mercredi 22 mai 2024

Đặng Sơn Duân - Sự nguy hại của tư duy công nông binh

Đầu óc, thể lực của con người theo tự nhiên rất khó giữ được sự minh mẫn, sáng suốt 24 giờ mỗi ngày. Ai cũng có những khoảnh khắc thiên tài hay phút ngớ ngẩn không thể nào giải thích.

Nhưng mạng xã hội là sân khấu trình chiếu liên tục, đòi hỏi sự tỉnh táo không ngừng nghỉ, nhất là người nổi tiếng, chỉ cần một giây phút thả hồn buông trôi, sơ sểnh là lập tức được cộng đồng mạng tôn lên hàng thánh nhân, lập đàn tế sống. Ngay cả một nhà toán học nổi tiếng cũng đôi lúc viết tút rất thiếu hàm lượng i ốt mà người ta chắc chắn ông ấy rất dồi dào.

Họa hoằn lắm mới có người rạch trời rơi xuống, luôn thể hiện xuất sắc như anh Quang lùn, người bắn tút 24/7 mà tút nào cũng trước sau như một, chém đinh chặt sắt, nhất tiễn xuyên tâm, khiến đối phương cứng họng vì không khép được mồm.

Vì thế, tôi không định thêm dầu vào lửa hay hướng chỉ trích vào tác giả của cái tút nổi lềnh bềnh trên mạng hôm qua, mà chỉ lạm bàn về nội dung. Bởi đằng sau đó là một lịch sử kinh hãi của tư duy công nông binh.

Tư duy ấu trĩ này chỉ xem trọng các giai cấp công nông binh, ưu tiên các giai cấp lao động phổ thông và xem nhẹ, đàn áp hoặc bách hại các tầng lớp khác, gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng trong lịch sử. Những ví dụ tiêu biểu nhất của tư duy này là Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, cải cách ruộng đất và đánh tư sản ở Việt Nam cùng với chủ nghĩa lý lịch.

Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng là một minh chứng rõ rệt của tư duy công nông binh. Những tầng lớp còn lại bị xem là không có đóng góp gì cho xã hội, trí thức là cục phân, tôn giáo là thuốc phiện, do đó cần phải bị loại bỏ. Hàng triệu người bị bắt giam, tra tấn và nhiều người đã mất mạng. Trí thức, giáo viên và những người có học vấn bị buộc phải lao động khổ sai, trường học bị đóng cửa và di sản văn hóa bị phá hủy. Hệ quả là Trung Quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn kinh tế và xã hội.

Ở Việt Nam, cải cách ruộng đất vào những năm 1950 và chiến dịch đánh tư sản sau năm 1975 là những ví dụ khác về hậu quả của tư duy này. Cải cách ruộng đất nhằm mục đích xóa bỏ tầng lớp địa chủ, chia lại ruộng đất cho nông dân. Hàng vạn người bị đấu tố, xử tử hoặc bị đày ải vì bị gán cho là tư sản, địa chủ, cường hào. Ở chiến khu, những nghệ sĩ như Phạm Duy và những người khác chỉ là văn công không hơn không kém. Chiến dịch đánh tư sản sau năm 1975 cũng nhằm xóa bỏ tầng lớp tư sản, tịch thu tài sản của họ. Những chính sách này đã gây ra sự hỗn loạn xã hội, sự bất bình đẳng trong quyền sở hữu tài sản và làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.

Chủ nghĩa lý lịch cũng là một hệ quả khác. Lý lịch giai cấp của một cá nhân quyết định hầu hết các khía cạnh của cuộc sống, từ cơ hội giáo dục, công việc, đến vị trí xã hội. Những người có lý lịch "xấu" - tức xuất thân từ tầng lớp địa chủ, tư sản, hoặc trí thức - bị phân biệt đối xử và khó có cơ hội thăng tiến. Ngược lại, bần cố nông lại là vầng hào quang chói lòa. Điều này tạo ra một xã hội thiếu công bằng, nơi mà năng lực và thành tựu cá nhân không được đánh giá đúng mức, gây lãng phí tài năng và làm giảm động lực phát triển.

Tư duy sặc mùi Hồng vệ binh này đã để lại những hậu quả sâu sắc và lâu dài, đôi khi không thể khắc phục. Nó gây ra sự chia rẽ xã hội, khuyến khích sự thù địch giữa các tầng lớp và làm suy yếu mối quan hệ cộng đồng. Những chính sách kinh tế không hợp lý cũng dẫn đến sự suy thoái và lạc hậu. Hơn nữa, việc phá hoại các giá trị văn hóa và tri thức đã làm suy giảm chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện của xã hội, nền văn hóa truyền thống bị tổn thương nghiêm trọng.

Lối tư duy nguy hại như thế tưởng đã biến mất sau nhiều bài học, sau những cơn mê sảng lịch sử. Nhưng hóa ra nó vẫn còn lẩn khuất đâu đó, chỉ chờ cơ hội xuất đầu lộ diện. Giờ này còn lối suy nghĩ đó thì mong gì chấn hưng văn hóa !

Nhà tu hành Minh Tuệ đóng góp được gì ư? Những bước chân của ông ấy có thể rất bình thường, nhưng tác động của chúng mới là điều quan trọng. Chúng có thể là những đốm lửa nhỏ khởi phát sự bừng tỉnh cho công cuộc chấn hưng văn hóa mà người ta đang muốn tiêu tốn hàng trăm ngàn tỉ đồng để thực hiện trong vô vọng.

ĐẶNG SƠN DUÂN 22.05.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.