lundi 7 avril 2025

Nguyễn Thành Phong – VTV3 vừa bị sai về địa lý

Chương trình "Thời gian ơi, kể chuyện" trên VTV3 tối hôm qua 06/04/2025 nói về những dòng sông, nhiều xúc cảm và... khá lý thú. Nhưng đã có một sai sót khá... to, cần phải nói lại.

Khi tấm ảnh "Bến lở" được đưa lên màn hình, MC đề nghị khách mời cho biết đấy là ảnh từ con sông nào. Không ai đưa ra ý kiến. Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất hiện và kể về việc chụp bức ảnh ấy. Ông bấm máy từ trên một mố cầu đang xây của cầu Triều Dương.

Sau đó, cả MC và nghệ sĩ cùng nói, ở cầu Triều Dương tức là sông Thái Bình, rồi bảng chữ cũng hiện lên... là sông Thái Bình. Haha... Đây là một thông tin rất... sai.

Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc (tên chữ xưa gọi là sông Hải Triều, Lục Đức, Phổ Đà). Máy ảnh chụp từ trên cầu Triều Dương xuống thì chỉ có thể chụp được bến lở của sông Luộc, chứ không thể chụp được bến lở của sông Thái Bình, cách xa cầu Triều Dương tới sáu, bảy mươi cây số.

Sông Luộc là ranh giới tự nhiên giữa huyện Tiên Lữ của Hưng Yên với huyện Hưng Hà của Thái Bình. Sông Thái Bình (không chảy qua Thái Bình) chỉ đi qua giáp ranh Thái Bình, làm ranh giới phân cách giữa huyện Thái Thụy (Thái Bình) và huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Và sông Thái Bình không dính dáng gì đến Hưng Yên.

Tuy nhiên, sông Luộc thì lại có liên quan với sông Thái Bình. Sông Luộc dài 72 cây số, là con sông nối giữa sông Hồng và sông Thái Bình. Điểm đầu sông Luộc là ngã ba giao với sông Hồng tại Phương Trà thuộc xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Chính đoạn đầu này là ranh giới giữa Hưng Yên và Thái Bình, có cầu Triều Dương bắc qua. Điểm cuối của sông Luộc giao với sông Thái Bình ở Quý Cao, thuộc xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nếu tính quãng đường, thì từ cầu Triều Dương đến sông Thái Bình chừng khoảng năm, sáu chục cây số, là như vậy.

Thôi thì, có làm thì có sai, sai thì phải sửa. Mình viết lên phây, là để đính chính với những người đã xem chương trình. Nếu VTV3 đọc được, khi phát lại hay lưu trữ băng hình, thì sửa nhé.

Nhân đây, nói lại một chuyện liên quan :

Lâu nay, chúng ta đi xe qua nhiều cây cầu, thường chỉ biết tên cây cầu ấy chứ ít khi biết tên con sông mà cầu ấy bắc qua. Nhiều khi hỏi mãi mà không ra, hoặc có thể còn nhận được thông tin sai bét nhè, như kiểu cầu Triều Dương bắc qua sông Thái Bình vừa phát trên VTV ấy vậy.

Mình có người bạn đồng môn đại học Bách Khoa Hà Nội, là anh Ngô Văn Tuyển. Anh là kỹ sư nhưng hay viết lách, dịch thuật, từng đi với mình nhiều chặng du hí. Có lần bức xúc về chuyện này, đã viết bài "Những cây cầu có tên mà không có họ", gửi đăng trên mục Reablog của tờ điện tử Reatimes.

Trong bài ấy có đoạn : "Những cây cầu, thường là đều bắc qua những dòng sông. Vì có sông nên mới sinh ra cầu để đi qua. Cầu thường được đặt tên. Sông thường có tên gọi. Nếu coi cây cầu do dòng sông sinh ra, dòng sông là gốc của cây cầu thì tên sông như là cái họ của cây cầu. Và cây cầu hiện diện trước mọi người nên mang theo đủ đầy cả tên và họ của mình.

Có những dòng sông là có những cây cầu. Nếu sông là mẹ, thì cầu là con. Những người mẹ sông cứ mải miết sinh thêm những nhịp cầu. Đi trên những cây cầu mà không biết dòng sông chảy qua dưới đó, thì cũng như thấy ai đó có tên mà không có họ. Tiếc rằng có nhiều lúc tự hỏi mà không có câu trả lời. Chẳng phải lúc nào cũng có thể dừng lại để hỏi, để tìm hiểu. Và lại tiếp tục đi qua những cây cầu khác, những dòng sông khác. Cứ thế mà qua, mà lùi dần ký ức...

Nhà văn Tạ Duy Anh đã nêu ý kiến trên báo mấy lần về việc nên viết thêm tên sông gắn với tên cầu trên các biển đề ở các cây cầu. Vậy mà hiện nay, vẫn rất ít thấy cái đề nghị đơn giản ấy, là thêm một dòng chữ ghi tên sông ở biển tên cầu đặt ở hai đầu cầu.

Dưới dòng tên cây cầu là tên dòng sông. Chỉ cần thêm tên dòng sông thôi, còn tốt hơn nữa, thì thêm vài thông tin về dòng sông. Thế là những cây cầu như người được mang đầy đủ tên họ, gốc tích... Đây là một cơ hội phổ cập về địa lý đất nước, làm cho con người hiểu thêm tên sông, tên đất, hiểu thêm về những vùng quê xứ sở, để thêm yêu thương, gắn bó với đất nước của mình".

Vậy thì nhân đây, mình thêm một lần nữa nhắc lại đề nghị này gửi tới những người làm cầu, những người quản lý giao thông, những cán bộ lãnh đạo địa phương, các nhà văn hóa, giáo dục... Hy vọng là sẽ được chú ý và thực hiện.

NGUYỄN THÀNH PHONG 07.04.2025

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.