jeudi 10 avril 2025

Phan Châu Thành - Bình tĩnh trước cơn bão

Sau có 2 ngày thì tổng thống Mỹ Donald Trump lại "đổi ý", "treo việc tăng thuế nhập khẩu trong 90 ngày" với 75 nước, trừ Trung Quốc. Trong thời gian tới "chỉ" áp dụng mức thuế 10 % - cho những quốc gia nào chịu xuống nước, "kiss a**" ông ta : "please, please Sir".

Như mình đã nói hôm trước, chiến lược đàm phán kiểu "diều hâu" (hay "ăn cướp" này) không hề mới. Phần lớn thế giới tuy bị áp thuế, bị khinh bỉ nhưng vẫn "thở phào", thậm chí còn sẽ đồng loạt "cảm ơn" ông ta "đã giải quyết nhanh chóng vấn đề", dù vấn đề do chính ông ấy tạo ra.

Trên thực tế, ông Trump thừa hiểu bản thân không thể chống lại cả thế giới. Động thái "giảm cho 75 nước" rồi quay ra tập trung vào Trung Quốc cũng chỉ là bước tiếp theo của phương pháp đàm phán này : "chia ra để trị". Một chọi một với Trung Quốc thì Mỹ sẽ dễ hơn, lại "cửa trên", mà khuất phục được Trung Quốc thì cả thế giới sẽ khiếp sợ, càng thần phục Trump.

Khi đó ông Trump muốn gì cũng được - mà đó mới là mục đích tối thượng của ông ấy, chứ không phải "quyết tâm chống Tàu" như nhiều người lầm tưởng đâu. Trong kinh doanh không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích - ông Trump là người như vậy. Tiền bạc không thiếu rồi, nên giờ quyền lực tối thượng mới là thứ mong muốn, vậy thôi.

Nhưng phương pháp đàm phán kiểu này cũng để lộ ra một điểm yếu : Không thể tin ông Trump hay chính sách của nước Mỹ khi họ vẫn nắm quyền, bởi họ sẽ thay đổi xoành xoạch, miễn sao có lợi cho họ. Thậm chí cứ cho là đàm phán xong, lấy gì bảo đảm là thời gian sau ông ta sẽ không làm một phát y như vậy nữa, để ép cả thế giới mà đạt điều khác mà ông ta muốn ?

Không hề dựa trên pháp luật, ngồi xổm lên các cam kết quốc tế như WTO, thích là "tuyên bố thay đổi chính sách" gây sốc "ngay và luôn" không cho ai kịp trở tay... Tuy đem lại lợi ích lúc này cho Mỹ, nhưng trong tương lai sẽ khiến tất cả bắt buộc phải dè chừng và phải có "phương án phụ".

Cũng như cuộc "chiến tranh" của chính phủ ông Trump với Trung Quốc cũng sẽ không đơn giản, dễ dàng. "Bạn vàng" vốn rất nhiều thủ đoạn, đi đêm, lòng vòng... cùng với sự tham lam, khôn lỏi của nhiều "ranh nhân" - rất nhiều tại Việt Nam - trò "tạm nhập tái xuất để né thuế" sẽ lại nở rộ sau một thời gian "chập chững, dè chừng". Liệu Mỹ sẽ xử lý vấn đề đó thế nào ?

Thế nên như mình nói mấy ngày trước, mấu chốt vẫn là bình tĩnh trước cơn bão, kể cả có mạnh đến đâu. Bão càng mạnh thì thường tan càng nhanh, càng cần sự kiên nhẫn.

Bài học sau vụ này vẫn là đa dạng thị trường, tìm đường phát triển bền vững, từng bước từng bước một để đi lên. Thời đại "Thánh Gióng" với "bán qua bán lại bất động sản để kiếm tiền" - đáng tiếc cho nhiều người - ngày càng lùi xa rồi. Phải tính cửa khác, ổn định hơn để đầu tư lâu dài, có chiều sâu, mới có thể tồn tại hay phát triển tiếp được.

"Chọn bạn mà chơi" - các cụ dạy rồi - yêu ghét cảm tính cái nỗi gì. Có bạn đồng hành tử tế mới cùng nhau mà đi xa được, một vài cái lợi ích lẻ tẻ, nhất thời không đáng đâu, phóng tầm mắt là sẽ thấy. Mọi người nghĩ thử xem.

PHAN CHÂU THÀNH 10.04.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.