1. Bakhmut vẫn đứng vững dù rất nguy ngập
Hoặc nói ngược lại, dù rất nguy ngập nhưng Bakhmut vẫn đứng vững.
• Bản tin của Đại bản doanh các lực lượng vũ trang Ukraine hôm qua:
Trục Bakhmut: Địch tiếp tục tiến công vào thành phố Bakhmut. Quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công ở vùng lân cận các khu định cư Bakhmut, Khromove và Ivanivske (vùng Donetsk). Vasyukivka, Zaliznyans’ke, Orikhovo-Vasylivka, Bakhmut, Ivanivske, Chasiv Yar, Dyliivka, Kurdyumivka, Maiors’k, và New York (vùng Donetsk) cũng bị địch tấn công.
• Bản tin của Đại bản doanh các lực lượng vũ trang Ukraine hôm nay:
Trục Bakhmut: Kẻ thù tiếp tục tấn công và xông vào thành phố. Những người bảo vệ của chúng ta đã đẩy lùi các cuộc tấn công trong các khu vực định cư Orikhovo-Vasylivka, Dubovo-Vasylivka, Bakhmut và Ivanivske. Bondarne, Zaliznyanske, Orikhovo-Vasylivka, Dubovo-Vasylivka, Bakhmut, Ivanovske.
• Reuters vừa mới viết:
“Giao tranh đang diễn ra suốt ngày đêm ở Bakhmut... Tình hình rất nguy cấp,” Volodymyr Nazarenko, phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, nói với Đài phát thanh NV của Ukraine.
“Họ không đếm xỉa gì đến tổn thất của mình khi cố gắng chiếm thành phố bằng những cuộc tấn công. Nhiệm vụ của các lực lượng của chúng tôi ở Bakhmut là gây ra càng nhiều tổn thất cho kẻ thù càng tốt. Mỗi mét đất của Ukraine khiến kẻ thù phải trả giá bằng hàng trăm sinh mạng.”
Trong 24 giờ qua, các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi hơn 170 cuộc tấn công tại 5 khu vực chính của tiền tuyến, nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết trên YouTube vào tối thứ Năm.
Zhdanov mô tả người Nga đang cố gắng bao vây Bakhmut từ phía bắc, đông và nam và ông nói rằng khi tiếp cận thành phố theo hướng tây “đây có lẽ là phần duy nhất của khu vực Bakhmut mà lực lượng của chúng tôi, chứ không phải quân chiếm đóng của Nga, có thế chủ động.”
Nga – bên đã mất một nửa diện tích lãnh thổ chiếm được từ Ukraine vào nửa cuối năm 2022, cho biết việc chiếm Bakhmut sẽ là một bước tiến tới chiếm phần còn lại của Donbas vốn là vùng công nghiệp quan trọng. Còn phía Ukraine cho biết thành phố này có giá trị chiến lược hạn chế nhưng muốn làm cạn kiệt lực lượng Nga.
Bình loạn : Không chỉ tui mà còn nhiều bác khác thường hay phân tích tình hình chiến sự, cũng chỉ ra rằng Bakhmut có diện tích nhỏ và vị trí không quá quan trọng. Việc Putox cố xua quân chiếm thị xã này cho thấy thực sự Nga quá bế tắc và lúc này không thể đưa ra một mục tiêu nào có tính chiến lược. Chúng ta nhận thấy tính phi lý của câu chuyện: rõ ràng là họ huy động rất nhiều quân (các thông tin cho thấy có thể đến 200.000 quân) nhưng phải đóng rải ra suốt một mặt trận dài 1.200 ki-lô-mét và sâu cũng từ vài chục đến trăm, hai trăm ki-lô-mét đến hơn.
Trước năm 2022, Nga chiếm 42.000 km2 lãnh thổ Ukraine (Crimea, và một phần Donetsk và Luhansk), và chiếm thêm 119.000 km2 sau cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 3 năm 2022, tổng cộng là 161.000 km2 hay gần 27% lãnh thổ Ukraine. Đây là số liệu của Wikipedia, còn theo tờ Guardian thì Liên bang Nga hiện kiểm soát 103.600 ki-lô-mét vuông lãnh thổ Ukraine (hoàn toàn ở phía nam và phía đông), chiếm 17% của Ukraine vốn có diện tích 595.700 ki-lô-mét vuông.
Như vậy từ chiến dịch mùa thu năm ngoái người Ukraine đã thu hồi về được 10% diện tích của mình bị Nga chiếm (59.570 ki-lô-mét vuông). Hiện nay để chiếm giữ diện tích lãnh thổ trên của Ukraine, Nga đang sử dụng khoảng 2 người lính cho 1 ki-lô-mét vuông nếu bằng lòng với con số 200.000 quân. Tuy nhiên thường thì câu chuyện không như thế. Họ sẽ tập trung vào giữ các chiến tuyến, chẳng hạn với chiều dài suốt dọc mặt trận là 1200 ki-lô-mét và chiều sâu trung bình 20 ki-lô-mét, như vậy họ có khoảng 8 đến 9 người lính – thôi thì cho là 10 người đi, chỉ để giữ 1 ki-lô-mét vuông (một ô vuông mỗi chiều 1 ki-lô-mét).
Như vậy thì rõ ràng là, chỉ khi phía Ukraine đúng là không đủ quân và vũ khí chứ nếu cứ tấn công thì chỗ nào cũng vỡ với mật độ như vậy. Câu chuyện thực tế là người Nga đã dồn một quân số đông vào một chỗ để tấn công – chẳng hạn bác nào nói hôm nọ là họ dùng đến 4 sư đoàn – không rõ khái niệm “sư đoàn” trong trường hợp này là như thế nào nhưng có thể ước tính là họ dùng thường xuyên hàng ngày cỡ vài nghìn đến một vạn để tấn công vào Bakhmut.
Từ ngày 01/01/2023 đến hôm qua, Nga mất thêm 43.885 sinh mạng binh sĩ chỉ để chiếm 6 – 700 ki-lô-mét vuông.
Điều phi lý ở đây là một quân đội thứ hai thế giới, xét về quy mô là nhất, mà sau một năm chiến tranh chỉ có thể duy trì duy nhất MỘT mục tiêu tấn công tạm gọi là chiến lược, thêm khoảng một chục các mục tiêu cấp LÀNG khác, còn thì căng sức ra để giữ trên khắp mặt trận.
• Trong một diễn biến khác, bản tin của Ukraine trong hai ngày liền đều ghi nhận quân Nga đang tiến hành bố trí khí tài kỹ thuật và lắp đặt hàng rào chống tăng ở các khu dân cư giáp biên giới Gorkovskii và Novostroevka – Vtoraya (vùng Belgorod, Nga).
Bình loạn : Nếu việc bố trí phòng ngự chống tăng chỉ riêng một khu vực như thế này thì còn phi lý nữa, vì nó không mang lại ý nghĩa chiến thuật nào cả. Hay nó được dùng để bảo vệ mục tiêu gì đó quan trọng? Hâm à, thời nào rồi mà người ta còn tấn công kiểu đó, ngay gần nhà người ta thế thì một quả pháo là xong chứ có gì đâu. Xin xem bản đồ đính kèm theo bài này.
Nhưng nếu mai, kia, kìa… mà Nga tiếp tục đặt các răng rồng cự mã dọc theo biên giới thì đúng là thú vị và lại có chuyện để nói. Putox quá giỏi, chuyển lửa về quê hương rồi kìa. Bây giờ thì lại đang phải đi rào dậu nhà mình. Sao bảo đông Ukraine là đất của mình cơ mà? Người La-tư đã có thơ rằng:
Dù ai rào dậu ngăn sân,
Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Tìn (Khu-tìn tức Putox, he he).
2. Cơ hội nào cho nước Nga?
Giữa tháng Hai có một báo cáo được tiết lộ, theo đó ông Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết 97% quân đội Nga hiện đang tham chiến ở Ukraine, nhưng dù thế Nga vẫn chưa thể hiện nhiều tiến bộ trong cuộc tấn công của mình. Con số này cho thấy Nga không có nhiều binh lính thiện chiến mà họ có thể gửi tới Ukraine để lật ngược tình thế. Bộ trưởng Quốc phòng Anh còn cho biết gần như toàn bộ quân đội Nga đã có mặt ở Ukraine, khiến Nga khó có đủ binh sĩ được huấn luyện tốt để giúp khắc phục tổn thất trong cuộc chiến.
Và họ vẫn không thể thoát ra khỏi tình thế hiện tại. Lực lượng bổ sung duy nhất còn lại của Nga sẽ chỉ là những tân binh, lực lượng đã thể hiện rằng họ không thể chiến đấu hiệu quả. Về binh lính được tuyển từ các tù nhân, họ đã bị sử dụng làm bia đỡ đạn và hầu hết đã chết. Ngoài ra từ 500.000 đến cả triệu người Nga đã rời khỏi đất nước, làm cạn kiệt thêm nguồn quân dịch.
Bình loạn : Câu “gần như toàn bộ quân đội Nga đã có mặt ở Ukraine, khiến Nga khó có đủ binh sĩ được huấn luyện tốt để giúp khắc phục tổn thất trong cuộc chiến” có vế sau nghĩa là Nga túm được cháu lính nào ủn ngay ra chiến trường cháu ấy, và ra đó thì chúng nhanh chóng… biến mất.
Đây mới là điều đáng sợ nhưng lại chắc chắn mang lại thất bại cho Nga cuối cuộc chiến: chưa ai đánh to cả, cả Nga lẫn Ukraine, nhưng tổn thất mỗi ngày đến cả nghìn quân.
Trước đây khi tui viết “Nga dám rút rỗng tất cả các hướng phòng thủ chiến lược” (cả quân lẫn khí tài) ít bác tin, có bác còn lên mạng công khai chế giễu và cho rằng thứ nhất là tui chém, thứ hai là Nga khổng lồ, làm gì có chuyện như thế. Hôm trước có nguồn nói rằng “80% nguồn lực quân sự Nga đã quẳng vào chiến tranh Ukraine” tui có bình loạn: nói 80% còn là tử tế - vì nhiều đơn vị của nước này ở các hướng, bị rỗng ruột lâu rồi. Họ chỉ còn cái vỏ đơn vị thôi, còn lại toàn nhân viên tạp vụ với mấy người già.
Đừng hỏi nguồn thông tin, chuyện này tui biết từ giữa năm ngoái họ đã bắt đầu huy động đủ thứ từ các đơn vị sâu trong nội địa, thậm chí vũ khí cá nhân còn bị trấn lột. Ô tô thì lộ cộ đến mấy vẫn bị lôi đi sạch. Xe bọc thép thì kể cả những thứ sinh thập niên 1960 cũng tha đi bằng hết. Hồi đó mà chỉ còn mấy ông già thì đến bây giờ chẳng có căn cứ nào cho thấy họ lại bổ sung cho các đơn vị đó cả.
Như vậy, về mặt quân sự mà nói hiện nay nước Nga là dễ tổn thương nhất – nếu có bất cứ một xung đột vũ trang nào. Chẳng hạn nếu Trung Quốc đòi các vùng đất của Nga ở Viễn Đông đã bị mất vào thế kỷ XIX trở về trước, Nga không có khả năng giữ được.
3. Về chuyện anh chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp sang Trung Quốc và một số chuyện ngoài lề.
Tối hôm kia khi nói chuyện riêng với một số bạn bè trên Facebook, tui cho rằng việc Lukashenko sang Trung Quốc sau chuyến đi sứ của Vương Nghị tới Mátxcơva, là một biểu hiện của sự lo lắng. Chuyến đi này chắc chắn không liên quan gì đến Putox, vì nếu cần thăm dò cái gì thì Putox của Lavrov sang (Lavrov chứ không phải là tay vô nghĩa Medvedev nhé).
Còn nếu cử ai đó sang Trung Quốc mà ĐÁNG NGẠI NHẤT là trường hợp Shoigu hoặc Gerasimov đi. Khi đó thì ai cũng sẽ thấy sợ.
Hôm đó tui nói với mấy người bạn: anh chủ nhiệm tìm đường tạo phản, chứ chẳng phải gì khác. Các bác đó đều thấy lạ và hỏi lại: sao mà phản Putox cho được, khi mà quân đội Nga thì mạnh, quân đội Belarus thì yếu như thế? Cũng chẳng yếu – họ có đến 50.000 quân và luôn sẵn sàng huy động được đến quân số 70 – 80.000. Trong khi đó Nga hiện nay đang rất yếu và trong trường hợp muốn đè bẹp Belarus, không có khả năng.
Sau đó thì nhận xét của Bi-bi-xi như thế này: “Các nhà quan sát đã coi chuyến đi của Lukashenko tới Bắc Kinh là một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc đóng cửa với Nga và các đồng minh.”
Lukashenko chắc hẳn cảm thấy rất rõ chỗ dựa của mình lâu nay (và cũng là mối đe dọa thường xuyên nhất) đang rất lung lay. Điều đó vừa là nguy cơ, vừa là cơ hội. Về vị thế quốc tế nói chung, nước này đã quá lâu phụ thuộc vào Nga Putox nên nó là một con cờ trên bàn cờ địa chính trị của Nga, chứ không thể là một tay chơi. Đồng thời với vai trò “con rối của Putox” thì về cá nhân mà nói, sinh mạng chính trị của anh chủ nhiệm nông trang tập thể phụ thuộc vào sinh mạng của Putox.
Bây giờ mà không tìm chỗ dựa mới, thì chẳng còn lúc nào nữa.
Hôm đó tui còn bình loạn, với tay chủ nhiệm hợp tác xã, cao thủ nhất là tìm cách bí mật đến Kyiv mà khấu đầu tạ tội với Zelenskyi, sau đó nhờ Zelenskyi giúp lật các thế lực của Putox trên đất Belarus. Thời điểm này người ta đánh giá Nga chỉ có thể duy trì được một nhóm quân dưới 5.000 ở Belarus và theo các bản báo cáo của phía Ukraine thì không có những dấu hiệu cho thấy nhóm quân đó có khả năng tấn công vào Ukraine.
Thậm chí ngay cả việc duy trì quân để ép Ukraine bố trí một lực lượng cần thiết để bảo vệ thủ đô Kyiv, như thế cũng là không đủ. Vì vậy có thể nói rằng, quân số của Nga duy trì ở Belarus khả năng cao là để phòng nước này “có biến”, Putox sẽ cần quân để dập ngay.
Tạm thời lúc này chưa hội đủ các điều kiện để “phản” và chủ nhiệm hợp tác xã vẫn chỉ là đi nghe ngóng, thăm dò… nhưng tui ngờ rằng tình hình có thể biến chuyển bất cứ lúc nào, và Chủ nhiệm cũng sẽ phải xoay sở bất cứ lúc nào. Chẳng hạn một ngày, Putox… biến mất.
• Về quan hệ Mỹ – Kazakhstan
Cách đây vài hôm khi ông Blinken thăm Astana, bác nào đưa tin hai nước này đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Nghĩ bụng: Trung Quốc đã từng tuyên bố là “đừng bác nào đụng vào Ca-dắc-xtan của tôi!” – bây giờ Mỹ làm như vậy Trung Quốc phải nhảy cồ cồ lên rồi chứ.
Hôm nay tìm mãi chẳng thấy tin đó ở đâu. Còn trên Reuters thì thuật lại: Ông Tileuberdi (bộ trưởng ngoại giao nước này) cho biết tại cuộc họp báo hai bộ trưởng rằng Kazakhstan vẫn duy trì chính sách đối ngoại “đa chiều” nhằm cân bằng mối quan hệ với Nga với các quốc gia khác. “Chúng tôi không nhìn thấy hoặc cảm thấy bất kỳ rủi ro hay mối đe dọa nào từ Liên bang Nga vào lúc này,” ông nói.
Bình loạn : Cuộc chiến của Putox ở Ukraine cũng sẽ đặt các nước này (Trung Á Liên Xô cũ) vào tình thế phải đắn đo lại mọi chuyện. Nga Putox chưa đánh nhau ai cũng sợ và muốn dựa, bây giờ thì thân ốc chưa lo được mình ốc, ngoài anh chủ nhiệm hợp tác xã, thì hàng loạt các anh khác đã bắt đầu rục rịch.
Quá trình phân rã của hệ thống vệ tinh quanh Nga Putox bắt đầu quá trình rời rạc và không những thế, nó còn cho thấy Trung Quốc chắc chắn phải tính đến việc có hành động cụ thể và quyết liệt hơn trong thời gian tới, nếu như không muốn bị đẩy vào tình thế bất lợi thêm nữa về địa chính trị.
• Với tình hình Moldova, cần đánh giá thận trọng. Theo báo chí Tây Phi có vẻ khoái trá vì có cái đảng nào thân Nga đứng sau giật dây. Còn đây là tờ “Độc Lập” của Anh quốc đưa cách đây 2 ngày:
“Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ thứ hai được tổ chức tại Chisinau trong vòng hai tuần và diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về những nỗ lực gây bất ổn cho Moldova, nước láng giềng của Ukraine.
Vào ngày 13 tháng 2, Tổng thống Sandu đã tuyên bố là có một âm mưu của Mátxcơva nhằm lật đổ chính phủ nhằm đặt quốc gia này “dưới sự dàn xếp của Nga” và khiến quốc gia này trật khỏi lộ trình hướng tới gia nhập liên minh 27 quốc gia EU. Nga bác bỏ mạnh mẽ những tuyên bố của bà.
Đứng sau các sự kiện này là Đảng Shor, vốn cũng là lực lượng khởi xướng một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ vào mùa thu năm ngoái đã làm rung chuyển Moldova – một ứng cử viên thành viên của Liên minh châu Âu kể từ tháng 6 năm ngoái – khi nước này phải vật lộn để quản lý một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi Mátxcơva cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Cũng trong khoảng thời gian đó, chính phủ Moldova đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp của nước này tuyên bố Đảng Shor là bất hợp pháp. Văn phòng công tố chống tham nhũng của nước này cáo buộc các cuộc biểu tình được tài trợ một phần bằng tiền của Nga.
Bình loạn : Nếu cái Đảng Shor này và các lãnh đạo của nó nhằm lúc Putox đang thua trên chiến trường để tổ chức lật đổ, thì thật không khôn ngoan tí nào. Lúc này là lúc Nga Putox không thể cứu được họ, hoặc hậu thuẫn được họ. Nếu như có đảo chính quân sự mà chính quyền hợp pháp của bà Sandu bị lật đổ, khả năng cao là Rumani sẽ tham gia vào câu chuyện. Với 1.000 quân Nga ở Transnistria, dọa Moldova thì còn được chứ đã dính người Ukraine hay Rumani vào thì sức mấy.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cảnh cáo rằng “bất cứ hành động nào đe dọa lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở vùng ly khai Transnistria sẽ bị coi là tấn công trực tiếp Mátxcơva.” Mátxcơva tuyên bố sẽ đáp trả bất cứ “hành động khiêu khích nào” của Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO nhằm chống lại lực lượng hòa bình của Nga ở Transnistria.
Nhưng sau đó thì Ukraine vẫn triển khai quân dọc theo biên giới quốc gia của mình với cái nước cộng hòa tự xưng Transnistria này. Ngày 28/02 thư ký báo chí của Lực lượng Phòng vệ miền nam Ukraine Natalia Gumenyuk cho biết, quân đội Ukraine đã triển khai lực lượng dọc theo toàn bộ biên giới với Transnistria và nói thêm: “động thái thích hợp trước mối đe dọa có thể xảy ra về mặt kỹ thuật từ Nga.”
Bình loạn : Từ hôm đó đến nay, bất chấp “lằn ranh đỏ” đã bị vi phạm nhưng Nga Putox vẫn chẳng dám làm gì.
4. Hôm nay không đoán mò mà tui xin viết mấy điều này:
• Thứ nhất, tui cũng cảm thấy không phải cho lắm khi gằn hắt với các bác tỏ ra hơi bi quan chút về tình hình Bakhmut. Hiện nay Nga chẳng còn tấn công được chỗ nào khác ngoài chỗ đó, nên việc quan tâm đến nó là chính đáng. Xin các bác thứ lỗi.
• Thứ hai, quá trình phản công của người Ukraine đã bắt đầu rồi: các kho hậu cần sâu trong hậu phương quân Nga, các căn cứ ở Crimea… thậm chí những mục tiêu nằm trên đất Nga cũng bị các lực lượng nào đó tấn công. Chẳng hạn ở Kolomna hôm qua một tổ hợp sản xuất tên lửa Kinzhal và Kalibr bị tập kích… Quá trình này có thể phải diễn ra trong một thời gian khá dài (cả tháng hoặc hơn).
• Thứ ba. Lúc nào thì người Ukraine phản công? Tui cho rằng với họ, mùa lầy lội rasputitsa là phù hợp vì nếu các bác để ý thời gian qua lượng xe bọc thép của Nga bị bắn cháy rất lớn, lớn hơn số xe tăng nhiều. Ví dụ như hôm qua bị bắn cháy đến 20 chiếc (do quy mô tấn công của bộ binh tăng) đưa tổng số bị diệt lên 6.658 chiếc. Con số cách đây tròn 1 tháng là 6.382, tức là gần 300 chiếc trong vòng 1 tháng.
Đó là tổn thất mà người Nga khó có thể bù đắp được trong thời gian ngắn. Chúng ta còn nhớ đã có lần trao đổi với nhau rằng, người Nga đã tổn thất gần như toàn bộ lực lượng tốt nhất của mình trong nửa năm đầu của chiến tranh, trong đó ngoài quân số tinh nhuệ, còn là những phương tiện tốt nhất và bây giờ là những phương tiện lộ cộ.
Mùa bùn lầy sẽ làm cho các phương tiện thiết giáp nặng khó hoặc không di chuyển được. Như xe tăng Nga ngoài việc nằm ì do sa lầy còn nằm ì do đủ các nguyên nhân khác, làm giảm số lượng có thể tham chiến, nhưng nếu chiếc nào tham chiến được cũng bị giảm khả năng cơ động và dễ làm mồi cho đối thủ. Còn với người Ukraine, chắc chắn họ sẽ dùng chiến thuật cơ động bằng các loại xe bọc thép mới của mình. Mùa bùn lầy thì vào cỡ hết tháng Ba sang tháng Tư là bắt đầu.
PHÚC LAI 03.03.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.