chiếm đóng (Âu, Mỹ rồi Nhật), rồi đến những sai lầm trong chính sách, đã làm cho Trung Quốc yếu hẳn đi.

Vào cuối thập niên 70, Mao Trạch Đông đã để lại cho những người kế nghiệp một đất nước đóng cửa với thế giới bên ngoài, cô lập với tất cả, chịu đựng nạn đói khủng khiếp và giới trí thức bị Cách mạng văn hóa vùi dập. Nhưng trước khi rơi xuống địa ngục, Trung Hoa từng là cường quốc hàng đầu thế giới trong thời gian dài, theo như nhà sử học và kinh tế Angus Maddison. Nếu vào đầu thế kỷ 19, Trung Quốc tập trung một phần ba của cải trên hành tinh, thì đến giữa thế kỷ 20, chỉ còn chưa đến 1%.

Đặng Tiểu Bình : Mở cửa kinh tế nhưng vẫn độc đảng

Từ ba giáo điều của thời kỳ Mao Trạch Đông : Đảng nắm toàn quyền, kinh tế quốc doanh và tự lực, Đặng Tiểu Bình chỉ giữ lại nguyên tắc đầu tiên, nghĩa là Đảng Cộng sản thống trị xã hội. Đặng không hề đụng đến vấn đề mang tính chính trị này - dưới thời kỳ Đặng Tiểu Bình, chế độ cai trị vẫn tập trung và độc đoán. Ngược lại trong lãnh vực kinh tế, Đặng Tiểu Bình lại cho tự do hóa, với việc chấm dứt tình trạng mọi thứ đều quốc doanh, và khởi đầu mở cửa với bên ngoài.

Cũng chỉ trong vòng một thế hệ (30 năm), Trung Quốc đã làm được cuộc « cách mạng công nghiệp » của mình. Giai đoạn cất cánh kinh tế này, châu Âu và Hoa Kỳ từng trải qua một thế kỷ rưỡi trước đó, và mất gấp đôi, gấp ba thời gian. Tại Trung Quốc, tất cả đều được thực hiện nhanh chóng hơn : sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, nông thôn sang thành thị, sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và khởi đầu cho một xã hội tiêu thụ. Sản xuất cũng tăng trung bình gần 10% một năm, và trong 30 năm qua đã tăng lên gấp 7 lần. Một điều chưa từng thấy !

Chưa bao giờ trong lịch sử, một đất nước khổng lồ lại tăng trưởng mạnh mẽ đến thế trong một thời kỳ dài. Nhưng cho dù nay có nhiều tỉ phú, nhiều thành phố nhanh chóng mọc lên, và gu tiêu dùng hàng hiệu phương Tây, Trung Quốc đầu thế kỷ 21 là một nước giàu với đầy người nghèo, một đất nước trẻ nhưng dân số sẽ già đi trước khi trở thành giàu có. Đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa, nhưng chia ra theo đầu người thì Trung Quốc lại lẹt đẹt gần thứ 100 – một chỉ số cho thấy mức sống của người dân như thế nào.

Trung Quốc còn cần hai cuộc cách mạng : Xã hội và Tự do

Để duy trì vị thế, theo kế hoạch lần thứ 12 thì nay Trung Quốc phải chuyển từ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư sang tiêu thụ nội địa, dịch vụ và sáng tạo. Nước Trung Quốc « cộng sản » trên thực tế cần hai cuộc cách mạng : « xã hội chủ nghĩa » với việc thiết lập Nhà nước phúc lợi, và « tự do » với một Nhà nước pháp quyền, triền khai các lực lượng đối trọng thực sự, và thúc đẩy tinh thần sáng tạo.

Nhưng theo Le Monde, thì hai cuộc cách mạng này vấp phải vô số trở ngại, nhất là về chính trị. Đây là trung tâm của các cuộc tranh luận dữ dội ở thượng đỉnh quyền lực, trong thời điểm sẽ chuyển giao cho ban lãnh đạo mới vào tháng 3/2013. Một thế hệ lãnh đạo thứ năm chưa bao giờ biết đến cách mạng, đến chiến tranh cũng như nạn đói. Liệu thế hệ này có sẵn sàng theo đuổi công cuộc tự do hóa và mở cửa kinh tế, đồng thời khởi đầu cải cách chính trị ? Ban lãnh đạo mới có chấp nhận gánh lấy trách nhiệm quốc tế như các đối tác phương Tây đòi hỏi ?

Họ vẫn chưa chịu chọn lựa, và Le Monde cho rằng, dù sao lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc vẫn phải dựa vào dân - những người dân nay giàu hơn, được đào tạo tốt hơn và có thông tin hơn. Nửa tỉ người Trung Quốc sử dụng internet, 250 triệu người dùng mạng Vi Bác, nay là một lực lượng đáng gờm mà những chúa tể mới của chế độ không thể bỏ qua.

Tờ báo kết luận, ngay tại một Trung Quốc của đầu thế kỷ 21 này, Mao Trạch Đông vẫn chưa bị khai tử. Xung quanh Tử Cấm Thành, gần quảng trường Thiên An Môn, bóng đen của ông ta vẫn còn đó. Và theo Le Monde, internet có thể giáng những đòn chí mạng cho Mao.

Bắc Kinh tái khởi động chương trình hạt nhân

Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên của Le Figaro cho biết Bắc Kinh đang quay lại với chương trình hạt nhân. Sau thời gian đóng băng do thảm họa Fukushima, nay đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử được duyệt.

Như vậy chương trình hạt nhân đã được tái khởi động, nhưng với nhịp độ chậm hơn. Chính phủ chỉ thông qua « một số nhỏ » dự án nhà máy điện nguyên tử cho đến năm 2015, và ở những tỉnh duyên hải chứ không xây dựng sâu trong nội địa như dự kiến. Ba dự án tại các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây và Hồ Bắc đã bị tạm ngưng ít nhất ba năm.

Là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, Trung Quốc khó có chọn lựa khác. Theo He Jiankun, giám đốc Institute of Low Carbon Economy của trường đại học Thanh Hoa, thì « nguyên tử năng là không thể thay thế được, để kết hợp giữa cơn khát năng lượng ngày càng tăng, với sự cần thiết phải giảm bớt thải khí CO2 ».

Ngưng hợp tác về vũ khí nguyên tử và hóa học : Nga tặng quà cho bọn khủng bố

« Món quà mà nước Nga tặng cho bọn khủng bố », đó là tựa đề một bài xã luận của New York Times, được Le Figaro dịch lại. Bài báo nói về quyết định mới đây của Matxcơva, chấm dứt hai thập kỷ hợp tác với Washington để phá hủy kho vũ khí nguyên tử và hóa học còn tồn tại sau thời kỳ chiến tranh lạnh.

New York Times cho rằng tất cả đều thiệt thòi với quyết định này. Nga sẽ phải tự chi trả cho các hoạt động trên, Hoa Kỳ không còn phương tiện ít tốn kém để giảm bớt nguy cơ hạt nhân, và thế giới đành phải cảnh giác trước đủ loại quân khủng bố khác nhau, có thể mua hay trộm cắp được các loại vũ khí này để tiến hành các vụ khủng bố mới.

Theo chương trình Nunn-Lugar được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1991, thì Hoa Kỳ cung cấp tài chính và kỹ thuật cho Liên Xô cũ để phá hủy hoặc vô hiệu hóa các vũ khí, thiết bị, địa điểm nguyên tử và hóa học nhạy cảm. Trong vòng 20 năm, đã có trên 7.600 đầu đạn bị tháo gỡ, hơn 2.000 hỏa tiễn hạt nhân, trên 400 tấn uranium có thể sử dụng vào mục đích quân sự, nhiều kho vũ khí hóa học bị phá hủy. Mỹ đã chi ra gần 15 tỉ đô la, thấp hơn ngân sách quốc phòng và phòng vệ tấn công nguyên tử hàng năm của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, chỉ mới đi được có nửa con đường.

Tờ báo cho là, khi bỏ ngang chương trình như thế, Matxcơva phải tiếp tục việc giải trừ các loại vũ khí này một cách minh bạch, để tạo tin tưởng với thế giới. Nhưng chính Vladimir Putin phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề mà ông ta đã tự tạo ra.

Syria : Những chiến binh nổi dậy phải tự lực cánh sinh

Nhìn sang Syria, phóng sự của đặc phái viên Le Monde mang tựa đề « Selma, thủ đô nổi dậy của vùng núi Akrad » tả lại khung cảnh của một thành phố không còn thường dân, không điện nước, nơi hàng trăm chiến binh vẫn tiếp tục chiến đấu chống chế độ Assad.

Đó là một thành phố của đàn ông – phụ nữ, trẻ em và người già đều đã đi tị nạn. Cánh cửa của những ngôi nhà va đập trong gió, cỏ dại mọc đầy những con đường chính, những âm thanh nghe được chỉ là tiếng động cơ xe gắn máy chở các chiến binh trang bị những khẩu kalachnikov. Không điện, không nước, không còn xăng dầu, tất cả đều thiếu thốn, tất cả những gì có được đều phải chia theo khẩu phần kể cả bột mì. Và thiếu thốn nhất vẫn là vũ khí : một khẩu kalachnikov giá từ 1.000 đến 1.500 đô la, một viên đạn giá 2 đô la.

Theo tác giả, cũng như về chính trị, phe nổi dậy cũng chia rẽ trong quân sự, hiện đang có nhiều phe nhóm khác nhau. Có đủ loại thủ lãnh, từ những nhà buôn giàu có cho đến các sĩ quan quân chính phủ đào ngũ, hay những tay súng salafiste trẻ tuổi gan dạ. Đáng ngạc nhiên là họ di chuyển tự do trên khắp đất nước Syria. Chẳng hạn tại Selma, có những đơn vị đến từ Hama ở miền trung, gây ấn tượng với người tại chỗ nhờ kỷ luật hơn và kinh nghiệm hơn.

Tuy nhiên con người quyền lực nhất Selma lại không có một tấc sắt trong tay. Bác sĩ Hami Habib điều hành bệnh viện dã chiến đặt tại tầng hầm một tòa nhà, liên tục có những người lính đến chữa vết thương hay xin khẩu phần lương thực, mà ông phụ trách phân phối.

Người bác sĩ này cho biết ông không có xe cứu thương, không phương tiện phẫu thuật và gây mê ; nên chỉ có thể sơ cứu người bị thương rồi gởi sang Thổ Nhĩ Kỳ bằng những chiếc xe mui trần chất đầy nệm phía trên. Bệnh viện có một máy phát điện nhưng không còn xăng để chạy máy. Thế mà lâu nay ngoài các chiến binh, ông còn phải chăm sóc sức khỏe cho 20.000 thường dân – em bé, người già, phụ nữ. Selma đã được giải phóng, nhưng không hề được sự trợ giúp của chính phủ các nước, ngoài một số tổ chức phi chính phủ.

Chính phủ Pháp đang bị chỉ trích

Tình hình chính trị nước Pháp chiếm trang đầu của các báo Paris hôm nay. Le Monde chạy tựa : « Chính phủ bị lên án là nghiệp dư », với những chỉ trích từ phía cánh hữu cũng như cánh tả trước những sai sót về thông tin và tiến độ làm việc của chính phủ Ayrault. Tờ báo cánh hữu Le Figaro đưa tít lớn: « Hollande : Sự ngờ vực bắt rễ », nhấn mạnh tỉ lệ 64% người Pháp cho biết không hài lòng về chính sách của Tổng thống François Hollande từ khi được bầu lên, theo một cuộc thăm dò của OpinionWay.

Nhật báo thiên tả Libération quan tâm đến «Tính cạnh tranh : Hollande nhận lãnh cú sốc ». Tờ báo chơi chữ về dự định của ông Hollande tạo ra một cú sốc về tính cạnh tranh, khi đặt hàng bản báo cáo Gallois, nhưng đã bị phản ứng ngay trong nội bộ cánh tả. Trong bài xã luận, Libération mỉa mai, phải chăng sau khi tăng thuế lên người giàu, để sửa chữa sự bất công này, chính phủ quay sang buộc người nghèo cũng phải đóng góp thêm. Còn nhật báo kinh tế Les Echos quay sang tìm hiểu về mô hình của nước láng giềng, chạy tựa : « Khắc khổ : Những thành công đầu tiên của Anh ».

Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến một thế hệ lãnh đạo mới trẻ tuổi với hàng tựa chính : « Từ đảng Xã hội đến Liên minh cánh hữu, thời gian chuyển tiếp ». Còn tờ báo cộng sản L’Humanité nhận định « Đảng Xã hội tìm chỗ đứng ». Theo tờ báo, nhân đại hội đảng Xã hội diễn ra đến Chủ nhật này, nhiều thành viên đang cân nhắc giữa việc ủng hộ chính phủ cánh tả, và mong muốn thay đổi nhiều hơn, nhanh hơn.

tags: Châu Á - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121026-tu-mao-den-dang-su-cat-canh-cua-trung-quoc 
 

jeudi 25 octobre 2012

Hàn Quốc : Các chaebol bị lên án đã bóp nghẹt nền kinh tế

Bảng quảng cáo của Samsung tại Seoul
Bài đăng : Thứ năm 25 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 25 Tháng Mười 2012 
 
Các chaebol, những tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc được điều hành bởi những gia đình sáng lập, là mục tiêu đả kích của tất cả các ứng cử viên tổng thống năm nay. Trước đây là động cơ nâng dậy nền kinh tế Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, nay các chaebol bị lên án là đã bóp nghẹt nền kinh tế.

Câu khẩu hiệu « Dân chủ hóa nền kinh tế » được đưa ra dựa trên sự bất mãn sâu sắc của cử tri, do sự chênh lệch ngày càng tăng về thu nhập và cạnh tranh bất chính, trong đó các chaebol, vốn tỏa vòi bạch tuộc ra tứ phía, được cho là phải chịu trách nhiệm.

Các tập đoàn lớn này đã từng là động cơ của phép lạ kinh tế Hàn Quốc, từ một quốc gia nghèo nàn sau trận chiến Triều Tiên (1950 – 1953) nhảy vọt lên thành nền kinh tế đứng thứ tư châu Á chỉ sau vài thập kỷ. Các chaebol cũng rất năng động trong xuất khẩu.

Nhưng ngày nay, các tập đoàn lớn Hàn Quốc lại bị lên án là cạnh tranh bất chính, lợi dụng tầm vóc bề thế của mình để đầu tư vào tất cả mọi lãnh vực, bóp chết các doanh nghiệp nhỏ, kìm hãm sáng tạo và việc tạo lập ra công ăn việc làm.

Cả ba ứng cử viên cuộc bầu cử tổng thống ngày 19/12 tới, kể cả ứng viên của đảng bảo thủ xưa nay vẫn thiên về giới kinh doanh, đều đề nghị một loạt các cải cách nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các chaebol lên nền kinh tế Hàn Quốc.

Bà Park Geun Hye, ứng cử viên của đảng bảo thủ cầm quyền, muốn phạt nặng hơn những chủ nhân của chaebol phạm tội tham nhũng – đôi khi những người này được chính quyền khoan hồng. Bà Park cũng muốn áp đặt những hạn chế đầu tư chéo giữa các chi nhánh thuộc nhiều ngành khác nhau của các tập đoàn.

Ứng cử viên độc lập Ahn Cheo Soo từng làm giàu trong ngành tin học, cho rằng Hàn Quốc sẽ có nhiều trường hợp thành công như ông hơn, nếu các chaebol có ít quyền lực hơn. Ông mỉa mai so sánh nền kinh tế Hàn Quốc với một sở thú, trong đó các doanh nghiệp nhỏ phải bước vào với vai trò nhà cung cấp để có thể sống sót, trước khi lợi nhuận bị triệt tiêu bởi các hợp đồng bất công, và thở hơi cuối cùng.

Trong một bài diễn văn rực lửa vào tuần rồi, ông Ahn tuyên bố : « Một khi quý vị đã bị sập bẫy trong sở thú Samsung hay sở thú LG (hai tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc), quý vị không thể đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Lối ra duy nhất để thoát khỏi sở thú, là cái chết ». Ứng viên độc lập này nói tiếp : « Không hề có tương lai trong hệ thống kinh tế hiện nay, khi mà của cải và các cơ hội được một vài người thống trị. Tôi sẽ làm thay đổi cái hệ thống bất công này ».

Ông Ahn Cheo Soo hứa hẹn xem xét lại việc quản lý các chaebol, và ngăn cản các tập đoàn đầu tư thêm vào các lãnh vực mới, giết dần giết mòn các doanh nghiệp nhỏ.

Còn ông Moon Jae In, thuộc đảng Dân chủ Thống nhất (đối lập trung tả), cam kết sẽ phân chia các chaebol thành nhiều đơn vị nhỏ, tháo gỡ bớt sự kiểm soát quá chặt chẽ của các gia đình sáng lập đối với ban giám đốc các tập đoàn.

Đương nhiên là những chỉ trích và đề nghị của các ứng cử viên tổng thống đã làm cho các chaebol cũng như những người đại diện tập đoàn giận dữ. Liên đoàn Kỹ nghệ Hàn Quốc mới đây đã khẳng định : « Tất cả các chính sách này (…) cuối cùng sẽ lợi bất cập hại. Chúng tôi đòi hỏi (các ứng cử viên tổng thống) từ bỏ việc đưa ra những hạn chế đi ngược lại với kinh tế thị trường, nhân danh việc dân chủ hóa nền kinh tế ».

Đối với các nhà quan sát đời sống chính trị Hàn Quốc, các cử tri giờ đây sẽ quan tâm hơn về vấn đề an sinh xã hội, và những chênh lệch về thu nhập so với trước đây. Những đề tài này không nằm trong ưu tiên của Tổng thống Lee Myung Bak, sẽ mãn nhiệm vào tháng Chạp.

Được mệnh danh là « Tổng thống kinh tế », ông Lee, từng là một nhà quản lý trong lãnh vực xây dựng của tập đoàn Huyndai, đã bị phe đối lập lên án là chỉ dựa vào các chaebol để kích thích tăng trưởng. Trong khi đó tình hình trong những tháng gần đây đã tồi tệ hẳn đi đối với các doanh nghiệp nhỏ, vì những doanh nghiệp này là các đơn vị đầu tiên bị ảnh hưởng bởi hiện tượng kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, cũng như xuất khẩu của Hàn Quốc sụt giảm.

Giáo sư Kang Won Taek của trường đại học Seoul nhận định : « Trong bối cảnh như thế, ngay cả bà Park Geun Hye cũng không có chọn lựa nào khác ngoài việc đưa đề nghị cải cách các chaebol vào chương trình tranh cử ». 

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Kinh tế
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121025-han-quoc-mo-hinh-chaebol-bi-cac-ung-vien-tong-thong-len-an-la-bop-nghet-nen-kinh-te 
 

mercredi 24 octobre 2012

Trung Quốc chống tệ " buôn thần bán thánh"

Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Ban Tôn giáo, cơ quan chuyên giám sát các tôn giáo của Trung Quốc đã chỉ trích việc thương mại hóa tràn lan tại các đền chùa, và đặc biệt lên án sự hiện diện của các sư giả hay thầy bói tại các ngôi chùa hay các đền thờ Lão giáo.
Trong một thông báo đăng trên mạng ngày 22/10, Ban Tôn giáo khẳng định : « Các đền chùa trong bất kỳ trường hợp nào không được lao vào các hoạt động giao dịch cổ phiếu hay liên doanh ». Được biết để gây quỹ hay tìm nguồn tài trợ, một số đền chùa đã xoay sở để được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cơ quan chuyên quản lý các tôn giáo tố cáo : « Theo các thông tin của chúng tôi, thì có những cơ sở đã tuyển dụng các sư giả, lập các hòm công đức để thu thập tiền cúng dường, thậm chí còn gây áp lực lên các tín đồ và du khách để moi tiền từ họ ». Trong số các vụ lạm dụng được ghi nhận, có việc bán nhang đèn với giá cắt cổ, các thầy bói pha trộn những điều thiêng liêng với phàm tục nhằm mục đích kiếm tiền.

Trên lý thuyết, Trung Quốc cho phép tự do tín ngưỡng nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền cộng sản, thông qua các giáo hội chính thức được đặt dưới sự chỉ đạo của Nhà nước.

Theo nhật báo Global Times, thì Pháp Môn Tự (Famen) ở miền tây bắc Trung Quốc đã chuẩn bị sang năm lên sàn chứng khoán ở Hồng Kông, trong khi Phổ Đà Sơn (Mount Putuo), một ngọn núi thiêng của Phật giáo, đã loan báo kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong vòng ba năm tới.

Đồng thời báo chí Trung Quốc cũng đưa tin, hai nhà sư giả mặc áo thầy tu Phật giáo màu vàng nghệ đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh hồi tháng Tư, sau khi bị bắt quả tang đang nhậu nhẹt trong tàu điện ngầm, và đăng ký mướn phòng tại một khách sạn sang trọng với hai phụ nữ.

tags: Châu Á - Tôn giáo - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121024-trung-quoc-chong-te-buon-than-ban-thanh

Việt Nam: Công an xác nhận bắt giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì tội tuyên truyền chống Nhà nước

Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Hôm qua, 23/10 Công an tỉnh Long An đã thông báo cho bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, là con gái của bà đang bị tạm giam vì bị cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam về tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Một bản sao thông cáo của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An, đề ngày 20/10, về việc bắt tạm giam cô Phương Uyên đã được đăng trên trang mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế hôm nay.

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM, đã bị công an bắt tại nhà trọ ở Sài Gòn từ ngày 14/10, cùng với 3 người bạn cùng trọ, để điều tra về vụ truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược. Ba người bạn này sau đó được thả ra, nhưng Phương Uyên thì bị giam biệt tích cho đến nay, khiến gia đình của cô rất lo lắng trong những ngày qua. Gia đình của Phương Uyên sinh sống ở tỉnh Bình Thuận, nhưng không hiểu sao lại nữ sinh viên này bị đưa về tạm giam ở tỉnh Long An.

Một tập thể sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM đã viết đơn đề ngày 20/10 cầu cứu lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên.

Vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên xảy ra vào lúc chính quyền Việt Nam chuẩn bị đưa ra xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, cũng với tội danh “ tuyên truyền chống Nhà nước”. Hai nhạc sĩ này là tác giả nhiều bài hát thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Cả hai đều đã bị bắt giam từ tháng 12 năm 2011.

Trả lời RFI Việt ngữ, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Nguyễn Phương Uyên cho biết:

Bà Nhung: Sáng hôm qua là ngày 23/10 tôi tiếp tục đến thành phố Tân An, tỉnh Long An để tìm con. Lúc 10 giờ15 tôi đến nơi, gặp cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An, ở đó gặp ông Nguyễn Văn Hớn. Tôi cũng có hỏi tại sao mà con tôi bị chuyển về đây, thì ông nói « chuyện đó là chuyện của chúng tôi ». Tôi hỏi tại sao bắt con tôi mà không thông báo cho gia đình, làm gia đình hết sức điêu đứng. Ông mới nói là tôi có gởi giấy thông báo cho gia đình rồi, nhưng có lẽ là xa nên không tới. Tôi hỏi ngược lại, ông gởi từ khi nào, thì ông nói gởi từ ngày 20. Sau đó tôi cầm tờ thông báo ấy đi đến địa chỉ 159 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3 thành phố Tân An, tỉnh Long An để tìm con, vì con tôi hiện tại là giam ở trại giam đó. 

RFI: Bà có gặp được không ạ ?

Bà Nhung: Xin thưa với quý Đài, đến nơi là 11giờ 5 phút, người ta nói là hết giờ làm việc, và tôi đợi đến 1 giờ rưỡi mới được vào bên trong. Đợi 15 phút sau thì gặp ông Giang. Ông Giang nói là bây giờ không cho gặp, đặc biệt không cho gặp, chỉ cho gởi chăn màn với một ít quần áo thôi, với lại gởi ít tiền.

Thì tôi cũng ra chợ mua vội cho con một cái chăn, một cái màn với hai bộ quần áo ngắn, một cái khăn lau mặt, và gởi cho cháu một triệu đồng tiền mặt. Nhưng khi gởi tôi hỏi là gởi quà cho con thì con tôi có được gởi lại mấy chữ là con có nhận quà hay không, thì ông ấy nói là không. 

Tôi hỏi nếu vậy thì tôi có nhận được giấy biên nhận là tôi gởi tiền với quà, ông nói cũng không ! Tôi nói nếu như xin gặp không được thì anh có thể cho tôi nhìn thấy con tôi từ xa được không ? Ông nói cũng không được. Không còn nước nào nữa hết trơn ! Cuối cùng là tôi năn nỉ ông ấy cho tôi gởi ba chữ trên cái tờ giấy gởi quà, rằng là «
Bà Nguyễn Thị Nhung
24/10/2012
Mẹ yêu con » - có ba từ - mà ông hết sức vô cảm. Ông ấy tuyệt đối không cho ! 

 Và tôi chỉ gởi được cho cháu có mấy món quà đó, mà cũng không biết có đến tay cháu hay không, thì tôi thật sự cũng rất là hoang mang. Vì tôi không có nắm giữ một cái gì được gọi là chắc chắn là con mình nhận được số quà mình gởi. Lúc mà ông Nguyễn Văn Hớn trao cho tôi tờ giấy thông báo, ông có nói rằng chị cứ lên đó gởi tiền cho nó đi, vì khi bắt trong mình nó không có một đồng bạc nào đâu ! Mà tôi không biết là con tôi có được nhận hay không.

RFI: Bây giờ thì gia đình tính như thế nào ?

Bà Nhung: Gia đình ở dưới quê thì chỉ trồng lúa với chăn nuôi các thứ. Còn bây giờ trong lúc mà con tôi gặp trường hợp như thế này thì rất là khó khăn, rất là bế tắc. Thật sự rất là rối, chưa biết tính như thế nào, tính chỉ đi tìm luật sư cho con.

RFI: Thưa bà tính cách của Phương Uyên như thế nào, liệu có vượt qua được những thử thách này không ?

Bà Nhung:Xin thưa với Đài, Uyên là một đứa con gái ở dưới quê, tính cách của cháu theo tôi thì cháu cũng rất là mạnh mẽ. Cũng biết những gì mình nên làm và những gì không nên làm. Và tôi tin chắc một điều rằng con tôi nó không làm điều gì xấu. Nếu việc nó làm thì chắc chắn là việc phải có ích, chứ nếu không có ích thì chắc chắn là nó không làm. Là một người mẹ thì tôi nghĩ như thế.

RFI: Xin rất cám ơn bà Nguyễn Thị Nhung.

tags: Nhân quyền - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121024-viet-nam-cong-an-xac-nhan-bat-giu-sinh-vien-nguyen-phuong-uyen-vi-toi-tuyen-truyen 

Việt Nam: Lạm phát lại tăng trong tháng 10

Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Tại Việt Nam, lạm phát lại tăng lên trong tháng 10, đạt mức 7% trong cả năm, trong lúc chính quyền đang lo ngại vật giá sẽ tiếp tục tăng, vào lúc nền kinh tế đang bị khủng hoảng hệ thống.

Tổng cục Thống kê Việt Nam hôm nay 24/10/2012 cho biết, lạm phát sau khi xuống đến mức thấp nhất trong vòng ba năm qua vào tháng Tám, đã dừng lại ở mức 5,04% trước khi lại tăng lên vào tháng Chín. Hôm thứ Hai 22/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo là tình hình đang xấu, lạm phát có thể “lại tăng lên” và nêu ra mục tiêu 8% cho năm 2012.

Vật giá đã tăng 23% vào tháng 8/2011, buộc Việt Nam nhiều lần nâng lãi suất chỉ đạo dù bất lợi cho tăng trưởng. Sau đó chính phủ đã thay đổi chiến lược, lại hạ lãi suất chỉ đạo trong những tháng gần đây để tái thúc đẩy nền kinh tế. Ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: “Việc siết chặt ngân sách và tiền tệ để kiểm soát lạm phát là cần thiết, nhưng cũng làm cho tiêu dùng trong nước giảm đi (…) và gây khó khăn cho sản xuất”.

Hôm nay, cơ quan thẩm định tài chính Fitch duy trì mức tín nhiệm của các ngân hàng lớn Việt Nam ở mức “B”, với triển vọng ổn định. Tuy nhiên Fitch cũng nhấn mạnh, đây là một trong những mức thấp nhất ở châu Á. Cơ quan thẩm định tài chính này cho rằng mức tín nhiệm trên đây “phản ánh rộng rãi những điều kiện chật vật của các hoạt động nội địa, và các khó khăn khác về cơ cấu, được xem là tiêu biểu tại các thị trường mới nổi có thu nhập thấp”.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 dự kiến chỉ ở mức 5,2%, đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ 13 năm qua. Trước đó chính quyền đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tối đa là 6,5% trong năm nay.

tags: Kinh tế - Lạm phát - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121024-viet-nam-lam-phat-lai-tang-trong-thang-10 

Apple tung ra “iPad” mini cạnh tranh với các máy tính bảng giá rẻ


Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Hôm qua 23/10/2012 tập đoàn Apple đã giới thiệu phiên bản nhỏ hơn và giá rẻ hơn của iPad, được đặt tên là “iPad mini”. Đây là hành động tự vệ của Apple trước các sản phẩm máy tính bảng khác có giá rẻ hơn trên thị trường, do các tập đoàn cạnh tranh như Amazon hay Google đưa ra.
Ông Philip Schiller, phụ trách tiếp thị của Apple khẳng định nhân sự kiện được tổ chức tại San Jose, California: “Đây không phải là iPad thu nhỏ, mà là một thiết kế hoàn toàn mới”.
Màn hình của iPad mini được rút xuống còn 7,9 inch (20,1 cm) so với 9,7 inch (24,6 cm) của iPad cổ điển. Đơn đặt hàng sẽ được nhận kể từ thứ Sáu 26/10, và chiếc máy sẽ được bán ra từ ngày 2/11 tại 34 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ.

Giá bán khởi điểm tại Mỹ là 329 đô la cho model 16 Giga, có kết nối wifi, còn tại châu Âu là 339 euro. Giá có thể lên đến 659 đô la đối với model 64 Giga, có kết nối điện thoại di động – sẽ được bán ra vài tuần sau loại trên. Hiện nay giá khởi điểm cho iPad là 499 đô la, còn iPad 2 được lăng-xê vào năm ngoái có giá 399 đô la.

Nhà phân tích Trip Chowdhry của Global Equity Market cho là iPad mini chẳng có gì mới mẻ lắm, không đáp ứng được mong đợi. Ngược lại đối với Jeff Kagan, chuyên gia về công nghệ mới, thì iPad mini là một thành công mới của Apple. Máy tính bảng mini này vừa gặm nhấm bớt thị phần của iPad cổ điển, lại vừa mở ra cơ hội mới cho tập đoàn quả táo.

Những chuyên gia khác cũng dự kiến iPad mini sẽ lấy mất một ít thị phần của iPad, vốn đã bán được 17 đến 25 triệu chiếc trên thế giới chỉ trong quý hai. Nhưng mặt hàng mới này cũng tiếp tục làm tăng số bán cho thị trường máy tính bảng cỡ nhỏ, được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm nay với 34 triệu chiếc, và đến năm 2013 là 67 triệu chiếc.

Apple đã tạo ra thị trường máy tính bảng vào năm 2010 với chiếc iPad đầu tiên, và chiếc iPad thứ 100 triệu đã được bán ra cách đây hai tuần. Tuy nhiên theo nhà phân tích Rob Enderle, thuộc Enderle Group, thì Apple có phần hơi muộn màng trên thị trường máy tính bảng cỡ nhỏ, và thật ra ít có lựa chọn nào khác. Thực tế là các máy tính bảng loại nhỏ có vẻ phổ biến hơn vì giá rẻ hơn và dễ mang theo.

Roger Kay, nhà tư vấn của Endpoint Technologies Associates nhận xét, đây là hành động tự vệ của Apple. Tập đoàn này sẽ không sản xuất iPad mini nếu các công ty cạnh tranh không đưa ra máy tính bảng cỡ nhỏ.
Nhà phân phối trên mạng Amazon hồi tháng Tám khẳng định đã chiếm được 22% thị trường máy tính bảng ở Mỹ với model Kindle Fire, có màn hình 7 inch (18 cm), giá khởi điểm chỉ có 199 đô la. Model Nexus 7 của Google cùng kích thước cũng có giá khởi điểm tương tự, nhưng theo một số trang web chuyên ngành thì giá chỉ có 99 đô la.

tags: Công nghệ - Khoa học - Quốc tế - Tin học
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121024-apple-tung-ra-%E2%80%9Cipad%E2%80%9D-mini-canh-tranh-voi-cac-may-tinh-bang-gia-re 

Trung Quốc tố Đức Đạt Lai Lạt Ma xúi giục người Tây Tạng tự thiêu


Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 24/10/2012 khẳng định, những vụ tự thiêu gần đây của người Tây Tạng tại Trung Quốc là do Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của họ xúi giục.

Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Nhằm thực hiện mục tiêu ly khai, bè lũ Đạt Lai Lạt Ma đã xúi bẩy một số người tự thiêu. Điều này rất đáng khinh và cần phải bị lên án”.

Trong vòng chưa đầy một tuần lễ, đã có ba người Tây Tạng tự thiêu tại tỉnh Cam Túc ở Trung Quốc, một vùng đất có rất nhiều người Tây Tạng sinh sống. Người dân Tây Tạng lên án Trung Quốc tiêu diệt nền văn hóa và tín ngưỡng của họ.

Năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từ bỏ vị trí thủ lãnh phong trào đấu tranh của người Tây Tạng lưu vong, chỉ còn giữ vai trò lãnh tụ tinh thần.

Trung Quốc khẳng định đã “giải phóng Tây Tạng một cách hòa bình”, và cải thiện đời sống người dân với việc tài trợ cho phát triển kinh tế, cho vùng đất nghèo nàn hẻo lánh này. Nhưng nhiều người Tây Tạng không còn có thể chịu đựng nổi việc mà họ cho là bị người Hán tộc đô hộ ngày càng tăng, cũng như nạn đàn áp tôn giáo và văn hóa Tây Tạng.

Kể từ đầu tháng 3/2011 đến nay, đã có gần 60 người, hầu hết là tu sĩ Phật giáo, đã tự thiêu hoặc toan tự thiêu tại những vùng có người Tây Tạng sinh sống.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121024-trung-quoc-buoc-toi-dat-lai-lat-ma-xui-giuc-nguoi-tay-tang-tu-thieu-0 

Thủ tướng Đức tưởng niệm những người Rom nạn nhân của chủ nghĩa phát xít

Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Mười 2012 
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay 24/10/2012 đã bày tỏ lòng tôn trọng những người Rom là nạn nhân của phát-xít, nhân việc khánh thành đài tưởng niệm dành cho họ tại Berlin. Bà Merkel cũng hứa hẹn sẽ bảo vệ những người Rom, chống lại nạn kỳ thị tại châu Âu hiện nay.

Hơn 65 năm sau nạn diệt chủng do phát-xít Đức tiến hành, trong đó gần nửa triệu người Rom đã bị giết chết, trước những người Rom sống sót từ các trại tập trung, gia đình họ và các dân biểu Đức, bà Angela Merkel tuyên bố: “Đài tưởng niệm này gợi nhớ một dân tộc đã bị quên lãng quá lâu (…) Ngày nay người Rom vẫn đang gặp phải nạn kỳ thị, bị chối từ, vẫn phải đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nhiệm vụ của nước Đức và của châu Âu là phải ủng hộ họ”.

Bài phát biểu của Thủ tướng Đức cũng là đáp từ cho đại diện các nạn nhân là ông Zoni Weisz, 75 tuổi, quốc tịch Hà Lan, một người Rom sống sót từ trại tập trung. Trước đó vài phút, ông Weisz đã lên tiếng kêu gọi chính phủ 27 nước Liên hiệp châu Âu hãy có trách nhiệm giúp cho người Rom hội nhập.

Được dựng lên trước Quốc hội Đức ở ngay trung tâm thủ đô Berlin, đài tưởng niệm những người Sinti và người Rom do nghệ sĩ Israel Dani Karavan thực hiện, gồm một cái giếng, ở giữa là một tượng đài, trên đó mỗi ngày đều được đặt những bông hoa tươi mới hái.

Đài tưởng niệm này do chính phủ Đức tài trợ với số tiền 2,8 triệu euro, được đặt gần đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân diệt chủng người Do Thái, và cho những người đồng tính luyến ái bị bọn quốc xã sát hại.
Hiện nay có từ 10 đến 12 triệu người Rom sống tại châu Âu, trong đó có 6 triệu người tại các nước thuộc Liên hiệp châu Âu; là dân tộc thiểu số đông đảo nhất và nghèo nhất tại châu lục này.

tags: Châu Âu - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Đức
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121024-thu-tuong-duc-tuong-niem-nhung-nguoi-rom-nan-nhan-phat-xit

Trung Quốc bổ nhiệm nhiều lãnh đạo quân đội trước đại hội Đảng

Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 
Báo chí Trung Quốc hôm nay 23/10/2012 cho biết, Bắc Kinh đã bổ nhiệm Tư lệnh Không quân mới, và nhiều chức vụ quan trọng trong Bộ Tổng tham mưu, trong đó có hai vị tướng sẽ vào Quân ủy Trung ương. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm sắp diễn ra đại hội Đảng nhằm đề cử ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ trang web của nhiều tờ báo chính thức Trung Quốc loan báo, tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), 63 tuổi, người thường xuyên tổ chức việc hợp tác quân sự với các nước, đã được phong chức Tư lệnh Không quân, chức vụ lâu nay do tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) nắm giữ. Tờ South China Morning Post của Hồng Kông cho biết thêm, tướng Trương Dương (Zhang Yang), 61 tuổi, nguyên là chính ủy quân khu Quảng Châu, nay trở thành người đứng đầu Tổng cục Chính trị 8.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông nói rằng, theo một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh, thì tướng Hứa Kỳ Lượng sẽ là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Còn ông Trương Dương cũng sẽ được vào cơ quan quyền lực này, thay chân tướng Lý Kế Nại (Li Jinai) ở độ tuổi 70 sẽ nghỉ hưu.

Các nhà quan sát cho rằng, tướng Trương Dương được thăng chức là nhờ được tin tưởng về mặt chính trị, đặc biệt là sau sự sụp đổ của nguyên Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Hứa Kỳ Lượng, Trương Dương còn viết bài đăng trên Nhân dân Nhật báo, kêu gọi tuyệt đối phục tùng các lãnh đạo Đảng trong các hoạt động quân sự thời bình.

Theo tờ báo Hồng Kông, sự thăng tiến của ông Trương Dương cho thấy hai khuôn mặt khác tranh ghế trong Quân ủy Trung ương là tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan), 61 tuổi, chính ủy Tổng cục Hậu cần, và tướng Trương Hải Dương (Zhang Haiyang), 63 tuổi, chính ủy lực lượng tên lửa chiến lược, đã bị loại khỏi cuộc đua.

Trong số các lãnh đạo quân sự mới được bổ nhiệm, có Chu Phúc Hi (Zhu Fuxi) được phong làm chính ủy quân khu Thành Đô giám sát một phần khu vực nhạy cảm Tây Tạng, thay cho tướng Điền Tu Tư (Tian Xiusi), còn ông Điền Tu Tư nay được cử làm chính ủy Không quân.

AFP nhận xét, việc bổ nhiệm hàng loạt chức danh trong quân đội diễn ra trong bối cảnh tình hình tại Thái Bình Dương đang căng thẳng. Bắc Kinh ngày càng chứng tỏ tham vọng trên biển, đặc biệt là xung quanh các quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, vốn là đội quân lớn nhất trên thế giới, luôn giữ tuyệt đối bí mật các chương trình quân sự. Quân đội đóng vai trò rất quan trọng trong đảng Cộng sản Trung Quốc, mà đại hội lần thứ 18 sẽ khai mạc vào ngày 8/11 tới. Nhân sự kiện lớn này trong đời sống chính trị Trung Quốc, đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới sẽ được trẻ hóa.

tags: Châu Á - Quân đội - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121023-trung-quoc-bo-nhiem-nhieu-lanh-dao-quan-doi-truoc-dai-hoi-dang 

Nam Phi sẽ cùng Việt Nam đấu tranh chống nạn săn bắn trái phép tê giác

Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 
Nam Phi sẽ ký tuyên bố thỏa thuận với Việt Nam để đấu tranh chống nạn săn bắn trái phép tê giác. Bộ Môi trường Nam Phi hôm qua 22/10/2012 cho biết như trên, trong bối cảnh năm nay số tê giác bị giết hại đã lên đến mức kỷ lục là 467 con tại nước này.

Thông cáo nói rằng : « Tuyên bố thỏa thuận đặc biệt sẽ đề cập đến vấn đề buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp, nguyên nhân của nạn dịch săn bắn trái phép » loài thú quý trên. « Chính phủ tin rằng để đấu tranh một cách hiệu quả chống nạn săn bắn tê giác ở Nam Phi, cần thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ động vật hoang dã, và việc hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng ».

Từ tháng Chín năm ngoái, chính quyền Nam Phi và Việt Nam đã bắt đầu thương thảo nhằm dập tắt nạn buôn lậu sừng tê giác, một hoạt động thu được lợi nhuận rất cao tại thị trường chợ đen châu Á. Mục đích của hai nước là cùng hành động để duy trì và bảo vệ đa dạng sinh học cũng như trấn áp bọn buôn lậu, phù hợp với các tiêu chuẩn của CITES (Công ước quốc tế bảo vệ động vật hoang dã).

Công viên quốc gia Kruger của Nam Phi, nơi được những người săn bắn ưa thích nhất, đã bị thiệt hại nhiều nhất với 281 con tê giác bị giết hại. Năm ngoái, tổng cộng có 448 con tê giác bị thợ săn bắn hạ, so với năm 2010 là 333 con, còn năm 2007 chỉ có 13 con.

Hồi tháng Năm, chính quyền Nam Phi đã tịch thu được 10 chiếc sừng tê giác trong nhà một người Việt Nam sống gần Johannesburg.

Sừng tê giác rất được ưa chuộng trong đông y, và Việt Nam là thị trường chủ yếu, vì người ta tin rằng có thể chữa được ung thư. Trong khi đó các nhà khoa học cho biết sừng tê giác không hề có tác dụng chữa bệnh.

tags: Môi trường - Nam Phi - Quốc tế - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121023-nam-phi-se-cung-viet-nam-dau-tranh-chong-nan-san-ban-trai-phep-te-giac 

Cam Bốt : Một quản lý Trung Quốc bị trục xuất vì xé hình cựu hoàng Sihanouk

Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 
Một tòa án Cam Bốt hôm nay 23/10/2012 đã ra lệnh trục xuất một người quản lý Trung Quốc của một nhà máy dệt may, vì đã xé các bức ảnh của cựu hoàng Norodom Sihanouk, từ trần ngày 15/10.

Bà Wang Zia Chao, 43 tuổi, còn phải nộp phạt 500 đô la và lãnh án một năm tù treo, vì đã « cố tình làm hư hại ảnh của cựu vương ». Bà tỏ ra hối hận, giải thích rằng do bực tức khi thấy các công nhân nhà máy dệt may Top World ngưng làm việc để chiêm ngưỡng các tấm ảnh. Nhưng bà khẳng định không hề biết người trong ảnh là ai. Trước tòa, bà Wang khai : « Nếu biết được thì tôi đã không làm như vậy. Tôi rất tiếc về sai lầm của mình ».

Việc người quản lý Trung Quốc xé hình cựu hoàng Cam Bốt đã gây ra cuộc nổi loạn ở nhà máy, khiến công an phải can thiệp để trấn an các công nhân phẫn nộ. Bị còng tay, bà Wang đã phải xin lỗi công khai trước một đài tưởng niệm ông Sihanouk, và sau đó đã bị sa thải khỏi chức trưởng nhóm sản xuất.

Đây là một trường hợp hết sức hiếm hoi tại Cam Bốt, mà luật hình sự không trừng phạt nghiêm khắc các vụ khi quân như quốc gia láng giềng Thái Lan.

Ông Norodom Sihanouk, được chính quyền thực dân Pháp đưa lên ngôi năm 1941 lúc mới 18 tuổi, đã gắn liền với lịch sử đầy biến động của Cam Bốt, từ những năm tháng vàng son của thập niên 50-60, cho đến cuộc nội chiến, và chế độ Khmer Đỏ. Ông đã thoái vị để nhường ngôi cho con trai là Sihamoni vào năm 2004.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Tư pháp
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121023-cam-bot-mot-quan-ly-trung-quoc-bi-truc-xuat-vi-xe-hinh-cuu-hoang-sihanouk 

Các dân biểu Hàn Quốc đến quần đảo tranh chấp với Nhật Bản

Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 
Một nhóm dân biểu Hàn Quốc hôm nay 23/10/2012 đã đến thăm quần đảo Dokdo/Takeshima tại biển Nhật Bản, mà cả Seoul và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền. Chuyến viếng thăm này có nguy cơ lại làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước láng giềng vùng Đông Bắc Á.

Mười bảy dân biểu thuộc Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc đã đi trên chiếc trực thăng quân sự để đến quần đảo Dokdo, mà Nhật Bản gọi là Takeshima. Han Ki Ho, một trợ lý cho AFP biết, chuyến viếng thăm này được xem là một cuộc kiểm tra của chính phủ, diễn ra trong vòng một ngày với mục đích kiểm soát vấn đề an ninh xung quanh quần đảo, được lực lượng tuần duyên Hàn Quốc canh giữ.

Một tấm ảnh do Ủy ban này đưa ra cho thấy các dân biểu Hàn Quốc đang hô khẩu hiệu với biểu ngữ mang dòng chữ « Dokdo là lãnh thổ của Hàn Quốc, chúng tôi sẽ bảo vệ quần đảo ». Được biết quần đảo Dokdo/Takeshima nằm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện do Seoul kiểm soát, nhưng Tokyo đòi hỏi chủ quyền.

Hôm qua, thư ký của chánh văn phòng Thủ tướng Nhật Osamu Fujimura đã yêu cầu các dân biểu Hàn Quốc nên hủy chuyến đi này, cảnh báo rằng sẽ phương hại nghiêm trọng đến quan hệ hai nước. Trong cuộc họp báo hôm nay tại Tokyo, ông Fujimura tuyên bố : « Chúng tôi cực lực phản đối và yêu cầu Hàn Quốc tránh những sự cố tương tự trong tương lai ».

Hồi tháng Tám, căng thẳng Nhật – Hàn đã tăng cao, vì Tokyo phẫn nộ trước việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đi thăm quần đảo này, cũng như việc yêu cầu Nhật Bản phải xin lỗi về thời kỳ quân phiệt Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, trong đó có vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho quân lính Nhật. Còn tháng 8/2011, ba dân biểu bảo thủ Nhật cũng định đi thăm đảo Ulleung thuộc quần đảo Dokdo/Takeshima, nhưng bị Hàn Quốc từ chối cấp visa.

Ngoài quần đảo Dokdo/Takeshima, vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Tokyo quản lý, nhưng bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, cũng đang gây căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Lãnh thổ - Nhật Bản - Tranh chấp
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121023-cac-dan-bieu-han-quoc-den-quan-dao-tranh-chap-voi-nhat-ban 

Châu Âu bác đề nghị của Pháp đòi kiểm soát xe hơi nhập khẩu từ Hàn Quốc

Bài đăng : Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 23 Tháng Mười 2012 
Ủy ban châu Âu đã bác bỏ đề nghị của Pháp, đòi kiểm soát việc nhập khẩu xe hơi từ Hàn Quốc, có thể dẫn đến tái áp thuế hải quan cho dù đã ký thỏa thuận tự do mậu dịch vào năm ngoái. Paris hôm nay 23/10/2012 cho biết rất lấy làm tiếc về quyết định của châu Âu, và vẫn sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của kỹ nghệ xe hơi Pháp trước Bruxelles.

Hồi tháng Tám, sau khi tập đoàn PSA Peugeot Citroën loan báo việc sa thải 8.000 công nhân tại Pháp, Paris đã đề nghị Bruxelles yêu cầu Seoul phải thông tin trước về kế hoạch xuất khẩu xe vào Liên hiệp châu Âu. Được biết sau thỏa thuận mậu dịch tự do ký với Hàn Quốc tháng 7/2011, số lượng xe hơi Hàn Quốc xuất sang châu Âu tính đến cuối tháng 6/2012 đã tăng đến 41% so với năm ngoái, riêng tại Pháp tăng 24%.

Ủy ban châu Âu hồi đáp rằng yêu cầu của Pháp dựa trên một điều khoản cần chứng minh là việc nhập khẩu này tập trung vào một hay nhiều quốc gia thành viên của Liên hiệp, nhưng điều kiện này đã không được đáp ứng.

Theo phát ngôn viên John Clancy của ủy ban thương mại Liên hiệp châu Âu, thì xe hơi nhập từ Hàn Quốc giảm 37% so với trước khi xảy ra khủng hoảng, và việc gia tăng hiện nay là từ tác động của sự hồi phục kinh tế. Ông Clancy nói thêm : « Tuy nhiên Ủy ban châu Âu vẫn cảnh giác và tiếp tục giám sát chặt chẽ lượng hàng nhập từ Hàn Quốc trong những lãnh vực nhạy cảm như xe hơi, dệt may và hàng điện tử thông dụng ».

Về phía Pháp, thông cáo của Bộ Phục hưng Sản xuất và Bộ Ngoại thương hôm nay cho biết : « Chính phủ Pháp lấy làm tiếc về quyết định của Ủy ban châu Âu », nhưng vẫn duy trì « đối thoại thường xuyên » với Ủy ban về những diễn tiến trong vấn đề xe hơi Hàn Quốc.

Cả hai Bộ trưởng đều khẳng định sự ủng hộ kỹ nghệ xe hơi Pháp, nhắc lại quyết tâm bảo vệ quyền lợi của lãnh vực này trước các định chế châu Âu cũng như trong các hiệp định thương mại sắp tới với « các nước công nghiệp lớn » khác. Paris cũng sẽ tham vấn các nhân tố liên quan về các điều kiện cần thiết trong thương lượng hiệp định tự do mậu dịch với Nhật Bản.

tags: Công nghệ - Hàn Quốc - Kinh tế - Pháp
http://joko.viet.rfi.fr/phap/20121023-chau-au-bac-de-nghi-cua-phap-doi-kiem-soat-xe-hoi-nhap-khau-tu-han-quoc 

dimanche 21 octobre 2012

Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai – di sản của Mao



Ông Bạc Hy Lai dự họp Quốc hội TQ tháng 3/2010.

(Le Monde 15/10/2012) Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình được xây dựng để ngăn chận những cực đoan của chủ nghĩa mao-ít, với việc từ bỏ đấu tranh giai cấp, thiết lập cơ chế tập thể lãnh đạo và việc chuyển đổi quyền lực một cách có tổ chức. Và theo một thỏa ước kỳ lạ, mà việc đóng băng cải cách chính trị sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 càng làm đậm nét : vừa cộng sản lại vừa tư bản. Duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng vẫn mở cửa cho cạnh tranh và cho nền kinh tế.

Bạc Hy Lai, mà đảng Cộng sản vừa khai trừ để có thể đem ra xét xử, là hiện thân sống động của mâu thuẫn to lớn đó. Ông Bạc vừa rất « đỏ » ở Trùng Khánh, lại vừa nổi bật trong lãnh địa trước đó ở Đại Liên với sự năng động của mình. Ông ủng hộ các công ty tư nhân, nay đã trở thành những tập đoàn lớn của Trung Quốc.

Việc chuẩn bị cáo buộc ông Bạc với các tội trạng được mở rộng là lạm dụng quyền lực và tham nhũng, như Tân Hoa Xã đã đưa tin hôm 28/9, đã làm tăng đáng kể thách thức cho ê-kíp lãnh đạo sắp tới, sẽ được đại hội Đảng thứ 18 ngày 8/11 bầu ra. Tập thể lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ sẽ phải tìm được những câu trả lời thỏa đáng cho những xáo trộn mà thành viên xuất sắc của giới quý tộc đỏ, cách đây một năm muốn vào Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trở thành kẻ giơ đầu chịu báng.

Có hai biến động vừa bền bỉ vừa mang tính biểu tượng cao. Đầu tiên là quan hệ với chủ nghĩa mao-ít. Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa duy ý chí mang tính xã hội của « cánh tả mới » ở Trung Quốc, và các tư tưởng được phái Tân Mao truyền đạt, « mô hình Trùng Khánh » do Bạc Hy Lai thực hiện cố gắng chữa trị những biến tướng của « nền kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa » (bất bình đẳng ngày càng tăng, tham nhũng…). Bạc Hy Lai sử dụng những phương thức trừng phạt triệt để như trong chiến dịch chống mafia, nhân danh đạo đức cộng sản : sự trong sáng cách mạng. Thế nhưng những « tội danh chủ yếu » mà người kiến trúc sư của mô hình Trùng Khánh bị cáo buộc, đã làm mất đi sự khả tín của giải pháp quản lý này.

Điều này dẫn đến sự xáo trộn thứ hai, đó là nạn tham nhũng có hệ thống trong các gia đình và phe nhóm mở rộng của các lãnh đạo. Cùng với các anh chị em mình và các bạn làm ăn, Bạc Hy Lai và vợ tiêu biểu cho cơ cấu « một gia đình, hai chế độ » trong giới cầm quyền - một thành viên trong gia đình làm chính trị, còn những người khác làm kinh doanh - mà nhà nghiên cứu Hà Thanh Liên (He Qinglian) đã tố cáo từ năm 2000. Các công cụ chống tham nhũng hiện nay vẫn không đụng chạm đến chiến thuật kiếm tiền trên, vì chính nhờ nó mà các gia đình lãnh đạo có thể kết hợp làm kinh tế.

Tại Trùng Khánh, ông Bạc đã lăng-xê một cách thái quá « nền văn hóa đỏ » được gắn liền với Mao Trạch Đông, và tái sử dụng các phương pháp độc đoán đối với các kẻ thù của nhân dân. Tất cả vì mục đích vừa tảo thanh vừa mang tính chính trị : tái lập quyền lực từ địa bàn Trùng Khánh, nơi mà vị « thái tử đỏ » vẫn còn bất mãn vì bị « lưu đày » năm 2007. Tờ báo chính thức Quang Minh nhật báo đã lên án Bạc Hy Lai, ngay sau hôm ông này bị chính thức khai trừ đảng, là đã sử dụng đến « một mô hình chính trị sai lạc (tức Cách mạng văn hóa) đã đưa Trung Quốc đến một thảm họa chưa từng có ».

Các cán bộ trung cấp tham quan ngôi nhà cũ của Mao Trạch Đông.
Hơn nữa, điều này còn nằm trong tinh thần « Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử Đảng từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ». Cái « lịch sử được thương thảo » về di sản của Mao Trạch Đông, được ĐCSTQ thông qua vào năm 1981, nhận định là Mao đã phạm phải « sai lầm khuynh tả nghiêm trọng » trong Cách mạng văn hóa, nhưng vẫn xác nhận những đóng góp của Mao - theo như câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình : « Mao, đó là 70% tích cực và 30% tiêu cực ». Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã nhắc đến nghị quyết trên khi công bố việc ngưng chức Bạc Hy Lai hồi tháng Ba.

Thế nhưng nếu ngày nay Đảng Cộng sản thấy cần phải nhắc nhở ranh giới « tả khuynh » không được vượt qua, thì có lẽ nhận định năm 1981 đã bắt đầu lỗi thời. Và việc dựng dậy Mao Trạch Đông cho các mục đích chính trị và dân tộc chủ nghĩa, trong một Trung Quốc hậu Thiên An Môn, đang đạt đến những giới hạn cuối cùng - theo nhận xét của giáo sư Ben Xu, trong cuộc hội thảo về việc vận dụng tư tưởng Mao, do Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp tổ chức tại Hongkong.

Từ ba thành tố của chế độ mà Mao là cha đẻ, lý thuyết đấu tranh giai cấp từ lâu đã bị xếp xó. Chỉ còn lại chủ nghĩa xã hội của Mao, nối kết với đạo đức trong sạch và chủ nghĩa duy ý chí trong những năm tháng khốn khó. Giáo sư Xu làm việc tại Hoa Kỳ giải thích, trong một Trung Quốc đầy ắp hàng hóa ngày nay, chủ nghĩa trên không còn được ai tin tưởng, và những hành động thái quá của Bạc Hy Lai lại tặng thêm một cú đòn mới. Cho đến nỗi đã làm nhiễm độc trụ cột cuối cùng của chế độ : đó là nguyên tắc độc đảng. Nào ai biết được, khi phơi bày bấy nhiêu vụ tham nhũng và lạm dụng quyền lực của Đảng, lại không dẫn đến việc suy luận Mao chính là cội nguồn của « tội tổ tông » ?

Trong cùng một cuộc hội thảo trên, giáo sư Thụy Điển Torbjörn Lodén của trường đại học City University ở Hongkong cho rằng, nạn tham nhũng « là do sư độc quyền chính trị của Đảng, và khả năng các nhà lãnh đạo ban phát ân huệ cho thân nhân mình hay các đối tác làm ăn của mình », hơn là những lệch lạc của việc tự do hóa, như quan điểm của phe Tân Mao.

Khi hạ bệ Bạc Hy Lai, Trung Quốc qua đó đã gián tiếp thanh toán một mảng di sản của Mao Trạch Đông ? Có thể lắm chứ !

Mời đọc lại:

Tây Ban Nha: Tiếp tục giam giữ nghi can cầm đầu mạng lưới mafia Trung Quốc


Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 
Nguồn tin tư pháp Tây Ban Nha cho biết, hôm qua 19/10/2012, doanh nhân Trung Quốc Cao Bình (Gao Ping), chủ một galery tranh bị nghi ngờ là người đứng đầu mạng lưới mafia chuyên rửa hàng trăm triệu euro, đã bị tiếp tục giam giữ để điều tra.

Ông Cao Bình, 45 tuổi, nằm trong số 82 nghi can bị bắt giữ tuần này, trong khuôn khổ một chiến dịch quy mô mang tên « Chiến dịch Hoàng đế », huy động trên 500 cảnh sát trên toàn quốc Tây Ban Nha, nhắm vào giới kinh doanh Trung Quốc.

Cảnh sát đã tịch thu 10 triệu euro tiền mặt, 200 chiếc xe, súng ống, nữ trang và nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong số 82 nghi can đã được thẩm phán Fernando Andreu thẩm vấn trên đây, có 47 người bị tạm giam, trong đó có vợ chồng ông Cao Bình, 23 người được tạm tha, sau khi nộp tiền bảo chứng, còn 12 người được trả tự do.

Công tố viên Antonio Salinas phụ trách chống tham nhũng, thông báo rằng mạng lưới này chuyên rửa tiền khoảng 300.000 euro một năm, trốn thuế, hối lộ các viên chức và làm giả giấy tờ. Giám đốc cảnh sát Ignacio Cosido cho báo chí biết, đây là một chiến dịch lịch sử được tiến hành sau ba năm điều tra, rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm kinh tế.

Ông Cao Bình là người gốc Chiết Giang, một tỉnh ở miền đông bắc Trung Quốc, là một trong những Hoa kiều nổi tiếng nhất tại Tây Ban Nha. Ông là chủ nhân của nhiều đơn vị kinh doanh, trong đó có những galery tranh ở Madrid và ở Bắc Kinh.

Cảnh sát và tòa án nghi ngờ ông Cao Bình là người cầm đầu mạng lưới mafia ở Tây Ban Nha. Ông đã bị thẩm vấn cùng với 10 nghi can khác được cho là nhóm điều hành mạng lưới tội phạm này. Trong số các nghi can hàng đầu còn có ngôi sao phim khiêu dâm Nacho Vidal, nhưng diễn viên này nói rằng mình vô tội.

tags: Tây Ban Nha - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121021-tay-ban-nha-tiep-tuc-giam-giu-nghi-can-cam-dau-mang-luoi-mafia-trung-quoc 

Miến Điện chấp nhận viện trợ nước ngoài cho người Hồi giáo

Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 
Tổng thống Thein Sein hôm nay 21/10/2012 tuyên bố, Miến Điện không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận viện trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế, đáp ứng cho nhu cầu của hàng chục ngàn người Hồi giáo phải tản cư vì bạo lực giữa các cộng đồng ở miền tây.

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi trở thành người đứng đầu chính phủ mới thay thế tập đoàn quân sự, ông Thein Sein nói rằng : « Nếu từ chối viện trợ nhân đạo, thì cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận chúng ta, cho rằng Miến Điện không nhân đạo. Cần phải nuôi sống người dân, và việc này tốn kém khoảng 10.000 đô la một ngày, mà chính phủ không có khả năng ».

Các vụ bạo động đã xảy ra giữa những người Hồi giáo - chủ yếu là người thiểu số du cư Rohingya - với những người Rakhine theo Phật giáo, đã làm cho ít nhất 90 người chết tại bang Rakhine kể từ tháng Sáu. Hàng trăm căn nhà đã bị thiêu hủy, hàng chục ngàn người phải đi lánh nạn, và hơn 50.000 người Hồi giáo vẫn đang phải sống trong các trại tị nạn trong điều kiện rất thiếu thốn.

Tuyên bố của Tổng thống Thein Sein được đưa ra vài ngày, sau khi ông từ chối cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) mở văn phòng đại diện để giúp đỡ những người sơ tán, do hàng ngàn nhà sư Phật giáo đã biểu tình phản đối tổ chức này. Nhưng ông cam kết là chính phủ Miến Điện tiếp tục chấp nhận viện trợ nhân đạo của các nước Hồi giáo.

Hiện nay, tại Miến Điện, có 800.000 người Rohingya sống tại bang Rakhine, nhưng không có quốc tịch. Liên Hiệp Quốc xem họ là một trong những dân tộc thiểu số bị trấn áp nhiều nhất trên thế giới.

tags: Châu Á - Miến Điện - Tôn giáo - Đạo Hồi
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121021-mien-dien-chap-nhan-vien-tro-nuoc-ngoai-cho-nguoi-hoi-giao

Hai ứng viên tổng thống Mỹ tranh luận lần cuối về đối ngoại

Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 
Ngày mai, 22/10/2012, Barack Obama và Mitt Romney sẽ tham gia cuộc tranh luận truyền hình cuối cùng, tập trung vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ứng viên đảng Cộng hòa nhân dịp này sẽ đả kích chính sách của Tổng thống mãn nhiệm, đặc biệt là vụ tấn công tại Benghazi, Libya khiến cho đại sứ Mỹ thiệt mạng.

Chỉ còn hai tuần lễ là đến thời điểm bầu cử ngày 6/11, hai ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ tại trường đại học Boca Raton ở bang Florida để tranh luận lần thứ ba. Tổng thống Obama đã thất thế trong kỳ tranh luận thứ nhất, và đã lấy lại thế thượng phong ở lần hai vào thứ Ba vừa rồi.

Đối với cử tri Mỹ, chính sách đối ngoại không được coi trọng như vấn đề kinh tế, ngoại trừ trong tình hình nghiêm trọng. Chẳng hạn ông Jimmy Carter đã từng phải trả giá vào năm 1980, trong vụ khủng hoảng con tin Iran kéo dài ; còn ông George W.Bush thì lại được tập trung ủng hộ trong thời gian chiến tranh Irak.

Ông Obama nêu bật việc ông đã thực hiện được những lời hứa quan trọng, như việc rút quân khỏi Irak và khởi đầu quá trình chuyển tiếp tại Afghanistan, cũng như những chiến tích trước Al Qaida. Việc giết được thủ lãnh của tổ chức khủng bố này vào tháng 5/2011 đã vô hiệu hóa tố cáo của phe Cộng hòa là phe Dân chủ quá nhu nhược trong vấn đề an ninh.

Với vai trò người chỉ huy tối cao của quân đội, Tổng thống Obama ngoài việc ra lệnh đột kích giết Ben Laden, còn cho tấn công giáo sĩ Yemen cực đoan Anwar Al Aulaqi, và hàng ngàn nghi can Hồi giáo cực đoan khác. Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, ông Romney đã tìm cách làm giảm nhẹ các thành công của ông Obama, nhất là trong hồ sơ Iran, cho rằng chỉ bốn năm nữa là Iran có được bom nguyên tử.

Tuy nhiên, lời tố cáo này sẽ không hiệu quả nếu Teheran chấp nhận thương thuyết thực sự, do nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt. Ông Romney cũng lên án ông Obama là đã « bỏ rơi » Israel, có thái độ thụ động trong hồ sơ Syria cũng như tại các nước « Mùa xuân Ả Rập », nhưng chủ đề chính vẫn là vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi làm 4 người chết trong đó có đại sứ Mỹ tại Libya.

Sau cuộc tranh luận truyền hình cuối cùng, từ thứ Ba 23/10, cả hai ứng viên sẽ tiếp tục đi vận động tại các địa phương. Hiện ông Obama vẫn đang có lợi thế tại các tiểu bang quan trọng, nhưng theo thăm dò trên toàn quốc thì hai bên vẫn ngang ngửa.

tags: Bầu cử - Hoa Kỳ (Mỹ) - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121021-hai-ung-vien-tong-thong-my-tranh-luan-lan-cuoi-ve-doi-ngoai 

Philippines tưng bừng mừng vị thánh tử đạo thứ hai

Bài đăng : Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012 
Philippines, quốc gia có nhiều người Công giáo nhất châu Á, hôm nay 21/10/2012, tổ chức lễ mừng trọng thể việc phong thánh cho một thanh niên Philippines tử đạo vào thế kỷ 17, lúc mới 17 tuổi. Đây là vị thánh thứ hai người Philippines được Vatican tấn phong.

Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố hôm nay là « ngày lễ quốc gia », và gởi đến Vatican một phái đoàn đông đảo do phó tổng thống Jejomar Binay dẫn đầu. Có khoảng 5.000 tín đồ Philippines đã du hành đến tận Vatican để tham gia sự kiện quan trọng này. Tại Manila, đám đông chen chúc ở nhà thờ Sto Nino de Tondo trong thánh lễ mừng Pedro Calungsod (1654-1672) được phong thánh.

Ba màn hình khổng lồ được dựng lên ở thủ đô để người dân xem trực tiếp truyền hình buổi lễ phong thánh tại Roma. Khi Đức Giáo hoàng đọc tên bảy vị thánh mới, chuông của tất cả các giáo đường trên toàn quốc Philippines đã được ngân vang trong nhiều phút để mừng vị thánh người Philippines.

Pedro Calungsod đã bị sát hại tại đảo Guam vào năm 1672 trong lúc đang nỗ lực thuyết phục cư dân tại đây cải đạo. Do tử đạo lúc còn trẻ tuổi, nên ông được người Philippines xem là thánh bổn mạng của thanh niên. Vị thánh đầu tiên của Philippines là Lorenzo Riuz, một nhà truyền giáo bị sát hại năm 1637 tại Nhật Bản và được phong thánh năm 1987.

Có 80-90% trong số 90 triệu người Philippines theo Công giáo, do vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha trước đây, và Giáo hội Công giáo duy trì ảnh hưởng lớn lao. Philippines cũng là nước cuối cùng trên thế giới, ngoài Vatican, cấm đoán việc ly dị.

tags: Châu Á - Philippines - Tôn giáo - Vatican - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121021-philippines-tung-bung-mung-vi-thanh-tu-dao-thu-hai 

vendredi 19 octobre 2012

Dân Bắc Triều Tiên vẫn thiếu đói, dù Kim Jong Un hứa cải cách

Nông dân BTT trên cánh đồng tập thể.
Bài đăng : Thứ sáu 19 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 19 Tháng Mười 2012 
Cuộc phỏng vấn hiếm hoi bốn người dân Bắc Triều Tiên sống tại Đan Đông, thành phố Trung Quốc giáp ranh cho thấy trên thực tế, cuộc sống vẫn rất chật vật, hầu như không thay đổi mấy từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền.

Phụ trang của Le Figaro hôm nay dịch lại một bài phóng sự trên tờ New York Times mang tựa đề « Những thay đổi nhỏ nhoi tại Bắc Triều Tiên ». Bài viết mở đầu với câu chuyện của một phụ nữ 52 tuổi chuyên nuôi heo, cho biết họ của bà là Kim. Hàng tuần, khi đi mua hàng tại trung tâm Bình Nhưỡng, bà cố không nhìn đến những căn hộ mới xây, những chiếc xe hơi Mercedes đậu dọc theo các đại lộ trước đây hoang vắng, và trang phục lịch lãm của các thiếu nữ. Bà không bao giờ đến Công viên giải trí nhân dân Runga, nơi từ mùa hè rồi con em của tầng lớp ưu đãi tha hồ vui chơi. Bà Kim nói : « Tại sao tôi phải quan tâm đến cách ăn mặc mới mẻ của các viên chức cao cấp và con cái họ, trong khi tôi không thể nuôi nổi gia đình mình ? ». Bà cho biết, hai con trai của bà luôn bệnh hoạn vì suy dinh dưỡng, và những người hàng xóm kém may mắn hơn thì đã chết vì thiếu đói.

Từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền cách đây mười tháng, thủ đô Bình Nhưỡng có vẻ đã trở mình, theo như các nhà ngoại giao, các tổ chức từ thiện và các giảng viên đại học có dịp đến đây. Nhưng cuộc phỏng vấn những người dân Bắc Triều Tiên hiếm hoi chịu trả lời, đã cho thấy không hề có một tiến triển nào. Trên thực tế cuộc sống còn khó khăn hơn, dù nhà lãnh đạo trẻ tuổi có hứa hẹn cải thiện điều kiện sống người dân. Kim Jong Un cũng đã làm cho thế giới hy vọng là Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ tham vọng quân sự, tập trung cho cải cách kinh tế.

Giá thực phẩm tăng cao do hạn hán và do vụ phóng hỏa tiễn thất bại hồi tháng Tư. Các tổ chức phát triển lên án những kẻ đầu cơ đã làm cho giá gạo tăng gấp đôi kể từ đầu mùa hè, tình trạng thiếu nhiên liệu, điện và nguyên vật liệu khiến cho đa số nhà máy phải ngừng hoạt động, làm hàng triệu công nhân phải thất nghiệp.
Bà Park, 50 tuổi, đảng viên đảng Lao động tại một thành phố lớn, cũng trả lời với điều kiện chỉ nêu họ chứ không nói tên như bà Kim, vì sợ bị trả thù khi trở về Bắc Triều Tiên. Bà cho biết : « Chúng tôi đã từng hy vọng Kim Jong Un sẽ đem lại cho dân một cuộc sống khá hơn, nhưng lãnh tụ đã làm chúng tôi thất vọng ».

Để nuôi sống gia đình, bà Park phải bán những chiếc bánh làm bằng bột bắp ngoài chợ, nhưng than phiền rằng các trẻ em đói khát thường ăn cắp hàng hóa của bà. Bà cho biết thường trông thấy xác chết của của những người quá yếu sức nên không thể trộm cắp được thức ăn, và nói thêm : « Nếu tôi có đồ ăn thì tôi đã cho họ rồi », và xấu hổ cúi mặt tránh những cái nhìn.

Đương nhiên là Kim Jong Un có phong cách lãnh đạo mới mẻ : ông để cho phụ nữ được ăn mặc theo kiểu phương Tây, và, trái với truyền thống, đã nhìn nhận thất bại sau vụ phóng hỏa tiễn được tuyên truyền rầm rộ. Ngược lại, không có gì chứng tỏ những cải cách kinh tế là quan trọng như đã loan báo. Chẳng hạn như dự án được đưa ra vào mùa xuân – theo các nhóm người tị nạn Bắc Triều Tiên – cho phép nông dân được giữ lại 30% sản lượng.

Nhà nước cũng có chương trình cho phép hàng ngàn người kiếm được ngoại tệ khi làm việc tại thành phố Đan Đông và ngoại vi, một đô thị đang phát triển, với những nhà hàng món nướng lung linh ánh điện, khiến những người Bắc Triều Triên với chiếc bụng rỗng phải thèm thuồng. Tuy vậy, bốn người dân chịu trả lời phóng viên đều không tỏ ra lạc quan.

Họ kể rằng, những người ăn xin lang thang kiếm sống đầy trên các sân ga, trong khi các doanh nhân có thế lực tiếp tục làm giàu qua việc buôn bán với Trung Quốc, các viên chức thì bỏ túi những khoản tiền phạt và tiền hối lộ. Cả bốn nhân chứng này đều e dè : nếu bị phát hiện nói chuyện với các nhà báo hay các nhà truyền giáo, họ có nguy cơ bị bắt đi cải tạo. Một người khẳng định : « Nếu chính quyền phát hiện tôi đang đọc Kinh thánh, thì cuộc đời tôi coi như chấm hết ».

Sự tăng cường an ninh ở hai bên biên giới làm cho việc trốn sang đất Trung Quốc nay rất khó khăn. Các nhà hoạt động chuyên giúp người Bắc Triều Tiên sang tị nạn ở Hàn Quốc cho biết những cuộc càn quét của công an Trung Quốc và các vụ đàn áp buôn lậu đã làm cho số người tị nạn ít hẳn đi.

Số ít người may mắn sang được Đan Đông sững sờ khi trông thấy những chiếc xe hơi đậu san sát trên đường, được tắm nước nóng, được nói những gì mình nghĩ. Nhưng nỗi vui mừng to lớn nhất của họ là đồ ăn thức uống tràn trề và đa dạng. Nếu những người đồng hương lo nhồi nhét vào dạ dày nào cơm, nào những chiếc bánh nhân thịt, thì bà Kim chỉ ăn toàn táo trong năm ngày đầu tiên trên đất Trung Quốc. Bà nói từ nhỏ đến lớn chưa hề biết được mùi vị thứ trái cây này. Người phụ nữ kết luận : « Tôi từng nghĩ là đất nước tôi tốt đẹp, nhưng tôi đã lầm to ».

Bốn mươi triệu đàn ông Trung Quốc sẽ ế vợ

Còn tại Trung Quốc, thông tín viên của tờ báo miễn phí « 20 minutes » tại một ngôi làng ở tỉnh Hà Bắc, mô tả tình cảnh của những người đàn ông ở đây : họ không thể nào tìm được vợ. Bài viết mang tựa đề « Ai nấy đều lo kiếm vợ ».

Tại ngôi làng Tiancun có 3.000 dân này, có 10% đàn ông đành phải sống độc thân, còn ở tầm quốc gia, thì 40 triệu người đàn ông Trung Quốc từ khoảng 2020-2030 có nguy cơ không lấy được vợ. Theo nhà xã hội học Mỹ Dudley Poston, thì đó là do truyền thống trọng nam khinh nữ, cùng với chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, đã tạo nên tình trạng mất cân bằng nam nữ nghiêm trọng.

Cụ Vương, một vị trưởng thượng 75 tuổi của làng cho biết, ở đâu cũng thế, nam luôn nhiều hơn nữ, và tại những địa phương xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là ở miền nam và miền tây, còn có một số làng chỉ toàn đàn ông. Bà Lý, một phụ nữ trong làng nói thêm : « Những ai không lấy được vợ trước hết là những người đời sống không khá giả. Tại làng này người ế vợ có đủ lứa tuổi, từ 18 đến 50 ». Còn ông Dương, một người đàn ông 40 tuổi được phóng viên hỏi chuyện thì cố tranh thủ tìm một hy vọng mỏng manh : « Liệu ông có thể giúp tôi làm quen với các phụ nữ Pháp được không ? »

Số phận một nhà đấu tranh cho môi trường Trung Quốc

Cũng tại Trung Quốc, nhật báo Le Monde viết về « Số phận của ông Lưu Phúc Đường đã khiến các nhà hoạt động vì môi trường Trung Quốc phải lên tiếng ». Cựu viên chức ngành lâm nghiệp ở đảo Hải Nam bị bắt ngay tại giường bệnh và đang phải ra tòa vì tội « in ấn, xuất bản và phân phối bất hợp pháp » ba quyển sách nói về việc phá hoại môi trường trên đảo.

Ông Lưu Phúc Đường (Liu Futang), 65 tuổi, bị tiểu đường, hồi tháng Bảy đã bị công an đến bắt ngay tại bệnh viện Hải Khẩu, nơi ông điều trị cao huyết áp và bị giam giữ ở một nơi bí mật. Phiên tòa xử ông đã được mở ra ngày 11/10 và hiện chưa có phán quyết, nhưng ông có nguy cơ lãnh bản án 5 năm tù giam. Hiện có hơn hai chục tổ chức phi chính phủ và hàng trăm nhân vật thuộc các hiệp hội và trong ngành báo chí Trung Quốc đã đứng ra vận động các mạng xã hội và các báo để bảo vệ cho ông.

Theo tờ báo, nghịch lý là ở chỗ tại Trung Quốc, các cuộc đấu tranh vì môi trường thường được dung thứ hơn là đấu tranh cho nhân quyền, trừ phi đụng chạm đến lợi ích của các viên chức địa phương và các tập đoàn nhà nước. Đó cũng là lý do khiến ông Lưu Phúc Đường, từng được tờ The Guardian trao giải « Nhà báo công dân », đã bị bắt một cách thô bạo : nhờ sự hỗ trợ của ông, dân cư địa phương đã thành công trong việc chống lại dự án một nhà máy nhiệt điện mà chính quyền định áp đặt.

Kinh tế Trung Quốc đang ở cuối chu kỳ tăng trưởng

Trong lãnh vực kinh tế, bài xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos mang tựa đề « Ngôi sao Trung Quốc và các lỗ đen » nhận định, sau khi phát triển theo thuyết trọng thương một cách vô độ, chủ nghĩa tư bản kiểu Trung Quốc nay đang bị đe dọa bởi một nền tài chính không thể kiểm soát nổi.

Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm nay là 7,4%, một nhịp độ mà kinh tế Pháp chưa bao giờ đạt được từ sau khi chiến tranh thế giới chấm dứt đến nay, nhưng đây lại là tỉ lệ thấp chưa từng thấy trong vòng ba chục năm qua của người khổng lồ châu Á. Những con số mới nhất thì cho thấy từ tiêu thụ cho đến xuất khẩu, đầu tư đang tiếp tục tăng, và Trung Quốc tiếp tục là siêu sao của toàn cầu.

Nhưng theo Les Echos, thì mọi sự giờ đây không còn như trước nữa. Nghi ngờ ngày càng tăng, khi người ta dựa theo những chỉ số cụ thể và khó phù phép, như sản lượng điện và xi-măng, hay theo ý kiến của các nhà mua hàng. Xuất khẩu bị hãm phanh do lương công nhân tăng, đồng nhân dân tệ ở mức cao, đơn đặt hàng từ châu Âu giảm. Đầu tư không thể đổ vào hơn nữa, chẳng hạn chi tiêu cho thiết bị đường sắt đã tăng đến 78% trong vòng một năm.

Dưới áp lực của Bắc Kinh, các công ty quốc doanh và các chính quyền địa phương đã đầu tư quá nhiều trong công cuộc tái thúc đẩy nền kinh tế hồi năm 2008, để xây dựng những nhà máy để không và những cây cầu không được sử dụng. Và việc lại đổ tiền vào địa ốc sẽ làm nhà đất tăng giá, trong khi đại đa số người dân không có khả năng tậu được một mái nhà riêng.

Tác giả nhận định, trên thực tế, Trung Quốc đang ở cuối chu kỳ tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo nước này hoàn toàn ý thức được là phải hướng về tiêu dùng. Theo các chuyên gia thì tỉ lệ tăng trưởng sắp tới chỉ cò, từ 6 đến 8% một năm, và Trung Quốc có nguy cơ rơi vào lỗ đen của tài chính. Các ngân hàng tràn ngập nợ xấu, và rồi những lỗ đen này sẽ nuổt trọn tất cả vùng ánh sáng. Bài báo kết luận, rốt cuộc về thực chất, thì chủ nghĩa tư bản Trung Quốc cũng chẳng khác mấy với phương Tây.

Libya hậu Kadhafi : Tương lai bất định vì phe Hồi giáo

Nhìn sang Bắc Phi, trong bài viết « Libya, năm thứ nhất hậu Kadhafi », tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận xét, một năm sau cái chết của nhà độc tài, tuy Libya không rơi vào hỗn loạn, nhưng chính quyền vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực vãn hồi trật tự. Phe Hồi giáo, được những người bảo thủ ủng hộ, đã làm cho tương lai đất nước trở nên bất định.

Đúng một năm sau khi Mouammar Kadhafi bị hạ sát ngày 20/10/2011 trên đường chạy trốn, Quốc hội lâm thời Libya đã bầu ra được Thủ tướng, bắt đầu soạn thảo Hiến pháp mới, và việc sản xuất dầu được tiếp tục. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã chùn chân sau vụ những người Hồi giáo cực đoan sát hại đại sứ Mỹ ở Benghazi cách đây một tháng.

Đảng Công lý và Xây dựng do phe Huynh đệ Hồi giáo giật dây đã chiếm được 17 trong số 80 ghế dành cho các đảng chính trị, và trong 120 ứng cử viên « độc lập », đã có đến khoảng ba chục người là các nhân vật cao cấp của Huynh đệ Hồi giáo. Tuy không đề cử ứng viên cho chức Thủ tướng để dư luận khỏi e ngại, nhưng một trong những mục tiêu của phe này là đưa được luật Hồi giáo charia vào Hiến pháp Libya. Theo một trong số ba mươi dân biểu trên, thì « Hầu như tất cả các dân biểu đều đồng ý, vì ở Libya, mọi người đều là người Hồi giáo và bảo thủ ».

tags: Bắc Triều Tiên - Cải cách - Châu Á - Chính trị - Kinh tế - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121019-dan-bac-trieu-tien-van-thieu-doi-du-kim-jong-un-hua-cai-cach