Lần đó, khoảng đầu những năm 2000, tôi và anh cùng tháp tùng đoàn lãnh đạo cao cấp đi thăm Ấn Độ.
Lên chuyên cơ, có nhiều quan chức, nhà báo và doanh nhân, trông cách ứng xử tôi biết đây là chuyến thứ “n” của họ. Tôi thì là lần đầu. Không biết tại sao, trong thời gian rất dài cha tôi làm việc, tôi chưa bao giờ đi chuyên cơ với ông ra nước ngoài. Khi còn bé thì đi sơ tán triền miên. Lớn lên tí đi bộ đội. Lúc chuyển ngành ra ngoài đi nghiên cứu sinh cho đến khi ông mất.
Thực ra tôi nhận lời VCCI đóng tiền tham gia đoàn vì rất muốn đến thăm đất nước Ấn Độ kỳ vĩ một lần, chỉ có vậy. Phải nói thật, với mục đích ấy, chuyến đi đối với tôi là sự thất bại hoàn toàn!
Chúng tôi bị lùa như vịt lên các xe buýt để cho đoàn xe kịp khởi hành. Bị thu giữ hộ chiếu trong suốt chuyến đi. Phải ngồi nghe những bài phát biểu dài vô tận… Tôi chỉ ngắm phố phường thành phố Mumbai, nơi đầu tiên đoàn đặt chân đến Ấn Độ, qua cửa sổ xe buýt. Và tôi chỉ thấy Ấn Độ là bức tranh tương phản đến cùng cực của giầu và nghèo!
Bên cạnh những tòa nhà chọc trời tráng lệ, người dân sống trong vỏ các xe buýt, rửa ráy, giặt quần áo ở những vũng nước… Và tôi cũng nhìn thấy một cảnh từng quen thuộc thời chiến tranh ở ta là mọi người đeo bám, ngồi đầy trên nóc xe lửa và vui đùa vì mình may mắn! Còn may mắn của tôi lúc đó lại là bên cạnh luôn có người bạn đường Dương Kỳ Anh, cùng trò chuyện về câu chuyện cuộc đời của nhau, những niềm vui và nỗi buồn…
Anh rất tự hào về việc đã vượt qua được những định kiến và rào cản để tổ chức được cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, về cách anh duy trì và phát triển tờ Tiền Phong nổi tiếng. Ngược lại, anh chăm chú nghe tôi giãi bày những khó khăn ban đầu của những “đảng viên làm kinh tế tư nhân”, cách tôi thuyết phục họ giữ chúng tôi ở lại trong hàng ngũ… Có những lúc, dường như tôi nghe anh khẽ thở dài.
Ngày cuối cùng ở Mumbai, tôi đánh liều rủ anh, giáo sư Th. và madame H. chuyên làm du học tự túc trốn ra phố chơi và mua một vài món đồ lưu niệm. Mọi người phấn khởi đồng ý ngay! Trong chương trình (mỗi một thành viên có một bản), sau buổi gặp mặt với các doanh nghiệp Ấn Độ, mà tôi biết chắc rất nhạt nhẽo, 14 giờ 30 đoàn ra sân bay đi New Delhi.
Chúng tôi bắt xe taxi ra phố, chiếc xe cổ chưa bao giờ cổ hơn thế, sàn thủng nên nhìn thấy đường chạy loang loáng dưới chân phát khiếp. Kệ! Cả bọn hồ hởi ngắm phố phường, chợ búa. Tôi mua được một chiếc thắt lưng, không biết hiệu gì, làm kỷ niệm.
Đúng 14 giờ chúng tôi có mặt ở khách sạn, còn 30 phút dọn đồ, thì biết một điều khủng khiếp nhất đã xảy ra: Cả đoàn đi ra sân bay lúc hơn 13 giờ vì cuộc làm việc buổi sáng kết thúc sớm, đã báo với bạn để xếp lại lịch đón ở New Dehli!
Lúc từ sân bay về khách sạn, có nhiều xe dẫn đường đi hết 45 phút! Tôi quyết định thuê xe khách sạn ra sân bay. Hỏi tài xế: Nếu nhanh nhất có thể thì bao nhiêu lâu? Trả lời: 1 giờ! Giáo sư Th. đưa tờ 100 đô: Nếu có cái này thì bao lâu? Trả lời: Bằng có xe dẫn đường, 45 phút!
Thế là chuyến xe điên loạn bắt đầu phóng ra đường phố Mumbai nhung nhúc xe cộ, người và …bò! Dưới đường, trên vỉa hè, khi đèn đỏ…! Tôi chưa bao giờ thấy điều gì mạo hiểm hơn thế. Thỉnh thoảng giáo sư Th. đưa tờ 20 đô và hỏi: Có nhanh hơn được 5 phút không? Tài xế hồ hởi: Sao không, tôi từng chở cả Bill Gates cơ, các ngài không biết đâu!
Tôi ngồi cạnh bác tài mà mắt cứ nhắm tít vì sợ. Liếc ra đằng sau, thấy khi đi qua một ngôi chùa là nhà thơ lại lén chắp tay, thật tội nghiệp. Chỉ có mình anh đang ngồi trên ghế, dẫu không cao lắm, nhưng là ghế. Còn chúng tôi thì bệt đít xuốn đất, sợ gì! Một đoàn xe hộ tống khổng lồ đón chúng tôi ở cửa sân bay quân sự Mumbai, còi hụ vang trời đưa chiếc taxi đến chân cầu thang. Tất cả chỉ mất 35 phút và đoàn đã chờ gần 40 phút !!! Chúng tôi cúi gằm mặt lướt qua vị trưởng đoàn đang đọc báo, khoang máy bay im lặng như tờ, không, như trong địa ngục mới đúng.
Cất cánh một lúc thì cơ trưởng Nguyễn Đình Đăng của Boeing 777, bạn cùng nhập ngũ và cùng học ở trường lái may bay Krasnodar, Liên Xô, xuống hàng ghế của tôi, thì thầm: ”Lúc nãy có ý kiến phải bay đúng giờ, tớ không chịu, xuống hỏi thủ trưởng bay hay chờ và đưa danh sách các cậu. Thủ trưởng liếc qua và nói: Chờ đi!”. Rồi Đăng mỉm cười hiền lành và quay về buồng lái. Chắc trưởng đoàn không nỡ bỏ lại Tổng biên tập Tiền Phong, một người nổi tiếng!
Trở về một thời gian, Dương Kỳ Anh viết một bài dài trên Tiền Phong, gọi tôi bằng danh hiệu mà tôi ghét nhất - Thái Tử, nhưng âm hưởng là ca ngợi những việc tôi đã làm và đã kể anh nghe. Chuyện chúng tôi suýt trễ chuyến bay chỉ lướt qua. Anh mời tôi và những người bạn “trong hoạn nạn” lên Sóc Sơn chơi và thường xuyên bình luận những bài của tôi trên Facebook. Rồi hôm kia đột nhiên nghe tin anh đi xa, thật đau xót!
Mong anh yên nghỉ!
LÊ KIÊN THÀNH 26.02.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.