Sự kiện sư Minh Tuệ xuất hiện không chỉ làm rung chuyển xã hội như sóng trào, mà còn tác động mạnh mẽ thấm sâu vào tâm trí mỗi con người dài lâu…
Đứa cháu của tôi có nhiều băn khoăn, tâm tư về chuyện này. Nay ông trao đổi với cháu về những băn khoăn bằng mấy câu hỏi - đáp dưới đây.
1. Đạo Phật tu như sư Minh Tuệ: Vô sản là hạnh phúc, vậy không cần phấn đấu làm giàu thì xã hội phát triển làm sao?
- Nước ta có 100 triệu người, có hơn 40.000 tăng ni mà cả nước chỉ có một sư Minh Tuệ tu “Hạnh đầu đà” thôi. Nhưng một mình ông tu như vậy đã giúp mọi người tỉnh ngộ ra, thấy Chân lý của Đạo Phật Thích ca Mâu ni chân thật, giản dị như thế nào, để tu tập cho đúng. Chỉ vậy thôi, đóng góp của ông là vô giá.
Còn mọi người muốn hạnh phúc thì phải phấn đấu làm thật tốt công việc của mình và sống một cách có Phật tính, như thầy Minh Tuệ nói: Bớt Tham, Sân, Si, đừng có trộm cắp, tà dâm, nói láo… Nghĩa là sống, làm việc có Trí tuệ và lòng Từ bi; giàu có, nhưng sống giản dị, tiết kiệm, biết chia sẻ giúp đỡ mọi người… thì mới hạnh phúc. Còn chỉ tham giàu vật chất mà tâm bất thiện thì luôn bất an, đau khổ, chứ hạnh phúc sao được. Thực tế xã hội chưa bao giờ phơi bày ra biết bao nhiêu “tấm gương” tham, sân, si - vô minh dẫn đến thân bại, danh liệt để ta suy ngẫm thấm thía như thời nay.
Nên tuổi trẻ phải nhớ: Khoa học và đạo Phật là hai thanh đường ray đưa con tàu xã hội tới văn minh, hạnh phúc. (Câu này của một hiền nhân nói, ông đọc lâu quá, quên tên rồi). Phải giỏi khoa học, công nghệ, đồng thời biết tu tâm làm hiển lộ Phật tính thì cá nhân mới có hạnh phúc, xã hội mới tốt đẹp.
2. Tu để hạnh phúc, nhưng ông Minh Tuệ tu khổ thế thì ai học được?
- Tâm nguyện, lý tưởng của ông Minh Tuệ là tu để giải thoát hoàn toàn, “thoát khỏi luân hồi sinh tử” noi theo Đức Phật, nên ông xả bỏ triệt để, tận cùng Tham, Sân, Si, Ngã chấp. Buông bỏ mọi vướng mắc ở đời, kể cả gia đình, cha mẹ; tối giản nhu cầu vật chất để nuôi sống cái xác thân chỉ cần ở mức tối thiểu nhất cho sự sống còn. Người thường thấy ông ấy khổ cực vô cùng, nhưng ông ấy rất hạnh phúc vì mỗi phút giây thấy mình vượt qua tất cả khổ đau, hoan hỉ dấn bước trên con đường tu tập đi gần đến Chân lý…
Ta người thường, tu theo lời Phật dạy để sống giàu có, văn minh mà lương thiện an vui, hạnh phúc, chứ cháu đừng có xuất gia vào chùa, cũng đừng bắt chước tu “Hạnh đầu đà” như sư Minh Tuệ, con gái càng không tu như thế được!
3. Sao lại phải ăn một bữa, ngủ ngồi, mặc áo vá…?
- Ăn một bữa cũng đủ sống, đi bộ cả ngày đấy thôi; ai cho đồ chay là ăn, không kén chọn. Đó là để diệt cái tâm Tham ăn (Muốn ăn nhiều bữa, ăn vặt, ăn của ngon vật lạ, thèm sơn hào hải vị…).
- Ngủ ngồi là đối trị với tâm tham ngủ nằm, ngủ nướng, nằm ì lười biếng… Ngồi thiền, lúc mệt, buồn ngủ thì chợp mắt một lúc, rồi tỉnh thức.
- Mặc “Y phấn tảo” là tiết kiệm tột cùng, chỉ nhặt những mảnh vải người ta vứt bỏ, chắp vá vào may “ba y”, đối trị hoàn toàn với tâm Tham, si mê chạy theo các mốt, mua sắm hàng trăm bộ áo quần xa hoa, lãng phí.
- Ngủ ở ngoài trời, nghĩa địa, gốc cây… để đối trị với tâm tham đắm vào giường êm, đệm ấm, điều hòa nóng lạnh…
- Đầu trần, chân đất đi bộ vẫn đi khắp mọi miền đất nước như Tổ tiên ta ngày xưa, sao bây giờ mấy bước là lên xe, xuống tàu?
Tóm lại, tự nguyện sống khổ tột cùng để trải nghiệm nỗi khổ, biết khổ, vượt khổ được, tâm sẽ không vướng mắc gì, ngập tràn niềm an lạc…
Còn một lý do sư Minh Tuệ mặc “Y phấn tảo”, ôm ruột nồi cơm điện đi khất thực để không lẫn với các sư ở chùa mặc áo vàng, cầm bình bát “xịn” giả vờ đi khất thực quanh chùa…
Từ những phân tích trên, ta phải xem lại mình, xem đã sống lãng phí biết bao mà vẫn muốn thật nhiều nữa; chính lòng ham muốn vô độ ấy làm ta khổ trong tâm và khổ lây người khác. Hãy buông xả bớt đi, cuộc sống sẽ đơn giản, nhẹ nhàng, tâm sẽ an lạc, tươi vui hơn.
4. Sao đầu trần, chân đất mà ông đi khắp đất nước làm gì?
- Thì ông Minh Tuệ đã nói: Mấy năm tu ở một chỗ, đi khất thực loanh quanh thì cảm thấy chưa hiểu đời, hiểu mình, nên muốn “ra đời” xúc chạm xã hội để tập học được nhiều điều. Đó chính là tu. Mấy năm ông ít giao tiếp xã hội nên nói năng vụng về, có người cho là “nói ngô nghê”. Đi khắp các vùng miền, gặp đủ mọi hạng người trong xã hội, có người thương hoan hỉ bố thí; có người vừa cho vừa khinh; có người xua đuổi, mắng chửi, nhiếc móc, thậm chí bị đánh hộc máu mồm… Đó đều là tu, vượt qua mọi kiếp nạn để trau dồi bản lĩnh kiên cường, nhẫn nhục, từ bi, trí tuệ. Đúng là để rèn luyện sức khỏe cả thể xác và tâm trí, hiểu Trời, hiểu Đất, hiểu Người, hiểu Mình… Có tu vậy mới hy vọng thành bậc đại Trí, đại Bi, đại Dũng …
Tuổi trẻ muốn trưởng thành cũng phải rèn luyện, trải nghiệm trong thực tiễn xã hội khắc nghiệt, chứ những cô chiêu, cậu ấm sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ, yếu hèn, rồi thành “thái tử đỏ” thì chỉ ăn tàn, phá hại là chính!
5. Sao với ai ông ấy cũng xưng “Con”?
- Cháu thấy những người xưng “Thầy”, “Sếp”, “Bác”, “Chú”, “Cô”, “Anh”, “Chị”, “Tao”... là thể hiện bề trên với người đối thoại- tự cho cái “Ngã” của mình cao hơn; người xưng “Trẫm”, “Sư phụ”... tự coi “Ngã” của mình là “siêu”; còn “Mày có biết “bố” là ai không”? cái “Ngã tướng” mới kinh! Khi cái “Ngã” dính chặt vào tâm, sinh ra Ngã mạn, Ngã ái, Ngã kiến, Ngã tướng, Ngã si… làm con người dễ u mê, nói năng, hành động mù quáng.
Khi xưng “con” với mọi người, ông Minh Tuệ muốn buông bỏ cái “Ngã”, đến tận cùng, coi mình thấp kém, hèn hạ; ai có coi thường, khinh bỉ mình cũng không sao cả!
Ta là người bình thường, trong quan hệ xã hội, phải vừa biết khẳng định “cái Tôi” của mình một cách đúng đắn vừa biết khiêm nhường với tất cả.
6. Tuổi trẻ có thể học gì từ sư Minh Tuệ?
- Sống có mục đích, lý tưởng, hoài bão xa xa, chứ đừng quá thực dụng, “gà què ăn quẹn cối xay”! Thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhà nông giỏi, sĩ quan giỏi, thợ giỏi, nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội uy tín…”Nhà” gì đã chọn lựa thì phải toàn tâm, toàn ý “tu tập” đến nơi đến chốn, mới hy vọng đạt đến tầm cao của quốc gia, quốc tế.
- Để đạt đến mục đích xa ấy phải kiên trì học tập, làm việc âm thầm bền bỉ, trung thực, vượt qua mọi khổ nạn, như sư Minh Tuệ phải qua 8 năm mới lộ diện và bừng sáng, rồi vẫn phải tiếp tục tu tập. Ta phấn đấu nhưng không phải kiểu “hy sinh đời bố, củng cố đời con” hay “Gian khổ ba năm, hạnh phúc muôn đời” như khẩu hiệu xạo, mà cảm thấy vui thích trong từng việc làm trung thực, hữu ích. Hạnh phúc trên con đường đi đến đích chứ không phải khi “đạt thành tích thi đua”, “nhận bằng cấp”, “giấy khen”... mới “ăn mừng hạnh phúc”!
- Trong đời sống vật chất, biết đủ, biết dừng, sống chân thật, giản dị, tiết kiệm cho tâm nhẹ nhàng, thanh thản. Đừng sống buông thả, phóng thể, chạy theo lối ăn chơi vô độ, hoang phí thời gian, sức lực, tiền bạc vô ích. Cần nghiêm khắc với bản thân, biết tồn tâm, dưỡng khí, sống lành mạnh, làm những việc có ích, sẽ thấy hạnh phúc.
- Hãy quan sát, phân tích tâm của mình để hiểu bản thân, biết quý trọng bản thân, chăm sóc bản thân cho tốt, đẹp, từ đó mới hiểu người, biết quý trọng người khác. Cũng gọi là sống Từ bi và Trí tuệ.
- Hãy tu tâm theo lời Phật: Bớt Tham, Sân, Si, không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, không nói láo, không nói lời độc ác, vu khống, bịa đặt, tuyên truyền dối trá; không ngã chấp, mơ tưởng hão huyền… Sống chân thật, vui vẻ mỗi ngày, làm tốt từng việc, sẽ thấy vui thích trong từng ý nghĩ, lời nói, việc làm.
Thôi tạm thế đã. Biết đến đâu hãy thực hành đến đó, qua trải nghiệm mới nhận ra sự thật. Đó là Giác ngộ. “Ngộ ra” mới tự mình thay đổi được. Có thay đổi gì hãy chia sẻ với ông nhé.
MẠC VĂN TRANG 03.07.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.