Affichage des articles dont le libellé est Miền Bắc. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Miền Bắc. Afficher tous les articles

dimanche 27 août 2023

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (5)

 

Miền Bắc sau 1975. Đồng hồ Orient 4 đinh được chuộng nhất. Loại này to, dày, chết tên 4 đinh bởi có 4 mấu nhô lên 4 góc, màu tím nhạt hoặc xanh ngọc, kim dạ quang sáng ngời. Đeo chiếc Orient 4 đinh, thiên hạ lác mắt, đi tới đâu cũng nhận được những cái nhìn thèm khát và sự trầm trồ thán phục.

Lớp tôi có anh Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị. Ngay sau tháng 4.1975, Chương xin phép nghỉ học vài tuần về thăm quê. Khi y trở ra, đem cả đài (radio) National và đồng hồ, rất oách. Y đeo chiếc Orient tự động, 2 cửa sổ, tôi lại gần chiêm ngưỡng. Cha mẹ ôi, sao có thứ đồng hồ hiện đại, khiếp thế không biết. Đeo đồng hồ ấy, con gái chạy theo rần rần.

Cũng loại Orient còn có thứ hàng độc nhất vô nhị, dân chơi gọi là Orient thủy quân lục chiến. Chỉ những tay chơi máu mặt mới dám sắm Orient thủy quân lục chiến.

samedi 26 août 2023

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (4)

 

Như đã kể ở bài trước, sau tháng 4.1975, hàng hóa lũ lượt từ miền Nam trẩy ra Bắc, tinh những thứ của bọn tư bản giãy chết. Nào tivi, tủ lạnh, xe máy, cát xét, xe đạp, radio, vải vóc, quần áo, thậm chí cả cục xà phòng, hộp kem đánh răng…, tất nhiên trong đó có đủ loại đồng hồ.

Chỉ có nhà cửa, biệt thự không đào đi được, chứ nếu được cũng đem tuốt. Lại nhớ người ta nhại câu hát của Lưu Hữu Phước, “Tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà mặt tiền; tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà thật to”.

Trước 30 tháng 4, ngay cả những nhà giàu nhất Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi cả những gia đình ông to bà nhớn cốp sộp, cũng chỉ dùng hàng phe xã hội chủ nghĩa. Hàng có xuất xứ giãy chết, chỉ những anh Vosco, từ thuyền trưởng tới anh nấu bếp trên tuyến đi Nhật, đi Hồng Kông may ra mới sắm được. Đám Vosco là thứ đẳng cấp kinh tế cao nhất thời bấy giờ, ai cũng phải nể vì, ao ước, và… ghen ghét. Giờ thì Nam Bắc thống nhất, nguồn hàng vừa gần vừa phong phú, khiến miền Bắc thay đổi nhanh, choáng ngợp. Nhiều món đồ, trước kia người ta chưa từng biết, chưa từng ao ước, nay được sờ tận tay.

mardi 22 août 2023

Đinh Huy Hoàng - Vuông

 

1. Mặc dù quê tổ mình gốc Nghệ An, nhưng xét ra dân Nghệ An vẫn thua dân Hải Phòng về tính "cuồng quê hương".

Với dân Hải Phòng, cái gì ở chỗ bọn chúng cũng ... nhất. Mịa, cả cái xứ Việt Nam này toàn dùng đồ loại 2 - loại 3, còn hàng loại 1 nó nằm ở Phòng hết. Từ phượng vĩ đến xe đạp, giỏ xe đạp.. cứ phải là Phòng mới là đúng điệu, sành điệu.

2. Ấy mà hôm rồi, mình hỏi vặn thằng Cầu Rào:

mardi 8 août 2023

Nguyễn Thông - Một quá khứ không dễ bị chôn vùi (2)

 

Gõ những dòng này sau khi đã mất mấy đêm để dừng ở chữ cuối cùng trong lời kể của nhân chứng Mai Văn Niệm, nhân vật cuối của cuốn sách “phi hư cấu”, tôi bàng hoàng. Tôi sẽ không lược lại nội dung sách, nhất là các anh Thái Kế Toại, Trương Huy San… vừa làm rồi.

Trong sách, 25 người tự kể về đời mình, là 25 mảnh ghép lịch sử về cải cách ruộng đất. Nhiều khi tự hỏi, sao một người thầy giỏi giang, đạo đức, tài năng như thầy Ngụy Cao Hiền mà người ta đang tâm vu cho quốc dân đảng và lôi ra xử bắn. Hiền tài như thầy Hiền (người đã dạy đám học trò nghèo thành người tài giỏi của đất nước, trong đó có nhà sử học lừng danh Hà Văn Tấn), liệu nước này có được mấy người?

Xin chép lại đôi dòng trong cuốn sách, lời kể của chứng nhân-nạn nhân Trần Văn Kinh:

lundi 7 août 2023

Nguyễn Thông - Một quá khứ không dễ bị chôn vùi (1)

 

Phan Thúy Hà nữ nhà văn (tạm coi là cây bút trẻ dù tuổi đã ngoại “tứ thập bất hoặc”), tác giả của những cuốn sách dậy sóng văn đàn và xã hội hơn 6 năm qua như “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Những trích đoạn của các anh”, và nhất là cuốn “Gia đình” (ghi chép từ những nhân chứng sống về cải cách ruộng đất) vừa cho ra mắt “đứa con” mới của chị.

Cuốn “Đoạn đời niên thiếu”, Nhà xuất bản Hội nhà văn, tháng 7.2023. Cũng xin mở ngoặc chút để ghi nhận: Vị giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản này là nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ông Thiều râu kẽm đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Những cuốn sách của Hà luôn chứa rất nhiều điều để trao đổi, về các mặt. Những cái ấy, sẽ nói sau. Tôi chỉ te tái khoe sớm điều này: Cuốn mới toanh “Đoạn đời niên thiếu” có thể coi như tập 2, hoặc phần 2, của cuốn “Gia đình” lừng danh. Một thứ vĩ thanh nặng trình trịch 250 trang, chứa đầy xót xa, đau buồn về thân phận con người; dựng lại pho lịch sử từ người trong cuộc mắt thấy tai nghe. Một thời kỳ lịch sử u ám, đen tối, được tái hiện bởi lối văn phi hư cấu.

dimanche 30 juillet 2023

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (3)

 

Ở cuối bài trước, tôi có nhắc đến cái sân gạch Bát Tràng mà tôi thường xem bóng nắng để biết giờ, nhân tiện kể tí ti về cải cách ruộng đất (bởi gạch lát sân là gạch được cậy lên từ sân nhà địa chủ, thày tôi mua lại từ người được chia quả thực).

Có bạn đọc xong bảo sao bác không kể thêm về cuộc cách mạng long trời lở đất ấy đi. Thực thà mà rằng khi xảy ra đấu tố, đánh địa chủ phú nông, tôi mới 1-2 tuổi, nào đã biết gì, chỉ nghe thày bu và anh chị kể lại thôi. Nhưng nghe cũng khiếp.

Quê tôi nghèo lắm, thế mà đội cải cách vẫn tìm ra được đủ 5 % địa chủ, có người chỉ sở hữu vài mẫu ruộng, lôi họ ra đấu tố tơi bời, sau đó còn bịt mắt điệu một ông lên pháp trường ở đầu núi Trà Phương bắn. Chị tôi kể, theo người nhớn đi xem xử bắn về mấy đêm không ngủ được vì sợ.

Huy Đức - "Trời còn để có hôm nay..."

 

(Biết thêm những câu chuyện như thế này, càng hàm ân những người đã ngã xuống để Miền Nam được hưởng tự do trong 20 năm - TM)

Đề thi môn văn năm 1958, “Anh/chị hãy cho cảm tưởng về một mùa xuân sau bốn năm hòa bình thắng lợi”. Bài văn của trò Đinh Văn Ngụ được điểm 5, vì viết lại cái Tết 1954 rất thật tình, một cái Tết “không có gì ăn, không có một chỗ ở rõ ràng… nằm trong chăn khóc thầm”. Trò Bính cũng được thầy Trị cho điểm cao vì viết về năm ấy, cái “năm đau khổ nhất”.

Nhưng, khi ty Giáo dục đọc được, “đang dạy văn cấp 3 ở thị xã, thầy Trị bị điều đi dạy văn cấp 2 ở Hương Sơn”.

“Từ năm đó trở đi không thầy giáo nào dám chấm điểm cao cho những bài văn viết trải lòng thật sự”.

lundi 24 juillet 2023

Nguyễn Quốc Tấn Trung - Hai cách lý giải

 

Đến bây giờ mới được xem ghi hình các buổi xét xử “đại án”.

Dù không có bình luận gì xa hơn về nỗ lực xét xử này, điểm thú vị mình nhận thấy là gần như tất cả các bị cáo trong vụ án, nếu đang làm việc ở các cơ quan trực thuộc trung ương, đều có xuất xứ Bắc Bộ.

Điều này có thể được lý giải bởi hai hướng:

dimanche 9 juillet 2023

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (2)

 

Hồi tôi vào lớp 8 (năm 1969), lớp đầu cấp 3 hệ 10 năm, cả thôn có 4 đứa học trường huyện, đều nhà nghèo. Thuộc diện nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "chúng tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ là nông dân", trường cách nhà hơn 3 cây số, xa thế nhưng tinh đi bộ, hôm nào cũng phải dậy từ sáng sớm.

Không có đồng hồ, chả biết đâu mà lần, cứ căn theo gà gáy và tiếng người đi chợ thì dậy. Riêng lão Cước cùng lớp, cùng tuổi nhưng tôi gọi bằng chú, có chiếc đồng hồ Nicle hai kim, kim xanh kim đỏ. Cũng chả nhớ nước nào sản xuất. Đeo oai lắm, ai hỏi giờ, thỉnh thoảng chú Cước tôi vung tay quay một vòng rõ rộng rồi mới trả lời.

Hồi đó người ta truyền tai nhau câu “Ni cờ le vừa nghe vừa lắc”. Muốn biết nó đang chạy hay không phải áp sát vào tai nghe tiếng tích tắc, nếu đã chết thì lắc mạnh nó mới chạy lại. Tôi ngờ lắm, mấy lần hỏi giờ, lão Cước đều ấp úng, hình như chỉ đeo để tán gái, cô Vân Chi mậu dịch viên cửa hàng bách hóa huyện chứ không cốt xem giờ.

vendredi 7 juillet 2023

Nguyễn Thông - Chuyện dạy văn học văn (5)

 

Vẫn chuyện dạy văn học văn của ròng rã mấy chục năm, từ thập niên 50 đến thập niên 90 thế kỷ trước.

Như nhà cháu đã kể, môn văn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa chả khác gì môn chính trị. Giá trị văn học bị xem nhẹ, thậm chí tước bỏ, để thay vào đó những nội dung, chủ đề, đề tài mang màu sắc chính trị, phục vụ chính trị. Ai đời, tác phẩm văn chương được đưa vào sách giáo khoa lại là thứ chả văn chương chút nào.

Kiểu như “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, “Đau khổ chi bằng mất tự do/Đến buồn đi ỉa cũng không cho”, “Em ơi ra mà xem kìa mây bay/Lớp lớp trên nền trời đuổi giặc/Tốp đi đầu in hình quân xâm lược…/Chiến tranh nhân dân là vô địch/Sẽ đi vào quần chúng học thuyết ta”, “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/Mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, “Ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ/Xây lên không khí những tòa gương”, v.v...

Nguyễn Thông - Chuyện dạy văn học văn (4)

 

Cuộc sống luôn vận động và biến đổi, tại sao môn văn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa lại ì ra, giống như nửa thế kỷ trước?

Không nhất thiết cứ phải thay đổi hết, có những tác phẩm hay vẫn cần giữ lại, những bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương, Tre Việt Nam, truyện ngắn Một lần tới thủ đô, Lặng lẽ Sa Pa... chẳng hạn.

Nhưng những thứ quá cũ kỹ, nhất thời như Vợ nhặt, Tắt đèn, Thư nhà, Hòn đất, Sống như anh, Bất khuất, Nhật ký trong tù, thơ Tố Hữu, Xuân Diệu... thì nên đưa vào bảo tàng được rồi. Cũng như bài “Lê nin trong hiệu cắt tóc” vậy, chỉ hợp với lứa tuổi sinh ra trước 1975, chứ bắt bọn trẻ bây giờ học, chúng nuốt làm sao trôi.

Nguyễn Thông - Chuyện dạy văn học văn (3)

 

Thời tôi đi học, kể từ cấp 1 đã nghe người nhớn nói với nhau “văn dĩ tải đạo”, còn bé nên chả hiểu. Tới lúc nhớn thì lờ mờ rằng đó là thứ quan điểm về văn chương của người xưa.

Đại loại văn để chở đạo, còn đạo là gì thì rộng lắm. Thày tôi bảo lớn rồi hiểu. Lên cấp 2, học lớp 7, hỏi thầy Phất, thầy nói đạo không phải chỉ những lời dạy của Khổng tử, Mạnh tử đâu, mà bất cứ cái gì vì con người, bênh vực con người đều đạo cả. Văn chứa những thứ ấy mới là văn. Tôi về hỏi lại thày, thày gật.

Nhưng trong nhà trường xã hội chủ nghĩa lại khác. Suốt mấy chục năm (còn bây giờ thế nào thì tôi không rõ lắm) người ta chỉ nhét vào môn văn (cả ở trường học lẫn xã hội) thứ đạo chính trị, đạo cộng sản. Những tác phẩm nào phù hợp với đạo này thì được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học trò.

Nguyễn Thông - Chuyện học văn làm văn (2)

 

Tôi gắn bó với môn văn của chế độ này đã lẩu lầu lâu nên quá rành về nó. Kể từ khi học cấp 2 rồi cấp 3 (hệ 10 năm), tiếp đó mài đũng quần ở khoa Văn 4 năm rưỡi, rồi dính ngay nghề dạy học gần hai chục năm nữa, còn gì mà chẳng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Những ai ở miền Bắc trước năm 1975 trải qua các cấp học phổ thông (hồi ấy, từ cấp 1 tới cấp 3, tức từ lớp 1 đến hết lớp 10, gọi chung là hệ phổ thông, để phân biệt với hệ bổ túc văn hóa; cũng như đại học có hệ chính quy, khác với hệ tại chức, chuyên tu) đều hiểu môn văn trong nhà trường nó là thứ văn gì.

Sau nhiều năm thời thế thay đổi, cho tới nay, về cơ bản môn văn vẫn vậy. Nói ngắn gọn thì, không có văn chương đúng nghĩa trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, mà chỉ có văn học cách mạng, văn học chính trị. Một thứ văn học què quặt, thiển cận, phiến diện, méo mó, phi nghệ thuật, bị chính trị chi phối đến mức thảm hại. Một thứ văn học sống sượng phục vụ tuyên truyền, giết chết nghệ thuật.

Nguyễn Thông - Chuyện học văn làm văn (1)

 

Nhân chuyện thiên hạ đang lời ra tiếng vào về đề thi môn văn, về bài văn dài 22 trang... nhà cháu ngẩn ngơ nhớ lại chuyện dạy văn, học văn, làm văn, thi văn những năm chưa xa.

Trong các môn học ở nhà trường, văn luôn được coi là môn chính, cùng với toán. Thậm chí ngày xưa, xưa xửa xừa xưa, chỉ học mỗn môn văn. Bắt đầu từ “nhất là một, nhị là hai” rồi tam tự kinh, rồi đến tứ thư ngũ kinh. Cứ thuộc kinh sách như cháo, xôi kinh nấu sử thật nhừ là có thể đi thi, giành lấy cái bảng vàng trạng nguyên bảng nhỡn. Chả cần toán lý hóa sinh siếc gì cho mệt.

Văn mặc nhiên được coi là thứ tiêu chuẩn để đánh giá con người, cả về tri thức và đạo đức. Hồi xưa khen nhau, ai đó được xếp vào hạng “văn hay chữ tốt” không khác gì bây giờ được phong giáo sư tiến sĩ, anh hùng, huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu nhân dân này nọ.

jeudi 6 juillet 2023

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (1)

Trong những thứ “vật bất ly thân” của một thời, chiếc đồng hồ đeo tay được coi là món sang trọng và trị giá nhất. Mấy thứ còn lại gồm kính, bút, đèn pin.

Ông em rể tôi có thói quen chỉn chu cẩn thận, trước lúc xuất hành đi đâu, hoặc trước khi từ chỗ nào đó trở về, lại nhắc toáng lên “nhớ kiểm tra đèn pin kính bút đồng hồ xem để quên cái gì không”. Vài năm trở lại đây thì lão ý đã bắt kịp thời đại, không nhắc đèn pin kính bút nữa mà đảo mắt ngó nghiêng rồi hô nhớ đừng quên điện thoại và cục sạc nhá.

Bây giờ chả mấy ai khoe đồng hồ dù có những cái xịn giá lên tới mấy trăm nghìn đô Mỹ, quy ra tiền xứ ta phải vài chục tỉ bạc. Hẩm hiu bởi nó đã hết thời, trừ một vài thương hiệu cực xịn, người ta sắm hoặc đeo do thừa tiền, cốt để khoe của, trưởng giả học làm sang.

mardi 27 juin 2023

Nguyễn Thông - Chuyện cúp điện (2)

 

Không biết tự hồi nào, các nhà lãnh đạo xứ ta đặt ra tiêu chuẩn về xây dựng nông thôn mới bằng bốn chữ ngắn gọn “điện, đường, trường, trạm”. Điện đứng hàng đầu, ưu tiên 1, sau đó mới tới đường giao thông, trường học, trạm y tế.

Bất cứ ông bà cốp nào từ trung ương tới tỉnh khi về làm việc ở nông thôn, trò chuyện với nông dân cũng thủ sẵn bốn chữ ấy, cho nó thiết thực, thời sự, theo kịp thời đại, và nhất là để lấy lòng bà con chân lấm tay bùn. Quê hương đang tối tăm lầy lội, nghe các ông bà ấy hứa, ai mà chả sướng. Đêm vẫn thắp đèn dầu nhưng lòng đã le lói ánh điện xã hội chủ nghĩa.

Nhân thể biên thêm. Đám lãnh đạo xứ này có truyền thống lập ngôn, tuyên ngôn. Hồi xưa ông cụ luôn nhắn nhủ dân chúng “nước ta ở xứ nóng khí hậu tốt, rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu, nhân dân dũng cảm và cần kiệm, các nước anh em giúp đỡ nhiều”, nghe xong tinh thần lại lên bừng bừng.

samedi 10 juin 2023

Nguyễn Thông - Chuyện cúp điện (1)

Năm 2023, đầu tháng Sáu tây, mùa hè, El Nino nặng, Quốc hội đang bận họp trong phòng lạnh. Cán bộ quanh năm suốt tháng chỉ thấy họp họp. Chẳng biết họ làm việc ích nước lợi dân vào lúc nào.

Ngôi nhà do Đức thiết kế trông như cục xi măng, có người còn bảo giống cái trại lính. Nghị viên xúng xính com lê ca vát. Bên ngoài trại Diên Hồng, dân Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… la oai oái vụ cúp điện. Bà bạn tôi ở Hà Nhì (thị xã Hà Đông vùng Hà Tây cũ, nay thuộc thủ đô) nhắn hỏi như quát, này, trong mày có cúp điện không.

Tôi cười, giờ thì chưa, tạm thời duy trì một nước hai chế độ (điện), nhưng ít ngày nữa thì không biết thế nào. Ngoài mày còn có điện mua của Tàu chứ trong ni đường dây 500 ki lô vôn nó mà đình công bởi ngoải hết điện, không còn gì truyền lên nữa thì tao khác gì mày. Mụ càu nhàu làm đ*o gì có điện tàu, tao đang đánh vật với biến đổi khí hậu đây này, nghe chừng có vẻ bức xúc nóng giận lắm.

vendredi 2 juin 2023

Nguyễn Gia Việt - Nhạc sĩ Xuân Tiên đi về miền xa nhớ

 

Nhạc sĩ Xuân Tiên tên thực là Phạm Xuân Tiên, sanh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội, mất ngày 2 tháng 6 năm 2023 ở Úc. Ông là nhạc sĩ đại thọ của làng nhạc vàng Việt Nam, thọ 103 tuổi.

Cuối năm 1942, Xuân Tiên cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh hát Tố Như vào Nam trình diễn ở Sài Gòn. Năm 1952 ông vào Sài Gòn sống luôn.

Bài hát đầu tiên của Xuân Tiên là bài "Chờ một kiếp mai", Xuân Tiên viết nhạc Ngọc Bích viết lời :

samedi 20 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (4)

Khoai lang ăn nhiều bị nóng cổ, nhãi ruột, mà không ăn thì đói. Những nhà nghèo còn ăn luôn cả củ khoai bé tí (vốn để nuôi lợn), quê tôi gọi là khoai rãi, chả cần gọt vỏ, bỏ vào rổ tre chà xát cho vỏ mỏng ra rồi ghế chung với gạo.

Ăn khoai rãi cũng có nguyên do, bởi củ khoai lang to đem bán mua gạo, cả chục ký khoai mới được ký gạo. Củ nhơ nhỡ thì rửa sạch thái phơi khô bỏ vào chum chờ ngày giáp hạt. Nông thôn miền Bắc những năm trước và sau 1975 nhà nào cũng phải thủ sẵn chum khoai khô.

Tôi nhớ năm 1972, cơn bão số 7 vật vã quăng quật suốt một ngày, rồi tiếp đến mưa tầm tã thêm ngày nữa, nhà tôi phen ấy mà không có chum khoai khô có lẽ đổ đói cả nhà. Hết gạo không còn hột nào, chả thể chợ búa gì, bu tôi lấy khoai lang khô bung với đỗ đen, ăn cầm cự qua được cơn bão.

vendredi 19 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (3)

 

Nhiều khi cơm độn cũng chả đủ cho nhà đông miệng ăn, nhiều gia đình phải dùng đến cách độn gián tiếp là ăn thật nhiều rau củ. Độn vào bữa ăn chứ không phải chỉ riêng nồi cơm.

Nhà tôi sau khi đã vào hợp tác xã cũng thiếu gạo như những nhà xã viên khác, cơm chỉ hai lưng bát mỗi người nên rau thành món độn. Có những bữa, rửa rau muống cả rổ sề, chỉ luộc chấm mắm cáy thôi, thế mà cũng ăn hết.

Mùa nào thức ấy, canh rau cải, rau tập tàng (tập tàng là tên chỉ nhóm rau gồm những loại rau dại như rau sam, rau dền, rau muối… nấu chung với nhau), mướp, rau ngót, ngọn khoai lang, ngọn bí, đọt bầu, mùng tơi… chiếm lĩnh mâm cơm, cứ xanh ngăn ngắt. May mà ăn rau nhiều không chán, lại sẵn nữa, không thì chết đói. Thày tôi động viên “cơm không rau, ốm đau không thuốc”.