lundi 3 février 2025

Nguyễn Văn Mỹ - Du lịch và Ngũ Danh Thắng Việt

Du lịch hiệu quả, cần có bản sắc và sự khác biệt. Tài nguyên du lịch Việt Nam phong phú, đa dang chủng loại nhưng chưa được hệ thống.

Danh - không phải là danh nhân mà là danh thắng. Việc xét chọn và xếp hạng, dựa theo những số liệu cụ thể về độ cao (núi và thác), dài (sông), rộng (hồ và rừng), tọa độ (tâm điểm). Lâu nay, mọi người nói nhiều về “Tứ đại đỉnh đèo”, “Tứ cực”. Núi, sông, hồ, rừng, thác ít được nhắc.

Nay đề xuất thống nhất cách gọi, thay cho “Tứ” là “Ngũ”. “Ngũ danh thắng Việt”. Trước mắt là núi, rừng, sông, hồ, thác và cực. Sau này, có thể bổ sung thêm, càng nhiều càng tốt nhưng phải chuẩn.

TẠI SAO CHỌN “NGŨ”?

Ngũ là 5 - con số trung tâm, tượng trưng Phúc Lộc. Số 5 luôn xuất hiện trong nhiều quy luật tự nhiên như Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ); Ngũ Thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín); Ngũ Phúc (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh) … Nho giáo có Ngũ Kinh. Phật giáo có Ngũ Giới. Công giáo có Thứ Năm Tuần thánh. Hồi giáo có Năm Cột trụ. Đạo giáo có Ngũ Phương Thượng Đế. Kim Cương Thừa có Ngũ Lộ Thần Tài.

Tín ngưỡng dân gian Việt có cờ Ngũ Sắc (cờ Thần). Trang phục truyền thông Việt có áo Ngũ Thân. Mâm cúng của người Việt có Ngũ Quả. Nhiều qui trình có 5 giai đoạn. Trái Đất có 5 châu (Á, Âu, Mỹ, Phi, Đại Dương) và 5 biển (Thái Bình, Đại Tây, Ấn Độ, Bắc Băng, Nam Đại). Cơ thể con người có Ngũ tạng (tim, gan, phổi, thận, lá lách); Ngũ giác (thị, thính, khứu, vị, xúc). Mỗi bàn tay và bàn chân con người đều có 5 ngón.

Đèn ngôi sao thường 5 cánh, có mặt trên quốc kỳ Việt Nam và nhiều nước như Mỹ (nhiều sao nhất), Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, New Zealand, …; có trong biểu tượng các thánh đường Hồi giáo. Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ là Ngũ giác đài. Đền thờ Angkor Watt (đền độc lập lớn nhất thế giới) xây theo sơ đồ ngũ điểm với 5 ngọn tháp chính…

NGŨ DANH THẮNG VIỆT

Gồm Rừng, Núi, Đèo, Sông, Hồ, Thác và Cực.

Ngũ Danh Rừng Việt (Vườn quốc gia - VQG, tính theo diện tích)

- VQG Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), di sản thế giới rộng 123.326 hecta, bao gồm cả quần thể hang động như Sơn Đoòng (nhất thế giới), Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn, Tú Làn…

- VQG Yok Đôn (Đak Lak) rộng 115.545 hecta; rừng khộp đặc dụng, rừng thưa lá rộng, rụng theo mùa, chủ yếu là họ Dầu; khu bảo tồn voi.

- VQG Pu Mat (Nghệ An) rộng 91.113 hecta; giáp biên giới Việt Nam – Lào; có thác Kem hùng vĩ, rừng săng lẻ (bằng lăng, thao lao) và tộc người Đan Lai độc đáo với tục ngủ ngồi, đẻ ngồi...

- VGQ Sông Tranh (Quảng Nam) rộng 76.670 hecta, thành lập tháng 12-2020 (mới nhất) là khu bảo tồn hổ, nối kết rừng Trường Sơn và các di sản Hội An, Mỹ Sơn.

- VQG Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước rộng 73.837 hecta. Vườn nhỏ nhất trong Ngũ danh rừng Việt nhưng đón khách du lịch nhiều nhất, có sông Đồng Nai và hồ Trị An (Ngũ danh sông và hồ Việt), nơi xem thú lý tưởng nhất Viêt Nam.

Ngũ Danh Núi Việt (tính theo chiều cao).

- Núi Fansipan cao 3.143 m, thuộc tỉnh Lào Cai. Từ năm 2016, khi cáp treo Fansipan mở ra, con đường trekking bị lãng quên. Với cáp treo, ai cũng có thể "chinh phục" nóc nhà Đông Dương trong nửa giờ.

- Núi Pasilung cao 3.080 m, thuộc tỉnh Lai Châu, sát biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

- Núi Putaleng cao 3.049 m, cũng thuộc tỉnh Lai Châu.

- Núi Kỳ Quan San cao 3.046 m, nằm ở ranh giới hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

- Núi Khuong Su Van cao 3.012 m, thuộc tỉnh Lai Châu.

Ngũ Danh Núi Việt đều thuộc hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Fansipan đã có cáp treo, do vậy nên chọn Pasilung hoặc Putaleng tổ chức các cuộc thi leo núi hằng năm.

Ngũ Danh Đèo Việt (tính chiều dài)

- Đèo Ô Qui Hồ dài 50 km, độ cao 2.035 m, ranh giới Lai Châu và Lào Cai, cao nhất.

- Đèo Khau Phạ dài 35 km, độ cao 1.300 m, Yên Bái.

- Đèo Pha Đin dài 32 km, độ cao 1.648 m; ranh giới Sơn La và Điện Biên.

- Đèo Mã Phí Lèng dài 21 km, độ cao 1.200 m, Hà Giang), hiểm trở nhất.

- Đèo Hải Vân dài 20 km, độ cao 500 m; ranh giới Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; đèo duy nhất trong Ngũ danh đèo Việt giáp biển, có đường hầm bộ dài nhất ASEAN (6.280 m) và Hải Vân Quan (Thiên hạ đệ nhất hùng quan).

Bốn đèo phía Bắc quanh năm săn mây, đèo Hải Vân là nơi uống cà phê và đón bình minh cực chất.

• Ngũ Danh Hồ Việt (tính theo diện tích)

- Hồ Trị An rộng 32.300 hecta ở Đồng Nai (sông Đồng Nai), thủy điện công suất 400M, đang nâng lên 600MW. Đây là vương quốc cá lìm kìm, cá cơm nước ngọt.

- Hồ Sơn La rộng 22.400 hecta ở Sơn La (sông Đà), thủy điện công suất 2.400MW, lớn nhất Việt Nam.

- Hồ Hòa Bình rộng 21.800 hecta ở Hòa Bình (sông Đà); thủy điện công suất 1.920MW (sau thủy điện Sơn La); nổi tiếng với cá lăng, cá trắm đen, cá thủy tinh (cá nến).

- Hồ Thác Bà rộng 19.000 hecta ở Yên Bái (sông Chảy); thủy điện công suất 108MW; khởi công 1964, hoàn thành 1971 (đầu tiên ở Việt Nam); lừng danh với cá chày, cá thầu dầu (cá mương), cá nheo, cá ngạnh, chạch và mắm tép.

- Hồ Nà Hang rộng 9.000 hecta ở Tuyên Quang (sông Gâm); thủy điện công suất 342MW; với các đặc sản cá anh vũ, cá chép dòn, cá rô đơn tính.

Cả 5 hồ đều là hồ thủy điện, công suất và dung tích không tỉ lệ thuận với diện tích. Hồ nào cũng cảnh quan cực đẹp; có nhiều đảo. Hồ Thác Bà có gần 1.300 đảo).

• Ngũ Danh Sông Việt (chiều dài chảy trong lãnh thổ Việt Nam)

- Sông Đồng Nai dài 586 km (Tây Nguyên và Đông Nam bộ). Các phụ lưu là sông Đa Nhim, Đa Hoai, La Ngà, Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ. Sông Đồng Nai có 9 thủy điện, sông La Nga 5 thủy điện, sông Bé có 6 thủy điện.

- Sông Đà dài 527 km (Tây Bắc, Trung du); là phụ lưu chính của sông Hồng với hàng chục chi lưu bắt đầu bằng từ Nậm (tiếng Thái là nước). Có 54 thủy điện lớn nhỏ trên sông Đà và các chi lưu.

- Sông Hồng dài 510 km; còn gọi là sông Cái, sông Thao, Nhị Hà; (Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng sông Hồng). Hai phụ lưu chính là sông Đà, sông Lô cùng hàng chục chi lưu. Các thủy điện chủ yếu là trên hai phụ lưu và các chi lưu.

- Sông Mã dài 410 km (Điện Biên và Thanh Hóa) với 7 phụ lưu là sông Chu, Bưởi, Lũng, Luồng, Soi, Cầu Chày, Quan Hóa. Có 9 thủy điện trên dòng chính, 4 thủy điện trên phụ lưu.

- Sông Lam dài 362 km (Nghệ An) với 6 phụ lưu là sông La, Hiếu, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Giăng, Năm Giải. Có 4 thủy điện trên dòng chính và 4 trên các phụ lưu. Là biểu tượng của xứ Nghệ với đội bóng mang tên dòng sông.

Trong Ngũ Danh Sông Việt, chỉ có sông Đồng Nai bắt nguồn và chảy trọn vẹn trên lãnh thổ Việt Nam. Sông Hồng, Sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc; sông Mã, sông Lam bắt nguồn từ Lào. Sông Mekong 4.350 km, dài thứ 12 thế giới nhưng chảy trên lãnh thổ Việt Nam chỉ 235 km.

Ngũ Danh Thác Việt (tính theo chiều cao)

- Thác Đỗ Quyên (suối cùng tên) cao khoảng 300 m ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; trong vườn quốc gia Bạch Mã (độ cao 1.450 m).

- Thác Bạc (suối Mường Hoa) cao chừng 200 m ở phường Ô Qui Hồ, thị xã Sapa (độ cao 1.600 m), tỉnh Lào Cai; dưới chân đèo Ô Qui Hồ, sát quốc lộ 4D.

- Thác Vũ Môn và thác Tiên (suối Thần) cao khoảng 150 m, trên đỉnh núi Giăng Màn (cao 1.400 m) ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Thác Vũ Môn có sự tích cá chép hóa rồng; khó đi nhất, phải ngủ qua đêm trong rừng.

- Thác Sương Mù (suối Gấu) cao khoảng 100 m ở xã Đa Mi (độ cao 700 m), huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận; trekking 6 km vượt rừng, lội suối; phải có dây chuyên dụng và hướng dẫn viên chuyên nghiệp để xuống thác.

- Thác Bản Giốc (sông Quây Sơn) cao khoảng 70m ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, là biên giới Việt Nam – Trung Quốc, hùng vĩ và đẹp nhất ASEAN.

Độ cao Ngũ Thác có sai số nhất định, cách tính cũng chưa thống nhất. Thác càng cao, dòng chảy càng hẹp; trừ thác Bản Giốc (rộng 300 m, sâu 60 m). Ngũ danh thác Việt đang rất cần bổ sung, hoàn thiện với không ảnh toàn cảnh và độ cao chính xác. Danh sách và thứ tự độ cao sẽ thay đổi vì còn nhiều thác chưa được phát hiện.

Ngũ Danh Cực Việt (trên lãnh thổ đất liền)

- Cực Đông Mũi Đôi, xã Vạn Thịnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Trước đây, cực Đông là mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, Phú Yên.

- Cực Tây A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên; giao điểm biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc.

- Cực Nam Mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

- Cực Bắc Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đông Văn, Hà Giang nhưng cực Bắc chính xác về tọa độ cách cột cờ Lũng Cú vài km về phía Bắc, trên sông Nho Quế (ranh giới Việt Nam – Trung Quốc).

- Cực Trung tâm lãnh thổ Việt Nam, hình như chưa ai nghĩ tới?

Trái đất được chia thành 181 vĩ tuyến (ngang) và 360 kinh tuyến (dọc). Vĩ tuyến 0 là đường xích đạo. Kinh tuyến 0 đi qua đài thiên văn Greenwich (London, England).

Lãnh thổ đất liền Việt Nam giới hạn bởi vĩ độ cực Bắc 23°23’ (đỉnh Lũng Cú, Hà Giang) đến vĩ độ cực Nam 8°33’ (mũi Cà Mau). Vĩ độ cực Bắc, các số liệu đều thống nhất. Vĩ độ cực Nam, chênh lệch từ 8°28’ đến 8°37. Trên biểu tượng Mũi Cà Mau có ghi tọa độ 8°37’30”. Như vậy, cực TÂM ở vĩ độ 15°80’.

Có hai địa phương trong tọa độ này là Quảng Nam (vĩ độ 15°13’ – 16°12’) và Đà Nẵng (vĩ độ 15°15’ – 16°40’). Để xác định rõ hơn, phải đối chiếu kinh độ Quảng Nam (107°13’ – 108°44’) và Đà Nẵng (107°18’ – 108°20’). Hai huyện trong vĩ độ cực Tâm là Hòa Vang (Đà Nẵng, 15°56’ – 16o°3’) và Đông Giang (Quảng Nam, 15°50’ – 16°10’).

Kinh độ Quảng Nam và Đà Nẵng giới hạn từ 107°13 (Tây) – 108°44 (Đông). Cực Tâm ở kinh độ 107°81’. Đối chiếu, kinh độ huyện Hòa Vang là 107°49’ – 108°13’; Đông Giang là 107°35 – 107°56. Theo tính toán của tôi, vị trí cực TÂM Việt Nam thuộc địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Tính theo đường bộ, Tâm điểm Việt Nam là UBND thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam; cách cột mốc quốc gia Đất Mũi, Cà Mau 1.284 km và đỉnh Lũng Cú, Hà Giang 1.285 km.

VÀI KIẾN GIẢI

Trừ 4 cực Đông – Tây – Nam – Bắc và đỉnh Fansipan, các Ngũ danh khác hầu như chưa có biểu tượng. Đề nghị Cục Du lịch Quốc gia phối hợp các địa phương có Ngũ danh; tổ chức thi và chọn biểu tượng từng Ngũ danh, chọn vị trí đặt biểu tượng. Xác định Ngũ Danh Thắng Việt là những điểm đến du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt với nhiều nước khác. Riêng cực Tâm Việt Nam, cần được Cục Bản Đồ xác nhận.

Ngành du lịch, cần khẩn trương bắt tay thực hiện, có kế hoạch PR, đưa Ngũ danh Thắng Việt vào khai thác sớm nhất. Với Ngũ Danh Thắng Việt, du lịch Việt Nam có thêm nhiều điểm đến ý nghĩa, thú vị cho người Việt khắp năm châu và bạn bè thế giới; góp phần cho du lịch Việt tăng tốc.

NGUYỄN VĂN MỸ (Chủ tịch Lửa Việt Tours) 02.02.2025

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.