“Ông Tô Lâm Tổng Bí thư khác hẳn ông Tô Lâm Bộ trưởng công an!”. Đây là nhận xét của một doanh nhân sắp start-up lĩnh vực AI đồng thời cũng từng là một tù nhân lương tâm: Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhận xét này khá khách quan khi anh Thức đặt ngay sau câu nói trên một mệnh đề: “Dù ở cương vị nào, lịch sử cũng sẽ phán xét công bằng ông ấy.”
Ngay sau câu nhận xét một tuần, thông tin chấn động nhất mà tôi nhận được là bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và giảm số xã tại Việt Nam từ 10.500 xã xuống còn 2.500 xã.
Trước đó, ngành công an đã hoàn thành việc bỏ công an cấp huyện. PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam cho rằng “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này của ngành Công an gây rung chuyển nhất từ trước tới nay.”
Nhưng đúng như anh Trần Huỳnh Duy Thức nhận xét về “ông Tô Lâm Tổng Bí thư” thì việc giảm gần 80 % số đơn vị hành chính cấp xã sẽ là một động lực lớn để đất nước phát triển. Nó xóa đi hẳn một giai đoạn bị nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp nhận xét: “Bộ máy đông quá, dân không chịu nổi".
Nếu chỉ có ngành công an tỉnh gọn bộ máy thì tôi sẽ chỉ dừng ở mức đánh giá ông Tô Lâm có tính kế thừa tốt Nghị quyết 18/2017 của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Và nếu chỉ sắp xếp lại bộ máy công an thì ông ấy sẽ tự “đóng khung” mình ở tầm nhìn và thực thi chính sách cấp độ một đại tướng công an.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dự kiến ngân sách dành cho khoa học công nghệ tăng thêm 10.000 tỉ đồng. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng phát thông điệp tăng ngân sách cho khoa học công nghệ lên 2 % GDP (trước đây chỉ 0,67 %). Tiền lấy ở đâu ra? Chính từ việc bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, cắt giảm quỹ lương của những cán bộ buộc phải rời bộ máy.
Những quyết sách đáng chờ đợi từ Chính phủ sau khi Đảng cầm quyền ra Nghị quyết 57. Tôi gọi đây là nghị quyết về khoa học công nghệ sau khi xem kỹ các nội hàm của nó. Có vẻ báo chí được “mở đường” khi Dân Việt đăng loạt bài “57 trong nông nghiệp": Khi nhà khoa học phải đi... bán hàng online và tâm sự "đắng lòng" của một Viện trưởng.
Loạt bài này vẫn còn tiếp, song do đặc thù của tờ báo dành cho đối tượng là nông dân nên tôi e là những tiếng kêu thống khổ suốt bao năm qua của gới khoa học nông nghiệp chưa phải là miêu tả đầy đủ sự thống khổ của giới khoa học Việt Nam. Nhất là giới khoa học tự thân ngoài công lập.
Thử hỏi đất nước làm sao phát triển khi đến thành quả khoa học bị cán bộ… cấm nói. Vậy mà thực trạng ấy diễn ra nhiều năm và ở nhiều lĩnh vực trong khi sự sai phạm, yếu kém trong quản lý nhà nước diễn ra ở nhiều nơi. Hậu quả là rất nhiều đại án về việc chi sai ngân sách, giao sai đất công diễn ra ở khắp nơi (TPHCM, Đồng Nai, Quảng Ngãi…) trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Sản phẩm khoa học công nghệ có vượt trội hơn về chất lượng cũng chịu thua các “sân sau” mang tên con anh Sáu, cháu chú Ba, người nhà bác Tám. Nó làm những người yêu khoa học không thể tận hiến, khiến cho các tấm lòng vị quốc đậm đặc nỗi buồn. Đó là vấn đề mà Tổng Bí thư Tô Lâm cần giải quyết khi Đảng của ông đưa ra Nghị quyết 57 và Chính phủ ban hành quyết định khoa học công nghệ là chiến lược quốc gia.
Đã là chiến lược quốc gia, thì các nhóm lợi ích, nhóm đặc quyền đặc lợi cần phải bị hạn chế tối đa việc thao túng chính sách. Nghị quyết do Đảng ra, thực hiện do Chính phủ (là các Đảng viên) thực thi thì nhóm lợi ích, nhóm đặc quyền đặc lợi ắt có “tay trong” là Đảng viên, thậm chí là Đảng viên có chức vụ cao. Các đại án đã cho thấy chúng không sợ “đốt lò” vì “đốt lò” nhiều năm vẫn xuất hiện thêm một Việt Á tồn tại trên đau thương của nhân dân. Nghĩa là vấn đề không chỉ nằm ở “cây gậy” bắt bớ sau khi ngân sách bị xà xẻo, chia chác mà nằm ở cơ chế phân chia “củ cà rốt” sao cho mình bạch.
Điều này đòi hỏi tính kỹ trị trong định hướng, điều hành chính sách. Và tôi tự hỏi “ông Tô Lâm Tổng Bí thư khác hẳn ông Tô Lâm Bộ trưởng công an!” có thực sự là một nhà kỹ trị hay không?
Vì dù sao, kỹ trị vẫn tốt hơn cho quốc gia!
MAI QUỐC ẤN 11.03.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.