Bậc chân tu giống cây đại thụ, đều cần thời gian. Hạt cây mới gieo trồng khác chi người mới bước vào tu tập, đâu có gieo hạt là thành đại thụ ngay và cũng chẳng có bậc chân tu nào không qua thời gian tu tập, thử thách.
Cây đại thụ bất động thân, bậc chân tu bất động tâm. Cây cần cố định để bộ rễ cắm sâu, lan xa từ lúc mầm vừa nhú rễ, lá vừa đâm chồi. Người tu cũng bất động ngày càng nhiều trước các mê đắm hồng trần mà giữ gìn giới luật. Phàm phu và lũ cỏ lao nhao sao hiểu được tính tôn nghiêm, sự giá trị trong chuỗi ngày bất động ấy?
Đại thụ có rễ chính, rễ phụ đâm xuống lòng đất và lan ra xung quanh. Rễ càng sâu, lan xa mới có thể giữ cho cây vươn tới trời cao trong một hành trình chắc chắn, vững vàng.
Bậc chân tu, dù đạo nào, cũng lấy giới luật đạo ấy làm nền tảng. Công phu tu tập càng cao, lời nói càng dễ hiểu dù đầy tính minh triết bởi xuất ngôn ra là dựa vào chân lý, nguyên lý mà pháp nào cũng rút ra từ sự vận hành của trời đất sâm la vạn tượng.
Cây đại thụ luôn hướng về phía trước. Đỉnh cây hướng về trời xanh mà cao mãi, tán cây hướng về xung quanh mà sum xuê, rễ cây bò khắp chốn để giữ nuôi nguồn sống. Bậc chân tu có thể vân du tứ hải, ngũ hồ hay diện bích cũng đều là nhìn sâu vào cốt lõi vận hành của trời đất thay vì những hình tướng mà chưa bao giờ nhận ra chỉ là phù du, những ngôn từ không khác phù âu…
Cây đại thụ chưa bao giờ tránh né ánh sáng mặt trời. Vì là đại thụ nên càng hiểu mình cần vươn cao lên trời xanh để đón nắng mà bỏ qua thú vui tầm thường của cỏ dại. Bậc chân tu có khác chi đâu? Ánh sáng của đạo pháp hằng theo đuổi dù có tên gọi là Thiên Đường (Thiên Chúa giáo), Niết Bàn (Phật Giáo) hay Vườn Địa Đàng (Hồi giáo) cũng là đích đến.
Nhưng trên hành trình cây thành đại thụ, ta chịu khó quan sát sẽ không xa lạ hình ảnh hễ cây lớn lên thì ắt có sâu bọ, có sâu bọ ắt có chim muông, có chim muông sẽ dẫn theo cáo chồn rắn rít, tiếp nữa sẽ là thú dữ cả dưới đất lẫn trên không v.v… Và cả những dây tầm gửi nữa!
Nên ta lại quan sát những ai theo bức bậc chân tu nhiều khi sẽ nhận ra (và lặp lại) có học trò của bọn ma tăng, lắm kẻ tham phước mà tìm đến, có thành phần vì “nhiệm vụ” mà đi theo, càng không thiếu lũ sâu bọ, tầm gửi ăn cây, phá cây v.v…
Chỉ có đại thụ mới đánh giá nổi đại thụ! Kể cả khi bạn thấy tận mắt một cây đại thụ chết khô vì sâu bọ và các loại dây leo thì đừng quên đại thụ vẫn là đại thụ, sâu bọ vẫn là sâu bọ, dây leo vẫn là loài tầm gửi. Và đại thụ, sâu bọ, dây leo rồi cũng hóa cát bụi cả! Thì bậc chân tu hay những kẻ bám theo, cũng bụi cát thôi mà…
Thật thứ lỗi, kể cả vẫn tin và tin hơn, bớt tin và tin thêm điều khác, hết tin và tin theo điều khác, theo điều khác rồi theo điều khác hơn v.v…Hẳn cũng có mục đích sâu xa nào đó trong mỗi hành vi như vậy. Thường là thương!
Nhiều khi thấy “quay xe” từ “tu hộ” mà thương. Thấy thầy nào cũng bái lại càng thương. Bái thầy rồi bye thầy vẫn còn nuôi chí bại thầy càng thương hơn nữa.
Boong!
MAI QUỐC ẤN 17.02.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.