lundi 15 juillet 2024

Thanh Hằng - Anh Tuấn « tim » có phải là « bàn tay vàng mổ tim » ?


Có một số người thần tượng anh Tuấn “tim”. Tôi chắc từ đồn đại của dư luận, chứ không hiểu biết về chuyên môn của anh ấy, nên phong cho anh những mỹ từ không đúng như “bàn tay vàng”, “chuyên gia mổ tim”.

Vì thế, tôi viết bài này, bằng chút ít hiểu biết về y tế mà tôi có được, mong chia sẻ thông tin để mọi người hiểu đúng. Từ đó mà khen đúng, kẻo “thương nhau lại bằng mười phụ nhau” nha!

Lĩnh vực tim mạch có nội khoa và ngoại khoa.

NỘI KHOA

Các cây đa cây đề về tim mạch Việt Nam phải là :

GS Đặng Văn Chung, GS Đỗ Đình Địch, PGS Bùi Thế Kỷ, GS Phạm Khuê, GS Trần Đỗ Trinh, GS Phạm Gia Khải (Viện Tim mạch Quốc gia). GS Phạm Tử Dương (BV 108) - người khai sáng Tim mạch Quân đội, PGS. Đinh Văn Tài và sau này là GS Nguyễn Lân Việt và GS Đỗ Doãn Lợi (đều từng là Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia), PGS Vũ Điện Biên (bệnh viện 108, con trai cố Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn), PGS Phạm Nguyên Sơn (nguyên phó giám đốc bệnh viện 108, con trai GS Phạm Tử Dương).

GS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia), PGS Nguyễn Lân Hiếu (giám đốc bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội), PGS Nguyễn Trung Anh (giám đốc bệnh viện Lão khoa Trung ương), PGS Nguyễn Ngọc Quang (Viện phó Viện Tim mạch Quốc gia), PGS Phạm Nguyễn Vinh (TP HCM), TS Cao Việt Tùng (phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương), TS Lê Hồng Quang, TS Nguyễn Thanh Hải vv… và đương nhiên có TS Nguyễn Quang Tuấn - nguyên GĐ BV Bạch Mai.

(Tôi để “vv… “ và dấu ba chấm tức là còn rất nhiều BS giỏi về nội tim mạch trên cả nước mà tôi không thể kể hết).

Nhưng, nhiều người lặng lẽ tận hiến, không làm hình ảnh nên ít người biết.

Nhiều năm trước, GS Phạm Gia Khải (khi đó là Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia) đã gửi hai bác sĩ Tim mạch can thiệp thế hệ đầu đi Pháp học, là anh Tuấn “tim” và GS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim mạch bây giờ). Trong đó, BS Tuấn học sâu hơn về can thiệp động mạch vành, BS Mạnh Hùng đi sâu hơn về can thiệp bệnh van hai lá…

(Thực tế thì cả hai bác sĩ đều có thể làm đc các kỹ thuật can thiệp động mạch vành và can thiệp bệnh van hai lá, chứ không phải làm đc cái này thì không làm được cái kia.)

Sau hai bác sĩ Tuấn và Hùng một thời gian, Viện Tim mạch tiếp tục gửi các bác sĩ khác sang Pháp học, như BS Lân Hiếu, BS Song Giang, BS Nguyễn Ngọc Quang (Viện phó Viện Tim mạch hiện nay). Bác sĩ Lân Hiếu thì chọn đi sâu về can thiệp tim bẩm sinh và là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này.

Đến nay, thì đã có nhiều thế hệ bác sĩ được ra nước ngoài học tim mạch bài bản, tiếp cận chuẩn với thế giới, tay nghề rất giỏi.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều bệnh nhân bị bệnh mạch vành và ít bị bệnh van hai lá tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nên hiện nay, hầu như các bác sĩ Tim mạch can thiệp làm stent động mạch vành là chính.

GS Phạm Mạnh Hùng hiện cũng là một trong những bác sĩ tim mạch can thiệp đầu ngành với hơn 30 năm kinh nghiệm. Một chuyên gia về tim mạch “mách” với tôi rằng, nếu tay nghề anh Tuấn “tim” 10 điểm thì GS Phạm Mạnh Hùng, nhất là PGS Nguyễn Ngọc Quang, cũng 10 thậm chí 10,5 điểm, vì “họ giỏi lắm ấy!”

GS Hùng là chủ biên 6 cuốn sách, trong đó có 3 cuốn xuất bản tại Hoa Kỳ; hơn 100 công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín; chủ nhiệm nhiều đề tài cấp quốc gia, cấp nhà nước, cấp bộ và được trao nhiều giải thưởng khoa học. Tôi cũng nghĩ những bông hoa này lặng lẽ tỏa hương, vì đầu năm 2024, khi tôi làm tuyến bài về Bác sĩ nội trú, tôi hỏi các nhân vật xuất sắc thành đạt, thì Đại học Y Hà Nội giới thiệu GS Hùng và “can thiệp” giúp tôi, nhưng GS Hùng từ chối phỏng vấn.

NGOẠI KHOA

Khi không còn điều trị nội khoa được nữa, thì mới đến các nhà ngoại khoa tim vào cuộc. Tức là họ đảm nhiệm ở giai đoạn bệnh nặng hơn.

Đương nhiên, đã ngoại khoa tim mạch thì phải nhắc đến các bác sĩ ở Việt Đức với các “cây đại thụ” là GS Nguyễn Dương Quang, GS Đặng Hanh Đệ, GS Nguyễn Xuân Ty và thế hệ sau này như PGS Nguyễn Hữu Ước - một trong những người đầu tiên ở Việt Nam ghép tim thành công.

Rồi GS Đoàn Quốc Hưng (nguyên Hiệu phó trường Đại học Y Hà Nội), TS Dương Đức Hùng (giám đốc bệnh viện Việt Đức), bác sĩ Nguyễn Văn Mão (nguyên giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội), PGS Nguyễn Sinh Hiền – giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, PGS Nguyễn Lý Thịnh Trường (giám đốc Trung tâm Tim mạch Nhi bệnh viện Nhi Trung ương) vv… Các bác sĩ này đều được đào tạo bài bản ở nước ngoài.

Từ “lò” Việt Đức ra, GS Lê Ngọc Thành, từng làm GĐ BV E, đã xây dựng một “lò phái sinh” về tim mạch là các phẫu thuật viên tim mạch cừ khôi như TS Nguyễn Công Hựu (hiện là giám đốc bệnh viện E), bác sĩ Phan Thảo Nguyên (phó giám đốc bệnh viện E) …

Bệnh viện E hiện có một trung tâm tim mạch “không phải đậu vừa rang” vì các chuyên gia đều trẻ và giỏi.

Các chuyên gia ngoại tim mạch thế hệ hiện đại đã siêu giỏi khi thực hiện khát vọng của thế hệ đi trước là ghép tim thành công và đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong thời khắc nếu không ghép thì chết. Giờ thì nhiều bác sĩ của Khoa tim mạch Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế đã ghép tim thành thạo rồi.

Vì thế, tôi nghĩ, cụm từ “bàn tay vàng”, chỉ nên dành cho các nhà phẫu thuật. Chứ mọi người dùng với anh Tuấn “tim” là chưa đúng, vì anh Tuấn là bác sĩ can thiệp tim mạch.  Đặc biệt, bảo anh Tuấn tôi là chuyên gia mổ tim thì là “chả hiểu gì về điện cũng sửa ống nước”. Kiểu thấy người ta khen cũng a dua tỏ ra là mình biết! Phỏng!

THANH HẰNG 14.07.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.