samedi 22 septembre 2012

Nga cấm USAID hoạt động vì đã "can thiệp" nội bộ

Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Chín 2012 
Hôm nay 19/09/2012, chính quyền Nga thông báo đã hạn định cho Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) đến ngày 01/10/2012 tới phải chấm dứt hoạt động. Matxcơva lên án tổ chức này đã can thiệp vào việc nội bộ bằng cách hỗ trợ các nhóm chuyên chỉ trích chính phủ.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết : « Quyết định này được đưa ra vì việc làm của những người chịu trách nhiệm của cơ quan trên tại đất nước chúng tôi không phù hợp chút nào với mục tiêu đã tuyên bố, là tạo điều kiện phát triển hợp tác nhân đạo song phương. Đúng ra đây là những mưu toan gây ảnh hưởng lên các tiến trình chính trị thông qua việc tài trợ. Xã hội công dân Nga đã đủ chín chắn và không cần đến các mệnh lệnh từ bên ngoài ». 

Matxcơva nhấn mạnh, rất lo ngại về các hoạt động của USAID tại Bắc Kapkaz, khu vực có phong trào nổi dậy Hồi giáo vũ trang, mà các tổ chức phi chính phủ thường tố cáo các vụ lạm dụng quyền lực của lực lượng an ninh Nga.

Từ nhiều năm qua, USAID là nguồn hỗ trợ tài chính chủ yếu cho nhiều tổ chức phi chính phủ của xã hội công dân và các hiệp hội bảo vệ nhân quyền tại Nga. Nhiều tổ chức phi chính phủ Nga hôm nay đã bày tỏ sự quan ngại cho tương lai, sau thông báo buộc USAID chấm dứt hoạt động.

Arseni Roguinski, chủ tịch tổ chức Memorial nói với AFP : « Không thể không thấy được trong quyết định này là sự theo đuổi chính sách cô lập của chính quyền Nga », và nhấn mạnh, hỗ trợ tài chính của USAID rất « ý nghĩa » đối với hiệp hội bảo vệ nhân quyền này. Chủ tịch Golos, bà Lilia Chibanova cho rằng quyết định của Matxcơva « liên quan đến việc giám sát độc lập các cuộc bầu cử ». 

USAID đã tài trợ cho Golos, tổ chức đã tố cáo những vụ gian lận trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng 12/2011. Washington đã chỉ trích cuộc bầu cử này, và ngược lại ông Vladimir Putin lên án Mỹ xúc giục phong trào phản kháng.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vừa được Matxcơva thông báo quyết định chấm dứt mọi hoạt động của USAID tại Nga. Là cơ quan cấp trên của USAID, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố « vô cùng tự hào với những gì USAID đã làm tại Nga trong hai thập kỷ gần đây ». 

Từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, USAID đã chi ra 2,7 tỉ đô la tại Nga. Ngoài việc hỗ trợ các tổ chức bảo vệ nhân quyền, số tiền này còn được dành cho nhiều dự án khác như đấu tranh chống SIDA, hay bảo vệ môi trường.

tags: Hoa Kỳ - Nga - Quốc tế - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120919-nga-cam-usaid-hoat-dong-vi-da-can-thiep-noi-bo 

Số người giàu tại châu Á vượt hơn Bắc Mỹ

Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Chín 2012 
Theo một công trình nghiên cứu được công bố hôm nay 19/09/2012, số người giàu ở châu Á lần đầu tiên đã vượt qua Bắc Mỹ trong năm ngoái, tuy tổng tài sản của họ có giảm đi đôi chút. Báo cáo của Pacific, Capgemini và RBC Wealth Management cho biết, khu vực châu Á và châu Đại dương hiện có 3,37 triệu người có từ một triệu đô la trở lên để đầu tư.

Trong khi đó số người giàu ở Bắc Mỹ hiện là 3,35 triệu người ; và ở châu Âu là 3,17 triệu người. Có 54% số người giàu châu Á sống ở Nhật, gần 17% tại Trung Quốc, hơn 5% tại Úc. Tổng tài sản của người giàu châu Á là 10.700 tỉ đô la, so với năm 2010 là 10.800 tỉ đô la. Còn tại Bắc Mỹ, tổng tài sản của những người giàu là 11.400 tỉ đô la.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho tài sản của người giàu ở Hồng Kông giảm đi hơn 20%, ở Ấn Độ giảm 18%. Ngược lại ở Thái Lan thì tăng 9,3%, tại Indonesia tăng 5,3%.

Thêm 11 tỉ phú Mỹ cam kết tặng phân nửa tài sản

Đã có thêm 11 tỉ phú Mỹ thuận theo sáng kiến do Bill Gates và Warren Buffett, hai người giàu nhất Hoa Kỳ đề ra, là sẽ tặng phân nửa số tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, nâng tổng số các tỉ phú Mỹ gia nhập câu lạc bộ « Giving Pledge » lên 92 người.

Giving Pledge (tạm dịch : « Trao lời cam kết ») được thành lập năm 2010 bởi người đồng sáng lập Microsoft là Bill Gates, và nhà đầu tư Warren Buffett. Họ nỗ lực thuyết phục các tỉ phú khác trên thế giới tặng ít nhất phân nửa tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện. Trong số các thành viên của câu lạc bộ có thể kể : người sáng lập kênh truyền hình CNN là Ted Turner, thị trưởng New York Michael Bloomberg, đạo diễn George Lucas…

tags: Châu Á - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120919-so-nguoi-giau-tai-chau-a-vuot-hon-bac-my 

Việt Nam : Ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố 2 tội danh mới, bắt thêm 2 đồng phạm

Ông Nguyễn Đức Kiên
Bài đăng : Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 
Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Công an Việt Nam hôm nay 18/09/2012 cho biết, nhà tài phiệt ngành ngân hàng Nguyễn Đức Kiên đã bị bắt vào tháng trước, sẽ bị khởi tố thêm hai tội danh mới. Còn báo chí Việt Nam nói thêm, có hai người thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư ACB tại Hà Nội cũng bị bắt và khởi tố với vai trò đồng phạm.

Thông báo của Bộ Công an nói rằng, cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can và khởi tố vụ án đối với ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), về tội « cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng » theo điều 165 Luật Hình sự.

Bên cạnh đó cơ quan điều tra còn ra quyết định bổ sung khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên về tội « lừa đảo chiếm đoạt tài sản » theo điều 139 Luật Hình sự.

Ông Nguyễn Đức Kiên có cổ phần trong nhiều ngân hàng lớn ở Việt Nam, và là một trong những người sáng lập ngân hàng ACB, một ngân hàng tư nhân thuộc loại hàng đầu ở Việt Nam, mà ngân hàng Standard Chartered là một trong những đối tác chiến lược.

Nhà tài phiệt 48 tuổi này đã bị bắt vào ngày 20/8 vì tội « kinh doanh trái phép », mà theo AFP, đối với các chuyên gia luật pháp thì khá mơ hồ, có thể lãnh một bản án khá nhẹ. Sau đó một ngày, đến lượt Tổng giám đốc của ngân hàng ACB Lý Xuân Hải bị bắt giam vì « cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng ».

Cũng trong ngày hôm nay, công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam hai người được cho là đồng phạm của ông Nguyễn Đức Kiên. Đó là ông Trần Ngọc Thanh, giám đốc và bà Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư ACB tại Hà Nội, một công ty đầu tư nhỏ do ông Kiên làm chủ.

Hãng tin Pháp nêu cảnh báo của các nhà quan sát, nhận định xì-căng-đan đang lan rộng này có thể làm tăng lo sợ cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lãnh vực ngân hàng vốn nhạy cảm.

Trước đó, các chuyên gia cũng đã cho rằng vụ bắt giữ hai nhân vật quan trọng trên đây trong ngành ngân hàng là một phần của cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng. Ông Nguyễn Đức Kiên được xem là một người thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và theo tin đồn trên mạng thì ông có quan hệ làm ăn với con gái của Thủ tướng.

Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho biết, do tội danh « cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng » gắn liền với chức vụ của ông Nguyễn Đức Kiên ở ACB, nên cổ phiếu của ngân hàng này hôm nay đã bị mất giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Luật sư Trần Vũ Hải - Hà Nội
18/09/2012
by Thụy My

tags: Kinh tế - Ngân hàng - Pháp luật - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120918-viet-nam-ong-nguyen-duc-kien-bi-khoi-to-hai-toi-danh-moi-bat-them-hai-dong-pham 

Miến Điện : Lần đầu tiên kỷ niệm cách mạng áo cà sa 2007

Bài đăng : Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 
Hàng trăm người Miến Điện trong đó có nhiều tu sĩ Phật giáo, hôm nay 18/09/2012, tập họp tại Răngun để kỷ niệm « cuộc cách mạng áo cà sa » năm 2007. Đây là lần đầu tiên các nhà đối lập tổ chức được lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy từng bị tập đoàn quân sự đàn áp làm hàng chục người thiệt mạng.

Dammha, một nhà sư đã từng ở tù hơn bốn năm nói với AFP : « Những năm qua chúng tôi không tổ chức được một buổi lễ như thế này vì đang còn bị tù, nhưng chúng tôi vẫn cầu nguyện cho những người đã hy sinh ».

Buổi lễ kỷ niệm được các nhà sư từng bị tù đày tổ chức trong một ngôi chùa ở ngoại ô Răngun. Họ bị giam cầm vì đã tham gia các cuộc biểu tình diễn ra vào tháng 9/2007, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia.
« Cuộc cách mạng áo cà sa » do các tu sĩ Phật giáo tiến hành nhằm phản đối việc chính phủ đột ngột tăng cao giá hàng hóa làm cho đời sống người dân khốn đốn. Đây là một thách thức đối với nhà cầm quyền sau cuộc nổi dậy đòi dân chủ năm 1988. Cả hai phong trào phản kháng trên đây đều bị thẳng tay đàn áp.

Sandar Thiri, một người trong ban tổ chức cho biết, tuy không đạt được mọi yêu sách, nhưng họ vẫn giữ được tinh thần của cuộc cách mạng áo cà sa. Ko Ko Gyi, một lãnh tụ phong trào 1988 được phóng thích vào đầu năm, có mặt trong buổi lễ, đã hoan nghênh vai trò và tinh thần trách nhiệm của các nhà sư trong cuộc cách mạng này.

Dưới chế độ của tập đoàn quân sự trước đây, không có bất kỳ lễ kỷ niệm nào về cuộc cách mạng áo cà sa được tổ chức. Năm ngoái, sau khi tân chính phủ vừa lên nắm quyền, khoảng 200 người dự tính biểu tình kỷ niệm tại Răngun, nhưng rốt cuộc đã từ bỏ ý định theo yêu cầu của cảnh sát.

tags: Châu Á - Dân chủ - Miến Điện - Theo dòng thời sự - Tôn giáo - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120918-mien-dien-lan-dau-tien-ky-niem-cuoc-cach-mang-ao-ca-sa-nam-2007 

Miến Điện trả tự do cho khoảng 60 tù chính trị

Bài đăng : Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 

Theo tin từ đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi, khoảng 60 tù nhân chính trị đã được phóng thích hôm nay 18/09/2012, trong khuôn khổ lệnh ân xá thêm 500 tù nhân, được chính quyền Miến Điện loan báo hôm qua.

Nine Nine, thành viên của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ cho AFP biết, có khoảng 60 người tù chính trị đã được trả tự do, trong khi tổng số tù chính trị tại Miến Điện được ước tính khoảng 300 người. Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), có trụ sở tại Thái Lan, khẳng định con số 58 người vừa được phóng thích.

Còn phong trào đấu tranh cho dân chủ, mang tên "Thế hệ 88", nói rằng khoảng một trăm tù chính trị có thể được ân xá trong đợt này, nhưng hôm nay chỉ có thể xác nhận 15 trường hợp. Trong số các tù nhân chính trị vừa được thả, có ít nhất tám thành viên của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, được ra khỏi nhà tù nổi tiếng Insein ở Răngun.

Truyền hình nhà nước hôm qua đã thông báo lệnh ân xá cho 514 người tù, không nêu cụ thể trong số đó có các tù nhân chính trị hay không, nhưng nói thêm là có « những người nước ngoài ». Thông báo cho biết việc ân xá nhằm phục vụ cho « sự ổn định của Nhà nước và hòa bình vĩnh cửu », và cho « tình hữu nghị với các nước láng giềng ». Có thể hiểu ngầm rằng có liên quan đến người Trung Quốc, trong lúc Tổng thống Thein Sein viếng thăm Bắc Kinh cho đến thứ Bảy 22/9 tới.

Sau khi tập đoàn quân sự cầm quyền từ nửa thế kỷ nay giải thể vào tháng 3/2011, các cựu tướng lãnh lên lãnh đạo chính phủ mới đã liên tục đưa ra những cải cách. Đáng chú ý nhất là việc cho phép lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham gia tranh cử và nay đã trở thành đại biểu Quốc hội, và trả tự do cho hàng trăm tù chính trị, trong đó có những lãnh tụ cuộc nổi dậy năm 1988.

Đợt ân xá mới này diễn ra trong lúc bà Aung San Suu Kyi đến Mỹ hôm qua trong chuyến viếng thăm ba tuần, còn Tổng thống Thein Sein cũng sẽ công du Hoa Kỳ tuần tới.

Hồi tháng Sáu, trong diễn văn đọc lúc nhận giải Nobel hòa bình, bà Suu Kyi cũng đã nhấn mạnh đến yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù chính trị tại Miến Điện.

tags: Châu Á - Miến Điện - Nhân quyền
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120918-mien-dien-tra-tu-do-cho-khoang-60-tu-chinh-tri

Thêm ba trận động đất nhẹ gần thủy điện Sông Tranh 2

Bài đăng : Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 18 Tháng Chín 2012 
Theo báo chí trong nước, vào rạng sáng hôm nay 18/09/2012 tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã liên tiếp xảy ra ba trận động đất ở mức độ nhẹ. Nhiều người dân ở thị trấn và các xã lân cận thủy điện Sông Tranh 2 đã phải bỏ chạy ra khỏi nhà.

Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, một người dân ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My cho biết :

Người dân Trà Bui
18/09/2012
by Thụy My
tags: Thiên tai - Thủy điện - Việt Nam
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120918-them-ba-tran-dong-dat-nhe-tai-bac-tra-my-gan-thuy-dien-song-tranh-2

lundi 17 septembre 2012

« Bia mộ » : Mao Trạch Đông và nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại

"Bia mộ" của Dương Kế Thằng vừa được phát hành tại Paris.

(AFP & Le Monde) Gần 40 triệu người Trung Quốc đã bị chết đói, hậu quả của chiến dịch Đại nhảy vọt do Mao Trạch Đông đưa ra. Nhà báo kiêm nhà sử học Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã bỏ ra 15 năm trời thu thập chứng cứ để viết ra tác phẩm « Bia mộ », tài liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay về nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Sách đã được tái bản đến lần thứ tư tại Hồng Kông.

 « Cuốn sách này là bia mộ cho cha tôi, bị chết đói vào năm 1959, bia mộ cho 36 triệu người dân Trung Quốc nạn nhân của trận đói, bia mộ cho chế độ đã gây ra thảm kịch này ». Tác giả đã viết như trên trong lời nói đầu của bản dịch tiếng Pháp vừa được nhà xuất bản Seuil phát hành tại Paris ngày 13/09/2012.

Sinh năm 1940, Dương Kế Thằng từng là phóng viên kỳ cựu của Tân Hoa Xã, và hiện nay là Phó tổng biên tập tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu). Mười lăm năm điều tra trên thực địa, với hàng ngàn trang tài liệu tìm được ở địa phương và rất nhiều nhân chứng, tác giả đã thuật lại sự điên cuồng của việc cưỡng bức tập thể hóa.

Xã hội nông thôn bị phá hủy. Để nuôi sống thành thị, người ta đã để cho nông dân phải chết đói. Những thông tin sai lạc (thổi phồng sản lượng, che giấu những trường hợp chết vì đói) được báo cáo lên trên, dẫn đến các chỉ thị mù quáng. Không ai dám cảnh báo với Mao Trạch Đông về nạn đói, vì sợ bị quy là phản cách mạng.

Bắt đầu từ cuối năm 1958, đại họa đã lan tràn : nhiều ngôi làng hoàn toàn bị xóa tên vì dân làng đã chết đói hết, những trường hợp ăn thịt người nhân rộng, những người sống sót trở nên điên loạn. Bên cạnh nạn đói, là hàng loạt các vụ bạo lực, tự tử, nhiều ngàn trẻ em bị bỏ rơi.

…Một số trang sách khiến người ta nghĩ đến sự thinh lặng của một cái xác bị chết trôi. Tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ năm 1958 đến 1962, « vài chục triệu người đã biến khỏi thế giới này, không một tiếng động, không một tiếng thở dài, trong sự thờ ơ hoặc u mê ». Giống như là một cả một vùng đất lớn và dân cư trên đó đã bị đổ sụp thành vực sâu. 

Thế nhưng không phải thiên tai hay chiến tranh đã gây ra cuộc thảm sát, để lại những người sống sót vật vờ, chỉ lo kéo dài sự sống, mà là nạn đói, một nạn đói khủng khiếp do những quyết định ngu xuẩn của lãnh đạo gây ra.

Lao động trong hợp tác xã nông nghiệp
…Từ năm 1958 tất cả phải vào hợp tác xã. Xoong nồi, bàn ghế đều bị trưng dụng, gà vịt cũng thế, không gia đình nào được tự sản xuất. Các bữa ăn được phân phối miễn phí tại các căng-tin được gọi là « điểm đấu tranh giai cấp ở nông thôn ». Chỉ trong vài tháng, sản lượng bị giảm sút thấy rõ. Một « làn sóng phóng đại » lan tràn, đưa đất nước vào cái vòng lẩn quẩn của dối trá. Sợ mất lòng cấp trên, mỗi  cấp cơ sở lần lượt thổi phồng sản lượng, còn báo chí thi nhau ca ngợi các phép lạ. Một địa phương vượt kế hoạch ? Điển hình này luôn bị nơi khác vượt qua, một cuộc đua không có hồi kết.

Từ 1959, người ta tịch thu lúa má của nông dân, kể cả lúa giống, khi họ không còn gì nữa thì bị lên án là đã che giấu. « Tại một làng ở Hà Nam, không còn một hạt thóc nào, dân bắt đầu chết đói hàng loạt. Làng có 26.691 dân, và từ tháng 9/1959 đến tháng 6/1960, đã có 12.314 người chết, tức một phần ba dân số ». Tình trạng tương tự diễn ra ở khắp nơi và trong vòng nhiều tháng trời. Trong khi đó Nhà nước vẫn còn hàng chục triệu tấn ngũ cốc trong kho, và tiếp tục xuất khẩu ! Nhiều ngàn trường hợp ăn thịt người đã được ghi nhận trong tài liệu lưu trữ của các địa phương.

Thế mà tháng 8/1958, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc vẫn giao cho sáu cơ quan nghiên cứu giải quyết một đề tài - vô nghĩa một cách bi kịch – do Mao nêu ra trong chuyến viếng thăm Hà Bắc : Làm gì đây khi chúng ta có quá nhiều lúa mì ? 

Trong vở hài kịch đáng xấu hổ này, Mao Trạch Đông đóng vai chính. Bị ám ảnh bởi cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng, ông ta không hề quan tâm đến thực tế, nhất là khi nó chứng minh là Mao đã sai lầm. Tại hội nghị Lư Sơn tháng 7/1959, tất cả những ai phản đối lại chính sách của Mao đều bị bất ngờ tuyên bố là « phần tử cơ hội hữu khuynh » và bị loại trừ. Sau đó, thảm họa đói kém đã mặc sức lan tràn, các cán bộ cao cấp của Đảng đều phải im lặng.

« Bia mộ » (Mộ Bi trong nguyên tác tiếng Hoa) là công trình khảo cứu đầu tiên về đề tài này do một người Trung Quốc tiến hành. Bị cấm ở đại lục, nhưng tác phẩm được xuất bản ở Hồng Kông – chính quyền không cản trở cũng không trấn áp tác giả. Về mặt chính thức, thì Bắc Kinh nói là nạn đói do hạn hán gây ra.

Trích đoạn :

« Trong khi nông dân chết đói, cơ quan công an cấm lan truyền tin tức ra ngoài, cấm gởi thư bằng cách kiểm soát tất cả các bưu cục. Đảng ủy Tín Dương đã buộc bưu điện phải ém lại mười hai ngàn lá thư cầu xin giúp đỡ. Tại chi bộ đảng của một làng đã mất đi 20 đảng viên vì bị chết đói, ba đảng viên sống sót đã gởi cho Tỉnh ủy một lá thư viết bằng máu yêu cầu cứu giúp nông dân. Bức thư này bị bí thư Tỉnh ủy giữ lại, ra lệnh truy lùng các tác giả và trừng trị họ. Tại quận Quang San, một bác sĩ đã bị bắt và trừng phạt vì đã nói với một bệnh nhân, chỉ cần hai bát cháo là khỏi bệnh ».

Phỏng vấn tác giả Bia mộ - "Đảo gu-lắc" made in China

Phỏng vấn tác giả Bia mộ - « Đảo gu-lắc » made in China


Tác giả Dương Kế Thăng và tác phẩm "Bia mộ" bản tiếng Hoa.
(Marianne 8-14/09/2012) Trận đói khủng khiếp trong chiến dịch Đại nhảy vọt đã làm cho 36 triệu người chết. Nhà sử học, nhà báo Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã dành 15 năm trời sưu tầm, nghiên cứu để viết ra tác phẩm “Bia mộ” nói về thảm kịch này. Tuần báo Marianne đã tiếp xúc với tác giả tại Bắc Kinh.

Năm 1960, Mao Trạch Đông rất được giới trí thức cấp tiến phương Tây hâm mộ. Cùng thời gian đó, tại Trung Quốc đã diễn ra nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng 30 đến 40 triệu người Trung Quốc, và cũng có thể lên đến trên 50 triệu người, đã chết đói mà thế giới hoàn toàn không biết đến. Đó là hậu quả của chiến dịch công nghiệp hóa thô thiển và cưỡng bức tập thể hóa ruộng đất được gọi là “Bước Đại nhảy vọt”.

Năm mươi năm đã trôi qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn cố xóa đi trong hồi ức của đất nước thời kỳ mà Đảng phải cùng gánh trách nhiệm với Mao. Nhưng một nhà sử học Trung Quốc đã chọn lựa tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về thảm kịch trên. 

Dương Kế Thằng không phải là một nhà ly khai, cũng không phải là một nhà hoạt động chính trị. Xuất thân từ một gia đình nông dân, ông biết được những gì xảy ra xung quanh Đại nhảy vọt và nạn đói tiếp theo sau đó. Năm 19 tuổi, khi cha mình bị chết đói, ông vẫn nhiệt tình phục vụ cho Đảng, và còn sáng tác một bài thơ ca ngợi chiến dịch Đại nhảy vọt. Nhiều năm sau đó, khi trở thành nhà báo, ông mới nghi ngờ, đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân thực sự đã gây ra cái chết của người cha.

Các tiểu tướng Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa.
Marianne : Ông sống ở Bắc Kinh. Ông có lo ngại sau khi cuốn sách của ông được xuất bản tại Hồng Kông năm 2008 không ? Ông có thể ra nước ngoài để nói chuyện về tác phẩm của mình ?

Dương Kế Thằng : Tôi không bị một áp lực nào hết, và tôi thường xuyên được mời nói chuyện tại các trường đại học Hồng Kông và Mỹ

Từ khi ra mắt đến nay, cuốn sách đã được đón nhận như thế nào ?

Bia mộ đã nhận được nhiều giải thưởng. Cuốn sách được ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo, nhà ly khai Trung Quốc được giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010) khen ngợi và đã được hàng trăm bài báo trên báo chí quốc tế đề cập đến. Chúng tôi đã tái bản đến lần thứ tư tại Hồng Kông.

Ông nói về công chúng ở Hồng Kông, Đài Loan hoặc Hoa Kỳ, nhưng còn công chúng Trung Quốc thì sao ? Cho dù bị kiểm duyệt, nhưng sách của ông có đến được với độc giả ở Trung Quốc hay không ? Phản ứng của họ ra sao ?

Đối với những độc giả đã tìm cách đọc được, thì 99% trong số họ cho đây là một tác phẩm quan trọng. Chỉ có một thiểu số rất nhỏ người đọc không tin vào những gì mình đã đọc được. Cuốn sách được tạp chí bán chính thức của cơ quan nghiên cứu lịch sử hiện đại cởi mở đón nhận, so sánh với tác phẩm Đảo gu-lắc của Soljenitsyne. 

Dù bị cấm, sách vẫn được in lậu và bán lén lút, hoặc là những người Trung Quốc khi đi Hồng Kông đã mua và mang về Hoa lục. Một số khi về đến đại lục đã bị kiểm soát, nếu cuốn sách được tìm thấy trong hành lý của họ thì sẽ bị tịch thu. Có thể tìm mua được ở Vân Nam, Tân Cương hay trên đường phố, tại quầy của những người bán hàng lưu động. Internet cũng là một kênh phân phối rất mạnh. Tôi ước lượng có khoảng 100.000 bản sách đang được lưu hành tại Trung Quốc.

Việc một cuốn sách như sách của ông lại được so sánh với Đảo gu-lắc trên một tạp chí chính thức ở Bắc Kinh có vẻ khó tin…Trong trường hợp này, vì sao tác phẩm lại bị cấm ?

Chính Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng đáng buồn này. Trong khi đang nắm quyền, Đảng từ chối việc nghiên cứu cặn kẽ về thời kỳ này của lịch sử. Vẫn có những công nhận về mặt chính thức, không hoàn toàn chối bỏ, nhưng lại khác biệt hiển nhiên so với các nhà sử học, về hai điểm quan trọng.

Trước hết là số người chết trong nạn đói khủng khiếp đó. Theo con số chính thức thì đã có 20 triệu người Trung Quốc chết đói, còn theo ước tính của các nhà nghiên cứu thì tối thiểu là 30 triệu cho đến trên 50 triệu. Tôi thì ước lượng số người chết đói là 36 triệu. 

Điểm khác biệt thứ hai là về nguyên nhân của nạn đói. Đối với chính quyền Bắc Kinh, nguyên nhân chính là do ba năm liên tiếp bị thiên tai, tiếp theo là áp lực của Liên Xô lên Trung Quốc, và cuối cùng mới đến một ít sai lầm chính trị.

Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì thời tiết trong ba năm xảy ra nạn đói đều bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là từ chính trị, và lý do của các quyết định tai hại này là tính độc tài của chế độ.

Nạn đói vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc,  mà Đảng Cộng sản vẫn muốn chối bỏ trách nhiệm.
Ông nói là Đảng phải nhìn thẳng vào lịch sử để trút bỏ gánh nặng trên vai. Làm thế nào có thể như thế được ?

Nếu Đảng đối mặt với lịch sử và trách nhiệm của mình trong trận đói khủng khiếp, thì điều đó có thể giúp được Đảng trong việc cải cách và chấm dứt hoàn toàn với chủ nghĩa độc đoán, để hướng về dân chủ.

Các nhà lãnh đạo trong Ủy ban thường trực và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc có đọc cuốn sách của ông chưa ? Liệu tác phẩm có gây ảnh hưởng đối với Đảng, có nghĩa là đối với tương lai đất nước ?

Tôi không biết các nhà lãnh đạo cấp cao nhất có được phản hồi về công trình của tôi hay không. Nhưng ngoài kiểm duyệt ra, việc tôi không phải chịu nhiều áp lực cho thấy ít nhiều về thái độ của nhà cầm quyền.

Thái độ này có thể giải thích cho việc ông được hưởng ít nhiều tự do ?

Vâng, nhưng khoảng không gian tự do này có thể nhanh chóng biến mất, vì không có quy định nào rõ ràng cả.

Điều này tùy thuộc vào những diễn tiến và sự lựa chọn trong tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo ông thì trong tương lai gần Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào ?

Tôi khó thể hình dung ra được một sự tiến triển về mặt chính trị. Đặc thù của hệ thống Trung Quốc là tình trạng ban phát ân huệ cho người thân. Trung Quốc ngày nay là một sự kết hợp giữa quyền lực chính trị và chủ nghĩa tư bản, hậu quả của cải cách kinh tế mà không có cải cách Nhà nước. Thế thì làm thế nào có tiến triển được ? Khó lắm.

Rất khó thực hiện được một sự thay đổi về chính trị, tuy nhiên điều này lại rất cần thiết. Tình hình xã hội hết sức căng thẳng. Mỗi ngày tạp chí của chúng tôi đều nhận được nhiều thư khiếu kiện của những nạn nhân bị xử sự bất công, và các vụ nổi dậy vẫn diễn ra thường xuyên trên đất nước. Đối với chính quyền, giữ nguyên trạng không phải là một lựa chọn.

Trên cánh đồng tập thể
Ông từng là phóng viên của Tân Hoa Xã. Trong khi thu thập tài liệu nghiên cứu, ông đã từng được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp nhà báo được quyền tham khảo các tài liệu lưu trữ. Báo chí Trung Quốc đã đón nhận tác phẩm như thế nào ?

Tân Hoa Xã không phải là một khối thống nhất. Một số tuân theo đường hướng chính thức, ca ngợi vinh quang của Đảng. Số khác chỉ trích nhiều về những vấn đề xã hội. Thế nhưng khả năng duy nhất họ có được để biểu lộ chính kiến, là đưa được một tài liệu nội bộ đến cấp lãnh đạo, gợi được chú ý, mà điều này rất đáng thất vọng. Một khi đã về hưu, như trường hợp của tôi, các nhà báo mới được tự do hơn. Đó là những người đã giúp đỡ tôi.

Nhất là có một đồng nghiệp cũ đã giúp tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu. Ông ấy đã đọc cuốn sách khi xuất bản. Là một người liêm chính, ông hỗ trợ tôi trong công việc ; nhưng do rất mao-ít, nên ông cho rằng việc làm của tôi là có hại cho Đảng. Bị giằng xé giữa lương tâm về lịch sử và ý thức hệ được giáo dục xưa nay, ông ấy rất đau khổ.

Ông là đảng viên Cộng sản, vậy ông luôn là người mác-xít ?

Không. Tôi đã ra khỏi Đảng, khi thấy rằng nếu có những yếu tố nhân bản nơi Marx, thì trước hết đó là những ý tưởng được đánh dấu bởi tinh thần hệ thống, với những yếu tố không tưởng. Marx cuốn hút vì ông đứng ngay về phía giai cấp công nhân. Đó là một quan điểm đúng đắn về đạo đức. Người ta có thể tiếp tục nghiên cứu Marx. Nhưng việc áp dụng chủ nghĩa Marx thì có vấn đề vì các yếu tố nguy hiểm, như việc xóa bỏ sở hữu tư nhân. Cách áp dụng của Lênin đã tạo ra một dạng chủ nghĩa chuyên chế, dẫn đến thất bại của nhiều nhà nước.

Nhân viên một khách sạn ở Bắc Kinh xây dựng lò nấu sắt trong Đại nhảy vọt.
Ở Trung Quốc đã áp dụng thế nào ?

Tại Trung Quốc người ta thường tự hỏi đâu là ranh giới giữa Đảng và nhân dân, cứ như là có một cuộc chiến giữa chính quyền và xã hội, trong đó chính quyền là người tấn công còn nhân dân thì tự vệ. Vấn đề là ở Trung Quốc trận tuyến phòng vệ của người dân không hề hiện hữu. Chính quyền xuyên thấu toàn bộ xã hội. Về lịch sử thì độc tài là đặc trưng của hệ thống đế quốc, còn với Đảng, cái cách ý thức hệ được ghép với quyền lực đã cho phép với tay ra không hạn định.

Dưới thời Mao Trạch Đông, có Nhà nước nhưng không có xã hội, có tập thể nhưng không có cá nhân. Ví dụ cụ thể là tình trạng người nông dân dưới chế độ Mao. Họ phải chịu vô số kiểm soát, từ chế độ tem phiếu cho đến việc đi đâu cũng phải xin giấy phép, khiến cho suốt cả đời mình, người nông dân không thể đi xa khỏi cánh đồng hơn 50 km. Họ bị đóng đinh trên mảnh đất.

Hậu quả của sự cô lập này trong chiến dịch Đại nhảy vọt hết sức bi đát. Thông tin không hề đến tai, cực ít người biết được những gì đang diễn ra trên toàn quốc. Bản thân nông dân là những nạn nhân đầu tiên, cũng không ý thức được tầm cỡ của nạn đói. Khi cha tôi qua đời trong trận đói lịch sử ấy, chúng tôi vẫn coi đây là chuyện buồn riêng của gia đình. Chúng tôi không biết thảm kịch này có liên quan đến sai lầm của chế độ và các chính sách của lãnh đạo.

Khi cha ông mất đi, ông đang là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông tin vào chủ nghĩa cộng sản và tham gia tích cực vào chiến dịch Đại nhảy vọt. Ông đã mở được mắt về thực chất của chế độ vào lúc nào ?

Đó là cả một quá trình lâu dài. Tôi nghĩ rằng yếu tố quyết định là ngày 4 tháng Sáu năm 1989 (1). Nhưng việc này bắt đầu từ trước, trong cuộc Cách mạng Văn hóa (2) mà theo tôi, đã vạch trần các cán bộ Đảng. Những lá thư tố cáo đã đập tan sự sùng bái tôi vẫn có đối với các lãnh tụ. Đó là một sự giải thoát. Cách mạng Văn hóa đã làm rung chuyển mạnh mẽ Trung Quốc và quyền lực của Đảng. 

Chính Đảng đã nhìn nhận điều trên, vì sau này đã nêu ra ba cuộc khủng hoảng do thời kỳ đó gây ra. Trước hết là khủng hoảng niềm tin đối với Đảng, thứ hai là khủng hoảng niềm tin cách mạng, và thứ ba là khủng hoảng hy vọng vào tương lai. Đối với tôi, về ngắn hạn thì Cách mạng Văn hóa là một thời kỳ khủng hoảng, nhưng về lâu về dài là một sự giải phóng.

Phiên tòa xử "Bè lũ bốn tên"
Còn Mao, ông đã ngưng coi ông ta là một vị thánh từ bao giờ ?

Dần dần từng bước một, sau khi Mao chết. Nhưng Mao Trạch Đông vẫn là nhân vật trung tâm của chế độ. Những bài diễn văn chính thức luôn cho là Mao đã phạm một số sai lầm nhưng không ảnh hưởng đến công trạng của ông ta. Còn về Cách mạng Văn hóa chẳng hạn, thì chính « Bè lũ bốn tên » (3) đã lợi dụng những sai lầm cá nhân của Mao để đưa xã hội đến tình trạng hỗn loạn, chứ Mao Trạch Đông không trực tiếp liên can. Có một sự gắn kết tư duy tập thể nhằm duy trì hình ảnh của Mao, chủ nghĩa Mao vẫn là cột trụ của chính quyền Trung Quốc.

(1) Thời điểm đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn.
(2) « Đại Cách mạng Văn hóa giai cấp vô sản » đã tàn phá Trung Quốc từ 1966 đến 1976.
(3) « Bè lũ bốn tên » tức Tứ nhân bang, gồm : Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị bắt và đưa ra xét xử sau khi Mao chết.

"Bia mộ": Mao Trạch Đông và nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại

dimanche 16 septembre 2012

Cộng sản và Ferrari

Xác chiếc Ferrari đen của "công tử" Lệnh Cốc sau tai nạn.

(Le Nouvel Observateur) Ngày 18/03/2012, một chiếc xe Ferrari phóng như bay trên một xa lộ ngoại vi Bắc Kinh đã tông mạnh vào một chiếc trụ bên đường, khiến người cầm lái tử nạn ngay tại chỗ. Những tấm ảnh xác chiếc xe sang trọng đã trở thành đống sắt vụn được lưu truyền trên mạng Vi Bác. Mặc cho kiểm duyệt, cư dân mạng vẫn cố gắng truy tìm danh tính của nạn nhân. Nhưng guồng máy khổng lồ của chế độ đã thành công trong việc chặn đứng tin đồn – ngay cả từ khóa « Ferrari » cũng bị chặn trên mạng. 

Cho đến tuần trước, khi tờ báo South China Morning Post của Hồng Kông tiết lộ nhân thân của người lái xe. Đó là Lệnh Cốc (Ling Gu), con trai của Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), người thân tín của ông Hồ Cẩm Đào. Năm nay 55 tuổi, ông Lệnh Kế Hoạch hiện là chánh văn phòng Trung ương Đảng, được xem là sẽ được vào Bộ Chính trị. Sự thăng tiến này đã bị phá hỏng vì tình huống tử nạn của người con trai : cậu công tử đang khỏa thân nửa người, bên cạnh là hai nữ sinh viên, một là người Duy Ngô Nhĩ và cô kia người Tây Tạng. Một cô hoàn toàn không mặc quần áo, còn một cô thì chỉ mặc tối thiểu.

Trong khi trên các diễn đàn tràn ngập ý kiến cư dân mạng phẫn nộ trước sự phô trương giàu có của các ông hoàng mới, một trận đấu quyết liệt khác cũng diễn ra trong hậu trường quyền lực. Sắp đến đại hội Đảng lần thứ 18, ông Hồ Cẩm Đào cố gắng đẩy tối đa những người của phe mình ngồi vào các ghế quan trọng. 

Một nhà quan sát ghi nhận: « Lệnh Kế Hoạch đã phạm phải hai sai lầm lớn. Ông ta đã huy động quân đội để phong tỏa hiện trường tai nạn. Kế đó ông tung ra tin đồn nạn nhân là con trai của…Cổ Khánh Lâm (Jia Qinglin), nhân vật số 4 của chế độ. Tức giận điên cuồng, Cổ Khánh Lâm đã bí mật tiến hành điều tra và trao kết luận cho cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông Giang đòi hỏi kẻ xấc láo này phải ra đi… » 

Lệnh Kế Hoạch bị điều sang làm giám đốc Mặt trận Lao động Thống nhất, tức một chức vụ ngồi chơi xơi nước. Như vậy sau vụ Bạc Hy Lai thất sủng làm cho phe thái tử đảng bị yếu đi, đến lượt phe đối địch bị làm bàn. Từ nay cho đến giữa tháng Mười - thời điểm có thể diễn ra đại hội, còn bao nhiêu chiếc đầu nữa sẽ rơi ?

vendredi 14 septembre 2012

Tập Cận Bình bị đau lưng, có thể sẽ tái xuất hiện ngày mai


Tập Cận Bình (phải) và đại sứ Hàn Quốc tại Bắc Kinh ngày 31/08/2012. Đây là lần cuối cùng ông Tập xuất hiện trước công chúng.
Bài đăng : Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 
Ông Tập Cận Bình, nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc trong tương lai đã hết đau lưng, và có thể sẽ xuất hiện trước công chúng ngày mai 15/09/2012. Hãng tin Reuters hôm nay dẫn các nguồn tin thân cận với chế độ Bắc Kinh cho biết như trên.

Hiện là Phó chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình, 59 tuổi, đã vắng bóng từ ngày 1/9 đến nay, và hủy bỏ nhiều cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhất là với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Sự vắng mặt khó hiểu của ông Tập Cận Bình, và sự im lặng của chính quyền Trung Quốc đã khiến vô số tin đồn được lan truyền, từ tình trạng sức khỏe của ông cho đến một âm mưu ám sát.

Theo ba nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc, thì ông Tập Cận Bình đã dành trọn hai tuần lễ gần đây để chữa bệnh đau lưng theo như lời khuyên của bác sĩ, trong khi vẫn chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực. Một trong các nguồn tin cho biết : « Giờ thì ông ấy đã khỏe, ông đang được điều trị vật lý trị liệu trong ba ngày. Sắp tới ông sẽ xuất hiện trước công chúng ».

Còn theo một nguồn tin khác, Tập Cận Bình đang được chữa trị trong khuôn viên của Trung Nam Hải, đầu não của chính phủ được canh giữ hết sức cẩn mật. Người này nói : « Tuy không nặng lắm nhưng rất đau, bác sĩ buộc ông phải luôn ở tư thế nằm ». Còn nguồn tin thứ ba nêu ra khả năng ông Tập tái xuất hiện ngày mai, tuy không nói chi tiết.

Cả ba người trên đều yêu cầu giữ bí mật danh tính, vì tình trạng sức khỏe của các nhà lãnh đạo là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Họ cho biết ông Tập Cận Bình đã bị chấn thương cơ lưng khi đi bơi hôm 4/9.
Tập Cận Bình sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền hành tối thượng trong dịp đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 dự kiến vào giữa tháng Mười, trước khi chính thức trở thành tân Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư vào đầu năm 2013.

Một trong số ba nguồn tin trên đây nói với Reuters là ông Tập Cận Bình vẫn làm việc trong thời gian dưỡng bệnh để tránh phải lùi thời gian đại hội. Ông hủy tất cả các cuộc hẹn chính thức và riêng tư để tập trung cho việc chuẩn bị đại hội Đảng.

Cùng với Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), trưởng ban tổ chức trung ương và Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chánh văn phòng, ông Tập đã xét duyệt danh sách các tân ủy viên trung ương, từ đó chọn ra các ủy viên Bộ Chính trị, trung tâm quyền lực của Đảng. Việc chuẩn bị cho công cuộc chuyển giao cho lớp lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, đặc biệt là với xì-căng-đan Bạc Hy Lai.

tags: Châu Á - Chính trị - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120914-tap-can-binh-bi-dau-lung-co-the-se-tai-xuat-hien-ngay-mai 

Tàu hải giám Trung Quốc giương oai tại Điếu Ngư / Senkaku

Bài đăng : Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 
Sáu chiếc tàu hải giám của Trung Quốc hôm nay 14/09/2012, trong nhiều tiếng đồng hồ, đã tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý. Hành động giương oai diễu võ này của Bắc Kinh nhằm nhấn mạnh yêu sách chủ quyền tại đây.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rõ : « Hai đoàn tàu hải giám Trung Quốc đã đến vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư và các đảo kế cận (…) để bắt đầu tuần tra và buộc tôn trọng luật pháp. Các hoạt động này nhằm chứng tỏ chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo, và bảo vệ các lợi ích hàng hải ».

Điếu Ngư là tên Trung Quốc đặt cho quần đảo không người ở, nhưng có thể có tiềm năng dầu khí, mà Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo này nằm cách đảo Okinawa của Nhật 400 km về phía nam, và cách Đài Loan 200 km theo hướng đông bắc.

Đối với Tokyo, đây là một sự kiện « chưa có tiền lệ ». Chính quyền Nhật Bản đã lập tức triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo, ông Trình Vĩnh Hoa, để phản đối, và ông này đã nhân thể nhắc lại yêu sách của Bắc Kinh. Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã cho thành lập một nhóm công tác đặc biệt để xử lý khủng hoảng, và cảnh báo rằng chính phủ Nhật sẽ « giám sát các tàu hải giám bằng mọi cách ».

Sáng sớm hôm nay, lực lượng tuần duyên Nhật đã thông báo có sáu tàu hải giám Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật Bản, chỉ cách một trong năm hòn đảo của quần đảo 22 km. Ngay lập tức, các tàu tuần tra Nhật đã thông báo cho các tàu này là họ phải rời ngay vùng lãnh hải của Nhật. Cũng theo lực lượng tuần duyên, các tàu hải giám Trung Quốc đã rời khu vực này sáu tiếng đồng hồ sau đó, khoảng 13 giờ 20 (4 giờ 20 GMT).

Sáu tàu hải giám trên đây không thuộc hải quân Trung Quốc, mà do Quốc gia Hải dương Cục, thuộc Bộ Lãnh thổ Tài nguyên quản lý. Việc gởi đoàn tàu này đến Senkaku/Điếu Ngư là sự đáp trả thẳng thừng của Bắc Kinh trước việc Tokyo hôm thứ Hai 10/9 loan báo quyết định mua lại ba trong số năm hòn đảo của quần đảo. Hòn đảo thứ tư thì đã là sở hữu của chính quyền Nhật, còn hòn đảo thứ năm vẫn thuộc sở hữu chủ tư nhân người Nhật.

Một số nhà phân tích cho rằng, phản ứng mãnh liệt của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền trên biển với Tokyo là do việc chuyển giao quyền lực chính trị tại Trung Quốc phức tạp hơn dự kiến, cùng với việc ông Tập Cận Bình « mất tích » từ 10 ngày qua. Dù sao, vụ Senkaku/Điếu Ngư trong những tuần lễ gần đây đã khiến quan hệ hai nước xấu đi thấy rõ.

Hồi tháng Tám, một số người Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo Uotsurijima thuộc Senkaku/Điếu Ngư, và đã bị chính quyền Nhật bắt và trục xuất. Vài hôm sau, đến lượt hàng chục người theo chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản đã cắm cờ Nhật trên đảo này để tái khẳng định chủ quyền của Nhật.

Một loạt các cuộc biểu tình chống Nhật tập trung hàng ngàn người đã diễn ra tại hơn 20 thành phố Trung Quốc. Các cửa hàng, tiệm ăn và xe cộ của người Nhật tại nhiều nơi bị đập phá, thậm chí một số người còn giật mất cờ hiệu trên xe đại sứ Nhật ở Bắc Kinh.

Hôm nay, Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải đảm bảo an toàn cho các công dân Nhật, sau một loạt vụ hành hung diễn ra tại Thượng Hải.

tags: Bóng chuyền - Châu Á - Nhật Bản - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120914-tau-hai-giam-trung-quoc-giuong-oai-tai-senkakudieu-ngu 

Nhật Bản quyết định chấm dứt điện hạt nhân trong 30 năm tới

Bài đăng : Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 
Chính quyền Nhật, hôm nay 14/09/2012, thông báo sẽ giảm dần việc sản xuất điện nguyên tử, tiến đến chấm dứt hẳn trong 30 năm tới. Quyết định này được đưa ra 18 tháng sau tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima, một thảm họa chưa từng thấy kể từ sau tai nạn Tchernobyl cách đây 25 năm.

Quyết định của Nhật Bản đã củng cố một cách ý nghĩa đội ngũ các nước muốn hạn chế điện nguyên tử. Là nền kinh tế thứ nhì châu Á, quốc gia công nghiệp quan trọng và là nước tiêu thụ nhiều điện năng, Nhật Bản đã theo gót Đức – quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu về kinh tế, và Thụy Sĩ, trong nỗ lực hạn chế điện hạt nhân.

Điểm chung của cả ba nước này là đã quyết định như trên sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 3/2011, đã làm phát tán một lượng phóng xạ quan trọng trong khu vực, khiến hàng trăm ngàn người dân phải bỏ nhà cửa đi nơi khác.

Theo kế hoạch năng lượng mới của chính phủ Nhật, chính quyền sẽ sử dụng mọi biện pháp để chấm dứt điện hạt nhân trong những năm 2030. Trước tai nạn Fukushima, điện nguyên tử chiếm gần 30% lượng điện năng tiêu thụ, và chính quyền dự kiến tăng tỉ lệ này lên 53% từ nay đến năm 2030.

Nhưng khuynh hướng chống lại điện hạt nhân đã tăng cao trong dân chúng, các cuộc biểu tình liên tục diễn ra. Thủ tướng cánh trung tả Yoshihiko Noda phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn do đối lập cánh hữu thúc đẩy. Theo các cuộc thăm dò, thì đảng Dân chủ của ông Noda đang gặp khó khăn.

Bản kế hoạch được công bố hôm nay không nói rõ làm cách nào bù đắp lại lượng điện thiếu hụt khi không còn sử dụng năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, có ba nguyên tắc được đưa ra : Không xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân, ngưng các lò phản ứng đã hoạt động trên 40 năm, và chỉ tái khởi động các lò đã được kiểm tra an toàn.

Hiện nay, chỉ có 2 trong số năm chục lò phản ứng nguyên tử đang hoạt động tại Nhật Bản. Nhiều lò bị ngưng sau trận động đất và sóng thần lịch sử tại Fukushima, số khác thì do các trận động đất khác, và gần đây một số lò phản ứng được tạm ngưng để bảo trì đã không thể tái khởi động vì các biện pháp an toàn mới được đưa ra.

Để bù lại lượng điện còn thiếu, các công ty năng lượng đã cho chạy hết công suất các nhà máy nhiệt điện và nhập khẩu ồ ạt xăng dầu khiến chi phí tăng cao. Cánh hữu và giới doanh nhân dựa vào đó để đòi cho khởi động lại một số lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên Bộ trưởng Kinh tế Yukio Edano cho rằng ngưng dần điện hạt nhân sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng, qua việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và tăng tính hiệu quả.

tags: Châu Á - Nguyên tử - Nhật Bản
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120914-nhat-ban-quyet-dinh-ngung-su-dung-dien-nguyen-tu-trong-30-nam-toi 

Cam Bốt : Bắt một sĩ quan trong vụ giết hại nhà báo chống tiêu cực

Bài đăng : Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 
Một sĩ quan quân đội Cam Bốt đã bị câu lưu trong khuôn khổ cuộc điều tra về cái chết của nhà báo đấu tranh chống buôn lậu gỗ và cáo giác nhiều nhân vật cao cấp. Tin này được Bộ Nội vụ Cam Bốt thông báo hôm nay 14/09/2012.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Cam Bốt Khieu Sopheak cho AFP biết, viên sĩ quan bị câu lưu tên là Ean Bunheng. Nghi can đã gặp gỡ nạn nhân hôm Chủ nhật 09/09, tức là ngày nạn nhân mất tích. Cảnh sát đã tìm được « một chiếc mền vấy máu » tại nhà của sĩ quan này, và đôi giày của nạn nhân ở gần đó.

Hang Serei Oudom, nhà báo 44 tuổi? làm việc cho Vorakchung Khmer - tờ báo ra hai số một tuần. Xác của ông đã được tìm thấy trong cốp xe của ông tại tỉnh Ratanakiri, gần biên giới Việt Nam. Nạn nhân bị nhiều cú đánh vào đầu.

Pen Bonnar, cộng tác viên tại tỉnh này của Hiệp hội vì Nhân quyền và Phát triển tại Cam Bốt (Adhoc) khẳng định với AFP, trong số những người khác bị triệu tập để thẩm vấn có vợ của nghi can trên, và con trai của một chỉ huy quân sự tỉnh.

Trong bài báo cuối cùng đăng trên trang web của tờ Vorakchung Khmer ngày 06/09, phóng viên Oudom đã tố cáo chính vị chỉ huy này đã buôn lậu gỗ bằng các xe quân sự, và làm tiền các nhà buôn gỗ hợp pháp trong khu vực. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã yêu cầu cảnh sát lưu ý đến nạn buôn lậu gỗ cũng như các vấn đề khác liên quan đến môi trường.

Theo Liên Hiệp Quốc, nạn khai thác rừng trái phép đã khiến cho diện tích rừng Cam Bốt đến năm 2010 chỉ còn 57%, trong khi đó, tỷ lệ này 73% vào năm 1990. Chính quyền Hun Sen bị tố cáo là đã giao hàng trăm ngàn hecta rừng, kể cả những khu vực bảo tồn, cho những dự án từ mía đường cho đến cao su, hoặc thủy điện.

Nhiều nhà hoạt động cho biết, nhiều dự án có liên quan đến buôn lậu gỗ, họ lên án các lực lượng an ninh đặc biệt là quân đội đã hỗ trợ cho các công ty tư nhân phá rừng. Nhưng cuộc đấu tranh của họ ngày càng thêm nguy hiểm : Hồi tháng Tư, ông Chut Vuthy, người đứng đầu một nhóm tranh đấu bảo vệ các nguồn lợi thiên nhiên, đã bị một quân cảnh bắn chết trong rừng.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120914-cam-bot-mot-si-quan-bi-bat-vi-nghi-lien-quan-den-cai-chet-cua-nha-bao-chong-tieu-cuc 

Tác giả bộ phim đả kích Hồi giáo đang được cảnh sát bảo vệ tại California


Bài đăng : Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 
Người được báo chí Mỹ cho là tác giả của bộ phim đả kích đạo Hồi đang gây ra một loạt các vụ bạo động tại Trung Đông và Bắc Phi, hiện đang được cảnh sát bảo vệ tại phía nam Los Angeles.

Bị nghi ngờ là người đã đưa lên YouTube trích đoạn bộ phim nghiệp dư chỉ trích nhà tiên tri Mahomet, hoặc là tác giả bộ phim, Nakoula Basseley Nakoula đã yêu cầu được cảnh sát bảo vệ, sau khi báo chí tìm ra được tên tuổi tối qua 13/09/2012. Nhà của Nakoula, một người Thiên Chúa giáo 55 tuổi, tại Cerritos cách Los Angeles 40 km về phía nam, đã được cảnh sát giám sát, trong khi các nhà báo vẫn túc trực xung quanh. Phóng viên AFP ghi nhận, cửa vào căn nhà này rất giống cánh cửa xuất hiện trong nhiều cảnh của bộ phim.

Hôm qua, cố vấn của bộ phim là Steve Klein đã bác bỏ tin Israel có dính líu đến phim này, và cho biết tác giả đang rất ray rứt sau cái chết của đại sứ Mỹ tại Libya trong vụ những người phản đối bộ phim tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal trước đó, tác giả khẳng định đây là một bộ phim chính trị chứ không phải tôn giáo.

Phim « Innocence of Muslims » (Sự vô tội của những người Hồi giáo) được thực hiện với ngân sách eo hẹp, chất lượng xấu, có sự tham gia của 60 diễn viên và một ê-kíp 45 người. Trong phim, các diễn viên nói tiếng Anh giọng Mỹ nói về những người đạo Hồi là vô đạo đức và bạo lực vô cớ. Nhưng hôm qua, ê-kíp làm phim trong một thông báo đăng trên Los Angeles Times đã bày tỏ sự giận dữ vì cho rằng đã bị nhà sản xuất lợi dụng.

Theo thông báo, thì những người tham gia đã bị lừa dối về mục đích của bộ phim. Họ cảm thấy bị sốc vì kịch bản đã bị viết lại cực đoan hơn, và rất đau buồn trước các bi kịch diễn ra ở Libya và Ai Cập. Nữ diễn viên Cindy Lee Garcia đóng vai người mẹ có con gái đề nghị gả cho Mohamet nói rằng, các đoạn đối thoại đã được lồng tiếng lại sau khi quay, chứ trong phim không nói gì về Mahomet và người Hồi giáo.

Ông Klein lo ngại nhà sản xuất sẽ phải chịu chung số phận với đạo diễn Hà Lan Theo Van Gogh, người đã bị sát hại năm 2004 vì một bộ phim chỉ trích Hồi giáo.

tags: Bạo động - Hoa Kỳ - Quốc tế - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120914-tac-gia-bo-phim-da-kich-hoi-giao-dang-duoc-canh-sat-bao-ve-tai-california

jeudi 13 septembre 2012

Không thể cấm đọc các mạng « lề trái » khi chưa có tiêu chí rõ ràng


Các blogger có mặt để chụp ảnh cuộc biểu tình chống TQ ở Hà Nội ngày 22/07/12.
Bài đăng : Thứ năm 13 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Chín 2012 
Như tin chúng tôi đã loan, hôm qua 12/09/2012 Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề điều tra, xử lý « việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước », trong đó nêu đích danh một số trang blog.

Tin này ngay lập tức đã gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là giới blogger. Trả lời RFI Việt ngữ ngay sau khi vừa biết được thông tin trên vào tối qua theo giờ Việt Nam, blogger Lê Dũng cho biết những nhận xét ban đầu của anh về sự kiện trên.

Ông Lê Dũng _ Hà Nội
13/09/2012
by Thụy My
tags: Dân chủ - Internet - Phỏng vấn - Thông tin - Việt Nam
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120913-cam-doc-cac-mang-%C2%AB-le-trai-%C2%BB-la-vi-pham-quyen-duoc-thong-tin-cua-nguoi-dan

mercredi 12 septembre 2012

Mạng Twitter Trung Quốc đã đào huyệt cho Đảng như thế nào ?



"Đồng chí mê đồng hồ xịn" bị bêu trên mạng Vi Bác

(Le Monde 12/09/2012) Vi Bác (Weibo), mạng Twitter của Trung Quốc là một cỗ máy tin « độc ». Theo nhà báo Sylvie Kauffmann, thì Vi Bác mỗi ngày lại hé lộ một ít bí mật và làm mờ nhòa hào quang cố tạo dựng của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Họ đều nghĩ đến điều đó, và không chỉ trong lúc cạo râu mà thôi (*). Không, nỗi ám ảnh lớn nhất của các cán bộ lãnh đạo địa phương Trung Quốc không phải làm thế nào để trở thành Chủ tịch nước, mà là làm sao thoát được cỗ máy tin « hot » - Vi Bác (Weibo), tức Twitter của Trung Quốc.

Mỗi sáng khi vừa thức dậy, việc đầu tiên của các cán bộ địa phương là lao đến trước máy tính hoặc điện thoại thông minh, bật Weibo lên, để kiểm tra cho chắc là người ta không nói gì về mình. Những đồng bào của họ kể lại như thế, với một nụ cười thú vị.

Dân làng Miến Điện biểu tình chống dự án mỏ đồng của Trung Quốc

Bài đăng : Thứ tư 12 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 12 Tháng Chín 2012 
Từ nhiều tuần qua, hàng trăm người dân một làng miền trung Miến Điện đã biểu tình phản đối một dự án khai thác mỏ đồng của Trung Quốc, và hôm nay 12/09/2012 khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh, cho dù nhiều người đã bị chính quyền bắt giữ.

Trong một đất nước mà cách đây một năm rưỡi biểu tình vẫn bị cấm đoán, những người dân ở Monywa thuộc vùng Sagaing miền trung Miến Điện, đã xuống đường để tố cáo việc tịch thu đất đai và nguy cơ ô nhiễm từ mỏ đồng này.

Han Win Aung, một nhà hoạt động đến tại chỗ để hỗ trợ dân làng cho AFP biết, nguyện vọng của người dân là hủy bỏ dự án mỏ đồng tại núi Latbadaung, và có từ 300 đến 600 người đã biểu tình từ lúc mới bắt đầu phong trào phản kháng. Khoảng 3.200 hecta đất đã bị tịch thu không hề bàn bạc với dân, và đôi khi không được bồi thường, trong khi dân làng lâu nay kiếm sống từ việc canh tác. Dân cư thuộc 26 làng đã bị di dời để nhường chỗ cho dự án.

Ba phụ nữ đã bị câu lưu hôm nay, sau khi 12 người bị bắt tạm giam hôm thứ Hai. Một nhà hoạt động khác bị bắt từ ngày 31/8, và 70 người tập trung trước một tu viện đến tối nay vẫn từ chối giải tán.

Một đoàn đại biểu của nhóm đối lập nổi tiếng Thế hệ 88 đang trên đường đến đây để hỗ trợ. Họ đòi hỏi trả tự do cho ba phụ nữ trên, ngưng việc khai thác quặng và tiến hành đối thoại.

Tân chính phủ của ông Thein Sein cho phép biểu tình nếu xin phép trước năm ngày. Tuy nhiên ông Han Win Aung khẳng định người dân đã đã nộp đơn xin biểu tình tám lần nhưng đều bị từ chối.

Mỏ đồng tại đây do một công ty liên doanh giữa tập đoàn Trung Quốc Wanbao và một công ty của quân đội Miến Điện là Myanmar Economic Holdings quản lý. Trong những tháng gần đây báo chí địa phương đã tố cáo những hành động tham nhũng trong dự án này. Bộ Mỏ đã kiện tờ Voice Weekly ra tòa vì tội vu khống.

Tổng thống Thein Sein được cộng đồng quốc tế khen ngợi vì cải cách chính trị của ông, nhất là việc trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị kể từ tháng 3/2011. Năm ngoái ông đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi cho ngưng một dự án rất mất lòng dân, về việc Trung Quốc xây một đập thủy điện khổng lồ tại miền bắc.

tags: Châu Á - Miến Điện - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120912-dan-lang-mien-dien-bieu-tinh-chong-du-an-mo-dong-cua-trung-quoc