Thú thực, tôi không hề muốn viết bài riêng về hành giả Minh Tuệ. Vì đó là cuộc sống riêng của ông ấy, ông ấy chọn sống như thế nào, lý do gì… thì đó cũng là chuyện riêng tư. Không nên can thiệp quá sâu, cũng chẳng nên bình luận khen chê.
Thế nhưng mấy tuần nay, xã hội ta như phát cuồng về hành giả Thích Minh Tuệ. Mở Facebook ra lướt, cứ đọc 3 bài là hết 2 bài bài nói hoặc đề cập đến người đàn ông này.
Từ những bài bình luận, phân tích đa chiều, đến những hình ảnh tràn ngập không gian mạng. Hết hình ảnh, video clip quay hình người dân sùng bái ông Minh Tuệ, đến cảnh những kẻ đu trend, làm đủ các trò lố. Rồi đến thời trang, âm nhạc, thơ...Rồi đến mức Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ra hẳn công văn gởi các cấp chính quyền, cơ quan truyền thông để minh định về chuyện này.
Không còn nghi ngờ gì nữa, câu chuyện hành giả Thích Minh Tuệ ôm lõi nồi cơm điện cũ bộ hành khất thực dọc chiều dài đất nước đã trở thành một hiện tượng xã hội. Thậm chí là một trào lưu thời thượng, lôi kéo nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp tham gia vào, khiến tôi không thể không đặt dấu hỏi về nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện tượng này.
Việc một nhà sư buông bỏ hồng trần, chọn khổ tu làm lẽ sống, ôm bình bát đi chân trần khất thực, chỉ nhận vật phẩm đủ ăn cho ngày một bữa có phải là một hiện tượng lạ? Xin nói ngay và luôn là: Không! Điều này đã bắt đầu và có từ hàng ngàn năm trước.
Cho tới giờ nó vẫn là một trường phái tu hành trong Phật giáo có tên là Nam tông, được phổ truyền ngay tại các quốc gia bên cạnh Việt Nam như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện… Hàng ngày, tại những đất nước này vẫn có hàng ngàn nhà sư tu theo trường phái ấy đi khất thực, mà không hề trở thành hiện tượng gì cả. Không làm xáo trộn xã hội, khiến cư dân mạng phát cuồng như lên đồng.
Vậy tại sao hiện tượng hành giả Thích Minh Tuệ lại trở thành độc đáo ở Việt Nam? Trả lời luôn: Vì nó hiếm, nó không phổ biến, nó không có… nên trở thành hiện tượng lạ!
Chúng ta hãy nhìn những vị sư thuộc GHPGVN được phong Thượng tọa, Đại đức, mang chức sắc này nọ trong Giáo hội, được phân công trụ trì chùa to, chùa nhỏ… vẫn thường đăng đàn quay video clip thuyết giảng cho Phật tử tại Việt Nam đi (còn lưu đầy trên mạng xã hội). Có vị sư nào không mặt căng, da bóng, thân hình phốp pháp, toát lên vẻ phởn phơ, đủ đầy, viên mãn?
Có vị sư nào đăng đàn thuyết giảng với một hình hài gầy còm bởi thiếu ăn, mặt mày đen đúa vì dãi dầu mưa nắng. Bàn chân chai sần vì đi chân đất, tăng y chắp vá luộm thuộm, hôi hám, không nhận tiền cúng dường mà chỉ nhận thức ăn đủ để ăn ngày một bữa? Có vị sư nào không chịu ở chùa to, trang bị đầy đủ tiện nghi, đi xe xịn, mặc đồ tốt, được Phật tử phục vụ, ăn đồ ngon… Chưa kể đến việc những vị sư này thích xài điện thoại đời mới nhất, đeo đồng hồ xịn nhất, đắt nhất?
Còn nữa những hình ảnh mà tôi nhìn thấy ở những vị sư tu hành theo đúng thủ tục của Nhà nước quy định thuộc GHPGVN, mà tôi không thể kể hết ra đây.
Người dân đi theo tung hô hành giả Thích Minh Tuệ không phải vì ông ấy là một bậc cao đạo, giảng giải đạo pháp cao siêu giác ngộ cho bá tánh. Cũng không phải vì ông giúp ích gì được cho ai (ông ấy còn phải xin bá tánh cho cơm ăn, nước uống ngày một bữa dọc đường thiên lý)… Mà có lẽ bởi vì người ta nhìn thấy ông ấy đã thực sự buông bỏ - Phật giáo gọi là Hỉ xả - không tranh giành, cướp đoạt của ai cái gì ; chỉ nhận đủ cho nhu cầu tối thiểu của cá nhân mình, không làm hại ai…
Một điều hiếm có khó tìm trong xã hội ta đang sống, cả trong những người thuộc giới tu hành được Nhà nước công nhận, cấp phép (cứ coi mấy video clip các sư thuộc GHPGVN có chức sắc, trụ trì ở các chùa to công kích nhau vì tranh giành đúng-sai, quyền lợi, lợi ích... là biết). Chỉ cần vậy thôi, là người dân đã tình nguyện nể trọng, chăm sóc.
Trong GHPGVN hiện nay có bao nhiêu vị sư làm được như hành giả Thích Minh Tuệ, tạo dựng được hình ảnh, nhận thức trong chúng Phật tử như hành giả Thích Minh Tuệ? Câu trả lời này tôi dành cho các bạn, mỗi người tự có câu trả lời riêng theo nhận định riêng của mình.
Trong lịch sử thế giới hàng ngàn năm qua, khi Chính quyền Nhà nước không còn được dân tin tưởng nữa, thì sẽ dần đánh mất vị thế, không thể nắm vị trí lãnh đạo. Lúc đó, người dân sẽ chuyển niềm tin của mình sang tôn giáo và tôn giáo sẽ làm công việc lãnh đạo thay Chính quyền.
Nếu tôn giáo cũng không thể khiến cho người dân trao gởi niềm tin và đi theo, thì…
Tôi không biết!
HỮU PHÚ 19.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.