jeudi 10 avril 2025

Mai Quốc Ấn – Loạn thế và cơ hội

Chúng ta thực sự trong thời loạn !

Thông báo áp thuế của Mỹ khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ rực. Thông báo không hoãn áp thuế khiến thị trường chứng khoán “bốc cháy”. Và thông báo hoãn áp thuế 90 ngày thôi khiến các chỉ số chứng khoán xanh trở lại.

Độ “quái” của Tập Cận Bình kiểu dồn nén nhiều năm với ăn cắp công nghệ, bẫy nợ, thao túng kinh tế chính trị các quốc gia mà Trung Quốc mò tới được để leo lên vị trí siêu cường. Độ “dị” của Trump là những quyết định tưởng chừng bốc đồng, mau chóng thay đổi nhưng rất hiệu quả để nhận diện và phân loại “phe” để xem quốc gia nào thần phục Trung Quốc.

Trị “quái” bằng “dị” khác với diệt tà do chính, và loạn thế hiện ra !

Tổng thống Trump nhậm chức vào 20/01/2025 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào 20/01/2029. Trừ khi bị phế truất, ông ấy sẽ tại vị 4 năm. Vậy chúng ta có thể hiểu thương chiến Mỹ-Trung sẽ kéo dài ít nhất 4 năm. Chính xác là khoảng 3 năm 9 tháng. Hãy nhớ mốc thời gian này, vì những chuyển biến kinh tế lẫn chính trị sẽ xáo trộn toàn bộ những nhận thức mà các bạn từng biết. Nhưng tôi nghĩ hậu quả/kết quả của nó sẽ còn dài lâu hơn thế rất rất nhiều. Nước Mỹ mà bạn từng biết sẽ rất khác. Trung Quốc mà bạn từng biết sẽ rất khác.

Và ngay cả Việt Nam bạn từng biết, cũng sẽ rất khác !

Khác đến mức tính bằng ngày giờ trong sự biến đổi nhanh đến mức khó lòng tưởng tượng. Đôi khi chỉ vì một phút bốc đồng của chính khách hàng đầu (hay đó là một màn diễn sâu đủ đánh lừa thế giới của nước Mỹ khi xác định “đánh” Trung Quốc).

Kinh tế và chính trị luôn gắn liền nhau. Thế giới chiến tranh kinh tế cũng là chiến tranh chính trị. Mọi quốc gia sẽ bị ảnh hưởng tùy theo mức độ mà họ có độ mật thiết liên quan về kinh tế lẫn chính trị với Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam xuất siêu vào Mỹ nhiều nhất trong khi nhập siêu từ Trung Quốc nhiều nhất, nên ảnh hưởng đến Việt Nam cũng rất lớn.

Lớn đến mức những cải cách kinh tế và chính trị cho phù hợp với thời cuộc, trong góc độ nhìn nhận cá nhân tôi là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quốc gia, dân tộc mình !

Loạn thế thường dẫn tới việc thay đổi nhà cầm quyền và tính chất kinh tế của các đế chế. Nhưng đây là thời loạn lớn hơn cấp độ một quốc gia hay vùng lãnh thổ, mà ở cấp độ thế giới. Một thế giới bất ổn là một thế giới mất phương hướng. Những khủng hoảng về kinh tế, chính trị hay chiến tranh súng đạn diện rộng là “khủng hoảng bên trong” của thế giới hiện đại.

Đừng chỉ nghĩ thương chiến mới làm thế giới khác đi, mà còn cần nhìn nhận về trí tuệ nhân tạo và cả sự tự động hóa ở mức “bất cần” con người. Hay trong một phút mất kiểm soát nào đó của những lãnh đạo có nút bấm hạt nhân, bản đồ sự sống có về sẽ bị vẽ lại ở một khu vực nhất định hay lớn hơn.

Những toan tính cá nhân bỗng hóa ra rất chông chênh trong quyết định của một cá nhân lãnh tụ, hay một nhóm cầm quyền cấp độ thế giới bỗng “lên đồng”.

Nhưng lịch sử cũng cho thấy ngay cả trong loạn thế cũng có những sinh cơ, hy vọng. Vì loạn thế xóa bỏ cái cũ để xác lập cái mới như là điều kiện tiên quyết để sinh tồn.

Và ở cấp độ này, nó lại là tiền đề để có thể xuất hiện các học thuyết mới về triết học, xã hội hay tôn giáo hoàn toàn mới cho thế giới mất phương hướng, sa ngã và đọa lạc này.

Có một thời tại Việt Nam, những kẻ bất học vô thuật chỉ nhờ chút quan hệ với lãnh đạo mà trèo cao chức vụ, mà cướp bóc dân lành. Chúng đè nén những người tốt và điều đúng bằng quyền và tiền. Thậm chí chúng thao túng chính trường, kìm hãm quốc gia phát triển hay thậm chí thờ giặc phương Bắc như cha mẹ mà học đòi làm thức giả, tao nhân.

Nhưng loạn thế cấp độ thế giới hôm nay có lẽ mang tới cơ hội chân chính của những người có tầm nhìn xa, có chiều sâu văn hóa, có trình độ khoa học công nghệ thực sự để từ bóng tối ẩn mình bước ra gánh vác núi sông.

Trong góc nhìn của tôi, thời kỳ “kinh tế phông bạt” Việt Nam đang đi về hướng cáo chung để thay thế bởi kinh tế tri thức. Vật cực tất phản. Phản phác quy chân. Những quy luật ấy đúng với bất kỳ thời đại nào, quốc gia nào, dân tộc nào lẫn từng cá nhân.

Vì, loạn thế ắt xuất anh hùng !

MAI QUỐC ẤN 10.04.2025

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.