1. Ông học trước tôi 7 khóa khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp. Khóa ông có nhiều anh tài. Khi giáo sư Nguyễn Kim Đính là Chủ nhiệm khoa, lại đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập nên cần sự góp sức của các cựu sinh viên mà Hội Cựu sinh viên khoa Ngữ văn được thành lập.
Những chuyện lớn như gặp gỡ, nêu chủ trương GS Đính làm vì ông là giáo sư, học khóa 1, uy tín rộng khắp. Tôi là Phó khoa nên hay tham gia giúp việc này. Ông là một thành viên (lúc đó ông công tác ở Tạp chí Học tập - nay là Tạp chí Cộng sản) và ông không phải là người “ nổi nhất” một phần vì ông trầm tính, khi việc gì được giao đều làm hết sức chu đáo nhưng không “xin việc”. Chúng tôi biết nhau từ đó.
Một buổi chiều ông đạp xe đến nhà nhờ tôi dạy thêm cho con gái ông môn Văn để cháu thi đại học. Ông ân cần, chu đáo, có gì đó hơi lạnh chứ không vồ vập. Tôi hiểu đó là sự đúng mực của người tự trọng.
2. Khi tôi sắp chuyển việc thì nhận được tin nhắn ra gặp ông. Đến khi gặp tôi mới biết ông muốn tôi về làm ở Sở Văn hóa. Ông khuyên tôi từ chối chỗ làm mới và bảo “Mọi chuyện cứ để anh lo”. Tôi nói “Em chưa làm văn hóa bao giờ, sợ không làm được”. Ông cười, đôi mắt nhỏ và dài ánh lên nét tinh nghịch “Cứ làm rồi biết. Có ai dậy anh làm Bí thư đâu. Cái chính là mình tập trung cho công việc, vừa làm vừa học. Mình là dân tổng hợp mà”.
Rồi khi mọi việc coi như kết thúc, ông bắt tay tôi “Thế nhé. Việc không dễ nhưng cứ phải cố. Nhất là mấy anh em bảo nhau mà làm. Anh chưa xin ai bao giờ nhưng trường hợp của em anh đã xin ý kiến Thường trực, đừng làm mất uy tín anh nhé”. Chỉ mấy câu thế thôi nhưng tôi nhớ mãi và tự dặn lòng, mình không thể để người xin mình về thất vọng.
Ngày mùng ba Tết năm ấy tôi nhận được điện thoại của Văn phòng “Anh có đi chúc Tết đâu không? Không thì ở nhà, khoảng 3 giờ nhé”. Tôi hỏi chuyện gì thì anh ấy không nói nhưng tôi đoán có người nào đó “to to” trong thành phố đến chơi. Ba giờ, ông đến chúc Tết gia đình tôi. Đi cùng một cán bộ văn phòng. Thăm hỏi, trò chuyện một lát, ông bảo “Tết, đến thăm cô chú tí. Vất vả hơn ở trường cũng đừng trách anh đấy nhé. Ăn cam nhà chú ngọt thế chắc việc chú cũng xuôi chèo mát mái thôi. Thôi, trò chuyện đủ rồi, anh về để chú còn lo việc khác”.
3. Tôi nghe những đồng môn Ngữ văn kể lại khi họp lớp, có người nhắc ông ”Giờ ông làm to thế (Chủ tịch Quốc hội), ông cần quyết liệt hơn. Ông tốt nhưng hiền quá. Phải dùng quyền lực của mình để ngăn chặn cái xấu chứ chỉ lo giữ mình thì…”. Ông nhỏ nhẹ “Các bạn nghĩ vậy à? Mình sẽ cố gắng”. Không tỏ thái độ gì, cũng không giải thích. Khi lớp tôi in cuốn “Mùa thu tôi yêu” tập 1, không biết vì sao sách đến tay ông, ông nói với các bạn đồng khóa, đại ý: Nếu lớp ta in kỷ yếu, nên làm một cuốn hay như cuốn K.15 đã làm. Đã làm thì làm cho tử tế. Không ngờ ông đọc cả những câu chuyện thời sinh viên của các đồng môn lớp sau, và muốn khóa mình cũng nên làm một cuốn thật “cẩn thận”.
4. Tôi có đôi lần được tham gia đoàn công tác của ông. Ông không muốn đoàn của ông có xe cảnh sát dẫn đường rú còi inh ỏi. Ông bảo bật đèn để người đi đường dễ nhận ra có xe khác là đủ, rú còi khiến người ta giật mình là không nên. Ông nói với mọi người “Anh em địa phương quý thì mới mời mình ăn uống này nọ. Nhưng như thế vất vả cho anh em lắm. Mình cũng không nên cầu kỳ. Với lại, ăn thì cũng đến đủ thì thôi, cầu kỳ làm gì. Đừng lãng phí”. Ông lo cả đến chuyện nhỏ mà lo thật lòng chứ không mầu mè, làm dáng.
Ông có lần dặn anh em chúng tôi: Làm văn hóa khó lắm vì có phải ai cũng hiểu đúng đâu. Nhiều cái màu mè, hình thức mà cứ tưởng đấy mới là cái mình cần phấn đấu là nguy hiểm lắm. Đừng làm theo kiểu phong trào. Phong trào cũng cần nhưng thực chất mới quan trọng. Thực chất là gì? Là con người, là bình an và hạnh phúc. Phải coi trọng văn hóa hơn. Đừng đặt mục tiêu Hà Nội là trung tâm kinh tế hàng đầu nhưng văn hóa phải là hình mẫu, là hàng đầu của cả nước. Bộ mặt của quốc gia cơ mà.
Khi chỉ đạo chương trình “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn mình, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội” có vị đặt ra những yêu cầu không chuẩn nhưng cứ nói như “đúng rồi”, ông nhỏ nhẹ khi tổng kết “Văn hóa đa dạng lắm, nhiều cấp độ lắm. Anh em chúng em người trần mắt thịt chỉ nghĩ được đến thế thôi. Xin tiếp thu ý kiến của các anh chị nhưng xin cho làm như những gì đã chuẩn bị”. Rồi lúc ra về vỗ vai tôi “Khó chưa? Nhưng đừng nản nhé. Thấy gì đúng cứ thế mà làm. Thực tiễn sẽ kiểm nghiệm”. Tôi lặng đi vì sự tế nhị và minh triết của ông.
5. Khi ông tuyên bố trong cuộc chống tham nhũng không có vùng cấm, “Ai không làm đứng sang một bên”, tôi vừa hy vọng, vừa băn khoăn. Có ông trước đó đã hứa ”Không chống được tham nhũng tôi xin từ chức” nhưng chức ông không từ, tham nhũng thời ông lan như dịch hạch và còn để lại di chứng đến giờ.
Ông nói ít nhưng cứ lẳng lặng đưa hết sâu chúa này đến sâu chúa khác vào lò. Không phải là “một mình chống lại mafia” nhưng mình ông vật ngã bao tay tham nhũng gộc, cứ lặng lẽ diệt từng tên, diệt từng băng nhóm. Nỗi đau của ông là có người ông tin cậy, mong muốn họ tử tế thì họ vẫn lừa dối ông. Niềm tin của ông đặt nhầm chỗ hay bị phản bội thì cũng thế. Ông đang tìm cơ chế nhốt bệnh ham, lợi dụng quyền lực, diệt tham nhũng từ gốc rễ nhưng chưa thành công như mong muốn.
Lại nhớ câu “Chớ mang thành bại luận anh hùng” mà vừa thương, vừa trọng, vừa ái ngại cho ông. Ông đã làm hết sức mình cho sự lựa chọn ấy nhưng kết quả chưa như mọi người chờ đợi. Không ít kẻ đã ngã lòng, đã sống hai mặt nhưng ông thì không. Chỉ riêng việc ông dám dấn thân đến cùng vào con đường chống cái ác, cái xấu, nghĩ sao sống thế, kiên định sự lựa chọn của mình, sống cho người khác, giữ mình liêm chính thì đã xứng danh kẻ sĩ rồi, đáng kính trọng rồi. Giữa đường đứt gánh cũng là số trời.
Lại nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu rơi nước mắt đau lòng vì những khúc nhôi không cho riêng mình mà cho vận nước, nghĩ đến tâm trạng bao người mấy ngày qua mà thấy lòng hoang hoải. Vĩnh biệt ông, một con người đáng kính.
(PS: Đây là ảnh một bạn vừa gửi cho tôi. Nhìn ảnh nhớ giao thừa năm ấy ông đi cùng tôi ra đền Ngọc Sơn. Ông bảo “Có thấy vui khi việc mình làm đem lại niềm vui cho người khác không?”. Việc này có làm khó cho tôi chút vì ông cứ kéo tôi lên cùng ông trong khi lãnh đạo thì đi phía sau).
PHẠM QUANG LONG 20.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.