Tất cả dân Trung Hoa lục địa được dùng trong hệ thống theo dõi những người hàng xóm, dưới sự kiểm soát của 90 triệu đảng viên. Tất cả mọi chi tiết về cuộc sống từng cá nhân đều được ghi giữ trong “hồ sơ tín nhiệm xã hội”...
Ngày 4 tháng Hai, 2023, một trái ba lông của Trung Cộng bay qua trên nhiều căn cứ quân sự, bị Mỹ bắn rớt khi bay ra Đại Tây Dương. Mỹ đã phản đối, bãi bỏ chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Bây giờ, sau khi nghiên cứu xác của trái banh được vớt lên, Tướng Pat Ryder thuộc bộ Quốc phòng Mỹ mới xác nhận các “khí cụ thám thính” trong trái ba lông đều thuộc loại ai cũng có thể mua được, từ các cửa hàng ở Mỹ. Nó cũng không chụp, không ghi hay nghe lén một bí mật nào, không gửi một thông tin nào về nước Trung Quốc.
Ông Blinken mới mở lại chuyến đi giao hữu, vụ trái ba lông coi như đã chết. Nhưng “chết vẫn chưa hết chuyện.” Vì ông Joe Biden lại khui ra. Ông tổng thống vui miệng khi nói cho các người ủng hộ nghe, kể rằng ông Tập Cận Bình, chủ tịch Cộng sản Trung Quốc, rất bực mình trong vụ ba lông này. Vì ông ấy không hề biết có những trái bóng của Trung Quốc lại bay sang tận bên Mỹ. Ông Biden nói tiếp, “các nhà độc tài rất bực mình” nếu chính họ không biết có chuyện gì xảy ra ở bên dưới.
Ông Biden chỉ nói một sự thật. Bất cứ người lãnh đạo nào, dân chủ hay độc tài, cũng phải bực mình khi cấp dưới đã làm gì đó khiến ngoại trưởng một nước khác bãi bỏ cuộc viếng thăm, mà chính mình không biết. Nhưng bộ ngoại giao Trung Cộng đã phản ứng mạnh mẽ. Chỉ vì ông Biden nói rằng ông Tập Cận Bình “độc tài!”
Có lẽ đây là lần đầu tiên một ông tổng thống Mỹ nói một lãnh tụ Trung Cộng là độc tài. Thường họ tránh không dùng danh hiệu đó. Khi Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân ra lệnh tàn sát các sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, Tổng thống George H.W. Bush khuyên người Mỹ, “Đây là lúc nên thận trọng!” Tốt nhất không nên phê phán một lời nào. Năm 2019, Bắc Kinh đàn áp tàn nhẫn dân Hồng Kông biểu tình, Tổng thống Donald Trump vẫn gọi Tập Cận Bình là bạn.
Ông Joe Biden đã phá lệ. Ông phơi bày một “sự thật trần trụi” mà các người đi trước không muốn phô ra. Cho nên, Bà Mao Ninh (毛寧) phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Kinh đã “bày tỏ nỗi bất bình và phản đối mạnh mẽ” trước hành động “gây hấn chính trị” bằng những lời “phi lý và vô trách nhiệm” của ông tổng thống Mỹ!
Chính phủ Mỹ có thể bào chữa. Họ vẫn thường giải thích bằng cái tật nói nhịu của ông Joe Biden. Cứ phân trần rằng trong đầu ông Biden đinh khen Tập Cận Bình là một con người “dân chủ,” nhưng nên miệng nói nhịu ra chữ “độc tài!” Mới hôm rồi ông Biden tuyên bố “Putin thua trong chiến tranh Iraq!” Thật sự ông định nói “chiến tranh Ukraine.” Người nghe ai cũng hiểu ý ông muốn nói gì; vì biết tật nói nhịu của ông. Thế nào cũng có lúc ông Biden nói nhịu, “Ông Trump thắng năm 2020;” khi người nghe hỏi lại, ông mới chữa, “Tôi muốn nói ông Trump thua!”
Nhưng Tòa Bạch Ốc không cải chính hai chữ “độc tài” ông Biden gọi Tập Cận Bình. Phát ngôn viên Vedant Patel trả lời các nhà báo rằng lời ông Biden nói rất dễ hiểu, không có gì cần giải thích thêm. Ngoại trưởng Antony Blinken còn đổ dầu vào lửa, tuyên bố trên đài CBS: “Ông tổng thống luôn luôn nói thẳng thắn, trực tiếp. Ông ấy nói rõ ràng, nói thay cho tất cả chúng ta.” Blinken còn kể lại: “Trong chuyến đi vừa rồi tôi đã nói với người Trung Quốc rằng ‘chúng tôi sẽ tiếp tục … nói những điều quý vị không thích, cũng như quý vị sẽ tiếp tục … nói những điều chúng tôi không thích!’”
Trên tất cả thế giới, hơn bẩy tỉ người, có một nhân vật quan trọng công khai bất đồng ý kiến với ông Biden. Ông Chris Hipkins, thủ tướng New Zealand, đang chuẩn bị chuyến đi thăm Trung Quốc, được nhà báo hỏi ông có đồng ý với ông Biden là Tập Cận Bình độc tài hay không. Hipkins trả lời ngay: “No!” Và nói thêm, “Trung Quốc theo thể chế chính trị thế nào là chuyện để người dân nước họ quyết định.”
Đó chính là vấn đề!
Dân chúng Trung Quốc không có quyền quyết định thể chế chính trị nước họ! Từ năm 1949, đảng Cộng sản đã giành quyền quyết định thay cho hơn một tỉ con người.
Cương lĩnh đảng Cộng sản nói nhiệm vụ chính yếu của đảng là “xây dựng nền chuyên chính dân chủ nhân dân” và “chống chế độ dân chủ tư sản.” Năm 1949, trên đường vào chiếm Bắc Kinh, Mao Trạch Đông đã đọc bài diễn văn “Về Chế độ Chuyên chính Dân Chủ Nhân Dân.”
Nói chế độ Trung Cộng độc tài, chuyên chế là mô tả cho nhẹ bớt. Muốn nói đúng, phải gọi đó là một chế độ “toàn trị” (totalitarian). Zbigniew Brzezinski, cố vấn Tổng thống Jimmy Carter, đưa ra sáu đặc điểm của một chế độ độc tài toàn trị: Một ý thức hệ chính thức duy nhất; một đảng độc quyền, thường do một người cầm đầu; đảng kiểm soát công an mật vụ; kiểm soát các cơ sở truyền thông; quân đội; và cả nền kinh tế.
Dân Trung Quốc hiện phải chấp nhận chủ nghĩa Mác xít, tư tưởng Mao Trạch Đông, không có lựa chọn nào khác; đại hội đảng năm 2017 ghi thêm “tư tưởng Tập Cận Bình.” Từ năm 2012 họ Tập đã thắt chặt gọng kìm kiểm soát dân, với mạng lưới chụp hình, quay phim ở tất cả các nơi công cộng, nhà ga, bến tàu, phi trường, ngã tư đường.
Năm 2018, Quốc hội sửa hiến pháp xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước; để Tập Cận Bình có thể giữ chức suốt đời. Coi tỉ số phiếu bầu, với 2.958 phiếu thuận, chỉ có ba phiếu trắng cũng đủ thấy ách độc tài chuyên chế cứng rắn thế nào. Các chức vụ khác của Tập Cận Bình, tổng bí thư và chủ tịch quân ủy trung ương cũng đồng thời thay đổi để kéo dài suốt đời. Stalin, Mao Trạch Đông sống lại cũng phải chịu thua, “bái Tập vi huynh!”
Tập Cận Bình dùng hệ thống công an mật vụ thanh trừng các đồng chí, bắt các người không đồng ý kiến giam trong các trại “lao cải;” và tập trung, cưỡng bách lao động từ một đến ba triệu người thiểu số Uighur. Các tín đồ Pháp Luân Công bị cấm hành đạo, bị theo dõi hoặc giam cầm. Theo đài BBC, một sự kiện luôn luôn diễn ra dưới chế độ cộng sản Trung Quốc là nhiều công dân bỗng dưng biến mất, gia đình đi tìm hỏi ở đâu cũng không ra. Sau đó một thời gian, người mất tích bỗng được xuất hiện, thú nhận những “tội lỗi” của mình, và bị kết án tù. Hiện tượng này đã bắt đầu ở Liên Xô từ thời Stalin, được học tập và áp dụng ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn.
Tất cả dân Trung Hoa lục địa được dùng trong hệ thống theo dõi những người hàng xóm, dưới sự kiểm soát của 90 triệu đảng viên. Tất cả mọi chi tiết về cuộc sống từng cá nhân đều được ghi giữ trong “hồ sơ tín nhiệm xã hội”: đi học hay làm việc ở đâu, có mấy con, đã bao nhiêu lần bị cảnh sát phạt, bè bạn với ai, công việc thế nào, hay ăn, uống những thứ gì, ở đâu, vân vân. Mục đích của việc ghi chép trong “hồ sơ tín nhiệm xã hội” là đo lường mức độ trung thành với Đảng của mỗi người; biến toàn dân thành “chỉ điểm,” khiến mọi người cảm thấy lúc nào cũng bị theo dõi, bị đe dọa, vì thế sẽ “tự kiểm soát” chính họ. Hệ thống “liên gia” của Tần Thủy Hoàng, Lý Tư không thể nào hữu hiệu bằng!
Với ngân sách bí mật và vô giới hạn, đảng Cộng sản kiểm soát tất cả các báo, đài, kiểm duyệt các mạng xã hội. Trong năm 2017, hơn 128.000 trang mạng xã hội bị khóa. Mỗi ngày lại có thêm những chữ “cấm kỵ” để các mạng xã hội tự động cắt bỏ các thông tin theo “lề bên trái.” Thí dụ, mấy ngày qua những chữ “ba lông,” “độc tài,” đã bị kiểm duyệt. Bắc Kinh còn muốn thò cánh tay ra khắp thế giới; khống chế một tờ báo chữ Hán ở Australia không chịu theo đường lối của đảng Cộng sản bằng cách đe dọa những công ty đăng quảng cáo trên báo này. Âm mưu đó bị phá vỡ khi chính tờ báo phơi bày sự thật.
Chế độ cai trị của Tập Cận Bình mang đủ các đặc tính “độc tài toàn trị” như ông Zbigniew Brzezinski mô tả. Nhiệm vụ của các nước tự do dân chủ là nói sự thật đó ra cho cả thế giới và người dân Trung Quốc cùng biết. Ông Joe Biden đã nói thẳng; ông nên nói lại nhiều lần nữa. Chỉ có sự thật mới giúp con người thoát khỏi ách độc tài toàn trị. Sự sụp đổ của chế độ Sô Viết ở nước Nga chứng tỏ điều đó.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 02.07.2023)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.