Những ngày mới qua Pháp tôi được anh Nguyễn Thới Lai, ngành Hóa học, dẫn đi đây đó giới thiệu vài người quen và đưa đến sân tennis.
Đang nói chuyện với anh Lai tại sân thì một anh da ngăm đen, tướng bặm trợn, chạy tới hỏi thằng Vân mà Lai nói đây hả? Giời ơi, ốm vậy? Phải mập lên mới đủ sức chịu lạnh. Tôi có một chồng hộp gan béo ngoài xe, chốc lấy về mà ăn!
Ông bạn bặm trợn đó tên Nghiêm Xuân Hải, một người tôi sẽ giao thiệp gắn bó nhiều trong thời gian bên Pháp, và để trong tôi nhiều dấu ấn. Một lúc sau anh Lai về trước, anh Hải giữ tôi lại, đưa về tận nơi ở và nhất định bắt phải lấy chồng hộp gan béo. Trên xe anh nói mấy bạn Việt Nam mới qua dễ thương, mà rụt rè quá! Rụt rè khiến mình co lại, mất cơ hội. Tây cũng không thích rụt rè. Người tốt không nói, có những người thấy mình rụt rè lại lấn tới, giành phần mình, ăn hiếp mình.
Sau lần ấy, hai anh em dần dần thân nhau hơn.
Khoảng hơn tháng sau, giờ cơm trưa tại căng-tin, anh Hải tới bàn vỗ vai, chiều thứ bảy ghé nhà tớ ăn phở, có đủ anh em. Tàn cơm trưa, anh Lai ghé phòng thí nghiệm uống tách cà-phê và kể nhiều chuyện về cuộc sống bên Pháp, về trường Orsay, về giới người Việt.
- Thằng Hải là dân ở đây lâu đời, như thổ địa rồi. Nó qua sớm, ngóc ngách nào cũng biết, bươn chải đủ mọi nghề. Chiều nay nó rủ tới nhà ăn phở, cũng là một nghề của nó, hồi đi học nó nấu phở bán tiệm. Tên nó là Nghiêm Xuân Hải, ông già nó là Nghiêm Xuân Việt. Thằng Vân mầy chắc biết mấy ông Nghiêm Xuân?
Tôi giật mình. Gia tộc Nghiêm Xuân nổi tiếng đại gia khoa bảng, không kể các người nổi tiếng xa xôi như Nghiêm Xuân Thiện, Nghiêm Xuân Hồng, Nghiêm Xuân Quỳnh là giáo sư trường Dược, thầy của chị tôi! Nghiêm Xuân Việt, ba anh Hải, là người thứ nhì dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, sau Nguyễn Văn Vĩnh!
- Còn nữa, Hải là con rể ông Hoàng Xuân Hãn! Nhà nó danh giá, nó qua đây sớm, mình qua sau mà nó chịu chơi với mình là nó tốt, nó bình dân, nó chơi với mình là mình cám ơn nó rồi. Có chuyện gì cần thằng Vân mầy có thể nhờ cậy nó.
Trong lần họp bạn dùng Phở đó, tại căn nhà gần ga Le Guichet, anh Hải giới thiệu tôi với hai bác Hãn và được hai bác mời lên căn nhà tại đường Théophile Gautier, Paris. Từ đó về sau, bác thường biểu tôi lên đó ăn cơm bàn chuyện này chyện nọ.
Anh Hải giảng dạy Toán tại trường đại học Orsay. Anh siêng sửa chữa vặt trong nhà và làm giỏi. Bác Hãn có căn nhà tại Trouville đặt tên Pháp là Manoir d’Aubonne, tên Việt là Cam Tuyền Dã Thự. Thỉnh thoảng anh Hải rủ tôi ra đó cùng sửa chữa lặt vặt với anh, qua đó tôi học được cách làm hồ, làm đồ sắt, gắn bản lề cửa. Anh chăm chỉ học từ tôi nghề mộc mà tôi yêu thích và khá rành rẽ từ những năm trung học. Bác Hãn cũng tham gia các việc nhẹ, có lần bác sửa nắp bồn cầu.
Vốn là người quyết liệt, đã định làm gì là theo tới cùng, có lần anh Hải chuẩn bị ra Cam Tuyền Dã Thự sửa mấy cánh cửa, hai anh em đang ăn sáng, uống sữa thì bác Hãn gái hỏi có thể dời lại tuần sau để tuần này làm vài việc gấp. Anh Hải nói nếu không có việc khẩn cấp thì trời sập anh cũng không thay đổi chương trình. Khi anh ra chuẩn bị xe, bác Hãn gái nói cháu đi lại thân với nó, khuyên nó bớt gàn giùm bác! Lần khác, anh rủ tôi chơi tennis. Ra sân, thấy tuyết đêm qua còn sót lại, anh chở tôi về nhà lấy dụng cụ xúc tuyết ra cào sạch tuyết để chơi tennis cho kỳ được. Bác Hãn gái cười nói chỉ có thằng Hải mới có sức khỏe làm được vậy thôi!
Lần kia hai anh em đi công việc, anh Hải tạt ngang gặp một thanh niên trẻ hơn tôi khoảng mười tuổi. Trên đường về Orsay…
- Vân biết Trần Hà Anh không?
- Dạ biết! Anh Anh Năng lượng Nguyên tử, chị Mai cấy mô em có gặp vài lần bên Sài Gòn!
- Người chúng ta vừa gặp là Trường Sơn, con Hà Anh. Tôi và Hà Anh là bạn rất thân. Lúc đi học, Hà Anh rủ tôi tham gia hoạt động, tôi thì nhác, không theo Hà Anh, cứ trốn tránh. Tôi thấy Hà Anh là người có lý tưởng, lại giỏi nữa, hoạt động vậy mà học rất giỏi. Sau này Hà Anh về nước, con Hà Anh thiệt thòi so với con chúng tôi. Về chính trị có thể tôi có ý khác, nhưng tôi phục Hà Anh dấn thân, quyết đi theo con đường của mình. Tôi thấy tôi phải đền bù cho bạn nên tôi để Trường Sơn ở căn nhà của tôi tại Paris. Vân nhớ nhé, không phải tôi cho Trường Sơn ở, mà tôi trả nợ tôi mắc với Hà Anh!
Anh Hải và tôi im lặng nhìn nhau!
Ngày tôi rời Paris sang Vancouver, một ngày tháng giêng, anh Hải mời tôi về nhà chào hai bác Hãn, hai anh em ngồi trên lầu ăn xúc xích uống rượu vang ngó ra vườn sau phất phất tuyết. Anh nói anh thấy bác Hãn là người Việt đầu tiên áp dụng cách viết bài công bố khoa học vào các công trình khảo cứu văn chương và sử học. Và anh nói quả quyết
- Tôi sẽ tiếp sự nghiệp của bác.
Những ngày gần đây, giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng cho biết anh Hải học chữ Nôm, sang Đức dự hội nghị để làm việc cho kho sách của bác Hãn. Tôi điện thoại một người bạn ở Orsay thì được xác nhận rằng sau khi về hưu anh Hải học chữ Nôm! Đúng là anh Nghiêm Xuân Hải cào tuyết năm xưa!
Tướng mạo, phong thái, cách nói chuyện của ba mươi mấy năm trước như còn đó mà con người rất nhất quán ấy đã vĩnh viễn rời chúng tôi một tháng rưỡi rồi!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 15.11.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.