samedi 2 décembre 2023

Huy Đức - 1972: Hà Nội 12 ngày đêm B-52

[Phần II]

Khi bước lên máy bay, Kissinger đã nhận được một bức thư tay của Nixon, dặn: “Thứ nhất, anh cứ làm cái gì cho là đúng mà không cần chú ý đến bầu cử; thứ hai, chúng ta không thể để tuột mất cơ hội kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Nixon cũng gửi một bức thư cho Brezhnev, nhưng theo Kissinger, những yêu cầu của Nixon đều bị bỏ qua.

Trong khi đó, tuy không trả lời gì, “viện trợ đạn dược của Bắc Kinh cho Hà Nội đã giảm tới mức ít ảnh hưởng tới kết quả của cuộc chiến”.

Sài Gòn

Nhưng, kể từ ngày 14-10, khi Đại sứ Bunker chuyển bản tóm tắt Hiệp định cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đến ngày 18-10, khi Kissinger đến Sài Gòn, ông Thiệu không hề trả lời. Ngày 19-10, khi đến Dinh Độc Lập, Kissinger đã phải đợi tới 15 phút, Hoàng Đức Nhã - trợ lý của Tổng thống - mới ra đưa Đại sứ Bunker và Kissinger vào gặp ông Thiệu trao bức thư của Nixon. Ông Thiệu hẹn 2 giờ chiều hôm sau sẽ trả lời.

Vào ngày 19-10, Kissinger nhận được phản hồi từ Lê Đức Thọ, theo ông: “Hà Nội đồng ý không chỉ với lập trường của chúng tôi mà còn cả với câu chữ do chúng tôi đề ra: Với việc ngừng bắn, tất cả tù nhân sẽ được trả tự do, trừ 10 nghìn cán bộ Việt cộng trong nhà tù miền Nam Việt Nam”.

Trong khi đó, không có cuộc điện thoại nào từ văn phòng Tổng thống Thiệu gọi cho Đại sứ Bunker để xác nhận cuộc hẹn. Mãi tới 2 giờ 30 phút, Bunker mới nhận được điện thoại của ông Nhã báo là cuộc họp phải lùi tới 5 giờ. Năm giờ, đoàn xe hộ tống của Tổng thống Thiệu đi ngang qua sứ quán Mỹ hụ còi hết cỡ và bỏ mặc Bunker giận dữ, không một lời xin lỗi. Đêm hôm đó, Hoàng Đức Nhã mới báo với Bunker, Tổng thống sẽ làm việc với họ vào 8 giờ sáng hôm sau. Cuộc gặp vào 9 giờ sáng ngày 20-10, theo Kissinger, là chỉ để nghe “cơn thịnh nộ” của ông Thiệu.

Trong khi Kissinger cảm thấy bế tắc với Sài Gòn thì ông nhận được tin vào tối 21-10 từ Hà Nội, theo đó, các yêu cầu của Mỹ về các vấn đề liên quan đến Lào và Campuchia đều được chấp nhận.

Kissinger đang không biết sẽ ăn nói như thế nào với ông Lê Đức Thọ thì Hà Nội mời nhà báo nổi tiếng Arnaud De Borchgrave đến Việt Nam và thu xếp để ông phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Kissinger cho rằng: “Hà Nội đã phạm phải sai lầm khi đưa ra cớ để (cho Washington) trì hoãn”.

Một bức điện, nhân danh Tổng thống Nixon được gửi tới phái đoàn của Hà Nội ở Paris cho rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phá vỡ lòng tin và làm nảy sinh trách nhiệm đáng kể cho những mối quan hệ ở Sài Gòn, khi cho Arnaud De Borchgrave vào phỏng vấn. Bức thư nhấn mạnh rằng phía Mỹ không thể hành động một cách đơn phương; những khó khăn ở Sài Gòn cho thấy sự việc diễn biến phức tạp hơn dự đoán; trong hoàn cảnh đó, Tổng thống đã phải triệu Tiến sĩ Kissinger về Washington để cố vấn những bước đi tiếp theo.

Kissinger “dọa” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nếu chiến sự còn tiếp diễn kiểu này trong 6 tháng nữa Thượng viện sẽ quyết định cắt viện trợ. Nhưng ông Thiệu với sự cố vấn của Hoàng Đức Nhã vẫn không lay chuyển. Trong khi đó, Hà Nội cáo buộc Washington “không thực sự nghiêm chỉnh” và cảnh cáo rằng “cuộc chiến ở Việt Nam sẽ tiếp diễn và phía Hoa Kỳ phải chịu tất cả trách nhiệm”.

Mặc dù trong bức điện gửi tới Paris vài ngày trước, Nixon đã đề nghị hai bên chưa công bố những điều trong dự thảo Hiệp định, nhưng ngày 26-10-1972, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho công bố bản dự thảo này.

Do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phản đối, Kissinger phải đưa ra 69 đề nghị mới của Việt Nam Cộng Hòa. Trong đó có những đòi hỏi mà Hà Nội không thể nào chấp nhận: Đòi xóa bỏ tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ghi trong Hiệp định; đòi rút tất cả lực lượng không phải Nam Việt Nam ra khỏi miền Nam. Chính Kissinger cũng thừa nhận đó là những đòi hỏi vô lý - để tăng thêm sức phản kích, Lê Đức Thọ đòi lập hội đồng ba thành phần 15 ngày sau ngừng bắn, đòi tổng tuyển cử ở miền Nam 6 tháng, đòi Thiệu phải từ chức hai tháng trước tuyển cử.

Cho dù xác nhận sự đồng ý của Sài Gòn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Hiệp định, Kissinger vẫn chấp nhận đưa ra khỏi Hiệp định điều kiện “rút quân đội không phải của Nam Việt Nam ra khỏi miền Nam”; có giải pháp thỏa đáng xác nhận vị trí của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... nhưng Lê Đức Thọ thấy Mỹ vẫn đòi sửa đổi nhiều với ta, nên lại phê phán Mỹ lại có ý đồ chia cắt Việt Nam, kéo dài đàm phán.

Theo Kissinger: “Tổng thống rất thất vọng về tinh thần cũng như thực chất của cuộc họp cuối cùng với Lê Đức Thọ”. Nixon gửi điện cho Kissinger: “Nếu đối phương không thể hiện thiện chí phù hợp tương tự như chúng ta đang thể hiện, tôi chỉ thị cho anh phải ngừng đàm phán và rồi chúng ta sẽ nối lại các hoạt động quân sự cho đến khi đối phương sẵn sàng đàm phán. Phải làm cho họ tỉnh ngộ trước ý nghĩ cho rằng dường như chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc giải quyết theo hướng những điều khoản mà họ đưa ra”.

Ngày 23-11, sau cuộc đàm phán dài 6 tiếng đồng hồ, nhân dịp Lễ Tạ ơn, đoàn miền Bắc mời đoàn Mỹ dùng một bữa trưa thịnh soạn với thịt bò và thịt gà nướng.

Ngay trong bữa ăn, Kissinger viết: “Tôi đưa ra hai lựa chọn cho Tổng thống: Hoặc chấm dứt đàm phán và ném bom trở lại miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở lại (trên thực tế, trước đó 24 giờ tổng thống đã yêu cầu tôi đặt vấn đề đó cho ông Lê Đức Thọ suy nghĩ); hoặc có giải pháp cho những vấn đề nêu trong bản Dự thảo, cụ thể là các điều khoản về khu phi quân sự và vũ khí, kèm theo một số thay đổi trong phần về chính trị như là việc giữ thể diện cho chính quyền Sài Gòn”.

Giáng Sinh B-52

Các cuộc đàm phán được đôi bên thỏa thuận là sẽ nối lại. Trong bức điện gửi tới Hà Nội vào ngày 27-11, Washington cho biết là Tổng thống ra lệnh giảm 25 % các đợt ném bom. Theo Kissinger: “Đó là một sai lầm. Có vẻ như Bắc Việt Nam xem hành động đó như thể là chúng tôi buộc phải làm do yếu thế”.

Kissinger nói Nixon đã muốn ra lệnh tấn công bằng B-52 xuống Hà NộI - Hải Phòng ngay trước khi các cuộc đàm phán được bắt đầu lại vào ngày 6-12.

Trong cuộc gặp vào ngày 7-12, theo Kissinger: “Chúng tôi bị dồn vào chân tường một cách tuyệt vọng. Điều mà Lê Đức Thọ muốn ở chúng tôi là tiến tới Hiệp định, đủ gần để ngăn ngừa chúng tôi sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng cũng đủ xa để duy trì sức ép sao cho vào những phút cuối có thể hoàn thành những mục tiêu của Hà Nội trong việc làm tan vỡ cấu trúc chính trị của Sài Gòn”.

Trên thực tế, theo ông Lưu Văn Lợi, những tranh chấp còn lại là không quan trọng, phần lớn thuộc về kỹ thuật hoặc về cách dùng từ khác nhau do dịch ra tiếng Anh, tiếng Việt. Theo người phiên dịch của ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Đình Phương: “Đến ngày 13-12-1972, chỉ còn hai vấn đề tồn tại (khu phi quân sự và cách ký Hiệp định), hai bên quyết định về nước hỏi ý kiến chính phủ, trong khi các chuyên viên tiếp tục rà soát lại văn bản. Ngày 15-12- 1972 anh Sáu rời Pari”.

Kissinger cho rằng: “Nếu hồi tháng Mười, Hà Nội chịu đưa ra một hoặc hai đề nghị thỏa hiệp về khu phi quân sự hay kỹ thuật viên quân sự thì Nixon có lẽ đã chấp nhận; ông không hào hứng với việc ném bom trở lại. Ông đã trải qua nỗi kinh hoàng khi xuất hiện trên truyền hình để thông báo bắt đầu một nhiệm kỳ mới với việc một lần nữa mở rộng chiến tranh... Nhưng Hà Nội đã trở nên quá tự tin.

Được khuyến khích bởi sự bất đồng công khai giữa Washington và Sài Gòn, thêm vào đó, Quốc hội mới sẽ cắt ngân sách vào tháng Giêng tới, Bắc Việt Nam nghĩ rằng họ có thể buộc chúng ta nhượng bộ và làm Sài Gòn mất tinh thần. Bắc Việt Nam đã phạm một lỗi căn bản khi thương lượng với Nixon, họ đã dồn ông vào chân tường. Nixon nguy hiểm hơn bao giờ hết khi ông dường như không còn lựa chọn”.

Ngày 14-12-1972, từ Paris, Kissinger trở lại phòng Oval, nơi các cộng sự và ông trở nên “diều hâu” hơn. Trong cuộc họp đó Nixon quyết định “ném bom dày đặc và lần đầu tiên sử dụng liên tục B-52 trên miền Bắc”. Ngày 16-12, Đại sứ W. Porter, Trưởng đoàn Đàm phán của Mỹ tại Paris, đã gặp ông Xuân Thủy. Theo Kissinger, ông Xuân Thủy “đã đẩy sự kiêu căng của Lê Đức Thọ lên một mức nữa. Thay vì dừng lại ở những vấn đề cụ thể, ông đã lịch sự từ chối thảo luận về bất cứ vấn đề gì”. Cùng ngày, tại phòng Báo chí của Nhà Trắng, Kissinger giải thích về các cuộc đàm phán đang bế tắc.

Sáng 18-12, Kissinger gửi thông điệp cho Hà Nội, một mặt, buộc tội miền Bắc đã cố ý trì hoãn đàm phán, mặt khác đề xuất nối lại đàm phán bằng cách quay lại các thỏa thuận đã đạt được vào cuối vòng đàm phán đầu tiên được nối lại ngày 23-11, bao gồm cả những thay đổi mà Lê Đức Thọ đã đồng ý. Kissinger ngỏ ý sẽ gặp Lê Đức Thọ bất kỳ lúc nào sau ngày 26-12. Tướng Giáp gọi đây là một “tối hậu thư”.

Cũng trong chiều 18-12-1972, vào lúc 4:45 giờ Hà Nội, chiếc chuyên cơ vốn sử dụng để chở Hồ Chí Minh mang ký hiệu BH195 đưa Lê Đức Thọ từ Hội nghị Paris về tới sân bay Gia Lâm. Hơn hai giờ đồng hồ sau, khi Lê Đức Thọ đang ở trong nhà tắm, Tướng Giáp nhận được điện thoại Trực ban báo tin có nhiều tốp B-52 bắt đầu rời Guam và Utapao.

Liền đó là những hồi còi báo động phá vỡ sự tĩnh lặng đợi chờ của Hà Nội. Ngay trong đêm hôm đó, tất cả các sân bay quân sự xung quanh Hà Nội như Kép, Phúc Yên, Hòa Lạc... đều bị phá hủy. Chiếc chuyên cơ BH 195 đậu ở Gia Lâm cũng bị bom B-52 phá hỏng hoàn toàn. Đài Tiếng nói Việt Nam bị ném bom.

Theo Tướng Giáp, vào lúc 20:20 ngày 18-12-1972, ông nhận được tin 4 phút trước đó, Tiểu đoàn tên lửa 59 đã bắn cháy chiếc B-52 đầu tiên, xác chiếc B-52G này rơi xuống xã Phù Lỗ, Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Tướng Giáp mô tả: “Tin thắng trận xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng Hành dinh náo nức được thấy con ngoáo ộp B-52 không còn ‘bất khả xâm phạm’ trước những con ‘rồng lửa Thăng Long”. Lúc 4 giờ 39 phút sáng hôm sau, 19-12-1972, Tiểu đoàn tên lửa 77 bắn rơi chiếc máy bay thứ hai.

Nhưng Tướng Giáp không chỉ nhận được “tin chiến thắng”. Vào thời điểm ấy, ở khu vực Đông Nam Á, người Mỹ có tới 207 chiếc B-52 đang ở tư thế sẵn sàng ném bom: 54 B-52D đậu ở Utapao RTAFB, Thái Lan; trong khi 153 chiếc khác gồm 55 B-52D và 98 B-52G đang ở căn cứ không quân Andersen ở Guam.

Đêm 18-12-1972, Mỹ sử dụng tới 129 máy bay ném bom, được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu F-4, F-105, máy bay đánh chặn tên lửa SAM, máy bay làm nhiễu sóng radar... Người Mỹ quả đã chịu tổn thất nặng nề khi ngay trong phi vụ đầu tiên, ba máy bay bị bắn rơi ngay bởi 68 quả tên lửa SAM: hai B-52G và một B-52D. Hai B-52D khác bị trúng đạn hư hỏng nặng phải đưa về sửa tại Utapao. Cũng trong đêm đó, một chiếc F-111 bị bắn hạ.

Trong đêm thứ hai, 93 chiếc B-52 khác lại được đưa tới vùng trời miền Bắc, các cơ sở công nghiệp ở Thái Nguyên, Yên Viên và ga Kinh Nỗ trở thành mục tiêu và nhanh chóng bị phá hủy. Hàng chục tên lửa SAM được bắn lên nhưng chỉ làm hư hỏng một số máy bay.

Các mục tiêu khác ở Yên Viên, Ái Mỗ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Hà Nội tiếp tục bị B-52 cày nát trong đêm thứ ba, ngày 20-12-1972, nhưng 4 chiếc B-52 đã bị bắn hạ với khoảng trên 30 quả tên lửa SAM trong đó có một chiếc đã rơi tại Lào trên đường bay về Thái Lan.

Ngày 20-12, tại Paris, trong cuộc gặp đại diện Mỹ, Heyward Isham, ông Nguyễn Cơ Thạch đã mạnh mẽ phản đối hành động của Nixon.

Những tổn thất này đã khiến cho Ban Tham mưu liên quân và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nao núng. Có những tiếng nói muốn dừng cuộc “tàn sát” lại. Nhưng Nixon ra lệnh cho Đô đốc Moorer tiếp tục cường độ oanh tạc và bắt vị tham mưu trưởng liên quân này phải đích thân chịu trách nhiệm về kết quả của chiến dịch oanh tạc.

Đêm thứ Tư, 21-12-1972, 30 B-52 từ Utapao vẫn được đưa vào vùng trời Hà Nội. Nhiều mục tiêu khác lại bị phá hủy trong đó có kho Văn Điển và sân bay Cẩm Thuỷ (Quảng Tế, Thạch Thành, Thanh Hoá). Nhưng, thêm hai B-52 bị bắn hạ bởi SAM. Tên lửa SAM dường như chỉ có thể tập trung bảo vệ vùng trời Hà Nội. Những ngày sau đó, các cuộc oanh kích chuyển sang đánh phá Hải Phòng.

Không có một chiếc máy bay nào bị bắn hạ thêm ở đây ngoại trừ một chiếc F-111 bị bắn rơi trên bầu trời Kinh Nỗ.

Ngày 22-12, Mỹ đề xuất một cuộc gặp giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Kissinger vào ngày 3-1-1973. Nếu Hà Nội đồng ý những điều khoản do phía Mỹ đưa ra, việc ném bom từ vĩ tuyến 20 sẽ chấm dứt vào nửa đêm ngày 31-12. Nhưng ngày 23-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lại đọc một bài phản đối khác.

Ngày 22-12-1972, một cuộc ném bom được nói là nhắm vào sân bay Bạch Mai và căn cứ Bộ Chỉ huy của lực lượng không quân Bắc Việt Nam, nhưng toàn bộ lượng bom trên một chiếc B-52 đã rơi vào bệnh viện Bạch Mai và khu dân cách đó hơn một cây số.

Ngày 23-12-1972 và các ngày sau đó, các oanh tạc cơ tiếp tục chiến thuật tránh Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Cho đến đêm 26-12-1972, 120 máy bay ném bom gần như đồng thời oanh tạc khu vực Thái Nguyên, Hà Nội và cả Hải Phòng: 78 B-52 bay từ căn cứ Andersen; 42 chiếc khác bay từ Utapao, theo sau chúng là 113 máy bay hộ tống các loại, cùng lúc tràn ngập vùng trời miền Bắc.

Khoảng 250 tên lửa SAM đã được bắn. Một B-52 bị bắn hạ gần Hà Nội, một chiếc khác bị bắn hỏng cố bay về Utapao nhưng đã bị rơi ngay gần đường băng. Tướng Giáp kể: “Có lúc căn hầm kiên cố của Tổng Hành dinh rung chuyển như động đất”.

Đêm ấy, vào lúc 22 giờ 47 phút, B-52 đã rải bom xuống Khâm Thiên và hơn 100 điểm dân cư ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc.

Trong ngày 26-12-1972, ngày mà lượng bom B-52 được thả xuống miền Bắc ác liệt nhất, Kissinger nhận được “thông điệp” từ Lê Đức Thọ. Tuy bác bỏ “ngôn ngữ tối hậu thư” của Washington nhưng Hà Nội đã đồng ý với các điều khoản đưa ra từ phía Mỹ: nếu Mỹ ngừng ném bom, các cuộc họp cấp chuyên gia có thể nối lại trong khoảng thời gian sớm nhất; vì lý do sức khỏe Lê Đức Thọ không thể tham dự cuộc họp nào trước ngày 8 tháng Giêng.

Ngày 27-12, Mỹ đồng ý nối lại các cuộc gặp cấp chuyên gia vào ngày 2-1- 1973; Lê Đức Thọ và Kissinger sẽ gặp nhau ngày 8-1; Mỹ sẽ ngừng ném bom trong vòng 36 giờ khi nhận được lời khẳng định cuối cùng về các bước thủ tục này. Theo Kissinger: “Hà Nội trả lời ngay trong vòng 24 tiếng - một kỳ tích về thời gian cần thiết để chuyển tin từ Paris; chuyển đến Paris và sự khác nhau về múi giờ”. Kissinger viết: “Chúng tôi đã thắng cược”.

B-52 tiếp tục oanh tạc cho tới đêm 29-12-1972. Trong suốt “12 ngày đêm” ấy, người Mỹ đã huy động 741 lượt B-52 ném bom miền Bắc Việt Nam, 729 phi vụ được coi là thành công, 15.237 tấn bom đã được dội xuống 18 mục tiêu kinh tế và 14 mục tiêu quân sự; các loại phi cơ khác cũng đã dội xuống đầu người dân Việt Nam thêm 5.000 bom.

Cũng trong thời gian đó, 212 phi vụ B-52 đánh phá các căn cứ Quân Giải phóng miền Nam.

Mười máy bay B-52 bị bắn hạ trên vùng trời Việt Nam, 5 chiếc khác bị bắn hỏng sau đó bị rơi ở Lào và Thái Lan.

Những hình ảnh tang thương, đặc biệt là cảnh hủy diệt khu dân cư Khâm Thiên và bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã làm cho thế giới giận dữ. Nixon bị nguyền rủa từ trong nước cho tới khắp nơi trên thế giới. Chính phủ Thuỵ Điển so sánh chính quyền Nixon với bọn phát xít. Chính phủ Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Bỉ cũng lên án các vụ ném bom. B-52 đã giết chết hơn 1.600 thường dân Việt Nam trong khi cả hai phía đều tuyên bố là chiến thắng.

Đêm 28-12-1972, Tướng Giáp duyệt bản Thông cáo Chiến thắng do Cục Tuyên huấn dự thảo, theo đó: “Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 77 máy bay hiện đại, trong đó có 33 máy bay B-52; 5 F-111; 24 phản lực; 3 máy bay trinh sát; 1 máy bay lên thẳng; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ”.

Sáng 29-12-1972, các đài báo cho phát bản Thông cáo nói trên và Báo Quân Đội Nhân Dân đăng xã luận gọi “chiến công vĩ đại” này là “trận Điện Biên Phủ trên không”.

Tướng Giáp cho rằng chiến thắng B-52 đã làm cho “hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Mỹ sụp đổ theo”. Ông dẫn chứng bằng bức thư Nixon gửi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thúc ép phải ký Hiệp định Paris.

Tuy nhiên, bức thư mà Tướng Giáp trích dẫn trong cuốn sách của ông đã được Nixon viết một ngày trước khi cuộc ném bom Hà Nội diễn ra.

Hiệp định Paris

Việc Nixon thúc ép Sài Gòn chấp nhận bản Hiệp định của Kissinger diễn ra từ nửa cuối tháng 10-1972. Trong bức thư do Tướng Haig mang tới Sài Gòn vào ngày 19-12-1972 này, theo Kissinger, đích thân Nixon viết thêm vào cuối thư: “Cho phép tôi nhấn mạnh lần cuối rằng Tướng Haig không đến Sài Gòn để thương lượng với Ngài. Đã đến lúc chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết trong đàm phán với kẻ thù của chúng ta, và bây giờ Ngài cần phải quyết định xem Ngài muốn tiếp tục giữ mối quan hệ đồng minh của chúng ta hay Ngài muốn tôi tìm kiếm một giải pháp với kẻ thù chỉ để phục vụ lợi ích của Mỹ mà thôi”.

Thái độ can đảm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho những sứ giả của Nixon khâm phục. Ngày 20-12-1972, ông Thiệu mới trao cho Haig bức thư mà Kissinger coi như “một lời từ chối đề nghị của Nixon”. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rút lại sự phản đối đối với các điều khoản chính trị, nhưng không chấp nhận các lực lượng Bắc Việt Nam tiếp tục có mặt ở miền Nam. Sự “can đảm” đã khiến ông phải trả giá.

Ngày 2-1-1973, trong một cuộc họp kín, với tỉ lệ 154/75, khối nghị sĩ Dân Chủ tại Hạ viện đã thông qua việc cắt toàn bộ quỹ dành cho hoạt động quân sự ở Đông Dương; tỉ lệ này trong nhóm nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện là 36/12.

Ngày 8-1-1973, khi Kissinger gặp Lê Đức Thọ ở Gif-sur-Yvette, các nhà báo có mặt khắp nơi, theo mô tả của Kissinger: “Lê Đức Thọ luôn từ chối bắt tay tôi trước mặt công chúng. Bề ngoài, có vẻ không có người Việt Nam nào mở cửa chào đón tôi. Cánh cửa đàm phán chỉ đơn giản được mở bởi một người nào đó bên trong. Điều đó đã tạo ra nhiều câu chuyện trên các phương tiện truyền thông về một không khí lạnh nhạt sau các cuộc ném bom của chúng ta. Trên thực tế, mối quan hệ bên trong, ngoài con mắt theo dõi của báo giới, lại khá tốt đẹp. Tất cả người Bắc Việt đều xếp hàng chào đón chúng tôi. Lê Đức Thọ rất nhanh nhẹn, hệt như phong cách một doanh nhân trong ngày đầu tiên, đẩy mạnh sự thân mật đó khi chúng tôi bắt đầu đạt tới thỏa hiệp”.

Ngày 9-1-1973, Lê Đức Thọ chấp nhận đề xuất ngày 18-12-1972 của phía Mỹ.

Kissinger viết: “Ông ta đồng ý với bản thảo khi nó giữ đúng với lập trường ngày 23-11-1972 tại cuối phiên họp đầu tiên sau bầu cử, trong đó có cả 12 điểm thay đổi ông ta đã thừa nhận. Ông ta đồng ý việc chúng tôi thành lập khu vực phi quân sự, điều mà vào tháng 12-1972, ông ta đã cứng rắn bác bỏ”.

Ngày 13-1-1973, các nhà đàm phán Mỹ và Việt Nam ngồi xen kẽ với nhau, ăn cơm; Lê Đức Thọ và Kissinger nâng cốc.

Tướng Haig được phái đi Sài Gòn vào tối hôm sau, 14-1 với tối hậu thư nhấn mạnh Mỹ sẽ ký Hiệp định mà không có Thiệu nếu cần thiết. Nhưng Kissinger viết: “Chúng tôi vẫn không nhận được sự đồng ý của con người nhỏ bé nhưng gan góc ở Sài Gòn - Tổng thống Thiệu. Nixon quyết định thuyết phục”.

Mãi cho đến ngày 20-1-1973, sau khi có thêm áp lực của hai thượng nghị sĩ từng ủng hộ Sài Gòn, ông Thiệu mới đồng ý ký vào Hiệp định.

Ngày 15-1-1973, Nhà Trắng tuyên bố ngừng ném bom. Ngày 23-1, Kissinger và Lê Đức Thọ gặp lại ở Paris để “hoàn tất Hiệp định”.

Cuộc họp bắt đầu lúc 9 giờ 35 phút, ông Lê Đức Thọ đưa ra “điều khoản cuối cùng”, yêu cầu phía Mỹ đảm bảo một cách chắc chắn về việc sẽ viện trợ kinh tế cho miền Bắc. Kissinger cho rằng điều đó chỉ được thảo luận thêm khi Hiệp định đã được ký kết.

Lúc 12 giờ 45 phút ngày 23-1-1973, cả hai ký tắt vào các văn bản rồi rời phòng họp, ra ngoài bắt tay nhau trước ống kính phóng viên.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh Việt Nam chính thức được 4 bên ký kết ở Paris. Nhưng hòa bình đã không thực sự diễn ra sau đó.

[Phụ Lục Đánh & Đàm, BÊN THẮNG CUỘC, quyển II, Quyền Bính].

HUY ĐỨC 02.12.2023

Đọc thêm Phần I: Huy Đức - Henry Kissinger

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.